Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VĂN HÓA SÁNG TẠO

16/01/2017 XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VĂN HÓA SÁNG TẠO

Sáng tạo là yếu tố tiên quyết trong sự thành công của doanh nghiệp. Song không phải nhà lãnh đạo nào cũng đặt ra một mục tiêu về xây dựng và bảo vệ sáng tạo cùng một lúc. Tại Pixar, một hãng hoạt hình mà ngay khi khởi nghiệp, nhà sáng lập của nó là Ed Catmull đã xác định phải xây dựng và bảo vệ sự sáng tạo bằng mọi giá. Những điều mà Catmull làm cho Pixar trở thành một hãng phim nổi tiếng như ngày nay đã được ông ghi lại trong cuốn sách “Vương quốc Sáng tạo”.

Ngay khi đọc những trang đầu cuốn sách “Vương quốc Sáng tạo”, bạn sẽ thấy ngay điều khiến Pixar phát triển như ngày nay:

“Mục tiêu của tôi luôn là xây dựng một nền văn hóa tại Pixar, thứ sẽ tồn tại lâu hơn các nhà sáng lập của nó là Steve, John Lasseter và tôi”,

Đó là những gì Ed Catmull đã viết. Văn hóa Pixar: sáng tạo, bảo vệ sự mới mẻ, thành thật, thân mật… hay đơn giản là cái bàn hình vuông, tất cả đều giúp Pixar đứng vững trong cuộc chiến làm phim.

Bia_Vuong quoc sang tao_OUT_convert

Khởi đầu có lẽ là câu chuyện cái bàn. Ở Pixar trước đây có một cái bàn hình chữ nhật do chính Steve Jobs đặt mua. Hàng ngàn cuộc họp đã diễn ra trong một thập kỷ xung quanh chiếc bàn trang nhã đó. Nhưng nó có sự bất tiện và là lực cản hữu hình đối với sự sáng tạo. Những người chủ chốt ngồi ở giữa, người kém quan trọng hơn ngồi dạt sang hai bên, và thế là phân chia cấp bậc hình thành. Đối với sáng tạo, cấp bậc chẳng là gì, nhưng ngồi trên chiếc bàn chữ nhật lại khác: ở trung tâm bạn là người quan trọng và muốn lên tiếng; ngược lại càng ở bên mé ngoài bạn thấy mình kém quan trọng và chả muốn góp ý nữa. Nhận ra vấn đề này, Ed Catmull đã đề xuất một chiếc bàn hình vuông. Buổi họp đầu tiên với bàn vuông quả là như ý. John Lasseter cũng phải ngạc nhiên vì nhờ có chiếc bàn này, sự tương tác và ý kiến giữa mọi người tăng hơn hẳn so với bàn cũ. Từ đó, ở Pixar không còn chiếc bàn hình chữ nhật với bảng tên nữa. Rồi cũng từ đó, những kinh điển của Pixar bắt đầu ra đời.

Bên cạnh xây dựng ý tưởng là nguyên tắc “bảo vệ sự mới mẻ” của Pixar, mà điển hình là quyết tâm thực hiện Toy Story 2. Vốn là một dự án hạng B, Toy Story 2 ban đầu chỉ là một phim cốt truyện đơn giản, dễ đoán, không kịch tính và hài hước vô duyên. Disney đã khuyên Pixar giữ nguyên bộ phim như vậy vì chỉ là phần tiếp theo và thời gian để sửa chữa là không đủ. Nhưng với quyết tâm “bảo vệ sự mới mẻ” và “chứng minh Disney đã sai”, Pixar đã dồn toàn bộ sức lực của các nhân viên trong 6 tháng để đại tu Toy Story 2. Viết lại kịch bản, vẽ lại phân cảnh… gần như là làm lại từ đầu. Sau nửa năm, tác phẩm đã ra đời, đúng hạn và đem đến thành công vang dội. Phải nói rằng Toy Story 2 là một sự sáng tạo tuyệt vời, chứ không phải là một sự ăn theo.

Nhưng có sự cố gắng mà không có ngươi giỏi làm việc thì chưa đủ. Nhà sáng lập Pixar rất coi trọng yếu tố con người. Với ông, khi đưa một ý tưởng tồi cho một nhóm nhân viên giỏi, thì hoặc họ sẽ biến nó thành một tác phẩm kinh điển, hoặc họ sẽ loại bỏ nó và làm ra thứ tốt hơn. Đó là lý do nhóm trí tuệ ưu tú của Pixar được tập hợp lại và lập ra Braintrust với mục đích phản biện phim một cách chân thành. Steve Jobs không được tham gia bất kỳ buổi họp nào của nhóm này vì tính nóng nảy thường thấy của ông sẽ phá đi sự thành thực trong phản biện. Nhờ có Braintrust, Pixar đã hoàn thành nhiều tác phẩm kinh điển, từ Toy Story 2 đến Finding Nemo cho tới Inside Out. Sự phản biện phim là điều thường có trong điện ảnh, nếu sự phản biện không xuất phát từ lòng chân thành thì chỉ là những nhận xét mát tai mà thôi.

Chúng ta lại nhớ đến hai hãng phim huyền thoại của thế giới là Walt Disney và Studio Ghibli. Sau khi Disney qua đời, hãng phim của ông lâm vào khủng hoảng tới hai lần. Và Ghibli cũng đang mắc cảnh tương tự khi những nhà sáng lập nghỉ hưu. Trong khi đó, những nhà sáng lập Pixar không còn vẹn nguyên khi Steve Jobs qua đời, song Hãng vẫn đứng vững trên phim trường. Có thể thấy văn hóa Pixar mà Jobs, Catmull và Lasseter xây dựng đã giúp hãng vượt qua những khó khăn, không phụ thuộc vào bộ óc những nhà sáng lập và tự nối tiếp truyền thống để làm nên những tác phẩm kinh điển.

Vương quốc sáng tạo - Ed Catmull
Vương quốc sáng tạo – Ed Catmull

“Mục tiêu của tôi luôn là xây dựng một nền văn hóa tại Pixar, thứ sẽ tồn tại lâu hơn các nhà sáng lập của nó là Steve, John Lasseter và tôi.” Câu nói này được nhắc đến ở đầu và cuối cuốn sách “Vương quốc sáng tạo” như một lời nhắn nhủ đến các nhà quản lý, các vị lãnh đạo. Điều quan trọng của doanh nghiệp là một văn hóa làm việc đặc trưng chứ không phải tài năng riêng lẻ của từng cá nhân cao cấp. “Vương quốc sáng tạo” không chỉ là cuốn sách dành cho những ai yêu thích Pixar hay các hãng hoạt hình, đó còn là một kim chỉ nam cho những ai đang và sẽ khởi nghiệp muốn sự sáng tạo không ngừng được tuôn ra trong công ty mình.

Nguyễn Duy Long – CLB Yêu sách Thái Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
Geshe Michael Roach mang Năng đoạn kim cương vào Việt Nam lần thứ 2

Geshe Michael Roach mang Năng đoạn kim cương vào Việt Nam lần thứ 2

21/11/2016

Khoảng năm 2000 tôi may mắn được đọc cuốn sách quý “Năng đoạn kim cương” bằng tiếng Anh tại Sydney, Australia. Phải nói thật rằng, là người đang tìm hiểu...

Reading Books Together số 59: Người Thầy đầu tiên

Reading Books Together số 59: Người Thầy đầu tiên

18/11/2019

[ThaiHaBooks] NGƯỜI THẦY THÌ LÀM GÌ? - Là người khiến bọn trẻ thắc mắc, khiến bọn trẻ đặt câu hỏi. - Là người khiến bọn trẻ biết cách bình luận -...

18h00, ngày 20/04 – Reading tour số 15 – Sinh hoạt CLB Yêu sách Thái Hà với chủ đề AQ CHỈ SỐ VƯỢT KHÓ

18h00, ngày 20/04 – Reading tour số 15 – Sinh hoạt CLB Yêu sách Thái Hà với chủ đề AQ CHỈ SỐ VƯỢT KHÓ

17/04/2017

[ThaiHaBooks] Nằm trong khuôn khổ Reading Tour, vào hồi 18h00 thứ 5 ngày 20/04, TS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đến chia sẻ chủ đề “AQ CHỈ SỐ VƯỢT KHÓ” và giao lưu cùng...

Trị liệu ung thư bằng chánh niệm

Trị liệu ung thư bằng chánh niệm

17/09/2018

[CLBYSTH] Cuốn sách “Trị liệu ung thư bằng chánh niệm” viết về ung thư nhưng điều kì diệu ở chỗ nó để lại trong em một cảm giác vô cùng...