Bốn điều kiện để có được thành tựu tài lớn

Thái Hà Books
Th 6 10/02/2017

Một bộ phim Nhật Bản trước đây, nội dung kể lại quá trình tu hành của Tôn Ngộ Không. Trong phim, Đường Tam Tạng nói với Tôn Ngộ Không: “Nếu ngươi muốn theo ta học đạo, hàng ngày phải đứng yên một chỗ trong 100 ngày; đứng xong, phải quỳ ở đó 100 ngày; quỳ xong phải đưa hai tay lên trời 100 ngày; sau đó ngâm mình trong nước 100 ngày rồi đốt lửa bên người 100 ngày… Nếu qua được những thách thức trong nhiều ngày đó, ta mới dạy ngươi Phật pháp.” Tôn Ngộ Không nghe xong bèn y theo lời của Đường Tam Tạng đứng bất động 100 ngày, quỳ trên đất 100 ngày, đưa hai tay lên trời 100 ngày, ngâm mình trong nước 100 ngày… Trải qua một lần 100 ngày, hai lần 100 ngày, mười lần 100 ngày… cuối cùng, Tôn Ngộ Không đã chịu được tất cả những thử thách của những lần 100 ngày ấy, lúc bấy giờ ông ta đã thành đạo quả.

Tuổi trẻ ngày nay, chính vì không trải qua những gì mà Tôn Ngộ Không đã rèn luyện kiểu 100 ngày của nhiều lần thử thách ấy, nên mới không thể chịu đựng, không thể chịu khó, và bị quá nhiều lý do, bị ngã chấp quá nặng đã làm mê mờ chính mình. Như trên đã kể, nhiều những lần 100 ngày ấy có thể huấn luyện sức mạnh, tăng cường ý chí của chúng ta, nhưng có bao nhiêu người có thể chịu khó được như vậy?

Mỗi cá nhân đều mong muốn mình có thể thành công, học nghề, sự nghiệp, nuôi dạy con cái thành tựu. Nhưng người ta thường nói “tài lớn muộn thành”, rất nhiều thành công không thể đến dễ dàng, như một cái cây cũng phải trải qua gió dập mưa vùi trong mười mấy năm trời mới to lớn. Điều gọi là ‘Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, tức là con người không qua thời gian rèn luyện, không qua trắc trở mà muốn thành công thì thật là rất khó. Cho nên muốn thành tựu tài lớn phải có bốn điều kiện:

1. Cần vượt qua dư luận ồn ào

Con người phải trải qua các loại phiền não mới có thể thành tựu được. Ví như là một học sinh, phải hoàn tất kỳ thi đầy phiền hà, bạn cần phải chấp nhận sự thật mới có thể cố gắng, không lười nhác; là một thầy giáo hướng dẫn một vấn đề giống nhau đối với những học sinh khác nhau, phải lặp đi lặp lại nhiều lần, phải chịu được tính khí của từng cá nhân, có như vậy mới có thể trở thành giáo viên ; người thương nhân buôn bán cũng phải có thất bại, sau đó mới có thể thành công ; tác phẩm của nhà nghệ thuật làm không đạt, cũng phải làm lại đôi ba lần …

Nên có điều thế gian gọi là “nhiều người lắm chuyện”, nếu không vượt qua được lời rèm pha của người khác, không vượt qua được sự quấy rầy của ngoại cảnh, không vượt qua được các thứ phiền não, bị lún sâu trong phiền não, thì không thể nào thoát ra khỏi cảnh ngộ khó khăn.

2. Cần chịu đựng sự tức giận

Trên thế gian không có ai là vừa ý mọi nơi, vui vẻ mọi lúc, có khi những sự việc không như ý có thể liên tiếp xảy ra, mình cảm giác như chịu hết mọi nỗi oan ức. Nhưng tức giận có thể giải quyết được vấn đề chăng? Tức giận không những không thể thành tựu việc tốt, mà trái lại có thể thành ra việc xấu. Vì vậy, lúc tức giận trước tiên nên nhịn nơi cái miệng, không nên tùy tiện mắng người; lại nhịn nơi nét mặt, không nên tỏ lộ sự căm giận; rồi nhịn ở trong lòng, lòng không nổi giận, rốt cuộc sẽ không có gì xảy ra. Kinh “Bồ Tát giới” ghi, Đức Phật, lúc tu hành trong thời quá khứ, đã từng bị năm “tay chửi giỏi” đuổi theo chửi mắng, Đức Phật đi đến đâu thì chúng đi theo chửi đến đấy, nhưng thái độ của Đức Phật là “như chưa từng khởi một chút tâm nào đối với chúng”. Cách tu hành như vậy rốt cuộc Đức Phật chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên chúng ta cần xem tất cả những ngang ngược và mắng chửi bên ngoài là làm tăng thượng duyên trong sự nghiệp. Người có dũng khí, có năng lực vượt qua được những cơn phong ba bão táp của cuộc đời, vững vàng trước tất cả những công kích phá hoại của ma chướng. Khi vinh nhục khen chê có ập đến thì cũng cần nhẫn nhịn, chịu đựng, như vậy mới có thể thành tựu sự nghiệp.

3. Cần chịu được những trắc trở

Khi bị đả kích, phê bình, hãm hại, nên làm thế nào? Đi đánh nhau với người ta chăng? Hay cãi cọ với người ta? Đó không phải là cách giải quyết cơ bản.

Trong “Cảnh hành lục” có nói: “Chốc lát không thể nhịn, phiền não năm tháng tăng.” Có thể chịu được những trắc trở, chứng tỏ bạn là người có sức mạnh, có thể gánh vác việc lớn; không thể chịu nhịn được sự chê cười thì phiền não không dứt, tài lớn khó thành. Tuổi trẻ ngày nay thường tỏ ra cái dũng nhất thời của kẻ thất phu, chỉ vì một chuyện nhỏ mà rút dao chém tới, chỉ vì một câu nói đùa mà găm sâu trong lòng khó bề trừ bỏ. Không có bản lĩnh nhẫn nhục thì bất kể làm việc gì cũng không thể đạt được mục tiêu. Một câu nói đùa cũng cần tranh cãi, một chút giày vò cũng chịu không được, những thanh niên không có sức mạnh ứng phó với hoàn cảnh như vậy đều không thể gánh vác trách nhiệm, không thể tạo dựng sự nghiệp. Đức Phật nói: “Người học đạo, nếu không thể chịu đựng được chê bai mắng chửi, đối với những công kích ác độc không coi như được uống nước cam lộ thì không thể xem là người học đạo.” Chúng ta thấy chữ “nhẫn” (忍) gồm lưỡi dao (“nhận” 刃) nằm trên trái tim (“tâm” 心), từ sự cấu tạo của chữ này, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa của sự nhẫn nại. Con người nếu trong cuộc sống đời thường không bồi dưỡng sức mạnh của sự nhẫn nại, không tu tập cho thật tốt, thì chưa cần nói đến việc chịu đựng được con dao cắm vào trái tim, mà da chân chỉ bị xước một tí đã chịu không nổi, đã kêu khóc om sòm!

4. Kiên gan với thời gian

Có đôi lúc sự nhẫn nại của con người chỉ có mức độ, có thể nhẫn nại trong một năm, qua hai năm đã chịu không nổi, có thể nhẫn nại hai năm, nhưng qua ba năm thì không thể được… Thời gian nhẫn nại như vậy là chưa đủ thâm hậu, trên đời có những việc thường thường cần nhẫn nhịn một năm, hai năm, mười năm, thậm chí phải nhẫn nhịn rồi lại nhẫn nhịn nữa. Bạn phải chịu đựng với thời gian, với vật đổi sao dời, và khi con người trưởng thành như thấy được hoa nở, cũng tức là thời gian quả chín không còn cách xa nữa.

Làm người ở đời tất cả đều phải chịu đựng. Người có lòng khoảng khoát rộng mở, nhìn mọi sự cao xa, không bị sự được thua trước mắt che lấp; người có lòng hẹp hòi thiển cận thì ở đâu cũng so đo tính toán, tăng thêm phiền não, thường không thể xong việc, không thành tài lớn.

Lời bàn từ sách “Thái căn đàm”

Cái đáng quý của nhân cách là cái nằm ngoài công danh phú quý,

Điều đáng yêu của vật chất là ở chỗ tình nghĩa sâu nặng của người trao tặng,

Nhân cách được tạo nên bằng ba chữ “không ích kỷ”,

Thành công có nền tảng bởi một lời “không cẩu thả”. 

-Trích: Pháp môn hạnh phúc, Đại sư Tinh Vân

Tin liên quan

Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên

Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên

Long
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks- Cuốn sách “Tập luyện cổ họng” của tác giả Otani Yoshio là một tác phẩm đơn giản và dễ hiểu, giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng... Đọc tiếp

“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười

“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks-  Phương pháp hoàn hảo để bạn có thể vừa cười vừa tập thể dục,phương pháp coi cười là một bài tập thể dục – “Yoga cười” của tác... Đọc tiếp

Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

Long
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks- Bạn đã làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không có dư? Bạn muốn học cách quản lý tài chính cá nhân? Bạn muốn đầu tư... Đọc tiếp

Nội dung bài viết