Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

Tay thầy trong tay con: Ấm áp tình Thầy – Trò

19/03/2018 Tay thầy trong tay con: Ấm áp tình Thầy – Trò

[ThaiHaBooks] Cuốn sách mà tôi viết cảm nhận về lần này cũng lại là một tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh. Không phải là do ấn tượng từ sau khi nghe audiobook “Đường xưa mây trắng” và đọc sách “Chỉ nam thiền tập dành cho người trẻ” nên tôi mới tìm đọc cuốn sách này của Thầy, thực ra trước đó tôi đã có biết qua về cuốn sách này, và tình cờ một lần đến thư viện tôi đã bắt gặp nó trên giá sách và mượn ngay về đọc.

“Tay thầy trong tay con” là tập hợp những bức thư của Thầy Nhất Hạnh gửi đến cho các đệ tử ở khắp mọi miền Thế giới trong thời gian từ những năm 1996 đến năm 2014. Ở phần cuối của cuốn sách còn có thêm một truyện ngắn do Thầy sáng tác mang tên “Người con trai khờ dại”.  

Ấn tượng bao trùm nhất của tôi sau khi đọc cuốn sách này chính là TÌNH THẦY – TRÒ. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu thơ này trong cuốn sách:

……………….

Thầy đã gọi tên con trong từng hơi thở

Tin rằng dù con đang lạc loài đi về bên nớ

Con cũng sẽ cuối cùng tìm ra lối trở về bên ni

Có khi thầy xuất hiện ngay giữa đường con đi

Nhưng mắt con vẫn nhìn thầy như nhìn một người xa lạ

………………..”

Tôi cảm nhận được tình cảm bao la vô điều kiện của người thầy dành đến cho học trò, dù cho người học trò ấy vẫn chưa nhận ra được tình cảm và tâm huyết của thầy, vẫn đang lạc lối rong ruổi tìm kiếm đâu đó. Đọc câu thơ này, tôi tự thấy bản thân mình cũng như vậy. Đã có biết bao nhiêu người thầy bước qua cuộc đời của tôi, nhưng vì vẫn đang mải tìm kiếm đâu đó, vì những tập khí ngã mạn, tà kiến trong bản thân vẫn còn, nên tôi đã chẳng nhận ra được thầy. Đã có biết bao nhiêu lần tôi chẳng nhớ thực hành những điều mà những người thầy của tôi dạy bảo. Đã có biết bao nhiêu lần tôi đã phụ tâm huyết của thầy. Nhưng thầy vẫn bao dung, tha thứ, và kiên nhẫn hướng dẫn lại cho tôi. Tôi tự hứa với mình sẽ tự cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với tình cảm và tâm huyết của thầy.

Kết quả hình ảnh cho tay thầy trong tay con

Xin chia sẻ thêm, gần đây tôi có tham gia một khóa tu dưới sự hướng dẫn của một vị Sư. Trong suốt khóa tu này, Sư đã vô cùng tận tình chỉ dạy cho chúng tôi từ những điều căn bản nhất và nhắc đi nhắc lại những điều cần ghi nhớ để chúng tôi thực hành. Sư có chia sẻ là Sư đã bắt đầu hướng dẫn mọi người thực hành được 8-9 năm nay, đã có rất nhiều người đến với Sư, nhưng tính đến nay chỉ có gần 100 người là vẫn thực hành được những điều mà Sư dạy bảo. Sau khi nghe Sư chia sẻ như vậy, tôi càng thấy cảm phục hơn sự kiên trì, tâm huyết lớn lao của Sư. Nếu không có những tấm lòng lớn như Sư, thì không biết chúng tôi sẽ còn phải rong ruổi tìm kiếm thêm bao lâu nữa.

Bên cạnh Tình Thầy – Trò, cuốn sách này còn đóng vai trò như một người bạn sách tấn tôi và chúng ta tu học. Khi đọc những dòng thư của Thầy Nhất Hạnh, tôi cảm thấy như đang được Thầy trực tiếp hướng dẫn cách tu tập, cũng như nhắc nhở sách tấn trong quá trình tu tập. Điều này tôi cảm nhận được rõ nhất trong bức thư mang tên “Nắm lấy cơ hội” mà tôi sẽ trích ra một đoạn như sau:

“Chúng ta có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm bản thân. Đã đành ta có tập khí cũ. Nhưng ta có thể luyện tập khí mới. Mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi buổi sáng hoặc mỗi chuyến đi là một cơ hội thực tập. Đây là cơ hội thứ mấy rồi? Ai mà biết được. Bởi vì ai mà đếm được. Nhiều lắm. Hạnh phúc là do ta. Hạnh phúc của ta không do người khác ban cho. Khổ đau cũng do ta. Khổ đau không phải do người khác trao cho ta. Biết như thế, ta không còn than phiền, không còn trách móc. Ta quyết tâm làm mới trong ta. Bởi vì một cơ hội nữa đang tới. Ta quyết không để cho nó vượt khỏi tầm tay ta.”

Thầy cũng luôn động viên chúng ta tu học trong một đoạn trích khác như sau:

“Trong chúng ta còn có những người chưa vượt thoát được vài khó khăn bản thân hoặc chưa chuyển hóa hoàn toàn những tập khí còn lại. Nhưng sự kiện này rất bình thường, chúng ta không cần lo ngại, bởi vì chúng ta biết có tu tập thì có thể chuyển hóa, dù có khi hơi lâu một chút. Tu tập và chuyển hóa không phải là vấn đề cá nhân. Nếu con còn có khó khăn thì thầy và Tăng thân sẽ tu tập chung với con để vượt thoát các khó khăn ấy: mình sẽ làm chung với nhau, con đừng lo ngại.”

Hoặc một đoạn khác Thầy còn ân cần quan tâm đến sức khỏe của chúng ta như sau:

“Các con hãy giữ gìn sức khỏe, gắng ngủ cho được mỗi đêm ít nhất là năm giờ đồng hồ. Đừng ham hố làm việc quá nhiều, dù việc làm của mình đem lại rất nhiều niềm vui. Khi nào thấy mệt thì phải tìm trốn vào một nơi nào đó và ngủ mười lăm phút hay nửa giờ. Nếu cần thì nhờ một sư anh, sư chị (hay sư em) phụ trách công việc trong một vài giờ. Đọc tới đây thì con mỉm cười và thở nhè nhẹ vài hơi cho khỏe.”

Khi đọc xong những dòng này, tôi cảm thấy như Thầy đang ôm tất cả chúng ta vào lòng bằng tình thương yêu. Và tôi cũng chỉ muốn ôm cuốn sách này vào lòng bởi vì cuốn sách dễ thương này cũng chính là hiện thân của Thầy. Ngay khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã xác định phải thỉnh một cuốn về nhà để có một người bạn luôn bên cạnh.     

Thầy Nhất Hạnh đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều về cách tu tập qua cuốn sách này. Trong đó, nổi bật nhất chính là truyền thống của Làng Mai: TIẾNG CHUÔNG – NỤ CƯỜI – BƯỚC CHÂN. Tôi đã hiểu hơn về cách thực tập nghe chuông, thở và cười, bước chân chánh niệm qua sự hướng dẫn của Thầy.

Tôi cũng vô cùng ấn tượng khi khám phá ra bản chất thực sự của Đạo Phật qua 2 đoạn trích sau:

“Năm 1996, thầy đã gửi Thông bạch tiếng chuông và bước chân về cho các chùa thuộc tổ đình và môn phái Từ Hiếu. Thầy nghĩ rằng tiếng chuông, nụ cười và bước chân chánh niệm có khả năng làm trang nghiêm (nghĩa là làm đẹp) cho mọi đạo tràng. Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ khi nào có nhiều rồng phượng, tôn tượng và bảo tháp nguy nga thì chùa mới đẹp. Có ba tặng phẩm tiếng chuông, nụ cười và bước chân thì chùa đã đẹp lắm rồi.”

“Sứ mạng của tăng thân mình là hiến tặng cho đời một đạo Bụt dấn thân, nhập thế, hữu hiệu, trong ấy giáo pháp cũng như sự hành trì được dựa trên kinh nghiệm, trên sự kiểm chứng và có thể đem tới kết quả ngay trong kiếp này, ngay trong hiện tại, một đạo Bụt không cần dựa vào một đức tin, một đạo Bụt không có giáo điều, một đạo Bụt trong đó ta chỉ học hỏi và thực tập những gì có thể được kiểm chứng.”

Cuối cùng, ấn tượng tuyệt vời nhất của tôi về cuốn sách này chính là câu truyện ngắn cuối sách “Người con trai khờ dại”. Điều đọng lại trong tôi sau câu truyện này chính là sự bao dung, sự hy sinh vô điều kiện vì một lý tưởng. Người con trai cứ khờ dại hết lần này đến lần khác bị phản bội, bị làm cho đau khổ, nhưng chàng không bao giờ hối tiếc, không bao giờ từ bỏ lý tưởng của mình. Tôi cũng sẵn sàng làm một người con trai khờ dại như vậy cho đến hết cả đời này và đời đời kiếp kiếp về sau.

Nguyễn Đức Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
Pháp tu bí mật trong “Kinh nghiệm thiền quán”

Pháp tu bí mật trong “Kinh nghiệm thiền quán”

26/01/2018

[ThaiHaBooks] Đọc "Kinh nghiệm thiền quán", tôi ấn tượng nhất về đoạn: “Chuyện kể rằng vào cuối đời, Milarepa chọn một người đệ tử thân tín nhất đi theo ông...

Cảm nhận cuốn sách ” Thiền và nghệ thuật hạnh phúc”

Cảm nhận cuốn sách ” Thiền và nghệ thuật hạnh phúc”

23/05/2017

[Thaihabooks] Em chào thầy! Em xin gửi thầy bài cảm nhận tháng này của em về cuốn sách "Thiền và nghệ thuật hạnh phúc". Thiền và nghệ thuật hạnh phúc...

Reading books together số 80: THE HERO FACTOR

Reading books together số 80: THE HERO FACTOR

20/10/2021

[ThaiHaBooks] Chủ đề sinh hoạt sách reading books together tháng 10 hướng tới ngày Doanh nhân Việt Nam với cuốn sách chủ điểm: The Hero Factor - Các nhà lãnh...

Reading books together số 77: Nguồn cội – Tìm bình yên trong gia đình

Reading books together số 77: Nguồn cội – Tìm bình yên trong gia đình

11/07/2021

Tháng vừa rồi, tôi dành thời gian để đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Tìm bình yên trong gia đình”. Đơn giản bởi tôi và nhiều chúng ta đã...