Chuyện nhỏ Sài Gòn của Đàm Hà Phú

Thái Hà Books
Th 4 24/07/2024

NVTPHCM- Tác phẩm Chuyện nhỏ Sài Gòn của Đàm Hà Phú, gồm 33 bài tạp văn, tất cả đều được in trên trang Blog Người Lữ Hành Kỳ Dị của chính tác già và bài viết Tạp văn Đàm Hà Phú của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Mở đầu bài Ở Sài Gòn, tác giả tự giới thiệu mình: “Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ, vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.”

Chính bút danh Đàm Hà Phú là ghép hai vùng quê Hà Tĩnh và Phú Yên như một cách tưởng nhớ về chốn quê nhà.

Xuyên suốt cả tập sách tác giả đóng vai người kể chuyện với giọng văn tưng tửng, dí dỏm, có duyên nhưng lắng lại là mạch ngầm tình thương da diết về nơi chốn, con người mình từng đi qua, sống gắn bó.

“Tôi sống 20 năm ở Sài Gòn, tất nhiên cũng biết lắm chuyện để kể, những câu chuyện nghe để vui, để yêu đời và yêu Sài Gòn thì còn nhiều, nhiều lắm. Sài Gòn rộng, rộng lắm, nên chuyện ở Sài Gòn người ta hay kêu là chuyện nhỏ.” (Chuyện nhỏ ở Sài Gòn).

Có bạn đọc hỏi chính tác giả có “tô hồng” các chuyện kể của mình hay không sao mà chuyện nào cũng đẹp, cảm động đến rưng rưng. Đàm Hà Phú trả lời: “Tin thì tin, không thì thôi, chứ biết sao. Có những chuyện tôi tận mắt nghe thấy, cái thì nghe người khác kể lại…”. Có lẽ vì thế mà tác giả viết như chơi, tuôn chảy ào ào xuống trang giấy bất kể dài ngắn với giọng văn sôi nổi, lôi cuốn bạn đọc bất ngờ khiến họ không dứt khỏi cuốn sách.

Nổi bật là các tạp văn Chuyện bụi đời, Cá rô bông điên điển, Không có đỉnh cao, Chuyện nhỏ ở Sài Gòn… Thử trích vài đoạn:

“Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi. Bạn chỉ cần biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi, theo cách của Sài Gòn” (Lập nghiệp ở Sài Gòn).

“Năm nay ở Đồng Tháp Mười, nước lên chậm hơn mọi năm nhưng bông điên điển thì vẫn đúng hẹn, vẫn vàng rực. Nhớ tô canh cá rô bông điên điển ở Đồng Tháp Mười, con cá rô mề mùa nước nổi dai thịt, ngọt ngay, bông điên điển nấu chín vẫn rực rở. Đàn ông thanh niên chưa vợ ăn tô canh nầy một lần, chắc chắn sẽ lấy vợ miền Tây, mà nếu có lấy vợ miền Tây thì tôi dặn trước, nhớ ăn ở cho phải, đừng để người ta kêu bằng: Thằng rể điên điển. (Cá rô bông điên điển).

Chính vì chủ trương viết như chơi, nên tác giả có vẻ ít chăm chút từng câu văn, nhiều đoạn còn vòng vo, cà kê dê ngỗng khiến bạn đọc bớt hứng thú, khi đưa vào tập tạp văn phần nào làm loãng tập sách.

Cái thế mạnh thứ nhất của Đàm Hà Phú là tay bloger nên khi đăng từng kỳ trên mạng thu hút một lượng bạn đọc khá đông. Thứ hai là tác giả có cách kể sôi nổi, duyên ngầm khiến đã đọc vào khó mà dứt ra được. Thứ ba là cái tình yêu cuộc sống tha thiết dưới nhãn sinh quan trong trẻo, đậm tình da diết của tác giả nên khi buông sách xuống, tự dưng lòng thấy thanh thản, mến thương cuộc đời nầy vô cùng. Nên tôi tin từ những câu Chuyện nhỏ ở Sài Gòn là thành công bước đầu để Đàm Hà Phú tiếp tục thủ thi những câu chuyện khác dài dài cho bạn đọc. Tập sách ghi đậm nét về phong cách sống của cư dân đô thị khi nhận Sài Gòn làm quê hương thứ hai của mình.

_____

* Chuyện nhỏ Sài Gòn của Đàm Hà Phú, NXB Văn Học và Công ty CP sách Thái Hà liên kết in ấn; khổ 18X19 cm, bìa: Tạ Quốc Kỳ Nam, dày 224 trang, giá bìa 59.000đ.

‘Chuyện nhỏ Sài Gòn’ trong biển đời

NVTPHCM- Tính cách người miền Tây là vậy. Thật chan hòa yêu thương, tràn đầy tình nghĩa. Không có ai là đỉnh hơn ai. Có lẽ tính cách của người Sài Gòn cũng vậy.

“Không ai dám vỗ ngực nói mình biết hết Sài Gòn”, đó là câu nói của ông già đạp xích lô có thâm niên 40 năm, mà Đàm Hà Phú dẫn ra trong tạp văn “Ở Sài Gòn” (trích sách Chuyện nhỏ Sài Gòn) để nói về cái rộng lớn của Sài Gòn. Đi, có thể đi hết, nhưng biết hết thì chưa chắc. Cho nên nói về cái rộng của Sài Gòn, còn là nói về cái … vô thiên lủng của những câu chuyện Sài Gòn.

Trên những hè phố Sài Gòn, nếu như ai đó ưa quan sát, có đôi khi sẽ bắt gặp một chi tiết hơi lạ. Chẳng hạn thấy cái ghế gỗ cứ đặt ngoài vỉa hè, bất kể nắng mưa, chẳng dùng vào việc gì, cũng chẳng cho ai ngồi. Một cái ghế đẩu xộc xệch, trông có vẻ mất mỹ quan, nhưng nó lại dùng vào một việc hữu ích đấy. Dùng làm gì vậy? Dùng để quăng vào bọn cướp nếu như chúng phóng xe chạy qua đường này. Nếu gọi đó là chiếc ghế SBC (săn bắt cướp) thì cũng không ngoa. Chuyện lạ Sài Gòn mà cũng là chuyện nhỏ Sài Gòn. Còn người kể chuyện này là Đàm Hà Phú, một người không phải nhà văn, cũng chẳng phải nhà báo, một người chuyên đi “săn chuyện”, một người kể chuyện tài hoa.

Và tất nhiên là còn nhiều chuyện nữa. Nhiều chuyện hay đến tê tê và cảm động đến rưng rưng. Như chuyện kể trong tản văn Hửng sáng: “Hửng sáng, một phụ nữ trẻ dẫn hai đứa con nhỏ tầm 4-5 tuổi ra hẻm ăn hủ tiếu. Bà Tám chủ tiệm rất ân cần, lo cho mấy mẹ con ăn sáng, lại kêu ông chồng lấy xe đưa tụi nhỏ tới trường để cho mẹ chúng đi làm. Người phụ nữ trẻ đưa tiền, nhưng bà Tám không lấy, mà nói vầy: “Bậy nè, chòm xóm không hà, tiền bạc gì, chừng nào chồng bây dzìa nhậu một bữa là được rồi”: Nói gì bà già cũng kêu: “Thôi để mai mốt chồng bây dzìa rồi tính”. Người ngồi ăn sáng thấy tò mò hỏi, vậy chứ chồng cổ đi đâu, chừng nào về. Nghe vậy bà Tám nói: “Trời, nói dậy nãy giờ cậu không rành hả, chồng nó bị tai nạn chết từ năm ngoái rồi, trong xóm tụi tui nói dzậy cho tụi nhỏ bớt buồn tủi đó mà”.

Thật ra thì kể lại là đã làm mất hay chuyện của Đàm Hà Phú, bởi Phú kể chuyện vừa có chi tiết vừa có không khí, trong câu chuyện Phú kể nhiều khi có cảm giác “y khuôn” chuyện ngoài đời. Mà đời thì nhiều chuyện hay lắm, nếu như ta rộng cái tình, ta khỏe bước chân, ta không phân biệt sang hèn… Xem ra thì Đàm Hà Phú là người có tư chất của một “giang hồ lãng tử” như thế. Nhưng cái giang hồ của Phú là vui thú tiêu dao mà cũng để học làm người, tập sửa mình, sống như một người tử tế bình thường, chứ không để vỗ ngực xưng danh.

Điều đó, chính Đàm Hà Phú đã gửi gắm qua tạp văn Không có đỉnh cao thật gần gụi mà vô cùng thâm thúy. Từ chuyện nhân vật Tư Có trong truyện Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, Đàm Hà Phú kể chuyện một Tư Có có thật ngoài đời. Năm 1996, khi Phú còn trẻ, lang thang miền Tây mùa nước lũ, chẳng may lạc đường thì gặp ghe Tư Có chở về nhà, nấu cơm cho ăn, bày rượu mời uống. Sau đó, muốn đi đâu, ghé đâu, Tư Có dặn cứ nói là bạn Tư Có. Chỉ cần nói bạn Tư Có là được tiếp đón nồng nhiệt, cơm rượu vô tư. Tư Có là ai mà uy vậy? Đọc tới đó, ai cũng thắc mắc. Nhưng Đàm Hà Phú chỉ ra rằng: “Cái tên Tư Có là nói cho có cái tên để mà nói, để mà làm quen. Nếu không có Tư Có thì là Ba Không, Bảy Hữu gì cũng đặng. Miễn đừng có là người lạ, miễn là biết cầm ly, ngửa cổ uống một cái ót là đặng rồi. Bước qua cửa, leo lên sàn, lên ghe rồi là thành người quen, thành bà con luôn, cần biết gì tới Tư Có nữa”. Ừ ha. Hay quá. Cái tên Tư Có chỉ là một chiếc cầu, hay một cái cớ cho những duyên ngộ cuộc đời. Tính cách người miền Tây là vậy. Thật chan hòa yêu thương, tràn đầy tình nghĩa. Không có ai là đỉnh hơn ai. Có lẽ tính cách của người Sài Gòn cũng vậy. Và, trong tập sách này, Đàm Hà Phú thu nhặt nhiều chuyện nhỏ trong biển đời, là những chuyện đời ấm áp, nên đọc thấy đời đẹp, dù đời lắm gian truân. Đọc thấy người hay, dù người dở cũng không phải là ít.

Tập sách có nhan đề là Chuyện nhỏ Sài Gòn, tưởng chỉ nói chuyện Sài Gòn, nhưng không phải. Không chỉ chuyện Sài Gòn mà còn chuyện dọc đường trên “toàn cõi Việt Nam”, chuyện miền Tây Nam Bộ… Nói chung, chuyện trên trời dưới biển gì cũng có cả. Cái hay của Đàm Hà Phú là đi và viết rất chuyên chú, không viết để phục vụ cho một bổn báo nào cả. Cho nên Phú không tự giới hạn mình về đề tài cũng như dung lượng chữ. Cho nên đọc Phú thấy có chuyện cảm động thút thít, lại có cả chuyện giựt gân như phim; lúc dài thậm thượt, lúc ngắn ngủn dăm câu.

Cuối cùng thì có thể có người hỏi Đàm Hà Phú là ai? Đàm Hà Phú vốn là một blogger nổi tiếng với cư dân mạng, nhưng tôi vẫn xin nói thêm đôi dòng. Đàm Hà Phú vốn học ngành tài chính, ra trường làm thuê cho nhiều nơi trước khi làm chủ một công ty chuyên về thiết kế xây dựng. Cùng thời với chúng tôi, Đàm Hà Phú vốn là một cây bút thơ có chất, bền bỉ đến hôm nay. Thơ cũng như văn, Đàm Hà Phú viết trước hết là chơi, câu chữ mộc mạc mà phóng túng, không tự giới hạn đề tài cũng như dung lượng. Cho nên Chuyện nhỏ Sài Gòn dù mới là cuốn sách đầu tiên của Đàm Hà Phú, đã gây ấn tượng trong làng viết cũng như sự yêu thích đặc biệt nơi bạn đọc. Theo tôi cũng là điều dễ hiểu.

Anh sinh năm 1974, đến từ Nha Trang và luôn ở lại Sài Gòn hơn hai chục năm nay. Như anh tự bạch về mình, đó là con người có sở thích đi lại và viết lách, từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn.

Theo nhavantphcm.com.vn

Tin liên quan

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp

Nội dung bài viết