Ba nguyên tắc để mọi mối quan hệ đều tốt đẹp
Thái Hà Books
Th 6 07/06/2019
Thaihabooks- Mối quan hệ không phải là chịu đựng lẫn nhau mà là một quá trình song hành cùng nhau. Một người tiến lên phía trước thì người kia sẽ lùi lại phía sau để giữ cân bằng.
Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có thể vấp phải sai lầm trong giao tiếp. Cảm xúc, suy nghĩ, thói quen… rõ ràng là những thứ thuộc sở hữu của ta, nhưng nếu ta không chăm chút cho nó, bất đồng với người khác sẽ nảy sinh. Nhưng chỉ cần chúng ta cố gắng vun đắp chiếc bát ngôn từ của mình, tôi tin tưởng rằng, lời nói của bạn có thể vực dậy, biến chuyển một ai đó.
Có ba nguyên tắc mà bạn cần hiểu để có một mối quan hệ tốt đẹp. Khi đã nắm được những nguyên tắc này, dù là ở giữa những người khó giao tiếp và năng lực giao tiếp của chúng ta bị thử thách, ta vẫn có được điểm tựa để phát huy khả năng của mình.
Quy tắc thứ nhất: Ai cũng yêu “bản thân mình”
Trong cuộc sống, có rất nhiều điều mà mọi người yêu quý và giữ gìn như gia đình, tiền bạc, danh vọng, sức khỏe… nhưng nếu cần nhấn mạnh một yếu tố quan trọng khi kết giao với người khác thì chính là quy luật “Ai cũng yêu bản thân mình”. Tất cả chúng ta đều hành động theo hướng bảo vệ bản thân như một bản năng.
Tuy nhiên, “gen di truyền về tâm lý yêu bản thân mình” vốn mang nhiều lợi ích như giúp chúng ta gia tăng sự tự tin, thỏa mãn đôi khi lại gây ra mâu thuẫn trong mối quan hệ với người khác. Nếu không tìm hiểu mục đích của đối phương mà mặc nhiên coi đó là sự “uy hiếp hướng đến mình” thì tâm lý phòng ngự trong ta sẽ tự động xuất hiện.
Ở một số người, bản năng này cực kỳ nhạy cảm dẫn tới việc họ công kích người khác trước để bảo vệ mình. Khi trở nên bất an, họ sẽ cố tình bới móc điểm yếu của người khác và khẳng định thế mạnh của mình. Đó là hành động cố thể hiện mình là kẻ mạnh để bảo vệ bản thân. Ngược lại, một số người chọn phương pháp đóng chặt cửa với các mối quan hệ để tránh bị tổn thương.
Trong trường hợp không thể lý giải hành động của đối phương, chúng ta nên suy xét lại, phải chăng “họ đang bất an vì một điều gì đó”? Tuy không thể giải thích nhưng rõ ràng đối phương coi một vài hành động nào đó là xâm phạm đến cá nhân và phản ứng lại một cách thái quá so với thường ngày.
Do vậy, trước khi bắt đầu cuộc đối thoại, sự quan tâm chúng ta có thể dành cho đối phương là giúp họ tìm lại cảm giác an toàn.
Quy tắc thứ hai: Mỗi người có một “sự thật” khác nhau
Chúng ta thường dùng thế giới quan của bản thân để quan sát thế giới bởi đó là sự thật đã được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của chúng ta. Sự thật mà mỗi người biết, khi gặp nhau lại trở thành khác biệt. Nhưng trong sự khác biệt tất yếu ấy, một khi bạn cho rằng mình là đúng nhất thì việc lắng nghe người khác sẽ trở nên khó khăn.
Lời nói và hành động của một người hình thành dựa trên những kinh nghiệm lặp đi lặp lại từ khi họ còn nhỏ và theo thời gian, những kinh nghiệm ấy càng được củng cố vững chắc. Vì vậy, ta không thể coi những hành động như: biện minh cho bản thân, tìm cách phê phán hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác là một vấn đề thuộc về nhân cách. Chúng ta nên hiểu rằng đó là nỗ lực để con người tự bảo vệ bản thân, là quá trình tranh đấu để không đi lệch khỏi con đường đã quá quen thuộc từ trước tới nay.
Nguyên tắc “Ai cũng có một sự thật riêng” cho chúng ta thấy rằng, nếu muốn tạo ảnh hưởng tới một ai đó, trước hết ta cần tiếp cận thế giới quan của người đó. Để hiểu về một người, ta cần tiếp cận hoàn cảnh sống, nguồn gốc đã khiến họ hình thành những niềm tin đó. Trước khi áp đặt niềm tin của bạn lên người khác, hãy kiên nhẫn tìm hiểu niềm tin của họ trước. Làm được điều đó, chúng ta sẽ hiểu nguồn gốc dẫn tới những phản ứng cảm xúc khó hiểu (thái quá hoặc nhạy cảm quá mức) của đối phương và khám phá nhu cầu, kỳ vọng, mục tiêu, v.v. của họ.
Quy tắc thứ ba: Ai cũng cần “ranh giới” để có một mối quan hệ bền vững
Phải chăng vì quá thân quen, gắn bó mà người ta dễ dàng nói ra những lời thiếu cẩn trọng và hậu quả là tàn dư của những lời nói ấy cứ ngày một tích tụ trong lòng người nghe. Thời gian trôi qua, hiểu lầm ngày càng sâu sắc, những khó chịu trong lòng cũng ngày một nhiều thêm. Hiện tượng bất đồng này chủ yếu xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè lâu năm, v.v
Theo thời gian, một người sẽ coi những việc đối phương làm cho mình là đương nhiên và cũng chai sạn với cảm giác áy náy, có lỗi với đối phương. Dù làm tốt không được khen ngợi nhưng chỉ cần sơ suất nhỏ cũng dễ bị chỉ trích.
Ngược lại, nếu duy trì ranh giới quá rạch ròi sẽ khiến cả hai trở nên cô độc. Họ sẽ tránh biểu lộ sự quan tâm tới đối phương và tự cô lập lẫn nhau. Cả hai ở trong trạng thái “anh đường anh, tôi đường tôi” vì vậy không thể an ủi, động viên nhau lúc khó khăn, lại càng không muốn hợp tác khi cần giúp đỡ.
Mối quan hệ tồn tại ranh giới rõ ràng là nơi mà tính cá biệt và tính liên kết có thể tự do hoạt động. Ở một mình ta cũng cảm thấy thoải mái mà ở cùng đối phương cũng không khó chịu. Gần gũi, gắn bó với người khác nhưng ta cũng không đánh mất bản thân mình; vừa chia sẻ vui buồn với nhau mà vẫn không có cảm giác gánh nặng về mặt cảm xúc. Có thể giúp đỡ nhau trong khả năng của mình, đồng thời hiểu rõ mức độ mình có thể gánh vác. Ngay cả khi đối phương có sự bất mãn đối với ta, ta cũng không vội vàng trách cứ họ mà kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân.
Nhờ duy trì một khoảng cách vừa phải, ta sẽ không bị tổn thương ngay lập tức bởi lời cáu gắt của đối phương, trái lại, có thể lùi một bước để suy ngẫm về mọi chuyện.
Đừng buồn nếu bản thân cố gắng để thân thiết hơn nhưng đối phương lại ngày càng xa lánh. Phải giữ khoảng cách phù hợp thì cả hai mới có thể thực sự hòa hợp với nhau. Phải trân trọng khoảng cách ấy thì cả hai mới không buông tay và trở thành những người xa lạ.
Lời nói là phương tiện để ta an ủi, yêu thương một ai đó. Hãy trò chuyện chân thành cùng nhau, tôi tin rằng lời nói của bạn có sức mạnh to lớn để bảo vệ những người bạn yêu thương, trân quý.
Thông tin được trích ra từ sách: Để đời xanh mát, hãy đắp vun chiếc bát ngôn từ
Đặt sách tại: https://nhasachthaiha.vn/products/de-doi-xanh-mat-hay-dap-vun-chiec-bat-ngon-tu
Tin liên quan
Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với "10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt"
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Con không thích học tiếng ViệtCon ghét Tập làm vănĐừng có bắt con viết văn miêu tảÀ hay là mở văn mẫu chép theo nha!Ai đang... Đọc tiếp
CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam-Ngũ giới rất gần với khái niệm về quyền con người. Năm nguyên tắc này là sự tôn trọng chung/phổ quát... Đọc tiếp
Như Lai “vẫn là con người cũ”
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Báo Giác Ngộ-Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân... Đọc tiếp