Muôn dặm không mây
Thái Hà Books
Th 5 25/07/2024
CLBYSTH - “Ngài Huyền Trang không biết có cảm giác như tôi không?”
Mình biết đến cuốn sách này hết sức tình cờ, nhân dịp tham gia phụng sự tại hội sách mà mình có duyên được 1 bạn tới mua sách giới thiệu cho cuốn sách “Muôn dặm không mây” của tác giả Tôn Thư Vân. “Em hay mua sách trên Tiki, cuốn này em muốn mua mà hết hàng lâu lắm rồi. May dịp này đi hội sách mà tìm được”. Kết thúc ngày hôm đó mình cũng tự mua tặng mình một cuốn và sau khi đọc thì mình cảm ơn bạn ấy rất nhiều vì đã giới thiệu cho mình một cuốn sách rất sâu sắc và đầy lôi cuốn. Cuốn sách không chỉ dành cho những độc giả quan tâm đến Phật Giáo. Nếu bạn không phải Phật tử thì đây cũng là một cuốn sách không nên bỏ qua.
Bản thân mình có cảm nhận đây như một cuốn du ký thu nhỏ rất sinh động, phảng phất một sự hoài niệm. Con đường tơ lụa năm xưa hiện lên sống động. Một số địa danh có những đặc điểm tương đồng hoàn toàn với một số kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua trong Tây Du Ký như Hỏa Diệm Sơn,… Ngày nay với những phương tiện di chuyển hiện đại nhưng nhiều địa điểm tác giả rất khó khăn mới có thể tiếp cận hoặc không thể tới, qua đó ta có thể hình dung năm xưa Ngài Huyền Trang đã trải qua một hành trình gian khó, bền lòng, kiên gan, dũng cảm đến dường nào để cầu chánh Pháp, thỉnh chân kinh. Hình ảnh về những nơi tác giả đã đi qua giờ không còn lạ lẫm, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều trên sách, báo, truyền hình nhưng qua những câu chuyện nhỏ mà tác giả thuật lại, người đọc có thể cảm nhận rõ ràng hơn được đặc điểm văn hóa của từng nơi đó, những tâm tư, trăn trở của người dân bản xứ cũng như của chính tác giả hiện lên rõ nét.
Cuốn sách mở ra cho người đọc một chân dung “thật” về ngài Huyền Trang – một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải là vị sư phụ mang màu sắc thần thoại trong đại thoại Tây Du Ký. Những đóng góp của Ngài đối với Phật Giáo Trung Quốc nói riêng và Phật Giáo nói chung rất là to lớn. Đức Phật thành đạo tại Bồ đề Đạo tràng trên mảnh đất Ấn Độ nhưng lịch sử của Ấn Độ lại không ghi lại chút nào về Đức Phật. Đến thế kỷ XI, những kẻ xâm lược từ Afghanistan đã tiêu diệt hoàn toàn Phật Giáo trên đất Ấn, từ đó về sau những di tích Phật Giáo linh thiêng hoàn toàn bị quên lãng, bị những khu rừng nguyên sinh hoặc những đền thờ Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo che phủ. Sau này, vào khoảng thế kỷ XIX, chính nhờ Đại Đường Tây Vực ký của Ngài Huyền Trang mà những người hiện đại đã bắt đầu rõ ràng chân tướng lịch sử rằng Phật Giáo đã từng ngự trị tại Ấn Độ hơn 1000 năm, theo đó lần tìm và khai quật được những thánh tích này. Sách cung cấp đầy đủ về vị trí, phương hướng, thông tin chuẩn xác hầu hết các thánh tích. Người dân Ấn Độ nhắc đến Ngài Huyền Trang giống như nhắc đến vị anh hùng dân tộc của mình. Ngài còn là một vị tăng đầy trí huệ, một nhân vật vĩ đại đã từng bước thuyết phục được Đường Thái Tông chấp thuận và ủng hộ việc dịch kinh văn, hoằng dương chánh pháp khắp Đại Đường của ông.
Qua các phương tiện truyền thông, Ấn Độ hiện lên với bản thân mình là một nước có nền văn hóa đa dạng, là cái nôi của Phật Giáo nhưng lại gắn liền với tội phạm, là nơi tiềm ẩn những nguy hiểm chết người đối với khách du lịch. Bản thân mình đã từng tự hỏi tại sao một đất nước với vùng đất thánh Bồ đề đạo tràng lại trở nên kinh khủng như vậy? Và cuốn sách đã giúp mình hiểu rõ ràng hơn về mâu thuẫn trong xã hội Ấn Độ, căn nguyên gốc rễ của những bạo loạn đó. Giữa thế kỷ 21, trong lòng đất nước Ấn Độ vẫn tồn tại sự phân chia giai cấp xã hội sâu sắc. Các gia tộc Bà La Môn cao quý – giai cấp tối cao trong xã hội Ấn luôn sống với suy nghĩ “Anh ta sinh ra vốn hạ đẳng, đây là vận mệnh của anh ta. Anh ta chỉ có thể phục tùng.” Những người Bà la Môn tin rằng họ sinh ra từ miệng của vị thần sáng tạo tối cao cho nên họ sinh ra là để thống trị, hưởng mọi quyền lợi trên đời, cho dù họ giết người thì luật pháp cũng không có quyền xử họ, họ chỉ cần tụng ba lần kinh Vệ Đà là có thể rửa tội. Tiếp theo lần lượt còn có các giai cấp Sát Đế Lợi, Phệ Xá, Thủ Đà La. Ngoài ra còn có một tầng lớp những người bị loại ra khỏi các giai cấp là Chiên Đà La, họ bị xem là tiện dân, họ không có những quyền con người tối thiểu, bị ngược đãi như nô lệ, mà không chỉ một đời mà nhiều đời. Mặc dù chính phủ đã định ra pháp luật để loại bỏ chế độ giai cấp nhưng sức mạnh truyền thống vượt qua qui định của pháp luật. Bên cạnh những người thuộc giai cấp thấp gây ra bạo loạn vì nghèo đói, khổ cực thì cũng vẫn có những con người thuộc tầng lớp hạ tiện này không ngừng nỗ lực để vươn lên như chàng trai Asoka mà tác giả đã gặp. Anh là một Phật tử thuần thành, anh cho biết cái vĩ đại của Đức Phật “Mọi người chúng ta đều bình đẳng. Thượng đế không thể quyết định ai cao quý, ai bần tiện. “ Anh quy y Phật “vì muốn giải thoát, giải thoát khỏi chế độ đẳng cấp, để thoát khỏi phiền não.” Mình cũng không có thiện cảm sau những lần tiếp xúc với người Ấn nhưng nhờ những hiểu biết này mà mình cũng có cái nhìn cảm thông hơn đối với họ. Họ chỉ đang hành xử theo cách mà họ cho là phù hợp, đúng đắn nhất theo đúng những kinh nghiệm sống, quan niệm sống bị chi phối sâu sắc bởi nền văn hóa lâu đời của họ.
Đất nước Trung Quốc, quê hương tác giả cũng hiện lên qua nỗi đau khổ, day dứt của từng thành viên trong đại gia đình của tác giả. Bà ngoại tác giả – một người phụ nữ phải chịu đau khổ cả đời bởi những ràng buộc mà những phong tục, quan niệm phong kiến cổ hủ quàng lên người phụ nữ. Bố của tác giả – một người chiến sĩ tận trung với cách mạng, với Mao Trạch Đông, để rồi đến cuối đời ông vẫn u uất, day dứt, băn khoăn về chính lý tưởng đó của mình. Một cán bộ lão thành từng vào sinh ra tử kiến lập một Trung Quốc mới lại đau đớn thốt ra câu nói “Nếu như có thể, con ở luôn bên đó đi!” khi con gái có cơ hội đi học ở nước ngoài. Một người cô, cùng với nhiều thanh niên khác ra đi theo tiếng gọi của chính quyền, khai khẩn đất hoang vùng Tân Cương khi đó, khi tới nơi mới phát hiện ra một thực tế khắc nghiệt hoàn toàn trái ngược, và không thể trở về. Họ luôn hối hận về quyết định ảnh hưởng cả đời mình. Vết thương này vẫn kéo dài sang cả thế hệ con họ, khi gia đình họ không thể hòa nhập được với văn hóa bản địa nơi đó, nhưng cũng cách xa quê hương họ diệu vợi. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chùa chiền, kinh sách, pháp bảo bị phá hủy, các vị tăng, ni bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập, bắt lấy chồng, lấy vợ để hoàn tục.
Có một điều mình cảm nhận rõ qua cuốn sách, xuyên suốt hành trình tây du theo dấu chân Ngài Huyền Trang năm xưa, dù tác giả không phải là một Phật tử cũng đã nhận ra được và cảm khái đối với sự vô thường, biến thiên của vạn vật đất trời. Rất nhiều địa danh năm xưa qua những lời văn miêu tả trong Đại Đường Tây Vực Ký đồ sộ, hoành tráng, nhộn nhịp thì nay nhiều nơi đã trở thành cát bụi, hoang phế hoặc biến mất hoàn toàn, có thể do chính bàn tay con người, có thể do sức mạnh tự nhiên. Ngay như Trung Quốc, một đất nước với bề dày văn hóa nhưng rất nhiều ngôi chùa Phật Giáo, địa danh liên quan tới ngài Huyền Trang và kinh sách quý giá đã bị hủy hoại hoàn toàn trong “đại nạn” mười năm Cách Mạng Văn Hóa, nhưng sau đó lại phục sinh. Afghanistan “trứ danh” là một đất nước Hồi Giáo với các tín đồ cực đoan, hiếu chiến, không ai có thể nghĩ rằng trong quá khứ, vào thời kỳ của Ngài Huyền Trang lại là đất nước của Phật Giáo. Phật Giáo thời kỳ này phát triển cực kỳ hưng thịnh. Nhưng qua bao thế kỷ, biến thiên của thời cuộc, Phật Giáo đã như chưa từng tồn tại trên quốc gia này.
Hành trình tây hành trong suốt tám tháng theo bước chân Ngài Huyền Trang, tác giả đã nhìn thấy sự thịnh suy của Phật Giáo, niềm an ủi hay trí tuệ sâu thẳm cho con người mà Phật Giáo mang lại, đã được biết tới những giáo lý quan trọng của Phật Giáo, có thể nhất thời tác giả chưa tiếp nhận được, nhưng cũng đã giúp tác giả từ một người không phải Phật tử tiến gần hơn với Phật môn.
Trần Thị Huyền Trang
Tin liên quan
Cảm nhận cuốn sách "Thiền và nghệ thuật hạnh phúc"
Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024
Em chào thầy!Em xin gửi thầy bài cảm nhận tháng này của em về cuốn sách “Thiền và nghệ thuật hạnh phúc”.Thiền và nghệ thuật hạnh... Đọc tiếp
Đọc sách và ứng dụng cùng CLB Yêu Sách Thái Hà Hồ Chí Minh
Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024
“Ta đang sử dụng trí tuệ của mình để làm nên lịch sử hay chỉ đơn giản là đang sử dụng nó để ghi lại lịch... Đọc tiếp
Reading books together số 82: CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
ThaiHaBooks Việc nắm bắt tức thời suy nghĩ và cảm xúc của người khác nhằm giúp bạn cải thiện những mối quan hệ trong cuộc sống. Nunchi... Đọc tiếp