Nhìn lại chính mình với “Chỉ nam thiền tập dành cho người trẻ”

Thái Hà Books
Th 5 25/01/2018

ThaiHaBooksĐây là cuốn sách đầu tiên của Thầy Thích Nhất Hạnh mà tôi được đọc một cách hoàn chỉnh nhất. Duyên của tôi biết đến cuốn sách này cũng chính là do người bạn đã giới thiệu cho tôi cuốn “Tia nắng mùa xuân” rất hay mà tôi đã đọc. Viết những dòng này, tôi chợt cảm thấy biết ơn sự có mặt của những người bạn thật sự – những người đến với ta vì có cùng một sở thích, cùng suy nghĩ và cùng cách sống chứ không đến từ sự tính toán, cân nhắc về địa vị, lợi ích. Những người bạn thật sự này đôi khi ta bỏ quên họ, ta coi những gì họ dành cho ta là lẽ dĩ nhiên. Họ là người sẵn sàng góp ý cho ta mỗi khi ta có điều không đúng. Những người bạn thân (cùng tu học) là người luôn gieo duyên giúp ta trở về với Phật pháp mỗi khi ta gặp những khó khăn trên bước đường tu học. Vì vậy mới nói, “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” là như vậy.

“Chỉ nam thiền tập dành cho người trẻ” là một tập sách mỏng, tập hợp những câu trả lời của Thầy Thích Nhất Hạnh cho những bức thư mà người trẻ ở mọi nơi gửi đến cho Thầy và Làng Mai. Trong đây, tác giả đã tổng hợp những bức thư khái quát được những vấn đề chung nhất của giới trẻ ngày nay. Cuốn sách chia thành 38 chương nhỏ, mỗi chương rất ngắn. Chính vì vậy mà tôi đã quyết định mỗi ngày sẽ đọc một chương nhỏ này và trong cả một ngày nhớ lấy những điều đã đọc để thực hành.

Ấn tượng đầu tiên, bao trùm nhất của tôi về tập sách mỏng này chính là phong cách viết của tác giả. Không biết có phải là do đây là lần đầu tiên tôi được đọc hoàn chỉnh một cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh hay do Thầy đã trải rất nhiều yêu thương, đồng cảm cho giới trẻ khi viết tập sách này. Hoặc là do việc đọc sách của tôi diễn ra ngay sau buổi thiền sáng, khiến cho mọi điều được đọc đi rất sâu vào lòng, khiến tôi như đang nghe từng lời chia sẻ của Thầy. Cũng trong tập sách này, tôi khám phá được rất nhiều những từ giàu hình ảnh tích cực và có lẽ chỉ riêng trong sách của Thầy mới có được. Có thể kể đến như: “nuôi dưỡng”, “trị liệu”, “lắng dịu hình hài”, “buông thư”, “thảnh thơi” “tiêu thụ thông minh”, “ái ngữ và lắng nghe”, “truyền thông”,…

Đây thực sự là một cuốn sách dành cho giới trẻ. Sống ở miền Bắc, nơi mà những tư tưởng của đạo Phật vẫn còn chưa được thể hiện đúng đắn, tôi thực sự hiểu giá trị của những hướng dẫn không mang màu sắc tôn giáo lại thiết thực, gần gũi như thế này. Đạo Phật chỉ đơn giản giúp cho mọi người có thể “sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại” và có một “lý tưởng cứu đời”, có ý nghĩa sống trong cuộc đời. Đọc cuốn sách này, tôi giác ngộ những vấn đề của bản thân và tin rằng đó cũng là vấn đề của rất nhiều bạn trẻ khác. Chắc hẳn bạn trẻ nào cũng đã từng có những vấn đề trong gia đình, gặp khó khăn trong sự truyền thông với bố mẹ, hay quá vội chạy theo xã hội bên ngoài mà trước đó chưa kịp nhận ra lý tưởng, ý nghĩa sống của mình là gì. Nhiều người trẻ và những em bé nhiều tuổi sẽ tìm thấy mình trong cuốn sách này.

Tôi đến với cuốn sách “Chỉ nam thiền tập dành cho người trẻ” như một người muốn tìm hiểu thêm về thiền, về phương pháp tu tập mà mình đang thực hành. Như Thầy đã viết: “Những phép thực tập đưa ra trong cuốn chỉ nam này có thể đem lại cho ta những kết quả tốt đẹp trong một thời gian không dài, và nếu ta theo đúng những chỉ dẫn trong sách, ta sẽ an tâm không sợ bất cứ một biến chứng nào”. Thực tế, tôi đã làm hoàn thiện hơn việc thiền của mình từ những phương pháp trong cuốn sách này.

Bên cạnh những phương pháp chuyển hóa, Thầy Nhất Hạnh còn giới thiệu một số giáo lý đạo Phật theo một cách rất dễ tiếp nhận cho người trẻ. Những giáo lý “Năm giới quý báu”, “Quán niệm hơi thở”, “Kinh Người Áo Trắng” và “Bốn loại thực phẩm” trở nên dễ hiểu hơn qua sự giảng giải của Thầy. Thường thì trước đó, tôi chỉ biết về giáo lý qua các từ Hán Việt nên có phần chưa hiểu rõ ý nghĩa của những giáo lý đó. Nhất định tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn về Đạo Phật qua sự giảng giải của Thầy Nhất Hạnh.

Ba mươi tám chương của cuốn sách là ba mươi tám cung bậc cảm xúc đối với tôi. Mỗi lần đọc là mỗi lần tôi cảm thấy vô cùng tâm đắc và ý nghĩa. Xin trích ra những đoạn mà tôi tâm đắc nhất:

“Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm, để giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại, ý thức được sự có mặt của ta, và những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong các lĩnh vực thân ta, tâm ta và hoàn cảnh ta”.

“Nếu tâm ta hoặc bị lôi kéo hoặc bởi quá khứ, hoặc bởi tương lai, hoặc bởi những toan tính lo âu hoặc hờn giận thì ta không thực sự đang sống đời sống của ta”.  

“Bạn thở cho tự nhiên, đừng cố gắng gò ép, thở như thế nào mà bạn cảm thấy dễ chịu trong khi thở. Bạn có thể thực tập: tôi đang thở vào, và thấy trong người khỏe khoắn, tôi đang thở ra và thấy trong người nhẹ nhàng. Bạn thực tập một hoặc hai phút. Thấy khỏe thấy nhẹ thì bạn mỉm cười để nhận diện sự có mặt của cảm giác khỏe và nhẹ ấy”.

“Chánh niệm do hơi thở chế tác và duy trì có công năng làm lắng dịu hình hài, cảm giác, cảm xúc, đem lại sự buông thư và thảnh thơi cho thân và cho tâm. Chánh niệm lại có công năng nhận diện các tâm hành, nuôi dưỡng những tâm hành tốt như niềm tin yêu, sự tha thứ, lòng bao dung, và chuyển hóa những tâm hành xấu như sự bực bội, lòng ganh ghét, sự giận hờn, v.v…Chánh niệm còn nuôi lớn được sự chú tâm (định lực) giúp chúng ta nhìn sâu vào thực tại và khám phá ra được tính bất sanh bất diệt, không tới không đi, không có không không, không một không khác. Thấy được bản chất của thực tại rồi thì ta được giải thoát, vượt thoát sợ hãi, nghi ngờ, giận hờn và tuyệt vọng. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một châu báu trong nền văn học Phật giáo”.

“Hơi thở tuy thuộc về thân nhưng được xem như là những cây cầu nối liền với tâm. … Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền ta mới làm được chuyện này. Khi ta giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát, đi cầu, v.v… ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như ấy”.

Thiền tổ Lâm Tế nói: bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông (địa hành thần thông). Phép lạ không phải là đi trên than hồng, đi trên mây hoặc trên mặt nước. Phép lạ là đi trên mặt đất, đi như một con người tự do, thanh thản, có chủ quyền về đời mình, không bị hoàn cảnh lôi cuốn, không đi như một người mộng du. Bụt đi như thế hằng ngày, và ta cũng có thể tập đi như thế”. (Tôi thấy rất hạnh phúc khi đi như vậy, tưởng như mình đang đi sau Đức Phật, đang cùng đi với Đức Phật).

Đức Tâm
(Hà Nội, 15/01/2018)

Tin liên quan

Cảm nhận cuốn sách

Cảm nhận cuốn sách "Thiền và nghệ thuật hạnh phúc"

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

Em chào thầy!Em xin gửi thầy bài cảm nhận tháng này của em về cuốn sách “Thiền và nghệ thuật hạnh phúc”.Thiền và nghệ thuật hạnh... Đọc tiếp

Đọc sách và ứng dụng cùng CLB Yêu Sách Thái Hà Hồ Chí Minh

Đọc sách và ứng dụng cùng CLB Yêu Sách Thái Hà Hồ Chí Minh

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

“Ta đang sử dụng trí tuệ của mình để làm nên lịch sử hay chỉ đơn giản là đang sử dụng nó để ghi lại lịch... Đọc tiếp

Reading books together số 82: CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ

Reading books together số 82: CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

 ThaiHaBooks Việc nắm bắt tức thời suy nghĩ và cảm xúc của người khác nhằm giúp bạn cải thiện những mối quan hệ trong cuộc sống. Nunchi... Đọc tiếp

Nội dung bài viết