Vô môn quan

Thái Hà Books
Th 4 24/07/2024

Phunuonline] Vô môn quan là tác phẩm nổi tiếng của Vô Môn Huệ Khai (1183 – 1260), NXB Lao động Xã hội vừa ấn hành qua bản dịch của cư sĩ Trần Tuấn Mẫn.
Dịch giả cho biết: “Chúng tôi là kẻ hậu học, tuy kiến thức chữ nghĩa và thực lực hành trì chẳng bao nhiêu, cũng đem hết sức mình dịch cuốn Vô môn quan này ra Việt ngữ, gọi là để đóng góp vào công cuộc chấn hưng thiền học hiện nay”.

Vô Môn Huệ Khai là một vị thiền sư Trung Quốc thuộc hệ phái Dương Kỳ tông Lâm Tế, nối pháp thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán. Trong tập sách Vô môn quan, tác giả ghi lại 48 công án, mỗi công án được bổ sung thêm một lời bình và một bài kệ. Những bài kệ tụng này được xem là những kiệt tác của văn chương Phật giáo tại Trung Quốc. Vô Môn Huệ Khai cho biết trong lời tựa: “Huệ Khai tôi nhân mùa an cư năm 1228, đến chỉ đạo việc học tập cho tăng chúng ở chùa Long Tường huyện Đông Gia. Người theo học tùy theo trình độ tu tập đã đặt ra những câu hỏi cho trường hợp cá biệt của mình. Nhân đó, tôi mới lấy công án của người xưa trao cho họ như viên ngói dùng để gõ cửa và tùy theo căn cơ của mỗi người mà hướng dẫn”.

Khi đọc tác phẩm này, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: “Phải đến với thiền như thế nào?”. Người xưa từng nói, thiền là một quan ải hiểm nghèo, không cửa, thách thức bước tiến của tâm linh. Vậy đã nhất quyết bước tới, sấn cho đến tận cửa, chúng ta vẫn cố thẳng lưng mà vượt qua. Sự “vượt qua” ở đây không phải là cách chỉ dẫn mà là các “công án thiền”. Chẳng hạn, công án Hai tăng cuốn rèm:

“Trước giờ trai, các học tăng đến tham hỏi ngài Đại Pháp Nhãn ở chùa Thanh Lương. Sư giơ tay trở bức rèm. Bấy giờ có hai ông tăng cùng ra cuốn rèm.

Sư nói:
– Một được, một mất.

Công án này, tùy vào nhận thức mỗi người đọc có sự cảm nhân khác nhau. Riêng tác giả có lời bàn: “Thử hỏi ai được ai mất? Nếu thấy được chỗ này thì thấy được chỗ lải nhải của Quốc Sư Thanh Lương. Tuy vậy, kỵ nhất là việc so đo chỗ được mất. Cuối lời bình còn có kệ tụng:

Rèm cuốn trông vời chốn thái không,

Thái không vẫn chửa hợp nguồn tông.

Chi bằng gạt hết từ nơi ấy,

Một mạch liền liền gió chẳng thông.

Qua dẫn chứng trên, ta thấy rằng để hiểu một “công án thiền” thật không dễ dàng đúng như tác giả đã cho biết: “Nếu có ai thật tâm quyết ý muốn tu thiền mà không tiếc thân mệnh thì có thể đi thẳng một lèo vào cánh cửa này. Lúc đó thì có lẽ Đại Lực Quỉ Vương có ba đầu sáu tay như thái tử Na Tra cũng không thể ngăn cản được. Ngay cả 28 đời Phật tổ bên Thiên Trúc hay 6 đời tổ sư thiền Trung Quốc nếu vướng phải đường tiến của anh ta, chắc chỉ mong sao thoát thân toàn mạng. Tuy nhiên, nếu ngần ngừ một chút không chọn con đường này thì sẽ giống như người nhìn ngựa phi qua song cửa, chỉ trong một nháy mắt, không còn cơ hội bắt kịp chân lý nữa”.

Với tập sách này, đọc chậm rãi, ngẫm nghĩ, chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị.

L.K

 

Tin liên quan

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp

Nội dung bài viết