Trái Tim Hổ: Hành trình làm nên điều kỳ diệu

Thái Hà Books
Th 6 04/05/2018

Cuốn sách kể về một việc tử tế có thật giữa hàng vạn việc tốt trong cuộc sống này, nhưng đặc biệt hơn, câu chuyện này đã lan rộng được tinh thần thiện nguyện cho rất nhiều người, trong đó có tôi.

“Katrell (biệt danh Trái Tim Hổ) đã sáng lập Learning Tea – một dự án hỗ trợ giúp việc học tập và nơi ở an toàn cho các thiếu nữ nghèo ở Ấn Độ nhờ những cơ duyên nào? Phải chăng bởi tình yêu đặc biệt với Ấn Độ? Phải chăng bởi những lời nguyện cầu bên sông Hằng cứ mãi âm vang trong tâm trí cô lòng trắc ẩn? Phải chăng, tại xứ sở này, trong hành trình dấn thân và phục vụ, cô tìm thấy niềm an ủi nơi những người kém may mắn hơn mình?” Bạn có thể tìm thấy được tất cả lời giải đáp cho những câu hỏi ấy trong cuốn sách 283 trang này.

Từ khoảnh khắc biến thành ý tưởng, từ ý tưởng trở thành một dự án

Đến Ấn Độ trong một chuyến đi bộc phát, nhưng những gì mà Katrell chứng kiến ở nơi đây đã níu chân cô, đã chiếm một phần trong những nỗi lo toan đời thường của người phụ nữa ấy. Ở Ấn Độ, không khó để bắt gặp cảnh “trọng nam khinh nữ” bởi nó diễn ra thường xuyên và như một chuyện thông thường. Có lẽ chẳng đâu trên thế giới này, sự bất bình đẳng giới lại trở nên gay gắt tới như thế! Nhưng có lẽ chính những hình ảnh không đẹp ấy đã tạo động lực cho Katrell làm nên những điều kì diệu cho phụ nữ ở xứ sở này.

Tất cả giận dữ trong tôi bùng cháy vì cái cách đất nước này đối xử với phụ nữ; tôi giận sôi người. Mọi thứ quen thuộc đều bị xé toạc từ sâu trong lòng tôi. Điều duy nhất tôi nghĩ tới lúc này là làm thế nào để đưa cô ấy thoát ra. Tôi thề là chưa bao giờ rơi vào tình huống như vậy.

Nhưng có một điều đọng lại sau tập phim đầy bực bội này là suy nghĩ sẽ quay trở lại Ấn Độ trong khi tôi vẫn đang ở đây bắt đầu hình thành. Những sự việc ghép lại với nhau, tôi quyết định mình sẽ giúp một ai đó… Tôi sẽ tìm ra cách nào đó, kể cả phải tử chiến, để quay lại đây và làm điều gì đó cho nơi này.

Và trên hành trình trở lại Ấn Độ lần hai ấy, Katrell đã quyết định được đối tượng mà cô nên dành sự quan tâm và giúp đỡ. Đó là một cô nhi viện nơi những ngọn núi mờ sương – một nơi có khoảng 45 bé gái từ 3 đến 17 tuổi. Quá đông! Một số em may mắn có giường nhưng số còn lại ngủ ở gác xép trên những tấm lót sàn.

Đó là những bé gái kém may mắn, bị mồ côi, bị bỏ rơi vì gia đình quá nghèo, thậm chí là bị gia đình từ bỏ vì giới tính của các em. Mái ấm nơi cô nhi viện có lẽ là bến đỗ dù không đủ đầy, nhưng cũng là nơi các em sống và chia sẻ với nhau khoảng thời gian bình yên trước khi bước chân ra ngoài đời.

Họ chưa bao giờ được ăn trong nhà hàng. Họ có đi qua mấy nhà hàng trên phố nhưng không bao giờ có ý định vào bên trong. Họ sốc khi biết rằng toàn bộ thực phẩm chế biến các món ăn trên thực đơn có sẵn ở bếp và nhanh chóng được nấu nướng bày biện, dọn ra bàn. Khi người phục vụ mang bữa tối tới, họ cảm ơn anh ta đến cả nghìn lần.

Điều tương tự diễn ra khi chúng tôi đi taxi tới một đồn điền chè gần đó. Họ hét lên và cười khúc khích khi lái xe khởi động. Trước kia, họ chưa bao giờ ngồi trong một chiếc xe hơi.

Tôi sớm nhận ra, có quá nhiều thứ “chưa bao giờ” trong đời họ.

Họ chưa bao giờ tắm vòi hoa sen. Việc tắm rửa chỉ diễn ra với một thùng nước lạnh, nước thậm chí còn không có sẵn. Họ chưa bao giờ đi cắt tóc. Việc đó thường được tiến hành với một con dao cùn trong cô nhi viện. Những việc nhỏ nhặt mà chúng ta làm hàng ngày lại là những trải nghiệm vô cùng mới mẻ đối với họ. Hị chưa bao giờ có một người cha giúp mình buộc dây giày trượt như tôi. Họ chưa bao giờ dám mơ ước.

Nhưng tệ nhất là, khi đến tuổi 17, các em gái sẽ phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Không có quỹ hỗ trợ nào cho các em tiếp tục ở đây sau thời điểm này. Với những cô gái phải dời đi, điều này sẽ dẫn các em tới mại dâm, cuộc sống trên đường phố hoặc làm lao động chân tay suốt phần đời còn lại. Biết được điều này khiến cho trái tim của Katrell không yên. Năm cô gái đang chuẩn bị tốt nghiệp (sắp 17 tuổi) và Katrell nhanh chóng nhận định họ chính là điểm bắt đầu trong kế hoạch của mình.

Giáo dục mang lại sự tự do trên khắp thế giới nhưng ở Ấn Độ, đó còn là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Chính vì vậy, dự án Learning Tea của Katrell tập trung vào giáo dục cho các cô gái. Cụ thể là, nếu các bé gái trong cô nhi viện có kết quả học tập tốt, nếu muốn tiếp tục học và muốn vào đại học, Katrell sẽ dành cho họ một xuất học bổng giúp họ thực hiện giấc mơ đó. Điều này đã khiến thái độ đối với việc đến trường thay đổi mạnh mẽ khắp cô nhi viện, ảnh hưởng tới cả những em bé vẫn còn quá nhỏ để nghĩ tới chuyện tương lai.

Để được ở lại trong dự án, những cô gái phải qua được các kỳ thi ở trường. Nếu họ trượt một lần, họ sẽ có thời gian thử thách, thi lại và nếu trượt lần nữa, họ sẽ rút khỏi dự án và phải chuyển ra khỏi ngôi nhà chung.

Qua nhiều năm, Katrell nhận ra sẽ tốt hơn nếu đặt ra các kỳ vọng, đề ra các nguyên tắc và tuân thủ chúng chặt chẽ. Bạn không thể giúp đỡ tất cả mọi người và bạn không thể bắt người ta nhận sự giúp đỡ của bạn. Nói cách khác, họ phải “muốn” được giúp đỡ. Bạn không thể bắt các cô gái này vào đại học bởi đó có thể không phải là con đường duy nhất dành cho họ. Dự án Learning Tea không nhằm đến việc chỉ đích danh các cô gái nên làm gì với cuộc đời họ. Đúng hơn là dự án này đưa ra cơ hội cho một trong số họ bằng việc trao cho họ công cụ cần có để tiến lên với vào đại học, nếu đó là điều họ muốn. Nó tương tự như câu nói mà ở Việt Nam rất phổ biến, đó là “đừng chỉ cho người khác con cá, hãy cho họ cần câu và dạy họ cách câu cá”.

Và kết quả đúng là ngoài mong đợi! Những cô gái tuổi 17 ngày nào được Katrell cưu mang và định hướng con đường học tập đã và đang khiến cho người ngoài cuộc phải ngưỡng mộ. Không còn là những cô gái mới lớn hoang mang trước tương lai, giờ đây, họ đã trưởng thành và thậm chí có thể tự xây dựng một cuộc đời tươi đẹp đầy hứa hẹn cho chính mình.

Những cô gái trẻ này vượt xa mong đợi của mọi người. Một người được lựa chọn để trở thành trợ giảng trong trường đại học sư phạm, một vị trí được thèm muốn hàng đầu. Một người khác được nhận vào một trong những trường đại học danh tiếng nhất Darjeeling dành cho phụ nữ, ngôi trường được thành lập bởi tổ chức Những nữ tu của Mẹ Terrasa. Hai người được lựa chọn để đại diện trường diện kiến tổng thống Ấn Độ. Trong nhà chung còn có một đội trưởng đội bóng đá. Một cô gái nữa đã biến những điểm F thành điểm A+ sau khi chúng tôi mua cho cô ấy cặp kính. Hai người khác trong số họ hiện đang nộp hồ sơ học thạc sỹ. Trong nhà còn có một nghệ sỹ chơi Vi-ô-lông và vi-ô-lông xen. Tôi có thể kể không ngừng với niềm tự hào điên cuồng những câu chuyện về sự thành công của từng cô gái.

Sự chung tay của cộng đồng làm nên điều kỳ diệu

Không phải là một đại gia hay tỷ phú, Katrell đơn giản chỉ là chủ một quán trà nhỏ bé nhưng có nhiều khách hàng thân thiết hay ghé thăm. Cô không có đủ khả năng để tự mình lo hết cho cuộc sống của những cô gái Ấn Độ kém may mắn kia, nhưng “nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao”:

Tôi đề nghị khách hàng quyên góp tiền lẻ hoặc tiền thừa của họ vào hộp và tôi hứa sẽ dùng số tiền quyên góp ở Darjeeling để làm những việc tôi có thể làm được. Tôi mở một tài khoản tiết kiệm và cứ thứ hai hàng tuần, tôi lại chuyển vào đó khoản tiền quyên góp từ khách hàng, những người đã trở thành bạn bè từ khi mở nơi này.

Số tiền trong hộp cũng dần đầy lên trong khi khách của quán nhấm nháp cà phê và trà nóng – món mà tôi có được từ mấy cuộc du ngoạn của mình. Sau sáu tháng, quán trà nhỏ của tôi đã thu được 4000 đô la từ những người ghé quầy đọc dòng chữ và nghe những câu chuyện không dứt về các cô gái ở Darjeeling. Cộng đồng tuyệt vời của tôi đã ủng hộ tôi. Tôi vừa dành những khoản tiền riêng để lo cho chuyến đi của mình vừa đếm ngược ngày gặp lại những cô gái.

Hành động đẹp của Katrell không chỉ đơn giản là nhận được sự đồng hành của những vị khách quen trong quán trà của cô, mà hơn hết, dự án tuyệt vời mà cô theo đuổi đã lan rộng và nhận được sự tán thưởng của những người xung quanh.

Tin tức về những gì tôi đang làm lan đi nhanh chóng. Mọi góc của thành phố đều có đều có những cặp mắt theo dõi các cô gái và từng nơi chúng tôi đến, tôi đều giới thiệu về mình. Thỉnh thoảng lại có người ngăn lại và nói với tôi: “Tôi đã biết cô là ai rồi, người trợ giúp những cô bé mồ côi, người nuôi chó”.

Tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ những người dân địa phương và cả các tổ chức khác. Tôi làm quen với cả những phụ nữ quyền lực của Ấn Độ – những người ở tầng lớp cao. Họ giúp đỡ, chỉ bảo tôi trong suốt hành trình của dự án. Giống như tôi, họ tin tưởng vào bé gái đang sống trong một nền văn hóa không coi trọng phụ nữ.

Thật may là dự án với sự hỗ trợ của rất nhiều mạnh thường quân đã phát triển và đạt được thành công nhất định. Ngay sau khi bản tin truyền hình về dự án Learning Tea được phát sóng, lập tức cửa hàng của Katrell full đơn đặt hàng. Những người ủng hộ dự án một cách thiết thực nhất chính là đóng góp vào lợi nhuận của quán trà nơi Katrell làm chủ. Có quá nhiều sự đóng góp từ mọi nơi đã khiến cho Katrell thực sự bối rối và biết ơn thật nhiều. Vậy mới biết, khi làm một việc tử tế, ta cũng sẽ nhận được một điều tử tế khác.

Có một câu thơ viết bằng tiếng Bengal của Rabindranath Tagore được Katrell đặc biệt yêu thích, và nó trở thành câu châm ngôn cho cuộc đời cô. Bạn sẽ thấy, câu nói này xuất hiện trong toàn bộ cuốn sách không dưới ba lần: “Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là niềm vui. Tôi thức giấc và nhìn thấy cuộc là bổn phận. Tôi hành động và, ô kìa, bổn phận chính là niềm vui!”.

Đối với Katrell, việc thực hiện dự án không phải là một sở thích mà là một trách nhiệm. Không ai bắt buộc, nhưng tự Katrell cảm thấy mình phải có trách nhiệm với những cô gái trẻ ở Darjeeling. Sáu tháng một lần, Katrell tới đó để theo dõi sự trưởng thành và tiến bộ của những cô gái ấy, đồng thời đưa ra những chỉ đạo, những trợ giúp trực tiếp cần thiết để đảm bảo những cô gái này đi theo hướng đúng đắn.

Trong hành trình trở lại Ấn Độ thường kỳ mỗi năm hai lần, Katrell luôn cùng đồng hành với một nhóm người – những người bạn, người mới quen, người quan tâm dự án – để cùng chung tay giúp cho ngày càng nhiều cô gái Ấn Độ thoát khỏi tương lai bế tắc. Họ đi với nhau, cùng tiết kiệm chi tiêu, cùng sống trong thiếu thốn để dành nhiều quỹ hỗ trợ nhất có thể cho các cô gái mà đối với họ là hoàn toàn xa lạ kia.

Khi dự án lớn hơn, Katrell nghĩ thêm nhiều cách để cho nó phát triển hơn:

Nó đã bắt đầu bằng cái bể cá đựng tiền thừa của khách ở quầy thanh toán trong quán trà của tôi. Giờ nó đã trở thành những bữa tối Ấn Độ hàng tháng để gây quỹ, tiền bán những gói trà hay những khoản tiền quyên góp từ các cá nhân, cộng đồng, lễ hội âm nhạc, hoặc yoga.

Nhưng phần lớn nguồn tiền là từ quán của tôi, Dr. Bombay.

Những bữa tối hàng tháng ở Dr. Bombay được điều hành bởi các tình nguyễn viên. Hầu hết họ đã đến Ấn Độ ít nhất một lần. Những bữa tối mang đến cho người tham gia một nơi vui vẻ để gặp gỡ, kết bạn. Nó cũng giúp các tình nguyện viên có cơ hội để gắn kết và trao đổi với những người khác về dự án. Đây là cách giúp tôi gặp được những người hỗ trợ tuyệt vời nhất của mình, những người đã đồng hành với tôi trong nhiều chuyến đi khác nhau và thực sự góp phần mang lại tương lại cho các cô gái.

Nét đẹp trong văn hóa và lối sống của người Ấn Độ níu chân du khách

Để quên chiếc máy ảnh trị giá hàng nghìn đô la trên xe một người tài xế ở Mumbai, Katrell cảm thấy ủ rũ và chán nản, những tưởng việc tìm lại đồ là hoàn toàn vô vọng. Thế nhưng, Katrell hoàn toàn bị sốc khi người tài xế tử tế ấy mang máy ảnh tới tận khách sạn của cô để trả lại.

Nhận lời tới chơi nhà một người bạn mới quen, ngay trong bữa cơm thân mật, cả gia đình ấy đã dành cho cô một bất ngờ đầy xúc động. Họ tặng cô một chiếc đầu máy DVD với màn hình tháo rời cùng một dàn karaoke có mic đôi đứng, dù thực tế thì gia đình họ cũng không giàu có gì. Chu đáo hơn, họ cũng mua hơn 900 bài hát được dịch từ tiếng Hindu sang tiếng Anh để giúp các cô gái của Learning Tea rèn luyện thêm ngoại ngữ. Họ tặng Katrell bởi ủng hộ những hành động đẹp mà cô đang thực hiện, và họ muốn đóng góp phần tiết kiệm cả năm trời của gia đình cho một việc ý nghĩa như vậy.

Tôi thực sự ngả mũ trước Ấn Độ, trước nền văn hóa, con người và sự tử tế luôn làm tôi không hết bất ngờ của họ.

Mỗi lần rời ngôi nhà chung ở Ấn Độ, Katrell không chỉ mang theo hành lý thông thường, mà hơn thế nữa, cô còn mang theo cả tình cảm và lòng mến khách của những con người nơi đây, tất cả được cô gói gọn trong trái tim của mình.

Tiểu kết

Trái Tim Hổ là cái tên thân thương mà những cô gái trong ngôi nhà Learning Tea dành cho Katrell, bởi với họ, đó luôn là một người chị dữ dằn, sẵn sàng tấn công nhưng cũng luôn che chở cho người khác.

Với cá nhân Katrell, cô luôn cảm thấy mình chỉ làm những gì mà mình có thể. Không có giải pháp cụ thể nào nhưng cô cố gắng hết sức hàng ngày và hy vọng có thể tạo ra thay đổi tích cực nào đó, thậm chí chỉ trong giây lát. Mang lại nụ cười cho ai đó, hoặc biết chắc rằng những thiếu nữ ấy sẽ không phải xin ăn trên đường phố vào lúc này là một thành công và giải pháp cho chính thời khắc này.không một cá nhân nào có thể vỗ ngực tự hào rằng họ có khả năng cứu cả thế giới hay tạo ra một chấn động to lớn đối với một thị trấn cô lập, nhưng nhờ nỗ lực của bản thân Katrell và sự góp sức không nhỏ từ những người cộng sự tuyệt vời, Trái Tim Hổ đã cùng Learning Tea góp phần thay đổi cuộc đời của rất nhiều phụ nữ Ấn Độ qua con đường học vấn cũng như vấn đề nhận thức, nâng cao phẩm giá con người.

Tác giả: Nguyễn Nhiên – Bookademy

Tin liên quan

Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên

Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên

Long
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks- Cuốn sách “Tập luyện cổ họng” của tác giả Otani Yoshio là một tác phẩm đơn giản và dễ hiểu, giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng... Đọc tiếp

“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười

“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks-  Phương pháp hoàn hảo để bạn có thể vừa cười vừa tập thể dục,phương pháp coi cười là một bài tập thể dục – “Yoga cười” của tác... Đọc tiếp

Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

Long
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks- Bạn đã làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không có dư? Bạn muốn học cách quản lý tài chính cá nhân? Bạn muốn đầu tư... Đọc tiếp

Nội dung bài viết