WHAT I’VE LEARNED: TIẾN SỸ NGUYỄN MẠNH HÙNG
Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024
Esquirevietnam.com.vn - Ở tuổi tròn 50, vừa là một doanh nhân vừa là một nhà văn hóa am hiểu nhiều lĩnh vực, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với Esquire về đam mê mãnh liệt của mình với sách.
> Tôi mê đọc sách từ nhỏ. Có lẽ là tôi mê học nên vớ cái gì cũng đọc. Tờ giấy báo bán xôi nhặt được cũng vuốt ra cất đi đọc cả chục lần. Có khi cáo phó cho người qua đời tôi cũng đọc đến thuộc lòng.
> Khi học đại học bên Nga, tôi đọc nhiều lắm. Cứ có học bổng là tôi đi mua sách và đĩa nhạc (đĩa than chạy bằng máy quay đĩa lên dây cót thời xưa). Ngày tốt nghiệp đại học tôi mang về Việt Nam rất nhiều sách và tài sản của tôi lúc đó hầu như toàn là sách. Rồi ngày tôi từ Úc về cũng mang theo… hơn 3 tạ sách. Từ Luân Đôn về tôi cũng mang hơn 100 kg sách. Đi đâu cũng mua sách. Ngồi đâu cũng đọc sách. Nhiều năm rồi tôi có thói quen dậy sớm đọc sách, ngồi chơi đọc sách, đợi khách cũng đọc sách, nghỉ trưa cũng đọc sách.
> Kết quả của việc đọc sách ư? Tôi hiểu biết khá nhiều kiến thức từ sách rồi mang ứng dụng vào cuộc sống. Ví dụ khi đọc cuốn Think and grow rich của tác giả Napoleon Hill, tôi rất tâm đắc với 13 nguyên tắc thành công và đã lần lượt áp dụng từng nguyên tắc vào cuộc sống của mình. Với nguyên tắc tự kỷ ám thị, tôi đã luôn tự ám thị rằng mình khỏe mạnh, mình hạnh phúc, mình bình an… và cuộc sống thực tế của tôi đã diễn ra đúng y như vậy. Hay khi đọc cuốn Người nam châm – Bí mật của luật hấp dẫn, tôi thường nghĩ đến yêu thương, lan tỏa yêu thương… Và tôi nhận được vô vàn yêu thương mỗi ngày. Hoặc bộ sách 4 cuốn Tứ thư lãnh đạo giúp tôi điều hành doanh nghiệp rất tốt…
> Muốn hiểu văn hóa đọc là gì thì trước tiên, chúng ta phải hiểu văn hóa là gì. Theo tôi, văn hóa là những yếu tố còn giữ lại sau một thời gian rất dài. Tôi cứ hay ví văn hóa như lớp bùn ở đáy ao, đáy hồ. Còn văn hóa đọc thể hiện ở 3 góc độ: cách mỗi người chúng ta chọn sách, cách đọc sách, cách ứng dụng sách vào cuộc sống và công việc mỗi ngày.
> Một quốc gia luôn coi trọng tri thức và trí tuệ thường là quốc gia có văn hóa đọc tốt. Ngược lại khi người dân đọc sách nhiều họ sẽ là những người văn minh và văn hóa. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng từ “văn hóa” trong tiếng Việt nhiều khi bị hiểu sai vì chúng ta thường nhầm lẫn giữa trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Ví dụ, khi ta nói: anh A có bằng đại học, chị B có bằng trung học hoặc ông C có bằng tiến sỹ tức là chúng ta đang nói đến trình độ học vấn chứ của họ chứ không phải trình độ văn hóa. Thực tế, chưa chắc một vị tiến sỹ có văn hóa cao hơn một người nông dân chỉ học hết cấp một.
> Thời còn chữ Hán, chữ Nôm, người Việt phần lớn là mù chữ nên tỷ lệ người đọc sách rất ít, chưa đủ hình thành văn hóa đọc. Từ khi chữ Quốc ngữ phổ cập, người dân mới bắt đầu tập đọc. Tôi cho rằng hiện nay, người Việt Nam mới đang xây dựng và phát triển văn hóa đọc thôi.
> Tôi từng đi học, làm việc tại 40 quốc gia và thấy văn hóa đọc của nhiều quốc gia trên thế giới được hình thành và phát triển từ lâu và rất khác với người Việt. Người phương Tây rất coi trọng việc đọc, mọi người đều đọc sách, đọc mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh họ đọc sách ở bến tàu, bến xe, nhà chờ sân bay hay trên các phương tiện công cộng… Trong ba lô hay va li của họ lúc nào cũng có một vài cuốn sách. Tôi thấy tại các công viên ở Đức, họ xây dựng các tủ sách cho người dân và ai thích thì cứ đến lấy đọc rồi lại để vào chỗ cũ.
> Đạo Phật dạy “Văn Tư Tu” tức đầu tiên ta phải đọc, phải học. Học và đọc để có đường đi. Sau đó ta cần tư duy xem đâu là đúng đâu là sai. Cuối cùng mới là phần thực hành. Thà không thực hành còn hơn thực hành sai. Xe tốt tốc độ cao mà đi sai đường thì rất nguy hiểm.
> Tôi ấn tượng với câu trong Kinh thánh: “Người giàu lên được thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Càng giàu càng bám víu nhiều thứ nên tôi sống giản dị và thấy càng giản dị thì càng hạnh phúc.
> Theo khảo sát của tôi, những bạn dưới 40 tuổi thích sách ebook hơn, nhóm trên 40 vẫn thích sách giấy. Nhiều người đọc sách điện tử xong lại đi mua sách giấy. Giống như có người thích xem phim tại nhà nhưng nhiều người vẫn muốn đến rạp. 80% sách tôi đọc là sách giấy.
> Bí quyết đọc và học của tôi: biết mình cần gì rồi tìm sách phục vụ cái ta cần. Sau đó, nên hỏi những người thành đạt, thậm chí người mà mình hâm mộ hay thần tượng xem 10 cuốn sách họ tâm huyết nhất là gì sau đó mua về đọc và ứng dụng. Vậy thôi!
> Để không lãng phí thời gian, bạn cần làm hai việc là loại những cuốn sách không cần đọc hay chưa cần đọc đi. Thứ 2, phân loại các loại sách định đọc thành từng nhóm: sách chuyên ngành, sách kỹ thuật, sách giải trí, sách khoa học, sách cần đọc ngay, sách để dành khi rỗi đọc… Giữa một rừng sách báo mà vàng thau lẫn lộn thì yếu tố đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu là nguồn gốc xuất bản của cuốn sách….
> Học là tự đọc. Theo tôi, nếu 30 tuổi không có thói quen đọc sách là hầu như hết phương cứu chữa. Có thói quen đọc sách từ cấp một là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, các công ty sách cần có trách nhiệm về những cuốn sách mình xuất bản.
> Những ai muốn làm giàu, nhất là giàu nhanh xin tránh xa ngành xuất bản. Xuất bản là ngành của tri thức, của phục vụ, của cống hiến. Nếu anh chị muốn làm giàu mà chưa đủ tâm huyết, chưa đủ hiểu biết thì nên chuyển sang mở loại hình kinh doanh khác.
> Cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con, hướng dẫn con cách đọc, cách chọn sách. Mỗi gia đình cần có một tủ sách. Cần phải rèn luyện các em nhỏ có thói quen đọc sách, ở Phần Lan ngày sinh ra một đứa bé, thay vì tặng quà người ta tặng giỏ sách. Đây là một nét văn hóa rất tuyệt vời!
> Nhà nước nên quan tâm hơn đến văn hóa đọc. Cần có ngân sách lớn hơn cho việc xây dựng các thư viện, hỗ trợ xuất bản… Có sách sẽ có tri thức. Tri thức có từ sách và văn hóa đọc sách, mà tri thức là nền tảng để phát triển đất nước.
> Tôi mong 93 triệu dân Việt Nam hãy đầu tư cho sách và tri thức, cho văn hóa đọc và trí tuệ. Không đầu tư vào lĩnh vực nào mà lại có lợi và chắc ăn như vào việc đọc. Chỉ cần mỗi người dân bớt tiền nhậu nhẹt, ăn uống, bia rượu đi để mua sách; bớt la cà giết thời gian để đầu tư cho việc đọc thì cả dân tộc chúng ta đã được lời lắm rồi, dân trí sẽ tăng cao và chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện tích cực.
BÀI: PHƯƠNG THƯ. ẢNH: NGUYÊN MINH
Theo:Esquirevietnam.com.vn
Tin liên quan
TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Long
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp
Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp
Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp