Sách về ngày đầu của chữ Quốc ngữ

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Lịch sử chữ Quốc ngữ” cung cấp tư liệu bối cảnh chữ Quốc ngữ ra đời ở nửa đầu thế kỷ 17 và những người làm nên sự thay đổi.

Tác phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ (1620-1659) của linh mục Đỗ Quang Chính, do Tủ sách Ra Khơi ấn hành năm 1972, là một tài liệu có giá trị trong ngành Ngữ học Việt Nam. Hướng tới ngày Tôn vinh tiếng Việt (8/9), cuốn sách được NXB Thế giới và Thái Hà Books tái bản. Ấn phẩm có thêm một số sửa chữa của tác giả vào năm 2007.

Linh mục Đỗ Quang Chính (1929 – 2012) là một linh mục dòng Tên gốc Nam Định. Ông từng là giáo sư môn sử địa tại trường Nguyễn Bá Tòng ở Sài Gòn và là một nhà nghiên cứu lịch sử từng chu du nhiều nơi. Về sau, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu với nhiều công trình về lịch sử Giáo hội Việt Nam và lịch sử Việt Nam.

Sinh thời, linh mục Đỗ Quang Chính (phải) dành nhiều tâm sức nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Ảnh: Dòng Tên Việt Nam

Năm 1945, sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc được ban hành đã đưa chữ Quốc ngữ trở thành hệ chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Trước đó, khoa thi Hán học cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 cũng được xem là cột mốc đánh dấu sự rút lui của chữ Hán.

Tuy vậy, lịch sử chữ Quốc không chỉ có 100 năm trở lại đây, mà phải đến gần bốn thế kỷ kể từ khi các giáo sĩ Dòng Tên tạo ra nó khoảng đầu thế kỷ thứ 17. Để thực hiện công cuộc truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng người Việt, cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự Latin để có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử chữ viết chúng ta đang dùng, theo linh mục Đỗ Quang Chính, là một vấn đề rộng lớn.

Linh mục Đỗ Quang Chính thực hiện Lịch sử chữ Quốc ngữ dựa trên tài liệu các giáo sĩ để lại, từ những dò dẫm ban đầu để phiên âm tên người và địa danh cho đến lúc Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) cho xuất bản hai sách Quốc ngữ đầu tiên. Với các tư liệu gốc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các thư viện các nước châu Âu, tác giả hy vọng có thể góp phần làm sáng tỏ lịch sử của loại chữ viết người Việt đang dùng ngày nay.

Cuốn sách hơn 200 trang ghi nhận lịch sử chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến 1659. Song, trong lời tựa của tác phẩm, tác giả cho biết ông không sử dụng hết tất cả tài liệu lịch sử liên quan ở giai đoạn này, mà chỉ đem ra những tài liệu đã được khám phá rõ nguồn, tức là tại các văn khố, thư viện và hầu hết là tài liệu viết tay.

Ấn bản đặc biệt của cuốn “Lịch sử chữ Quốc ngữ” do NXB Thế giới và Thái Hà Books phát hành

nhân ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9. Ảnh: Thái Hà

Dựa vào những sử liệu, ông chia cuốn sách thành bốn chương: Chương 1 tổng hợp một số nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt, chương 2 sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến năm 1648, chương 3 nói về việc linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651. Cuối cùng là phân tích những tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam là Igesico Văn Tín và Bento Thiện.

Phần đầu của cuốn sách dẫn ra những nhận xét của người phương Tây về tiếng Việt. Bởi những người cùng một nước, nói cùng một thứ tiếng thường ít khi nhận thấy sự “kỳ lạ” của tiếng mình. Nhưng khi những thanh âm và ngữ pháp quen thuộc được nhìn qua con mắt và cảm nhận người ngoại quốc khi họ bắt đầu nghe và học tiếng Việt, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác.

Cristoforo Borri, Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), Gio. Filippo de Marini và Joseph Tissanier là những người đã ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1618 đến 1663. Họ không chỉ trải qua một thời gian khó khăn, thậm chí là tuyệt vọng khi học tiếng Việt, mà còn đóng góp ít nhiều vào việc thành lập chữ viết của người Việt ngày nay. Họ cũng là những người nhận ra rằng tiếng Việt khó, nhưng luôn mang theo một vẻ đẹp của âm thanh “du dương, hòa điệu”, “giống như bản nhạc liên hồi”, và những ai có tài về âm nhạc, biết phân biệt âm thanh sẽ là những người học tiếng Việt nhanh nhất.

Ngoài ra, phần khám phá được tác giả cho là mới mẻ nhất là giai đoạn từ năm 1620 – 1637 và tập Lịch sử nước Annam do Bento Thiện viết năm 1659. “Đọc qua những phần đó, nhờ chứng cớ cụ thể, bạn đọc sẽ thấy rõ, Linh mục Gaspar d’Amaral viết chữ Việt ngày nay giỏi hơn Linh mục Đắc Lộ nhiều. Ngoài ra, tài liệu viết tay của Thầy giảng Bento Thiện là một kho tàng quý báu, chứng minh vào giữa thế kỷ 17 đã có người Việt Nam viết chữ Quốc ngữ khá thành thạo”, linh mục Đỗ Quang Chính viết.

Theo giáo sư Nguyễn Thế Anh viết trong lời giới thiệu, sự tiếp xúc sâu rộng của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo một phương pháp sử học chặt chẽ, đã giúp tác giả có thể mô tả cặn kẽ sự biến chuyển của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ 17. Sách Lịch sử chữ Quốc ngữ, vì thế, có thể được xem là một đóng góp đáng kể cho ngành Ngữ học Việt Nam, đồng thời cung cấp một số dữ kiện mới mẻ về xã hội Thiên Chúa giáo ở Đại Việt buổi ban đầu.

Vnexpress.net

Tin liên quan

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp

Nội dung bài viết