Ý nghĩa mới từ một trò chơi thời “Vang bóng…”
Thái Hà Books
Th 4 06/03/2019
Suckhoedoisong - Trong tác phẩm “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân xuất bản năm 1940, có nhiều truyện “vẽ lại cái “đẹp xưa” của thời phong kiến suy tàn… Họ uống rượu “thạch lan hương”… họ đánh bạc bằng thơ và hát ả đào trên sông Hương… đi lại đường trường trên võng, trên cáng, vừa đi vừa đánh cờ tướng, dềnh dàng, đủng đỉnh trên những con đường vắng vẻ…” Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã viết như thế trong những trang đầu Tuyển tập Nguyễn Tuân (NXB Văn học, 1981).
Dẫn một “chuyện xưa” gắn với cụ Nguyễn là cách mượn chút văn chương để làm cho bài viết về một đề tài khoa học có thể là khô khan thêm tươi tắn. Tôi nói là “có thể” thôi, chứ khoa học, toán học đều là thành tựu của trí tưởng tượng, nên cũng giàu chất “thơ”. Và các nhà khoa học ngành y như Vũ Quần Phương, Vũ Oanh…đồng thời là văn nghệ sĩ tên tuổi.
Đề tài khoa học mà tôi nói đến lại càng giàu “chất thơ”. Đó là nội dung một tác phẩm rất thú vị vừa ra đời trước thềm Xuân 2019: Chuyên luận “Hào quang vật lý trong bầu trời Phật học” của tác giả Nguyễn Trí Thạch (NXB Thế Giới & Công ty sách Thái Hà); một cuốn sách giá trị và thật… hợp thời.
Nói vậy, vì tác phẩm liên quan trực tiếp đến nhận thức của cả nhân loại về thế giới ta đang sống, nhất là vào lúc “thời đại 4.0” đang và sẽ làm xoay chuyển nhiều hoạt động của con người. Trò chơi cờ tướng trên võng mà cụ Nguyễn miêu tả chỉ là một ví dụ nhỏ mà tác giả dẫn ra khi bàn đến sự hòa hợp giữa Vật chất và Ý thức; có thể nói đây là một “vẻ đẹp” mà thời “Vang bóng” chưa nghĩ đến. Và như thế, cuốn sách này rất thích hợp để đọc và nghiền ngẫm lúc “giao thừa” của thiên nhiên…
Với tác phẩm này, thoạt đầu tôi muốn nhờ các tên tuổi cỡ như TS. Nguyễn Tường Bách hay GS. Cao Huy Thuần giới thiệu mới… “ngon”; nhưng hai vị ở xa (một ở Đức, một ở Pháp), không dễ liên hệ; hơn nữa, những vấn đề có thể gọi là “cao siêu” trong cuốn sách đã được tác giả “cố gắng lý giải ngắn gọn, dễ hiểu”(*), nên có khi từ cách tiếp cận của một kẻ “a-ma-tơ” như tôi, cuốn sách có giá trị này sẽ dễ đến với công chúng rộng rãi
Từ khi nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein (1879-1955) cho rằng “Tôn giáo tương lai sẽ là một Tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi Thần linh giáo điều và Thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện Tự nhiên lẫn Siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa nhất. Phật giáo đáp ứng tất cả các điều kiện đó” thì đã có nhiều nhà nghiên cứu tham gia lý giải vấn đề quan trọng và lý thú này (như cuốn “Đạo Phật và Khoa học” của Minh Giác, NXB Tôn giáo, 2005)… Tác giả Nguyễn Trí Thạch (NTT), một người từng gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu khí động lực học hàng không và khí tượng thủy văn, sau hơn 50 năm trăn trở tìm câu trả lời “Liệu ranh giới của hai thế giới này (vật chất-tinh thần) có thật sự tồn tại trong một vũ trụ nhất thể hay không?” và sau hơn 2 năm “đóng cửa” nghiên cứu và tu luyện, từ những kết quả mới nhất của vật lý hiện đại, từ niềm tin về tính thống nhất “Tự nhiên” & “Siêu nhiên” trong nhãn quan của Albert Einstein, ông đã “ngộ” ra một cách lý giải vấn đề trên và mạnh dạn “chia sẻ ý tưởng kết nối hai bức tranh này cùng bạn đọc.” Tôi dùng từ “ngộ” vì trong “Lời ngỏ”, ông đã viết về “trợ lực bất ngờ” đã cho ông niềm tin và “một cách hiểu mới hoàn toàn” để thực hiện chuyên luận từng khiến ông “choáng ngợp trước tầm vóc một vấn đề lớn”: Đó “là những ánh chớp lóe sáng trong những thời điểm hết sức đặc biệt. Có thể là một xung năng ngắn ngủi nào đó thuộc Tâm linh chăng?…”
Như thế bạn đọc có lẽ đã hình dung phần nào tầm vóc và cách tiếp vấn đề của tác giả. Để thật hiểu được tác phẩm, tôi nghĩ ít nhất là phải đọc 2 lần nhưng có lẽ (với bạn đọc “phổ thông”) không cần “bận tâm” quá nhiều các chi tiết của những thành tựu nghiên cứu vật lý hiện đại, mà chỉ cần nắm “ý tưởng” mà tác giả hướng tới; mặc dù tác giả đã cố gắng giới thiệu chúng một cách dễ hiểu nhất có thể – chứ không dễ nắm được nội dung hàng loạt các lý thuyết và thực nghiệm của các nhà bác học trên thế giới như “Lý thuyết dây”, rồi “Lý thuyết Hấp dẫn Lượng tử vòng”…; chỉ một kích thước hạt Quark với con số 10 có mũ “âm” 18 đã khó hình dung…
Ở đây, xin dẫn một ví dụ ngay Chương I (Vật lý và Siêu Vật lý – trong Phần thứ nhất tác phẩm mang tên “Đi tìm những mảnh ghép của bức tranh thống nhất tự nhiên và siêu nhiên) khi tác giả trình bày “Hologram – một thành tựu kỳ diệu”, có lẽ chúng ta chỉ cần lưu ý đến phát hiện rất quan trọng là: Nếu chụp ảnh thông thường một người (hay bất kỳ thứ gì khác), khi cắt đôi tấm phim, ta chỉ thu được một nửa người đó; nhưng với bản phim Hologram (chụp từ nguồn sáng máy phát laser), “dù cắt làm đôi, làm tư… thậm chí cắt nát vụn, chỉ lấy một mẩu cỏn con, đem soi chiếu bằng một máy phát Laser, chúng ta đã thấy mẩu phim ấy vẫn thể hiện đầy đủ nguyên vẹn hình tượng” mà ta chụp. Có thể một số bạn đọc đã biết về phim Hologram (còn gọi là “toàn ảnh”), nhưng điều quan trọng hơn, tác giả đã chỉ rõ, từ phát hiện này, chúng ta nhận thức “một chân lý phổ quát của vũ trụ: Toàn bộ phản ánh bộ phận, bộ phận chứa đựng toàn bộ.” Theo nhà vật lý David Bohm (1917-1992), Hologram “đã trở thành nền tảng của Học thuyết Luân hồi tái sinh vô lượng kiếp trong quá khứ mà đức Phật nhìn thấy cách đây 25 thế kỷ…”.
Điều đáng kể nữa là cách lý giải của tác giả đã cho bạn đọc cái thú vị luôn được trải nghiệm nhiều chiều cảm xúc, từ đỉnh cao trí tuệ và triết thuyết có tầm vĩ mô, ông dẫn tới những ví dụ sinh động, gần gũi với đời sống; như việc nhân bản của nhà thực vật học – chỉ cần dùng mẩu cành, thậm chí lá cây, đem giâm cấy vào môi trường thích hợp sẽ mọc lên cả rừng cây; hay “thời sự” hơn là thí nghiệm của các nhà khoa học Anh năm 2016, “có thể tạo phôi từ các tế bào bất kỳ mang nhiễm sắc thể để kết hợp với tinh trùng mà không cần trứng của người mẹ” đều xuất phát bởi thông điệp triết học Hologram “mỗi bộ phận đều chứa cái toàn bộ”…
Dẫn thêm một ví dụ khác. Khi viết về “Những dấu hiệu mới, hé lộ “Sự thống nhất lớn” các thế giới Siêu và Thực”, tác giả đã nêu rất nhiều chứng cứ đã và đang diễn ra ngay cạnh chúng ta, rõ nhất là trong công nghệ thông tin thời “cách mạng 4.0” cho thấy “sự thu hẹp dần tính vật chất và tiến tới quá trình liên kết Vật chất và Phi vật chất (liên kết Thực và Ảo”) … Cụ thể hơn, tác giả đã dẫn ra việc phát hiện “sâu” Stuxnet hồi tháng 6/2010; đây là vũ khí tin học có thể phá hủy đường ống dẫn khí, chiếm quyền điều khiển máy móc… có thể được sử dụng trong chiến tranh trên Không gian ảo…
Khi lý giải nguyên lý phổ quát của Vũ trụ “đối xứng – phá vỡ đối xứng để rồi thiết lập một đối xứng cao hơn” (cũng có thể nói: “Trật tự – phá vỡ trật tự (do hỗn loạn) – tiếp theo là một trật tự cao hơn”), tác giả đã cho chúng ta xem các bông tuyết được khuyếch đại bằng kính lúp mạnh – chúng mảnh mai cực kỳ, vậy mà qua bao thời gian bị xô đẩy, cuộn xoáy giữa không trung với nhiệt độ, áp suất, ô nhiễm…khắc nghiệt, chúng vẫn kiên định cái Trật tự tất yếu của mình…
Một ví dụ khá thú vị khác là việc chơi “cờ tưởng” – xin lưu ý không phải là “cờ tướng”. Chúng ta được biết trò chơi cờ tướng cần Vật chất (bàn cờ, quân cờ) và Ý thức (tức Trí tuệ). Thế mà “từ quá khứ xa xưa, các bậc cao cờ đã đẩy trò chơi lên một đẳng cấp cao hơn: Đó là vứt bỏ bàn cờ và quân cờ…” Họ chỉ truyền thông tin về nước đi cho nhau qua tưởng tượng nên gọi là “cờ tưởng”! Cách chơi cờ “cao cấp” đã được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả rất thú vị trong tác phẩm “Vang bóng một thời” – hai cụ nằm hai võng, không trông thấy nhau, vừa đi vừa hô “lên xe – ghếch mã”… Có điều thời ấy, cụ Nguyễn chưa có thể rút ra kết luận: Vậy là bỏ yếu tố Vật chất, “cuộc đấu càng hấp dẫn và thú vị gấp nhiều lần!” Nói cách khác, do không chia tách Vật chất và Ý thức, giá trị được tăng lên.
Còn nhiều, rất nhiều những “ví dụ” gần gũi cuộc sống (có cả những hiện tượng đang bị cho là “mê tín” như “vong dựa nhập”…) đã được tác giả dẫn ra để lý giải các lý thuyết có phần cao siêu và trừu tượng để “chỉ ra sự hòa quyện, sự thông qua nhau của hai thế giới” Tự nhiên và Siêu nhiên. Tác giả cũng tự biết “bức tranh hòa hợp không phải là không còn những khe hở” và “hy vọng được học hỏi nhiều từ bạn đọc rất kính mến có cùng mối quan tâm suy tư về vấn đề này…”
Tôi tin là nếu bạn đọc tác phẩm này, khi gấp sách lại – thậm chí đang đọc cũng sẽ nhiều lúc tạm “giải lao” đứng dậy, bước ra nhìn cảnh vật xung quanh, rồi phóng tầm mắt ra bầu trời xa lắc mênh mông và tự nhủ: “Thì ra lâu nay mình tưởng đã hiểu hết… Té ra những thứ con người đo đếm được chỉ chiếm 4% vũ trụ; còn 96% chưa biết, các nhà khoa học gọi là “Năng lượng Tối”!… 96% ấy là những gì nhỉ? Siêu nhiên hay là gì nữa?…”
Thiết nghĩ, biết tự hỏi như thế là dấu hiệu của con người trưởng thành. Cũng là cách ứng xử có văn hoá trong cuộc sống cụ thể cũng như trước vũ trụ huyền bí bao la…
Nguyễn Khắc Phê
Tin liên quan
TRẠI HÈ PHẬT GIÁO 2024 DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 13 – 23 TUỔI TẠI ĐẠI TÙNG LÂM HOA SEN
Long
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ... Đọc tiếp
Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
“Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”, Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết... Đọc tiếp
Những bí mật trong lịch sử chữ Quốc ngữ và sự thú vị của tiếng Việt
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659’ và ‘Tiếng Việt ân tình’, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu... Đọc tiếp