Cô gái 9X du học Anh từ 8 tuổi, nói lưu loát 4 thứ tiếng: “Mẹ dạy tôi nói ra điều mình cần thay vì chỉ khóc”

Thái Hà Books
Th 2 21/11/2016

Afamily- 10 tháng tuổi tự biết xúc ăn, 8 tuổi tự quyết định sang Anh du học, 16 tuổi tự tin chuyển trường từ London sang bờ Tây nước Mỹ, đó là chân dung của cô gái 9X nói được 4 ngôn ngữ Phạm Trần Minh Thu.

Tài năng của Minh Thu cùng hành trình 18 năm nuôi dạy con của bà mẹ Trần Bích Hà, tác giả quyển sách “Dạy con đôi khi thật đơn giản”, đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam.

“Tài năng và đức hạnh của con cái là thành quả của một người mẹ”, câu nói này quả thật rất đúng với câu chuyện của bà Trần Bích Hà, Giám đốc TransViet Group, tác giả quyển sách“Dạy con đôi khi thật đơn giản” vừa ra mắt công chúng cuối tuần qua. Hầu hết khán giả có mặt trong buổi ra mắt sách ngày hôm ấy đều ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước tài năng của Phạm Trần Minh Thu, “sản phẩm giáo dục” và là nhân vật chính trong quyển sách của bà Trần Bích Hà: một cô gái có thể nói lưu loát 4 ngôn ngữ: Anh, Việt , Tây Ban Nha, Latinh và một ít tiếng Pháp, trúng tuyển sớm vào trường ĐH Brown (Mỹ) khi còn đang học ở trường phổ thông và là niềm tự hào đối với tất cả giáo viên từng dạy dỗ cô.

 Tác giả Trần Bích Hà và con gái Phạm Trần Minh Thu (Ảnh: NVCC).

Trong bài trò chuyện của mình, Minh Thu đã bày tỏ “Tôi đi du học từ năm 8 tuổi, rõ ràng tôi đã học rất nhiều điều từ các giáo viên và bạn bè của mình, nhưng phần lớn những tính cách và phẩm chất tốt đẹp mà tôi có được như sự lạc quan, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm đều học từ mẹ. Tôi sẽ kể một vài bài học mẹ đã dạy tôi từ thuở bé nhưng đến giờ vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trưởng thành của tôi”.

 

1. “Hãy luôn nói rõ những gì con cần, thay vì chỉ khóc”

 

Năm đó tôi 2 tuổi, có một hôm tôi khóc rất to vì một cơn giận nào đó tôi không nhớ rõ nữa. Thay vì dỗ dành, mẹ đã nhẹ nhàng bảo tôi “Nếu con muốn điều gì đó thì hãy nói ra, đừng chỉ ở đó mà khóc. Nếu con muốn khóc thì hãy đi vào căn phòng kia và khóc ở đó đi. Sau khi con khóc xong thì hãy nói cho mẹ biết những gì con muốn”. Sau đó, mẹ đã đưa tôi vào căn phòng đó thật. Chỉ hai phút sau, tôi ngừng khóc và quay trở ra bảo mẹ “Con khóc xong rồi và giờ là những điều con muốn”. Khi lớn lên, rất nhiều người đã mô tả tôi là một người giỏi giao tiếp và tôi nghĩ rằng khả năng diễn đạt rõ ràng, thẳng thắn những điều mình muốn bắt nguồn từ khoảng thời gian 16 năm trước, khi mẹ dạy tôi bài học “Hãy luôn nói rõ những gì con cần, thay vì chỉ khóc”.

 

2. “Hãy cởi mở và sẵn sàng mạo hiểm”

 

Hồi còn nhỏ, tôi ghét ăn rất nhiều món, ví dụ như đu đủ và cà rốt, chúng thật kinh khủng. Nhưng mẹ tôi vẫn cho tôi ăn đu đủ và cà rốt kèm với những thứ khác với một lượng ít thôi và bây giờ (dù tôi vẫn không thích chúng chút nào) tôi đã có thể ăn cả đu đủ lẫn cà rốt. Tôi có thể ăn bất kỳ món ăn nào và là một trong những người kén ăn nhất mà bạn có thể tìm thấy. Mỗi lần tôi nhăn mũi và nói rằng tôi không muốn thử một món ăn mới nào đó, mẹ sẽ nói với tôi “Đừng ngại thử những điều mới. Hãy cởi mở và sẵn sàng mạo hiểm”.

“Mẹ dạy tôi hãy cởi mở và đừng ngại thử những điều mới”.

Khi lớn lên, tôi nhận ra bài học mẹ dạy tôi về sự cởi mở rộng hơn nhiều so với những món ăn. Tôi luôn cố gắng cởi mở trước những nền văn hóa, con người và những giá trị mới. Thành thật mà nói, lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, việc chấp nhận điều mới không đến một cách dễ dàng, nhưng tôi đã học cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ trước khi phán xét điều gì. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng những gì tôi cho là đúng/sai chưa hẳn là những gì người khác nghĩ vì chúng tôi sinh ra từ những quốc gia khác nhau và đã lớn lên với những giá trị sống khác nhau. Điều tốt nhất tôi có thể làm là lắng nghe và cố hết sức mình để hiểu họ. Mỗi khi tôi phải đối mặt với một tình huống mới, tôi đều suy nghĩ lại về tình huống tôi từ chối thử một món ăn trông có vẻ không ngon lành, tôi nhớ lời mẹ dạy về sự bao dung và chấp nhận.

 

3. “Bằng sự kiên trì, con có thể đạt được bất cứ điều gì”

 

Hồi tôi lên 6 tuổi, tôi bắt đầu đi học tiếng Pháp ở IDECAF. Tôi là học sinh mới và hầu hết các bạn trong lớp đã học tiếng Pháp một thời gian, còn tôi thì chưa biết gì cả. Tôi cũng là đứa bé nhất lớp nên tôi cảm thấy nơi này có gì đó không an toàn, tôi trở nên vô cùng nhút nhát. Tôi còn bị bắt nạt trong lớp nữa chứ. Mỗi tối đi học về tôi đều khóc và tôi hỏi mẹ rằng liệu tôi có thể nghỉ học được không. Dĩ nhiên mẹ đã từ chối đề nghị của tôi và bảo “Con phải có quyết tâm chứ, mỗi khi con đối mặt với thử thách nào đó, con không thể cứ thế mà từ bỏ được”. Từ hôm ấy, mẹ mua băng cassette tiếng Pháp và mỗi đêm mẹ đều ngồi cùng và giúp tôi học tiếng Pháp sau khi tôi trở về từ trường học. Trong vòng một tháng, tôi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp và sau một năm, tôi là người đứng đầu lớp học. Kể từ thời điểm đó, tôi đã học được một triết lý “Bằng sự kiên trì, bạn có thể đạt được bất cứ điều gì”.

Hai mẹ con tác giả Trần Bích Hà tại buổi ra mắt sách “Dạy con đôi khi thật đơn giản”

Phạm Trần Minh Thu: “Tôi đã học được một triết lý “Bằng sự kiên trì, bạn có thể đạt được bất cứ điều gì” từ khi mới 6 tuổi”.

Tôi đã giữ bài học này trong tâm trí mình ở mọi nơi tôi đến và trong tất cả những gì tôi làm. Tôi đã vượt qua mọi bài kiểm tra, bài tiểu luận, bài thi, tôi đã sống sót qua kỳ thi GCSE, ngay cả khi gặp một vài sự cố, vì tôi liên tục nói với bản thân mình rằng sự kiên trì chính là cách đi về phía trước. Tôi từng là huynh trưởng ở trường Cate, nơi tôi sống với nhiều cô gái mới vào trường, dẫn dắt, hỗ trợ họ mọi vấn đề về tình cảm lẫn học tập, tôi thường xuyên cảm thấy mình thất bại, mình không đủ tốt. Nhưng vì bài học mẹ đã dạy tôi từ thời tôi còn học tiếng Pháp “Sự quyết tâm và sức mạnh ý chí có thể chinh phục tất cả”, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên và tiếp tục chiến đấu.

 

4. “Con phải học cách đối mặt với nỗi sợ và đừng để chúng chế ngự con”

 

Hồi tôi lên 8 tuổi, hai mẹ con tôi và chú Hải đi leo núi ở Yên Tử. Ai cũng biết tôi rất sợ giun. Tôi không biết nỗi sợ hãi ấy từ đâu đến nhưng tôi ghét giun và sợ chết khiếp khi nhìn thấy chúng. Hôm ấy chúng tôi đi bộ lên núi và trời mưa khá to, thế là giun bò ra khắp nơi dọc đường đi. Tôi bắt đầu khóc và thậm chí dừng lại không chịu đi tiếp vì xung quanh có quá nhiều giun đang bò lổn ngổn. Có thể bạn cho điều này là ngớ ngẩn nhưng đối với một đứa con nít 8 tuổi như tôi, đó là một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất.

 

Mẹ đã động viên tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn không ngừng sợ hãi. Lúc ấy, mẹ đã nói với tôi bằng giọng rất kiên quyết “Nếu con đang ở trong một khu rừng và mẹ không ở bên con, làm thế nào con có đủ khả năng để chế ngự nỗi sợ? Có rất nhiều thứ đáng sợ trong cuộc sống ngoài kia, con phải học cách để đối mặt với nỗi sợ và đừng để chúng tiêu diệt con”. Sau đó, chúng tôi đi tiếp, vài phút sau, tôi đã thở được, tôi vẫn còn thấy giun nhưng tôi không còn la hét và khóc nữa, vài giờ sau, tôi đã vui vẻ trở lại. Kể từ đó, mỗi khi tôi lo sợ một điều gì đó, tôi đều nhớ lại khoảng thời gian ở Yên Tử, nhớ lại những lời của mẹ và tôi cố gắng đối mặt với nỗi sợ và nghiền nát chúng.

 

“Bằng chính cách sống của mình, mẹ đã dạy tôi lòng dũng cảm. Mẹ rèn cho tôi tinh thần bền bỉ không giới hạn, rằng trong khó khăn cần nghiến răng lại, ngẩng đầu lên mà tiến về phía trước, rằng tôi có thể thất bại tanh bành nhưng hãy nhặt nhạnh từ những hoang tàn để chắp lại con người mình” (Trích lời giới thiệu quyển sách “Dạy con đôi khi thật đơn giản”).

 

5. “Mẹ để tôi tự do lựa chọn bất cứ điều gì tôi thích”

 

Cũng trong năm 8 tuổi, tôi tham dự một trại hè 3 tuần tại một trường học ở Anh tên là Concord. Tôi rất yêu ngôi trường này và khi trở về nhà, tôi nói với mẹ “Con muốn đi du học Anh từ ngay bây giờ”. Tôi nghĩ rằng hầu hết các bà mẹ của một đứa trẻ 8 tuổi ở khắp nơi trên thế giới đều sẽ phản ứng với câu chuyện này theo kiểu “Con có điên không?”. Thế nhưng mẹ đã trả lời rất nhẹ nhàng “Con biết những gì về ngôi trường đó? Hai mẹ con mình hãy cùng nhau tìm hiểu nhiều hơn nhé” thay vì bác bỏ ý tưởng của tôi. Thật vậy, hai mẹ con tôi đã cùng nghiên cứu để rồi vài tháng sau tôi đã được nhận vào trường Badminton, một trong số ít các ngôi trường dành cho nữ sinh ở Bristol chấp nhận học sinh nhỏ tuổi như tôi.

 

Tác giả Trần Bích Hà chia sẻ bà luôn để con gái tự do lựa chọn mọi điều cô thích, ngay cả khi cô bé muốn đi du học Anh từ năm 8 tuổi. Những bài học dạy con của tác giả Trần Bích Hà trên Facebook lâu nay luôn nhận được sự quan tâm, đồng cảm của nhiều bậc phụ huynh.

 

Mẹ đã cho tôi tự do lựa chọn những gì tôi yêu thích kể từ khi tôi còn rất nhỏ và chưa bao giờ buộc tôi hãy làm điều này, điều nọ đi. Mẹ luôn khuyến khích tôi đưa ra những quyết định riêng và tự mình làm mọi thứ, vì thế mẹ đã gầy dựng trong tôi một cảm giác mạnh mẽ của sự độc lập từ trước cả khi tôi lên 8 tuổi. Tôi nghĩ có lẽ vì thế, giờ đây tôi đã trở thành một con người độc lập, ý chí mạnh mẽ và có khả năng tự mình đưa ra những quyết định khó khăn.

 

6. “Mẹ dạy tôi chỉ riêng việc học giỏi không đem lại hạnh phúc cho con người”

 

Tôi từng tâm sự với mẹ “Ai cũng nói là phải vào các trường đại học hàng đầu để sau này tìm được việc làm tốt, được lương thật cao. Con chẳng hiểu tại sao phải cứ thế. Nếu học giỏi chỉ để sau này kiếm tiền thì chán lắm”. Mẹ đã dạy tôi ý nghĩa của việc học. “Học là để trở thành người có tri thức, có văn hóa, để mình có đủ khả năng hiểu những gì xảy ra trong cuộc sống và xã hội, để có khả năng và cơ hội làm được những điều mình thích. Nhưng chỉ riêng việc học giỏi không đem lại hạnh phúc cho con người”.

 

“Mẹ dạy tôi chỉ riêng việc học giỏi không đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tôi nghĩ sứ mệnh đời mình là có thể hiểu được những vấn đề mà thế giới đang đối mặt và làm việc với người dân để đưa ra những giải pháp khả thi và bền vững”.

 

Tôi đam mê hoạt động cộng đồng, tôi nghĩ sứ mệnh đời mình là có thể hiểu được những vấn đề mà thế giới đang đối mặt và làm việc với người dân để đưa ra những giải pháp khả thi và bền vững. Tôi đã dạy tiếng Anh tại nhà cho trẻ em ở Thái Lan, giúp xây dựng một thư viện và dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở nông thôn Tanzania, đến Miến Điện phỏng vấn người dân địa phương về tình hình chính trị. Khi còn học ở trường Cate, tôi đến thăm nhà nuôi dưỡng mỗi tuần, nơi tôi phục vụ bữa tối tại ngôi nhà dành cho người vô gia cư, làm việc với trẻ em và người cao tuổi. Tôi có kế hoạch làm tình nguyện nhiều hơn trong tương lai và tôi hy vọng sẽ được tham gia sâu vào các hoạt động cộng đồng tại trường Brown. Tôi nghĩ rằng khi gắn kết với cộng đồng xung quanh mình, bạn sẽ học hỏi và phát triển bản thân rất nhiều, đồng thời có thể đóng góp để xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

 

Quyển sách “Dạy con đôi khi thật đơn giản” của Trần Bích Hà do Thái Hà Books và NXB Lao Động phát hành đúc kết hành trình 18 năm nuôi dạy con của chính tác giả, đặc biệt là 6 năm quan trọng đầu đời của việc nuôi dạy một đứa trẻ. Mong muốn lớn nhất của tác giả thông qua quyển sách là mọi đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam đều may mắn như con chị, được nuôi dạy đúng cách từ khi mới chào đời, được yêu thương và tôn trọng như một cá nhân đặc biệt, được khuyến khích để lớn lên một cách tự lập, có chính kiến và có quyền tham gia (khi còn nhỏ) và quyết định (khi đã lớn hơn) về những vấn đề liên quan đến bản thân.

 

 

Theo Lê Minh / Trí Thức Trẻ

Tin liên quan

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp

Nội dung bài viết