Lựa Chọn Của Bạn Nói Lên Bạn Là Ai
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
Cuộc sống quanh ta luôn luôn tồn tại những lựa chọn, tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Cụ thể như, chẳng ai khi sinh ra lại có quyền được chọn những người cha, người mẹ theo ý mình cả. Tuy nhiên, đôi khi, việc có những người cha, người mẹ “không như mong muốn” lại chính là động lực để bạn tạo ra những sự thay đổi. Và hãy để tôi giới thiệu với bạn một trường hợp như vậy. Đó là Zak Ebrahim (Z) khi ông kể về câu chuyện phi thường của chính bản thân mình.
Cả một tuổi thơ sống dưới danh xưng là “Con trai kẻ khủng bố”, Z được nuôi dưỡng bằng những tư tưởng cực đoan và bạo lực, cũng đồng thời thường xuyên phải đối mặt với sự khinh ghét và tẩy chay của bạn bè, phải chấp nhận sống một cuộc sống chật vật không hi vọng… Cuốn tự truyện của Z kể về cuộc hành trình từ một cậu bé nhút nhát, cả thẹn đã bước ra khỏi cái bóng của người cha khủng bố, để trở thành một đại sứ cho hòa bình và đấu tranh chống hận thù và bạo lực.
Khi Z bảy tuổi
Cha Z chính là Sayyid Nosair – người được biết đến là một trong những tín đồ Hồi giáo theo chủ nghĩa thánh chiến đầu tiên nỗ lực sinh tồn trên đất Mỹ. Ông hoạt động với sự hỗ trợ từ một chi nhánh khủng bố nước ngoài, chính là tiền thân của tổ chức khủng bố tự xưng khét tiếng Al Qaeda. Cũng chính người đàn ông ấy đã bị kết tội ám sát Giáo sỹ Meir Kahane – nhà sáng lập Liên đoàn Bảo vệ người Do Thái và phải chịu án tù về hành vi của mình.
Những điều tai tiếng mà người cha gây ra dường như đã hủy hoại hoàn toàn gia đình vốn rất mực êm ấm của Z. Cuộc sống của họ chìm trong những tháng ngày đen tối, phải chịu đựng những lời đe dọa giết hại cùng với sự đeo bám của giới truyền thông và cuộc sống tạm bợ khốn cùng nay đây mai đó sau khoảng 20 lần bị buộc phải chuyển nhà.
“Chúng tôi luôn phải sống chung với những người hàng xóm nguy hiểm, không một ai trong số họ là người Hồi giáo. Tôi bị đánh ở trường vì tôi là kẻ khác biệt, bởi tôi mập, lùn và ít nói. Người ta chế nhạo mẹ tôi khi thấy bà trên phố… Tin đồn rằng chúng tôi là những người nhà Nosair bắt đầu lan truyền. Nỗi sợ hãi và tủi nhục lại kéo đến khiến chúng tôi phải chuyển nhà một lần nữa.”
Ở trường cũng vậy, không ai chào đón, không ai cảm thông, Z khi ấy mới chỉ là cậu bé 7 tuổi đã phải tự gồng mình chiến đấu với những lời thù hằn, những lời cay nghiệt, đến từ chính những người bạn học:
“Khoảnh khắc tôi xuất hiện, tất cả mọi cái đầu đều quay về phía tôi. Tất cả mọi hoạt động đều dừng lại. Và sau đó, tất cả những đứa trẻ dường như nhảy vọt ra khỏi chỗ ngồi. Chúng đẩy những chiếc ghế lùi lại, tạo ra những tiếng rít khi ma sát với sàn nhà, và nhanh chóng lao về phía tôi… Giờ đây, những đứa trẻ bắt đầu la hét, những tiếng la hét to dần. Chúng đều hỏi cùng một câu hỏi: ‘Bố mày giết giáo sỹ Kahane không?’ Dường như câu trả lời chúng muốn là có, và hẳn chúng sẽ thất vọng lắm nếu tôi trả lời là không.”
Thế nhưng, giữa đống lộn xộn sau nhiều lần chuyển nhà, sau nhiều lần bị gièm pha, bắt nạt, hình ảnh người cha vẫn liên tục xuất hiện trong tâm trí non nớt của cậu bé còn nhỏ tuổi ấy. Nỗi nhớ cha không thể nguôi ngoai, thậm chí càng trong những lúc như thế này, và sự vắng bóng của người cha có ảnh hưởng ngày càng rõ ràng hơn.
“Cha không còn ở đó để chơi đá bóng với tôi. Cha không còn ở đó để dạy tôi cách không bị chúng bạn bắt nạt. Cha không còn ở đó để bảo vệ mẹ tôi khỏi những con người ác độc trên phố.”
Khi Z lên mười
Khi đã mười tuổi và phải chịu đựng sự bắt nạt của bạn bè suốt nhiều năm trời, Z không thể tự lừa mình rằng việc bắt nạt xuất phát từ việc họ biết cha Z là ai. Cậu bé như một thỏi nam châm “hút” những kẻ bạo hành, điều này khiến cho nỗi sợ hãi dường như đã ăn sâu vào tiềm thức cậu bé. Và ngay lúc này, khi mà quá khứ tồi tệ vẫn chưa dịu đi, thì một biến cố mới lại tiếp tục xảy đến. Dù mang thân phận một tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Attica, cha của Z vẫn tiếp tục tham gia vạch kế hoạch tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới.
“Vào đầu năm 1993, từ căn buồng giam ở Attice, cha tôi đã nhúng tay vào kế hoạch cho vụ nổ bom đầu tiên nhằm tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới…gây ra vụ nổ mìn xé toạc mặt đất thành một hố rộng khoảng 30m, xuyên qua bốn lớp bê tông dày. Hậu quả là hơn một nghìn người vô tội bị thương, sáu người chết và một trong số họ là một phụ nữ đang mai thai bảy tháng.”
Vụ việc khủng khiếp đã xảy ra và cái án chung thân mà không được hưởng bất cứ sự khoan hồng nào là điều không thể tránh khỏi, Z đã mất hết hy vọng về một tương lai hạnh phúc trong những năm tháng đợi ngày cha tự do và gia đình đoàn tụ.
“Sau cái chết của Kahane, tôi có thể an ủi bản thân mình với sự thật rằng cha tôi không bị cáo buộc tội giết người và, trong trường hợp xấu nhất, ông cũng sẽ được tự do và trở về nhà vào năm 2012 (sau 20 năm tù). Nhưng với âm mưu đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới, cha tôi không chỉ nhúng tay vào một tội ác đáng ghê tởm, mà ông còn đảm bảo rằng chúng tôi không bao giờ trở thành gia đình được nữa. Cha tôi sẽ không bao giờ chơi bóng đá cùng tôi nữa. Và định mệnh đó là do ông tự mình lựa chọn. Ông chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì tình cha con, ông chọn thù hận thay vì yêu thương.”
Thật đau lòng trước hình ảnh một đứa trẻ “ngoan ngoãn, cả thẹn, vâng lời” với sự tuyệt vọng khi cố gắng tự che mắt chính mình vì không hoàn toàn hiểu hết toàn bộ nỗi kinh hoàng mà người cha khủng bố đã gây ra.
“Mất rất nhiều năm để tôi có thế thừa nhận sữ giận dữ bi thương của mình đối với cha, đối với những gì ông đã gây ra cho chính gia đình mình. Lúc đó, thực sự quá khó khăn để có thể đối mặt với tất cả sự thật ấy. Trong tôi chất chứa nỗi sợ hãi, giận dữ và ghê tởm chính bản thân mình, những vẫn không đủ dũng khí để bắt đầu tiêu hóa chúng. Sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới đầu tiên, tôi mới bước sang tuổi thứ 10. Xét về mặt cảm xúc, tôi lúc đó chẳng khác nào chiếc máy tính sập nguồn.”
“Thực lòng mà nói, trong tôi vẫn luôn tồn tại một điều gì đó khó diễn tả đối với cha, cảm giác lẫn lôn giữa tiếc nuối và tội lỗi, cho dù thứ cảm giác ấy có mỏng manh như tơ nhện đi chăng nữa. Thật khó khăn để chấp nhận người tôi từng gọi là cha đang bị giam giữ và ông hoàn toàn ý thức được rằng vợ con mình đều phải đổi tên vì sợ hãi và tủi nhục.”
Z – Cậu thiếu niên 13 tuổi
Lòng tự trọng của cậu bé thiếu niên bị dầy vò nghiêm trọng. Lời thổn thức nghẹn ngào bỗng bật lên thảng thốt khi em nhận ra người cha mà mình hằng yêu thương chọn khủng bố thay vì con cái, thêm vào đó là nỗi thống khổ khi bị bắt nạt và tẩy chay hàng ngày, về việc phải chịu đựng sống chung với một người cha dượng tàn bạo thích tra tấn bằng bạo lực… tất cả điều này đã khiến cho tâm tư của một cậu bé 13 tuổi bị dao động và nhiều lần dại dột nghĩ tới việc tự tử.
Tất cả những điều đã phải trải qua cũng đồng thời khiến cho nỗi tức giận và hận thù ngày càng đong đầy trong Z. Người ta cứ tự suy đoán, rằng một ngày không xa, cậu chắc chắn sẽ theo con đường mà cha đã đi, đó là trở thành một tên khủng bố khét tiếng khác. Song, cậu bé mười ba tuổi sớm phải trải nghiệm cuộc đời ấy lại tỉnh táo nhận ra rằng, phi bạo lực mới là cách hành xử nhân văn duy nhất đối với những xung đột, cho dù đó là loại bạo lực xảy ra trên những hành lang trường học hay là ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này.
Khi Z trưởng thành
Mười tám tuổi và bắt đầu công việc làm thêm đầu đời, thoát khỏi sự giám sát của người cha dượng độc ác, đó cũng là lúc hàng trăm con người, hàng trăm điều tuyệt vời của thế giới xung quanh bỗng chốc tràn vào cuộc đời Z. Và chính lúc này, Z nhận ra rằng, cha mình lạc lối trên con đường mà ông chọn, nhưng điều này không thể ngăn chặn Z tự tìm kiếm con đường riêng cho chính mình – một con đường khiến tất cả mọi người đều tự hào vì anh.
Z chia sẻ về việc anh nguyện dành cả đời để đi tìm hiểu nguyên nhân khiến cha mình chọn đi theo con đường khủng bố, và dằn vặt với sự thật rằng mình mang dòng máu của “kẻ sát nhân” ấy. Qua câu chuyện của mình, Z muốn làm một điều gì đó mang tính xây dựng: vẽ nên một bức chân dung về một thiếu niên được nuôi dạy trong thù hận bởi 2 người cha (một người cha ruột cuồng tín và một người cha người cha dượng thích việc tra tấn tàn bạo) song lại trưởng thành theo khuynh hướng phản đối bạo lực. Từ đó, Z đưa ra một thông điệp rằng, ai cũng có một lựa chọn. Thậm chí ngay cả khi bạn được dạy phải thù hận ai đó, bạn vẫn có thể chọn bao dung, bạn vẫn có thể chọn cảm thông.
Hình ảnh người mẹ
Trong câu chuyện xuất hiện bóng dáng của một người mẹ, một người vợ cả đời mơ về hai chữ “bình yên”. Người mẹ ấy nỗ lực bảo vệ những đứa con khỏi những sự thật khủng khiếp về tội ác của cha chúng.
“Cuộc sống của mẹ từ bình thường bỗng trở nên điên rồ, từ riêng tư trở thành bị nhòm ngó, phải trốn tránh truyền thông, phải liên quan đến chính phủ, đến FBI, đến cảnh sát, đến luật sư, đến những hoạt động tôn giáo. Như thể một giới hạn đã bị vượt qua vậy. Mẹ bước ra ranh giới ấy, và sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Mẹ không biết tương lai sẽ khó khăn đến nhường nào.”
Khi quyết định tiến tới một cuộc hôn nhân mới, bà không hề tính toán hạnh phúc cho riêng bản thân mình. Bà muốn cho những đứa con của mình một cuộc sống tươi đẹp hơn, một mái ấm hạnh phúc hơn để có thể thoát khỏi cái nhìn thù hận của người xung quanh, để có thể đảm bảo cho con cái có một tương lai sáng lạn hơn. Thế nhưng, có lẽ chính bản thân bà cũng không ngờ được rằng, quyết định vội vàng ấy lại mang đến cho những đứa con thêm một bi kịch mới. Chính người cha dượng “nghiện thể hình, nhỏ mọn và hoang tưởng” và những trò tra tấn cổ quái của hắn càng làm cho tuổi thơ của những đứa trẻ trở nên đáng thương hơn.
Hình ảnh người cha
Người cha trong chuyện cũng xuất hiện dọc trong dòng hồi ức tuyệt đẹp của tác giả. Và trước khi gây ra những tội ác không thể tha thứ, chính ông cũng chỉ là một người cha yêu thương gia đình như biết bao người cha khác:
“Một người đàn ông sùng đạo. Một người đàn ông phóng khoáng và giàu lòng yêu thương. Một người đàn ông quý mến chị (con riêng của vợ) ngay từ cái nhìn đầu tiên, người sẵn sàng quỳ xuống sàn để chơi cùng chị ngay lần đầu gặp mặt. Cha tôi là một người đàn ông nổi bật, song gầy đến thảm thương bởi cha sống trong một nhà nội trú không được phép nấu ăn. Tiếng anh của ông gần như hoàn hảo, có đôi chút trang nghiêm thái quá. Ông có giọng nói đậm chất Ả Rập. Đôi khi ông hay nói nhầm, song việc ông nói sai luôn khiến mọi người cười vui vẻ.”
“Sau khi kết thúc công việc, cha tôi sẽ cùng cả nhà đi dã ngoại ở công viên. Cha hay chơi bóng đá và bóng chày cùng tôi trên khoảng sân của trường mẫu giáo. Cuộc sống yên bình vui vẻ cứ thế trôi qua”.
“Năm tôi ba tuổi, cha tôi đưa tôi đến công viên giải trí Kennywood. Chúng tôi cùng ngồi trong những chiếc ly khổng lồ và xoay vòng quanh trong trò Dizzy Dynamo, sau đó với trò Grand Carousel, chúng tôi được cưỡi những chú ngựa được sơn màu sặc sỡ: cha tôi chọn một con ngựa đực màu vàng lướt lên lướt xuống, trong khi tôi bám chặt vào cổ một chú ngựa nâu nhỏ lúc nào cũng đứng yên. Cuối ngày, trên một chiếc tàu lượn nhỏ gọi là Lil’ Phantom, cha tôi giả vờ sợ hãi đến mức hét lớn ‘Ồ Allah, làm ơn hãy bảo vệ con và đưa con bình an đến điểm đến cuối cùng!’ Tôi biết ông làm vậy để khiến tôi phân tâm mà quên rằng tôi mới là người đang sợ hãi. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó.”
Đó là những mảng ký ức tuyệt đẹp mà người cha đã để lại cho đứa con trai của mình. Thậm chí ngay cả những tháng ngày kinh hoàng sau này cũng không thể vấy bẩn nó.
Nhưng có lẽ chính vì đã quen với hình ảnh một người cha yêu thương và vui vẻ luôn bên cạnh, thế nên đứa trẻ ngây thơ chưa thể hình dung hết về tội lỗi khủng khiếp mà ông đã gây ra. Đối với việc bị cáo buộc đã làm hại tới những con người vô tội, ông một mực phủ nhận và hết lời bào chữa trước mặt đứa con. Để tới khi biết đó chỉ là lời nói dối lặp đi lặp lại, chàng thanh niên ấy đã quyết định tự mình thoát khỏi sự ảnh hưởng của cha.
Sự bài xích của người cha đối với nước Mỹ không phải hình thành ngày một ngày hai. Nỗi cay đắng của ông tích tụ dần, được bồi đắp bởi những cuộc chạm trán ngẫu nhiên với sự thù địch và nỗi bất hạnh. Biến cố ấy, theo Z, có lẽ bắt đầu với việc ông bị một người phụ nữ vu oan tội cưỡng hiếp. Dù đã được chứng minh là trong sạch, nhưng đối với Sayyid Nosair, nỗi tủi nhục khi bị mọi người xung quanh nghi ngờ, bị tra hỏi trong chính nhà thờ nơi ông vẫn ngày ngày cầu nguyện, khiến trái tim ông tan vỡ, giống như có một khối u ác tính đang phát triển trong ông vậy. Nỗi tủi nhục khủng khiếp đến mức khiến ông ảm đạm và kiệt quệ, không còn mặt mũi đối diện hay giao thiệp với bạn bè, chỉ cô độc cầu nguyện trên tấm thảm trong phòng khách và gặm nhấm nỗi đau.
Cuộc sống càng làm cho ông đau khổ hơn. Khi ông bắt đầu tạm quên đi những tháng ngày chăm chăm cầu nguyện một cách ám ảnh sau vụ bị vu oan tội cưỡng bức, ông lại gặp tai nạn tại nơi làm việc. Đối với một người đàn ông, đặc biệt là một người theo đạo Hồi, việc nuôi dưỡng gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Sự mặc cảm và xấu hổ âm thầm dằn vặt ông.
Chính trong lúc cảm thấy xã hội quá bất công, và bản thân mình quá bất lực, ông bị “cuốn hút” bởi lời kích động tham gia những cuộc nổi loạn và tiếp viện chiến tranh Hồi giáo tại Afghanistan. Ông cảm thấy đã đến lúc thực hiện sứ mệnh của mình và coi đây chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự sùng bái của ông đối với Allah.
Trước khi tự cuốn mình vào xu hướng cực đoan, gia đình là mối quan tâm duy nhất và mãi mãi của ông, nhưng giờ đây, gia đình lại phải cạnh tranh với tình yêu ông dành cho những tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới này.
Nhân vật Sayyid Nosair xuất hiện trong câu chuyện với hai mặt hoàn toàn trái ngược, là một người bị kết tội ám sát giáo sỹ người Do Thái Meir Kahane và cùng đồng bọn thực hiện vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993, nhưng ông đồng thời cũng là một người cha hết mực ấm áp, yêu thương con cái, luôn cố gắng chăm lo, bảo vệ cho hạnh phúc gia đình. Lẽ dĩ nhiên, không ai trong chúng ta có quyền được chọn cha mẹ. Không thể trách Z, không thể đổ lỗi cho Z bởi anh sinh ra đã là con của một tên khủng bố khét tiếng. Bởi nếu được lựa chọn, tôi tin chắc một điều rằng, chính anh chỉ mong muốn có một người cha phóng khoáng và giàu lòng yêu thương mà thôi.
Kết luận
Chính bản thân tác giả, một cách cố tình, đã khéo léo dựng nên bức tranh đơn giản nhưng rõ nét về cuộc chiến tranh khốc liệt tại Afghanistan, về mâu thuẫn sắc tộc gay gắt giữa người Hồi giáo cực đoan và người Israel, về mối quan hệ lúc bạn bè lúc thù địch giữa Mỹ và lực lượng thánh chiến…
Như tôi đã từng khẳng định, ai cũng có quyền được lựa chọn con đường định hướng cho chính mình: trở thành một ai đó, như thế nào, hoàn toàn nằm ở sự lựa chọn của chính cá nhân người đó. Bởi, con người là sản phẩm từ trong suy nghĩ của bản thân họ. Họ sẽ trở thành chính những gì họ nghĩ. Z đã quyết định không đi theo con đường lầm bước của người cha, không dành cuộc đời của mình cho sự trả thù vô nghĩa và tàn độc, bởi “hận thù người khác thật mệt mỏi”, thay vào đó, anh biến cuộc đời mình trở nên đáng sống hơn khi đóng góp tiếng nói chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Chỉ 150 trang sách, đó là dung lượng quá ngắn để kể một câu chuyện dài! Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó là cả một ý tưởng lớn được tác giả khéo léo đào sâu. Bằng việc kể câu chuyện của chính mình, Zak xem ra đã tìm được cách hiệu quả nhất để truyền đi thông điệp về một thế giới yêu thương, không thù hận và không bạo lực.
Nguyễn Nhiên – Bookademy
Tin liên quan
Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên
Long
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Cuốn sách “Tập luyện cổ họng” của tác giả Otani Yoshio là một tác phẩm đơn giản và dễ hiểu, giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng... Đọc tiếp
“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười
Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Phương pháp hoàn hảo để bạn có thể vừa cười vừa tập thể dục,phương pháp coi cười là một bài tập thể dục – “Yoga cười” của tác... Đọc tiếp
Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu
Long
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Bạn đã làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không có dư? Bạn muốn học cách quản lý tài chính cá nhân? Bạn muốn đầu tư... Đọc tiếp