Tìm hiểu kinh thành Huế đầu thế kỷ 19 qua sách
Thái Hà Books
Th 5 25/07/2024
VietNamnet- ‘Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ 19’ giúp người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường.
Ngày 11/7 tới, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Thái Hà Books tổ chức buổi tọa đàm Khơi nguồn văn hóa thế kỷ XIX, XX, XXI nhân dịp ra mắt cuốn sách Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: dịch giả Lê Đức Quang; nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.
|
Cuốn sách là góc nhìn của tác giả vào một vị trí có một không hai:
ở bên trong-và-quan sát từ bên ngoài một vùng không gian văn hóa. |
Sự tiếp xúc, giao thoa giữa các nền văn hoá luôn luôn diễn ra trong quá trình phát triển của nhân loại. Đó là một nhu cầu tất yếu, một quy luật của phát triển. Trong quá trình giao thoa văn hóa, có thể xảy ra hiện tượng các yếu tố của nền văn hoá này thâm nhập vào nền văn hoá kia hoặc nền văn hóa này vay mượn các yếu tố của nền văn hoá kia rồi cải biến điều chỉnh cho phù hợp dẫn đến sự tiếp biến văn hóa. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có 3 lớp văn hoá chồng lên nhau: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hoá giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ gốc văn hoá bản địa vững chắc nên đã không bị ảnh hưởng văn hoá ngoại lai đồng hoá, trái lại còn biết sử dụng và Việt hoá các ảnh hưởng đó làm giầu cho nền văn hoá dân tộc.
Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp – Việt. Tác giả là một nhân chứng ở vào một vị trí có một không hai: ở bên trong-và-quan sát từ bên ngoài một vùng không gian văn hóa.
Tác giả là con của một vị quan người Pháp và một phụ nữ Huế, chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn, suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và 5 năm đầu của thời gian trị vì thời vua Minh Mạng.
Thông qua hồi ức này, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường, tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy đã vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp – Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù. Từ đó cho ta thêm hình dung, thêm lý giải về những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp – Việt đầy duyên nợ.
Bên cạnh đó, chương trình cũng tổ chức đấu giá 2 ấn bản Trúc chỉ Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được dùng để ủng hộ cho quỹ Văn hóa Huế.
Tình Lê
Tin liên quan
TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Long
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp
Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp
Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp