Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

Bàn về hạnh phúc – Chúng ta nói gì về hạnh phúc?

06/05/2021 Bàn về hạnh phúc – Chúng ta nói gì về hạnh phúc?

[ThaiHaBooks] Chúng ta vẫn hay nghĩ về hạnh phúc, khát khao hạnh phúc, làm mọi điều để có được hạnh phúc. Nhưng hơn hết, chúng ta vẫn chưa thể hình dung được hạnh phúc là thế nào? “Bàn về hạnh phúc” – cuốn sách là lời chia sẻ của Matthieu Ricard – một thiền sư được mệnh danh là “người hạnh phúc nhất thế giới” về những suy ngẫm về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những phương pháp để có được hạnh phúc trong cuộc sống. 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về khoa học, nhận được nhiều học bổng, cơ hội học tập lên cao, từ bỏ công việc là một nhà nghiên cứu tế bào di truyền để lên đường tới Tây Tạng, trở thành nhà tu hành Phật giáo và là thị giả của đức Đạt Lai Lạt Ma. Matthieu Ricard đã sống trên rặng núi Himalaya từ hơn 30 năm nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Với quyết định ở lại tu viện Shechen (Nepal), ông đã cống hiến cuộc đời cho tu hành, bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự án nhân đạo ở Tây Tạng.

Ông trải nghiệm và lắng nghe rất nhiều câu chuyện trên hành trình tu hành của mình. Trong “Bàn về hạnh phúc” chúng ta sẽ được nghe kể về những tháng ngày thiền hành trong ngục của tù nhân buôn ma túy bị kết án 25 năm tại Mỹ, nghe về một người bạn của ông dù sống ở rìa làng tại Bhutan, ít khi bước ra ngoài những vẫn thanh thản và lạc quan, kể về câu chuyện của chính bản thân mình vẫn chấp nhận lạc quan để trải nghiệm hàng loạt sự cố mà có thể chúng ta sẽ chẳng thấy vui vẻ gì khi đi tàu hỏa tại Ấn Độ,… Những câu chuyện đời thường, nhưng ẩn chứa đầy triết lý sâu sắc. 

Phải chăng có tất cả mới có được hạnh phúc?

Con người vẫn hay tin rằng, hạnh phúc sẽ có khi mọi thứ đều thỏa mãn tất cả những điều ta mong muốn. Nhưng mong muốn của ta chưa bao giờ là đủ. Ta vẫn thường hay nhìn cuộc sống và khát khao hạnh phúc bằng những giá trị quan của mình. Trong cuốn sách này, Matthieu Ricard nói với chúng ta bài học rằng hạnh phúc không phải là khi ta “muốn gì được nấy trong suốt cuộc đời” vì sẽ có những lúc mình “đã có tất cả để hạnh phúc” nhưng lại không hề cảm thấy hạnh phúc. 

Hạnh phúc của cuộc đời là trạng thái an lạc từng giây phút cùng với tình yêu thương mà ta dành cho người khác. Chúng ta không coi nhẹ hạnh phúc của chính mình nhưng niềm khát khao hạnh phúc của chúng ta cũng chính đáng như bất kì ai. Mình cũng hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho ai đó. 

“Hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ lòng nhân từ cốt lõi, mong muốn chân thành cho ai cũng tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình. Đó là một tình yêu thương luôn sẵn đó, không phô trương, không tính toán. Là sự giản dị trước sau như một của một tấm lòng nhân hậu”.

Hãy thám hiểm thế giới nội tâm

Chúng ta dành hơn 15 năm để học tập, rồi học nghề, rồi tập thể dục để có sức khỏe tốt, rồi lại tiếp tục dùng sức khỏe để làm việc, cải thiện đời sống vật chất và địa vị xã hội. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực cho những điều đó. Nhưng chúng ta ít khi dành thời gian cho nội tâm của chính mình. Chúng ta có quá ít sức lực để cải thiện các điều kiện nội tâm của mình. Trong khi nội tâm có thể chính là điều kiện quan trọng để giúp ta hạnh phúc.

Khi ta không củng cố và làm phong phú nội tâm mình, góc thiên đường bé nhỏ trong ta có thể dễ dàng bị phá hỏng bởi những thất bại, chia tay, bệnh tật và cái chết. Bởi con người luôn dại dột tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa mà vẫn gặp bi kịch bởi chính con người bên trong của mình. Chúng hoàn toàn trái ngược. 

Từ đó, khi con người đối diện với nỗi đau, thường không biết làm cách nào để giảm nhẹ chúng và “chắp vá” bởi những hình thức xoa dịu tạm bợ. Không ai mang đến nỗi đau hay tiêu cực cho chúng ta, chúng ta luôn ở ngã tư đường và đều có quyền lựa chọn cho mình một hướng đi. 

“Người có nội tâm bình yên không bị đau khổ vì thất bại, cũng không bốc đồng lúc thành công. Người đó biết sống trọn vẹn những kinh nghiệm trên với nội tâm sâu xa và trải rộng, ý thức rằng những kinh nghiệm đó sẽ trôi qua và chẳng có lý do gì để bám chấp vào đó. Người đó không thể “choáng” khi mọi sự biến chuyển theo chiều hướng xấu đi và khi phải đương đầu với khó khăn. Người đó không bị rơi vào trạng thái trầm uất bởi hạnh phúc của anh ta được đặt trên những cơ sở vững chắc.”

Đừng quên tìm hạnh phúc bằng mọi giá ở bên ngoài

Chúng ta thường rơi vào tình trạng mất thăng bằng nhất mỗi khi là nạn nhân của những biến động lớn bên ngoài. Chúng ta ít khi chấp nhận những điều xảy ra bên ngoài khác với ý muốn của mình, dù cho chúng ta biết những ý muốn của mình khó có thể được đáp ứng một cách hoàn hảo.

Dù hoàn cảnh có bị đảo lộn và khó khăn như thế nào, cũng có rất nhiều cách để vượt qua. Để làm vơi nỗi khổ, chúng ta có thể học cách nhìn cuộc sống dịu dàng và khoan dung hơn. Nếu nhìn mọi sự bên ngoài bằng đôi mắt giản đơn, mới mẻ, chúng ta sẽ thấy rằng không phải mọi vật làm cho ta đau khổ, mà do cách ta bám chấp vào nó. 

Ngọc Diễm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
Đọc Thấu Tâm Can | Review sách

Đọc Thấu Tâm Can | Review sách

17/03/2021

[ThaiHaBooks] Mong muốn tìm hiểu về người khác ban đầu xuất phát từ việc chúng ta có nhu cầu dự đoán xem đối phương sẽ làm gì tiếp theo Đọc thấu...

Cách tắm theo y học cổ truyền Ấn Độ

Cách tắm theo y học cổ truyền Ấn Độ

30/05/2019

Tắm chậm theo thứ tự tay - chân - đầu, ngâm mình với lá neem, massage bằng dầu mù tạt để phục hồi cơ bắp và cải thiện làn da....

Top 10 cuốn sách giúp bạn kết nối với tiếng gọi sâu trong nội tâm

Top 10 cuốn sách giúp bạn kết nối với tiếng gọi sâu trong nội tâm

29/07/2022

[ThaiHaBooks] Nếu đang trên hành trình tìm về và kết nối sâu sắc với tiếng gọi bên trong nội tâm, thì bạn không nên bỏ qua những cuốn sách vừa...

Bí mật của nụ cười (P1): Cười mỉm kín miệng – Nụ cười bí ẩn

Bí mật của nụ cười (P1): Cười mỉm kín miệng – Nụ cười bí ẩn

21/11/2018

Khi bạn kéo giãn môi thành đường thẳng mà không nhe răng, bạn đang cố giấu thông tin. Có thể bạn đang giấu hàm răng nhấp nhô của mình. Có...