Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

Mẹ thần đồng Nhật Nam thu phục con bằng yêu thương

20/11/2016 Mẹ thần đồng Nhật Nam thu phục con bằng yêu thương

[Baomoi.com] Chị Hồ Điệp luôn cố gắng lắng nghe, tâm sự, làm bạn với con nhưng tuyệt đối không nuông chiều con.

Trong chương trình T hu phục con bằng yêu thương được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/11 vừa qua, chị Phan Hồ Điệp đã chia sẻ cách trở thành người bạn đúng nghĩa của con, có thể “hiểu nhau, tin tưởng nhau và phấn đấu vì nhau”.

Chị Hồ Điệp chia sẻ, bí quyết đầu tiên đó là chơi đùa với con càng nhiều càng tốt, nói chuyện với con càng lâu càng tốt. Khi nói chuyện, chị luôn cố gắng cúi xuống để con có thể nhìn thấy mẹ. Chị không quá bận tâm đến việc con có chăm chú nghe mình nói hay không. Chị cho rằng, não của  trẻ liên tục ghi nhận ảnh hưởng của mẹ, kể cả lúc chúng không chú ý.

Chị không bao giờ quên những dịp kỷ niệm như sinh nhật con, ngày con mọc chiếc răng đầu tiên, ngày con biết đi… Tất cả được chị ghi lại trong một cuốn sổ. Khi con khôn lớn và nhìn lại những mốc đó, con sẽ hiểu tình yêu cha mẹ dành cho con.

Khác với những ông bố bà mẹ khác, chị Hồ Điệp sẵn sàng “xin lỗi con một cách thành thực”. Chị cho rằng, hành động này không hạ thấp bản thân, cũng không làm giảm quyền lực của bố mẹ. Đó là cách dạy con biết nhận lỗi, đồng thời khiến con cảm thấy bố mẹ gần gũi, không quá xa xách: “Mình cũng cho con biết rằng cha mẹ không hề hoàn hảo. Mình có nhiều khuyết điểm và mong được con bù đắp những khuyết điểm đó”.

Khi con lớn, chị cố gắng “hòa vào những sở thích của con”, từ nghe nhạc, đọc sách đến xem phim, “bàn luận về những chủ đề con quan tâm”. Chị không ngần ngại sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ và chẳng bao giờ lên án những trào lưu mà người lớn thường phê phán.

Mẹ thần đồng Nhật Nam thu phục con bằng yêu thương - ảnh 1

Chị Phan Hồ Điệp và anh Đỗ Xuân Thảo đều là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trải nghiệm nuôi dạy bé Nhật Nam được anh chị ghi lại trong các cuốn sách Yêu thương mẹ kể, Tròn một vòng yêu thương, Những khúc hát thương nhau. 

Ngoài ra, chị Hồ Điệp luôn tích cực dành lời khen cho con trước mỗi kỳ thi, khi con được giải thưởng. Chị còn bật mí cách khen ngợi khéo léo, vừa khiến bé không tự kiêu, vừa thể hiện được tình cảm mẹ dành cho bé. Thay vì nói: “Con giỏi quá, mẹ rất yêu con!”, chị sẽ nói: “Mẹ rất tự hào về con. Mẹ biết là con rất cố gắng. Nhưng ngay cả những khi con không đạt được thành tích như vậy, mẹ sẽ chỉ buồn chứ không yêu con ít hơn. Con nhớ điều đó nhé!”. Chị nhấn mạnh: “Khi mình yêu con bằng một tình yêu không điều kiện có nghĩa là mình chấp nhận con với những hạn chế. Và điều đó sẽ giúp con nghĩ rằng, tình yêu của cha mẹ không phụ thuộc vào việc con có thành đạt hay không mà đơn giản chỉ vì con là con của bố mẹ”.

Một bí quyết làm bạn cùng con khác của chị Hồ Điệp là luôn tạo cho con cảm giác an toàn. Chị luôn muốn con cảm thấy “trở về nhà là bình yên, là tuyệt vời”. Chị chia sẻ: “Có thể con không được khen ngợi, không được đón nhận, con bị chê bai ở bên ngoài nhưng không sao cả, về nhà là con có thể hoàn toàn yên tâm, bố mẹ sẽ không nói về điều đó nữa. Bố mẹ chỉ ra cho con cách thức làm thế nào tốt hơn chứ không hề công kích”.

Khi yêu cầu con, chị Hồ Điệp thường nói theo cách ngắn gọn, hài hước nhất. Khi Nhật Nam còn nhỏ, chị nhắc nhở con việc tắt điện khi ra khỏi phòng bằng trò chơi: Ghi tên bố, mẹ và Nam lên bảng, nếu ai thấy người kia không tắt điện thì sẽ đánh dấu vào tên người đó, cuối tuần tổng kết và ai nhiều dấu nhất sẽ bị hai người còn lại “phạt”. Chỉ một thời gian sau, Nam đã tự hình thành thói quen này. Các bố mẹ có thể áp dụng trò chơi này cho nhiều việc khác.

Ngay cả những lúc chê trách con, chị Hồ Điệp cũng thường kết hợp theo công thức: “Khen ngợi + nhắc nhở + động viên”. Chẳng hạn, khi thấy con bày sách vở ra bàn học, chị sẽ nói: “Mẹ thấy con học rất chăm chú, tập trung nhưng mẹ không vui khi con bày sách vở ra bàn thế này, lần sau con chú ý đến cả việc dọn dẹp sách vở nữa nhé”.

Mẹ thần đồng Nhật Nam thu phục con bằng yêu thương - ảnh 2

Khi là bạn của con, chị Điệp có thể tự tin cho Nhật Nam đi học xa mà không phải lo ngại nhiều.

Chị cũng không ngại trò chuyện về những chuyện giới tính tế nhị cùng con. Chị nghĩ ra những cách vui vẻ như gọi “bao cao su” là “ba cây sồi” và trò chuyện về “ba cây sồi” để con có thể hiểu và chia sẻ với mẹ. Chị mong muốn, những phút giây như thế sẽ giúp con có cuộc sống lành mạnh, không phải lo lắng vì không có người hiểu mình.

Bên cạnh đó, chị Hồ Điệp còn lồng ghép những điều mình muốn truyền dạy thành những đam mê của con. Chẳng hạn, khi muốn con tìm hiểu về giới tính trong khi Nam có sở trường Tin học, chị liền “đặt hàng” Nam phần mềm về sức khỏe sinh sản. Hoặc chị “đặt hàng” Nam bộ ảnh về quang cảnh xung quanh vì muốn cậu vận động nhiều hơn.

Thỉnh thoảng, chị Hồ Điệp cố tình tạo ra một cuộc “hò hẹn” với Nhật Nam. Chị nhắn tin hoặc để lại thư ghi địa điểm và Nam sẽ tự tìm đến một bãi cỏ hay một góc công viên. Ở đó, chị sẽ đóng vai “một người bà” hiền từ, biết lắng nghe và để Nam thoải mái nằm khểnh, kể chuyện.

Song song cùng điều ấy, chị Hồ Điệp cũng tích cực tạo cho con những “món quà” đẹp nhất. Đó là những khoảnh khắc ghi dấu kỷ niệm của cả gia đình: những ngày chơi rượt đuổi trên bãi biển, những đêm tối trời tắt đèn nghe chuyện ma hay những đêm ngắm trăng chờ hoa nở… Chị tin rằng những điều đó sẽ “khiến ký ức của con về bố mẹ ngập tràn lung linh”.

Là một bà mẹ tâm lý và yêu thương con đến vậy nhưng nguyên tắc cuối cùng của chị Hồ Điệp lại là “không cưng chiều con một cách thái quá”. Theo chị, làm bạn với con không có nghĩa là “nhu nhược, chạy theo các yêu cầu của con”. Chị luôn khuyến khích Nam tự lập và ít khi “làm thay, làm hộ”. Nhiệm vụ của con thì con phải tìm cách vượt qua, mẹ chỉ có thể động viên, giúp đỡ. Với chị, “sẽ thật tuyệt vời nếu kết hợp được sự thân tình nhưng vẫn trong lề lối, khuôn phép”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
Sách về tầm nhìn của Lý Quang Diệu

Sách về tầm nhìn của Lý Quang Diệu

16/11/2016

[Vnexpress] Cuốn sách gồm 10 chương trình bày những viễn kiến thấu đáo của Bộ trưởng Cao cấp Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Mỹ và thế giới.  Lý Quang Diệu...

Chia sẻ chân thành của bố Đỗ Nhật Nam

Chia sẻ chân thành của bố Đỗ Nhật Nam

30/12/2016

[vietnamnet] PGS.TS Đỗ Xuân Thảo tự nhận mình là người “nói dở” nhất nhà nên rất ít khi phát biểu trước đám đông, tuy nhiên anh đã có những chia...

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé”

Sài Gòn “Hẹn nhau ở đường sách nhé”

17/11/2016

[tuoitre] Cụm từ “Hẹn nhau ở đường sách nhé” đang trở thành quen thuộc với cư dân trẻ Sài Gòn, sau hơn một tháng đường sách TP.HCM đi vào hoạt động....

Việt Nam tham dự Hội sách quốc tế Frankfurt

Việt Nam tham dự Hội sách quốc tế Frankfurt

20/11/2016

[Zing.vn] Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair lần thứ 68 đã chính thức khai mạc tại Đức ngày 19/10. Ước chừng hơn 2 ngàn khách mời đã tham...