Trí khùng tự truyện: Vét trọn trần ai

Thái Hà Books
Th 4 24/07/2024

Nguyễn Trí soi mình trong những trang chữ để sống và viết, nhưng ông đã thay người của một thời rọi sáng cả một bức tranh dưới tầng đáy xã hội.

Nguyễn Trí đã viết rất nhiều sách. Mỗi tác phẩm, dù là tiểu thuyết hay tập truyện ngắn, đều đã phảng phất cuộc sống của ông lúc ở bãi đào vàng, khi đi làm đồ tể… Nhưng có lẽ, đến Trí khùng tự truyện (Thái Hà Books, nhà xuất bản Hội Nhà văn) thì cuộc đời ông mới được phơi bày một cách trọn vẹn.

Những góc khuất đau đớn, bĩ cực khốn cùng ông từng trải qua nhiều lúc khiến người đọc thấy nghẹn. Đọc ông, có lẽ nhiều người sẽ thấy những đau khổ trong cuộc đời mình không còn quá lớn.

Mãi đến giờ, Nguyễn Trí vẫn được gọi là “nhà văn ngoi lên từ đáy xã hội”, ông cũng không phủ nhận, thậm chí ông còn tự hỏi có phải số phận đã chọn ông để gánh chịu mọi trầm luân. Nghèo mạt hạng, làm đủ mọi công việc khổ ải, bị đạp xuống bùn, rồi vào tù ra khám… Danh dự, phẩm giá không còn ra một con người, cũng không biết bao nhiêu lần đối diện với lằn ranh sinh tử. Đến khi đã chính thức cầm bút làm “nhà văn”, định mệnh vẫn nghiệt ngã khi cùng lúc con trai ông bị nghiện, con gái bị sát hại trong đêm. Rồi trong nỗi đau đớn khôn cùng ấy, ông lại bình tĩnh đứng trước tòa xin giảm án cho hung thủ.

Trí khùng tự truyện không tôn vinh tác giả – như cách mà nhiều người viết tự truyện thường làm khi kể chuyện đời mình. Ở đó người đọc nhìn thấy rất nhiều thân phận, từ tội phạm đến những người cùng khổ. Có những trang viết như tiếng thở dài, nhưng cũng có lúc như tiếng nấc gãy. Nguyễn Trí cứ kể bằng giọng văn bình thản, nhưng đủ khiến người đọc cảm thấy lạnh người. Ông “khai quật” thế giới mà mình thuộc về từ đủ mọi ngóc ngách, kiểu người. Một thế giới nương náu trong đêm tối của mánh mung lừa lọc, của hèn hạ đốn mạt.

Có lẽ, nếu không là Nguyễn Trí, khó có nhà văn nào đủ dấn thân, thấu hiểu đủ để viết về một “tầng đáy xã hội” ám ảnh đến vậy. Xen giữa giọng văn trần thuật, đôi lúc là giọng văn trào lộng, giễu nhại về chuyện thế thái nhân tình. Nhưng may thay, giữa dã tâm ác độc của lòng người, Trí khùng tự truyện cũng le lói cái tình, cái nghĩa mà những “kẻ mạt hạng đường cùng” vẫn dành cho nhau.

Nhà văn Nguyễn Trí

Nhà văn Thu Trân nói số phận dường như chưa bao giờ thôi bất công với Nguyễn Trí. Đọc tự truyện, gói ghém hết những bi ai cuộc đời từ năm 17 tuổi của ông, người đọc chẳng thể tìm ra được một nụ cười hạnh phúc. Nếu có, đó chỉ là những cái cười chua chát, cười cho qua, để chấp nhận mọi sự thật đày ải, đớn đau. Cười là để quên khóc vậy thôi. Trí khùng tự truyện cũng là câu chuyện về những thân phận thời hậu chiến, trong bối cảnh miền Nam sau năm 1975.

Nguyễn Trí soi mình trong những trang chữ để để sống và viết, nhưng ông đã thay người của một thời rọi sáng cả một bức tranh dưới tầng đáy xã hội.

Nguồn Phụ nữ online.

Tin liên quan

Cuốn sách viết cho mẹ dành cho tất cả chúng ta

Cuốn sách viết cho mẹ dành cho tất cả chúng ta

Marketing Hà Nội
Th 6 07/03/2025

[Zing.vn] Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. “Triệu lá thư gửi mẹ” là một... Đọc tiếp

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp

Nội dung bài viết