TS Nguyễn Mạnh Hùng: Cần lan toả văn hoá đọc trong thời đại 4.0
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
Zingnews- Nhiều năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books, được mệnh danh là “Tiến sĩ văn hóa đọc” vì có nhiều ý tưởng, cống hiến trong việc lan tỏa văn hóa đọc đến mọi nhà.
Trước nhu cầu chuyển đổi số của ngành xuất bản, TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ bí quyết đọc sách “vừa nhanh, vừa thấm”, để hướng tới lối sống lạc quan mùa dịch, cũng như việc phát triển văn hoá đọc trong thời đại công nghệ số.
“Ở nhà đọc sách – Không lo giãn cách”
– Được gọi là “Tiến sĩ văn hóa đọc”, ông đã và đang làm gì để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
– Trước khi thành lập công ty sách, tôi đã mua hàng trăm cuốn sách để tặng. Sau khi có Thái Hà Books, tôi mở thêm nhà sách bản quyền, hàng ngày đến đó mời bạn đọc thưởng trà và cùng nhau chia sẻ cách đọc sách.
Chúng tôi tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm về bản quyền sách và tích cực tham gia các hội nghị, hội chợ sách tại Frankfurt (Đức), London (Anh), Bologna (Italy), Tokyo (Nhật Bản), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), La Habana (Cuba), Viêng Chăn (Lào)…
Mỗi năm, tôi có khoảng 50 buổi giảng dạy, bàn về chủ đề “Đọc sách siêu tốc” và “Văn hoá đọc”. Ngoài ra, tôi còn tổ chức chiến dịch “Reading Tour” với nhiều chương trình nói về văn hoá đọc tại các cơ quan, trường học.
Mới đây nhất, chúng tôi triển khai chương trình “Stay home – Reading Books Together: Ở nhà đọc sách – Không lo giãn cách” trên mạng xã hội, thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Tôi lên ý tưởng và thực hiện ATM sách miễn phí. Đến nay, hàng nghìn cuốn sách đã được bạn đọc đến “rút”. Bên cạnh đó, chúng tôi còn gửi sách đến rất nhiều thư viện, trường học, bệnh viện, cơ quan trên cả nước, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh này.
Tôi là một trong những người đầu tiên tham gia đề án “Hệ tri thức – Việt số hoá” với mong muốn “số hoá” khối kiến thức khổng lồ phục vụ người dân. Ngoài ra, tôi còn đề xuất lập Quỹ Khuyến đọc và Dịch thuật từ năm 2018.
Sau khi đi diễn thuyết, tham dự các hội nghị về xuất bản trên khắp thế giới, năm 2018, tôi đã gửi công văn đề xuất Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia Sách và Văn hoá đọc, để xây dựng Việt Nam thành quốc gia có nền công nghiệp xuất bản mạnh.
Tôi làm mọi điều xuất phát từ tâm, không phải vì mục đích giữ danh hiệu nào cả.
– Được biết, ông là người có cách đọc sách “vừa nhanh, vừa thấm”. Đâu là bí quyết đọc sách thông minh, hiệu quả mà ông thường áp dụng?
– Tôi ứng dụng cách đọc siêu tốc từ năm 2000 đến nay. Trước tiên, ta phải chuẩn bị cả tâm thế lẫn điều kiện để đọc, cần thật sự chú tâm vào phần mình đang đọc. Ban đầu, nên đọc từng cụm từ chứ không đọc từng từ. Lưu ý là chỉ nên đọc nhẩm trong đầu, chứ không đọc thành tiếng.
Bạn nên theo dõi tốc độ đọc của mình, sau đó lên kế hoạch tăng tốc độ đó, trung bình 200-250 từ/phút (khoảng 1 trang/phút) lên gấp đôi hoặc gấp ba với quyết tâm cao, nỗ lực liên tục. Bằng cách đó, tôi có tốc độ đọc 10 trang/phút. Một lưu ý nữa đó là bạn cần đọc thường xuyên.
Tôi đang thu xếp thời gian để chuẩn bị mở các khoá đào tạo đọc nhanh, có thể là khóa học trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy vào tình hình Covid-19.
Phát triển văn hóa đọc trong mùa dịch
– Ông đánh giá sao về văn hóa đọc trong nước hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và xu thế chuyển đổi số?
– Ngành xuất bản hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là cơ hội “nghìn năm có một” vì mọi người có nhiều thời gian hơn để đọc sách. Nhiều người nói với tôi rằng họ đã lôi những bộ sách rất dày, cũ ra nghiền ngẫm.
Theo khảo sát của tôi đối với 1.000 người, số lượng sách được đọc trong mùa dịch tăng gấp ba lần. Đó là tín hiệu đáng mừng, cơ hội lớn để xây dựng và phát triển văn hoá đọc.
Với tôi, kỹ năng duy nhất phải học ở thế kỷ 21 là tự học, mà cách tốt nhất để tự học chính là tự đọc. Các bạn trẻ cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào việc đọc sách.
Tôi biết ebook, audio book là xu thế không thay đổi được. Tuy nhiên, mỗi loại sách có một đối tượng bạn đọc riêng. Ví dụ người trung tuổi trở lên sẽ luôn thích đọc sách giấy. Tôi tin sách giấy vẫn là niềm đam mê, sự thích thú của nhiều bạn đọc.
– Những tựa sách nào ông hay đọc và muốn khuyên mọi người cùng đọc trong mùa dịch này?
– Tôi rất muốn các bạn tranh thủ đọc thật nhiều để tự trau dồi kiến thức trong đợt cách ly này.
Với các lãnh đạo và bạn trẻ muốn lập nghiệp, hãy đọc những cuốn sách kinh tế, lãnh đạo quản lý, như Kinh điển về khởi nghiệp, Think and grow rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Search inside yourself hay Đọc vị bất kỳ ai.
Mùa dịch, yếu tố sức khỏe rất được quan tâm. Chúng ta hãy cùng đọc Nhân tố enzyme, Sống xanh để khoẻ, và đặc biệt là cuốn Vòng xoáy đi lên (cuốn sách này rất cần thiết vì tỷ lệ người bị rối loạn tâm lý và trầm cảm đang tăng cao trong mùa dịch).
Bên cạnh đó, tôi nghĩ các cuốn sách thiên về tâm hồn, lối sống tử tế cũng rất đáng đọc, như cuốn Nhà tiên tri Vanga và vũ trụ huyền bí, Gieo trồng hạnh phúc, Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới, Muốn an được an… Đó là những tựa sách cần đọc ngay để có được bình an và hạnh phúc trong tình hình Covid-19.
– Thời gian qua, đơn vị của ông luôn phát hành những đầu sách về chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch. Điều gì đã khích lệ đơn vị ông làm điều đó?
– Thật sự là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, hàng trăm đơn hàng bị huỷ vì sách không phải mặt hàng thiết yếu.
Song, chúng tôi vẫn muốn lan tỏa tinh thần tích cực, lạc quan cho độc giả trong mùa dịch. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng rất cần lan tỏa văn hóa đọc trong thời đại 4.0.
Không chỉ liên tục phát hành những tựa sách về chủ đề tích cực, tôi còn thường xuyên chia sẻ những thông tin thú vị, bổ ích lên mạng xã hội sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó mang tính ứng dụng vào cuộc sống, để các thành viên vừa đọc, vừa thực hành.
Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục email, tin nhắn chia sẻ về kết quả ứng dụng để sống khỏe mà không cần dùng thuốc, nuôi dạy con thông minh, sống tử tế, kết nối yêu thương… Chính những điều đó khích lệ tôi cố gắng hơn nữa.
Tôi tin khó khăn nào cũng sẽ vượt qua được. Tranh thủ thời gian giãn cách, đơn vị tôi nghiên cứu phát triển ebook, audio book, podcast; chuẩn bị nhân sự và bản thảo thật tốt để ngay khi hết dịch, chúng tôi có thể tiến hành triển khai, từ đó phát triển văn hóa đọc trong thời đại 4.0.
Theo Zingnews.vn
Tin liên quan
TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Long
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp
Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp
Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp