Vì Sao Đất Nước Ta Còn Nghèo
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
Vì sao đất nước ta còn nghèo?Vì sao Việt Nam chưa bằng được các nước khác kể cả các nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lí trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines? Đó là những trăn trở mà tác giả Đỗ Cao Bảo, nhà đồng sáng lập, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh tập đoàn FPT suy ngẫm và lý giải trong cuốn sách gần 400 trang mà bạn đang cầm trên tay.
Rất nhiều bài viết trong cuốn sách này đã được nhiều báo điện tử, trang wed điện tử đăng lại sau khi tác giả đăng lên facebook cá nhân, đặc biệt series bài “Vì sao đất nước ta còn nghèo” đã được nhiều trang điện tử khác nhau đăng lai và nhận được sự quan tâm của bạn đọc không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nước ngoài.
“Khát vọng Việt” gồm 4 phần, mỗi phần là những bài viết ngắn gọn, dí dỏm mà sâu sắc của tác giả, người mong muốn truyền đi ngọn lửa khát vọng Việt từ người Việt Nam này tới người Việt Nam khác, từ thế hệ Việt Nam này sang thế hệ Việt Nam khác.
Phần một: Vì sao đất nước ta còn nghèo?
Trong phần một tác giả Đỗ Cao Bảo đã nêu ra nguyên nhân đất nước ta còn nghèo và đi tìm lời giải giúp Việt Nam thoát nghèo.
Mở đầu phần một của cuốn sách là bài viết “Làm giàu cho các nhân thôi chưa đủ”, một câu chuyện ngắn gọn nhưng sẽ giúp bạn ngẫm nghĩ và hiểu hơn lí do tác giả viết cuốn sách này. Ông Đỗ Cao Bảo, nhà đồng sáng lập FPT luôn ám ảnh về sự kiện ở sân bay Sheremetyevo, Moscow năm 1989.
Ở sân bay quốc tế Sheremetyevo, cảnh người Việt xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, bị cảnh sát Nga dùng dùi cui để giữ lại an ninh và cảnh ông thầy tôi vừa giơ hai tay đỡ dùi cui vừa hét lớn “”, (Tiến sĩ khoa học! Tiến sĩ khoa học! Tiến sĩ khoa học!”), đối nghịch với cảnh người Nhật nhẹ nhàng, lịch thiệp, thong dong đi trên thảm đỏ lên máy bay đã làm cho chúng tôi thấu hiểu: “Muốn được bạn bè quốc tế nể trọng, muốn dân tộcViệt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu thì nhất định đất nước Việt Nam phải giàu mạnh.
Đặc biệt, bởi một số bài viết của cuốn sách đã được tác giả đăng tải trên trang facebook cá nhân nên sau bài viết là những bình luận, chia sẻ rất thú vị của đọc giả. Khi đọc cuốn sách ta có cảm giác gần gũi và dường như được tương tác nhiều hơn, thay vì chỉ đơn thuần tiếp nhận một chiều.
Hạt nhân của phần một cũng như toàn bộ cuốn sách này được khái quát trong bài viết “Vì sao đất nước ta còn nghèo”. Trước đó, có nhiều nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều quan điểm về ưu nhược của người Việt, băn khoăn về con đường giúp đất nước phát triển. Song không vì thế mà bài viết của tác giả Đỗ Cao Bảo kém phần hấp dẫn, bởi tác giả đã lí giải nguyên nhân đất nước còn nghèo bằng góc nhìn trực diện, mới mẻ, khoa học, không sa vào phê phán hay ca ngợi một chiều. Cách trình bày quan điểm riêng của ông rất logic, sáng rõ, lập luận chặt chẽ thuyết phục.
Trước hết, tác giả phân tích nguyên nhân đất nước ta chưa phát triển so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo ông, có hai loại nguyên nhân chính: khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan:
– Chiến tranh liên miên, thiên tai địch họa đã hủy hoại nhiều dấu ấn văn minh vật chất của dân tộc, và không cho chúng ta cơ hội hưởng thái bình lâu dài để phát triển.
– Nền kinh tế tiểu nông, manh mún, thô sơ, chậm phát triển, phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết.
Nguyên nhân chủ quan:
Nhìn vào thời điểm hiện tại, theo tôi, người dân Việt hiện đại có bốn điểm yếu cố hữu cản trở sự phát triển như sau:
– Dễ hài lòng
– Tư duy nhỏ trong kinh tế
– Suy nghĩ chủ quan
– Nền tảng triết lí cho phát triển yếu
Đỗ Cao Bảo tập trung làm rõ nguyên nhân quan trọng nhất, nguyên nhân chủ quan. Dù không có cách tiếp cận liên ngành như dân tộc học, tâm lí học, văn hóa học… song những nhìn nhận, đánh giá riêng của tác giả vẫn chỉ ra được phần nào lí do chúng ta thất bại, nguyên nhân đất nước chưa thể thoát nghèo. Bằng lập luận sắc sảo, dẫn chứng gần gũi, dễ hiểu tác giả khiến bài viết không khô khan mà thu hút, dí dỏm bất ngờ.
Nguyên nhân chủ quan đầu tiên là tâm lí dễ hài lòng của người Việt. Điều đó được biểu hiện cụ thể trong những thói quen hàng ngày: thói quen lao động nghỉ nhiều hơn làm, lười suy nghĩ, lười vận động, hám danh, văn hóa đọc suy giảm…
Đỗ Cao Bảo đã phân tích dựa trên cái nhìn đối sánh với các dân tộc khác: so với các dân tộc khác người Việt có số năm làm việc ngắn hơn; phân tích từ những hiện tượng của đời sống hàng ngày: người Việt lười đi bộ, chỉ cần khaorng cách 100 mét học cũng đi xe máy, dù chỉ lên xuống 1-2 tầng nhưng không ai nghĩ đi bộ sẽ nhanh hơn đi thang máy… chính cách viết như vậy làm bài viết hấp dẫn hơn cả.
Tiếp theo, tác giả khẳng định tư duy nhỏ trong kinh tế là lí do thứ hai khiến chúng ta thất bại. Tư duy nhỏ trong kinh tế hiện hữu khá rõ ở hệ thống giao thông, tổ chức buôn bán thông qua các chợ cóc vỉa hè, chuộng tạo lập doanh nghiệp nhỏ…
Suy nghĩ chủ quan cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ trong phát triển quốc gia, bởi nó dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng: đè nén sự sáng tạo, cá nhân không phát huy được tối đa năng lực…
Việt Nam chưa thể thoát nghèo cũng là do nền tảng triết lí cho phát triển yếu. Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tư tưởng của Nho giáo, tuy nhiên hệ tư tưởng này lại bộc lộ nhiều hạn chế, sai lệch kìm hãm sự phát triển của đất nước như đánh giá thấp vai trò của doanh nhân, đánh giá sai lệch về tiền bạc, thậm chí coi khinh tiền bạc, nhìn nhận lệch lạc về con người…
Sau khi chỉ ra những điểm yếu của người Việt hôm nay, tác giả không bi quan mà vẫn luôn tin tưởng nhất định đất nước sẽ giàu.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng nhất đinh đất nước ta sẽ giàu, nhất định chúng ta sẽ đuổi kịp Thái Lan, sẽ vượt Philippines trong một thời gian ngắn không xa nữa.
Cơ sở để tôi tin tưởng bao gồm:
– Người Việt có rất nhiều ưu điểm vượt trội
– Tốc độ phát triển kinh tế 15 năm qua (2000- 2015) của Việt Nam nhanh nhất ASEAN
– Việt Nam đã có những điểm sáng vượt ASEAN
Mục đích của tác giả khi viết cuốn sách này không chỉ là đặt ra câu hỏi Vì sao đất nước ta còn nghèo mà còn là để đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo. Đỗ Cao Bảo đã nghiên cứu sâu lời giải của các học giả, các chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước, nhận ra những điểm chưa hợp lí, khả thi của chúng.
Các lời giải để Việt Nam thoát nghèo do các chí sĩ yêu nước, các học giả, các chuyên gia trong lẫn ngoài nước bao gồm:
– Nâng cao dân trí của cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu
– Học tập mô hình các nước tiên tiến Âu, Mĩ, Nhật Bản
– Học tập mô hình Singapore, Hàn Quốc
Cuối cùng tác giả tự tìm ra câu trả lời của chính mình. Đó là lời giải nâng cao dân trí- Khắc phục điểm yếu cố hữu.
Tôi sẽ không tóm tắt lời giải của tác giả vào đây, bởi tôi tin rằng đó là một phần hay, đáng đọc đầy đủ và chiêm nghiệm, vì trước hết nó được viết bởi một người có tâm và có tầm. Tôi tin câu trả lời của tác giả có thể làm hài lòng hoặc chưa thỏa mãn bạn đọc, nhưng chắc chắn bài viết “Vì sao đất nước ta còn nghèo?” sẽ gieo vào lòng bạn những cảm xúc khó quên, thắp lên ngọn lửa khát vọng đầu tiên trong bạn, một ngọn lửa cháy sáng và soi rọi.
Phần một còn có một số bài viết ngắn, sâu sắc của tác giả trình bày về thành công như “Khởi nghiệp từ gara ô tô, về khát vọng, và đặc biệt là những bài viết về giấc mơ, hành động của tập đoàn FPT, tập đoàn công nghệ thông tin số một Việt Nam với trên 30 000 nhân viên, như “Lãng mạn hay khát vọng xuất khẩu phần mềm”, “Lãnh đạo FPT chia sẻ kinh nghiệm thắng thầu quốc tế”,…
Phần hai: Mạn đàm về kinh tế
Phần hai tập hợp hơn 20 bài viết của ông Đỗ Cao Bảo về các vấn đề kinh tế, kĩ năng trong kinh doanh, khát vọng, ước mơ.
Trong phần hai, bạn đọc tiếp tục bắt gặp lối viết dí dỏm, hài hước mà sâu sắc của tác giả. Cách tác giả trình bày vấn đề cũng linh hoạt, tự nhiên và gần gũi, đó có thể là một câu chuyện, một tự truyện, một bài thống kê…
Hấp dẫn bạn đọc ngay từ những nhan đề lạ: Toàn cầu hóa: Mình chính là Tây, Bắn Pháp chảy máu- Tư duy đột phá, Tuyệt vời Watson, cuộc cách mạng thay đổi thế giới…
Thắp lửa khát vọng trong từng chia sẻ về thành công, về điều ta nên làm để giúp đất nước thoát nghèo: Có một môn học gọi là Thành công; Thất bại là tên đại bịp; Sự khác biệt giữa thành công và thất bại; Yếu tố quan trọng nhất quyết định toàn cầu hóa thành công tại một quốc gia là gì?…
Truyền lửa hy vọng qua từng tấm gương: Cô gái 8x trở thành triệu phú nhờ nghĩ lớn; Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, nghĩ lớn làm lớn, tinh thần dân tộc, nâng cao dân trí; Tại sao Jack Ma trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á…
Trong bài viết “Tay trắng liều lĩnh đi Pháp lập nghiệp”, Đỗ Cao Bảo đã trải lòng chia sẻ những tâm sự về khát vọng của chính mình, cũng như trải nghiệm mà tác giả gọi là liều lĩnh.Bài viết không dài, lối viết tự nhiên chân thành song để lại ấn tượng sâu đậm, tiếp thêm lửa cho những khát vọng Việt đang cháy sáng,
Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình thật liều lĩnh: chỉ có hai bàn tay trắng, không tiền (có 150 đô la trong túi), không tiếng Anh, không tiếng Pháp, không vốn sống quốc tế (mới xuất ngoại một lần), thế mà tôi dám sống và làm việc ở Pháp hay nói cách khác là start up ở Pháp.
Đúng là khi nghèo khổ người ta thường có chí, dũng cảm và liều lĩnh hơn.
Phần ba: Cái nhìn đa chiều về xã hội
Ở phần ba Đỗ Cao Bảo nhìn nhận về nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của đất nước.
Tác giả quan sát suy ngẫm về nhiều hiện tượng, vấn đề bức bối trong xã hội: ùn tắc giao thông: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”; Ùn tắc giao thông: giải pháp đặc biệt; Nên giúp đỡ bà con vùng lũ lụt như thế nào? ; Xếp hàng và ích kỷ…
Đỗ Cao Bảo suy ngẫm nhiều, chỉ ra nhiều cái chưa được của người Việt hôm nay ở một vài phương diện đời sống nhưng không nhằm chỉ trích mà để nêu ra giả pháp, đưa ra hướng khắc phục. Bởi vậy, mỗi dòng đều thấm đượm tinh thần nhân văn, như khi kết lại bài “Nên giúp đỡ bà con vùng lũ lụt như thế nào?”, tác giả viết:
Đã có lòng hảo tâm thì cũng nên bớt chút thời gian giám sát để tấm lòng của mình không chỉ đến đúng địa chỉ mà còn góp phần giữ tình làng, nghĩa xóm, giữ tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đừng để có tình trạng như một gia đình ở thôn Tân Thượng, một mình đứng đối lập với 400 hộ trong thôn.
Có nhiều bài viết mới mẻ, đưa tới nhiều điều xung quanh ta mà ta chẳng hay biết về đất nước mình.
Trong bài “Tỷ phú làng và làng tỷ phú”, chúng ta ngỡ ngàng với những phát hiện của tác giả về nông thôn Việt hôm nay: cách Hà Nội chưa đầy 18km là làng Đồng Kỵ- làng không đếm hết tỷ phú, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu có 600 tỷ phú ngày ngày vẫn lái xe đi thăm bò, Thanh Vân- cả làng mua ô tô từ nuôi gà, Làng cam Cao Phong đi xe Lexus, làng Mẹo quê lúa 50% là tỷ phú.
Ông bà ta có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Rõ rang nếu chúng ta chỉ tiếp xúc nhiều với những vùng quê, những cảnh nghèo đói, thiếu ăn, chúng ta sẽ thấy bức tranh kinh tế “ảm đạm, u ám”, “một bức tranh toàn màu xám”, còn nếu chúng ta tiếp xúc nhiều với tỷ phú làng, những làng tỷ phú chúng ta sẽ thấy một bức tranh kinh tế “sáng sủa hơn”, nếu không “màu hồng” thì ít ra “không phải màu xám”.
Nhật Bản, đất nước của khát vọng và ý chí vươn lên, sự thần kỳ, biểu tượng kinh tế châu Á, mà chúng ta vẫn ngưỡng mộ, chưa bao giờ nghi hoặc. Tuy nhiên trong bài “Phải chăng sự thần kỳ Nhật Bản đã hết”, tác giả Đỗ Cao Bảo nêu ra thực trạng về sự tăng trưởng chậm của đất nước vĩ đại và phân tích nguyên nhân khiến sự thần kỳ biến mất.Theo tác giả, có 4 nguyên nhân chính: nỗi nhục thua trận đã hết, dân số tăng trưởng âm, lực lượng lao động giảm, tư duy tuyệt hảo không phù hợp với thời đại công nghệ, tư duy bạn bè chiến hữu không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa.
Phần bốn: Cuộc sống sắc màu
Khép lại cuốn sách đầy tâm huyết của mình, Đỗ Cao Bảo tiếp tục khám phá thế giới muôn hình đa sắc ở nhiều góc nhìn.
Đó là suy ngẫm về “Cách dạy con tuyệt vời của tỷ phú”, với những lời khuyên hữu ích: Luôn có mặt khi chúng cần; Nguyên tắc “ba không”: không rượu, không thuốc, không xăm mình; Bố phải làm gương cho các con; Dạy con tính kỷ luật; Dạy con biết đứng lên từ vấp ngã; Dạy con hiểu về giá trị của đồng tiền và biết kếm tiền; Dạy con về lòng chính trực và nhân ái; Không bao giờ bắt con nối nghiệp cha…
Đó là phát hiện hóa ra “Truyền thông Mỹ cũng bất lương”.
Tưởng ở đâu, hóa ra ngay cả ở nước Mỹ truyền thông cũng “bất lương”. Đến cả Tổng thống Mỹ, Donald Trump, cũng bị truyền thông Mỹ “cắt, cúp, giật tít” để đưa đến không chỉ công chúng Mỹ mà cả công chúng Việt Nam một hình ảnh Donald Trump khác với con người thật của ông.
Đó là chia sẻ thú vị về “Trí óc sinh ra để làm gì”, từ việc gợi nhắc trải nghiệm của chính bản thân, tác giả còn dẫn ra câu chuyện vui về những người nổi tiếng:
Ford cũng tương tự như Einstein, nhà bác học vĩ đại người Đức không trả lời được câu hỏi rất đơn giản: “Một dặm Anh bằng bao nhiêu foot?”
Henry Ford đã trả lời trước tòa: “Tại sao tôi phải nhớ những thứ mà khi cần, chỉ một phút tôi có thể chỉ ra một trợ lí của tôi có thể trả lời tất cả các câu hỏi ấy”?
Einstein đã trả lời: “Tại sao tôi phải nhớ những con số mà khi cần tôi có thể tra được ở rất nhiều tài liệu xung quanh”?
Cả Henry Ford và Einstein đều cho rằng “trí óc sinh ra là để suy nghĩ, tư duy, phân tích và tổng hợp hơn là cái kho chất đầy những con số”.
Đó là câu hỏi “Nhiều người nước ngoài còn yêu Việt Nam, lẽ nào chúng ta lại không yêu quê hương mình?” khi biết anh bạn Nhật thích nhiều thứ ở Việt Nam. Anh bạn Singapore thích sống ở Việt Nam…
Đó là niềm tự hào về tập đoàn FPT trong bài viết “Tản mạn ngày 30 tháng 4” qua lời một bài hát vui.
Đoàn FPT một lần ra đi, ra đi ra đi áo quần không có, một thời gian khó có bao giờ quên, dưới cờ oai nghiêm ba màu bay…
Kết
“Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?” được viết bởi một người sinh ra trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, trưởng thành đúng vào giai đoạn nghèo khó nhất của đất nước, mang trong mình khao khát đưa đất nước thoát nghèo. Mỗi bài viết trong cuốn sách là ngọn lửa truyền tới thế hệ trẻ hôm nay, cách ta đọc và trao truyền, trải nghiệm những điều tâm đắc trong cuốn sách cũng là một phần của quá trình truyền lửa khát vọng.
“Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo?”, vẫn là một câu hỏi dành cho tôi, cho bạn, cho những người trẻ mang tầm vóc và trí tuệ Việt, cho một thế hệ mang bản lĩnh Việt…
Cứ mơ đi, cứ tin đi, nhất định chúng ta sẽ đạt được…
Tác giả: Thu Thảo – Bookademy
Tin liên quan
Tập luyện cổ họng – Cách tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên
Long
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Cuốn sách “Tập luyện cổ họng” của tác giả Otani Yoshio là một tác phẩm đơn giản và dễ hiểu, giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng... Đọc tiếp
“Bạn càng cười không cần lý do thì cuộc sống sẽ càng cho bạn lý do để cười” – Yoga cười
Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Phương pháp hoàn hảo để bạn có thể vừa cười vừa tập thể dục,phương pháp coi cười là một bài tập thể dục – “Yoga cười” của tác... Đọc tiếp
Bí quyết đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu
Long
Th 2 29/07/2024
ThaiHaBooks- Bạn đã làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không có dư? Bạn muốn học cách quản lý tài chính cá nhân? Bạn muốn đầu tư... Đọc tiếp