Chứng nghiện đồ ăn – Vì đâu lại “uy hiếp” con người hiện đại?

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

ThaiHaBooks- Nếu gõ những từ khóa “nghiện, chẩn đoán, kiểm tra” trên trang tìm kiếm, bạn sẽ thấy những từ liên quan cũng được đề xuất như “chứng trầm cảm, rượu, chất đường bột”. Nghiện đồ ăn hiện nay chưa được công nhận là căn bệnh nhưng là triệu chứng gây nhiều tổn hại đến sức khỏe của cơ thể. Chứng nghiện đồ ăn rõ ràng đang tồn tại trong xã hội của chúng ta nhưng hầu hết mọi người đều không nhận ra nó. 

Con người hiện đại bị bủa vây và chìm ngập trong rất nhiều căng thẳng, lại sống trong một hoàn cảnh mà những loại thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn tràn ngập khắp nơi. Ở thời hiện đại, chỉ cần đảo mắt một vòng cũng có thể thấy đồ ăn tràn ngập khắp mọi nơi như hiện nay, việc kiềm chế cảm giác thèm ăn chỉ bằng ý chí quả thật giống một sự tra tấn độc ác.

Chứng nghiện đồ ăn phá hỏng cơ chế giải phóng hoóc-môn leptin và insulin khiến số lượng các tổ chức mỡ tăng lên, từ đó dẫn đến béo phì, nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh.

Trong cuốn sách “Chứng nghiện đồ ăn” bác sĩ Yong-Woo Park sẽ giới thiệu đến bạn những nguyên chính dẫn tới béo phì – một căn bệnh mới đang uy hiếp cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại, đó có thể là vì đồ ăn, cũng có thể là vì giấc ngủ, vì sự căng thẳng bên trong của bạn,… Đồng thời, ông cũng đưa ra những nghiên cứu mới về chứng nghiện đồ ăn và phương pháp chữa trị.

Với những người đang băn khoăn trong việc kiểm soát thói quen ăn uống của mình hay đang có nguy cơ mắc bệnh béo phì, việc tìm hiểu về chứng nghiện này một cách kỹ càng dưới góc độ khoa học là một điều cần thiết.

Nghiện đồ ăn không thể chữa trị bằng ý chí

Nghiện đồ ăn kích thích sự thỏa mãn ở não bộ thông qua hành vi ăn uống. Dù không uống rượu hay sử dụng thuốc phiện, chúng ta vẫn có thể sống nhưng chúng ta không thể không ăn. Vì vậy trong xã hội hiện đại, chứng nghiện đồ ăn có thể trở thành một căn bệnh nguy hiểm. Điều đáng sợ nhất là những loại thuốc như ma túy bị pháp luật nghiêm cấm không thể dễ dàng tìm mua được, còn đồ ăn có mặt ở khắp mọi nơi nên dù có muốn né tránh, chúng ta cũng không làm được. 

Những người nghiện rượu cuối cùng có thể kiêng uống rượu nhưng người nghiện ăn thì vẫn phải ăn vì đó là hoạt động sinh tồn của cơ thể. Có rất nhiều yếu tố gây ra chứng nghiện đồ ăn, căng thẳng mạn tính, khó ngủ, hấp thụ các sản phẩm đồ gia công, đồ ăn chế biến sẵn,… là những nguyên nhân chủ yếu của chứng nghiện đồ ăn được giới khoa học công bố từ trước đến nay. Căng thẳng mạn tính khiến chúng ta không thể kìm hãm được cảm giác thèm ăn của bản thân. Nếu chúng ta cứ tiếp tục ăn những món ăn mang lại khoái vị, cơ thể sẽ kích thích hệ thống cân bằng nội môi và rất dễ mắc vào chứng nghiện đồ ăn. 

Nhìn chung, để cải thiện và kiểm soát chứng nghiện đồ ăn, chúng ta không chỉ dùng ý chí là đủ. Thực tế, phương pháp chữa trị cần sự phối hợp giữa rất nhiều phương diện: khắc phục tình trạng mạn tính, chứng khó ngủ và kiểm soát việc hấp thụ carbohydrate.

Càng cố tình giảm cân, càng dễ quay về cân nặng ban đầu 

Một trong những tác hại nguy hiểm nhất của chứng nghiện đồ ăn chính là bệnh béo phì. càng tăng và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh đe dọa tính mạng khác. Theo báo cáo năm 2019 của hãng tin Bloomberg, tỉ lệ người mắc béo phì đang tăng nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó dẫn đầu về tốc độ là Việt Nam. Béo phì ngày nay đang vấn nạn sức khỏe toàn cầu, tình  trạng này kéo theo tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Thế nhưng chúng ta vẫn đang có những suy nghĩ sai lệch về cách ăn uống để phòng ngừa bệnh béo phì và hạn chế chứng nghiện đồ ăn. 

Những người béo nếu chủ ý ăn ít đi để giảm cân, cơ thể sẽ phản ứng lại với sự thay đổi này bằng cách tăng cảm giác thèm ăn hoặc giảm tốc độ trao đổi chất. Ngược lại, những người gầy chủ ý ăn nhiều lên để tăng cân thì cảm giác thèm ăn sẽ giảm đi hoặc tốc độ trao đổi chất sẽ tăng lên. Tức là cơ thể rất nhạy cảm với những biến đổi của điều kiện ngoại cảnh và luôn cố gắng duy trì thể trạng ban đầu. Do đó không thể dự đoán được thể trọng sẽ dao động như thế nào nếu chỉ dựa vào phương pháp tính toán làm tăng hay giảm lượng calo hấp thụ vào cơ thể.

Có thể xem điều này giống như khi chúng ta tham gia một cuộc thi nhịn thở trong nước lâu nhất vậy. Để chiến thắng, chúng ta gắng hết sức mình để nín thở nhưng kết quả là không nhịn được bao lâu đã ngoi đầu lên khỏi mặt nước và thở lấy thở để. Lý do là vì bản năng phải thở để sinh tồn đã vượt lên trên sức mạnh ý chí nhịn thở của chúng ta. 

Cân nặng cũng vậy, nếu chúng ta “cố tình” giảm cân thì cơ thể sẽ không chịu đựng được lâu và có xu hướng cố gắng để quay trở về cân nặng ban đầu hoặc là lớn hơn. Đó là bởi bản năng đưa cơ thể trở về cân nặng vốn có đã chiến thắng sức mạnh ý chí muốn duy trì thể trọng sau khi đã giảm.

Không phải người béo sẽ ăn nhiều và người gầy sẽ ăn ít. Dù béo hay gầy, lượng thức ăn của những người có thể trọng luôn duy trì ở một mức nhất định và không có sự khác biệt nhiều. Nhưng có một sự thật chắc chắn rằng những người đang tăng cân sẽ ăn nhiều hơn so với người bình thường.

Ở thời đại này việc ăn uống thoải mái, ăn đến no căng là một loại cám dỗ khó có thể chối từ bởi xung quanh chúng ta với vô vàn những món ăn đã bày sẵn nên mặc dù đã ăn no, chúng ta cũng không dễ dàng gì thoát khỏi sự cám dỗ của việc ăn uống. Rõ ràng bụng đã no nhưng ham muốn được ăn tiếp lại trỗi dậy. Đây không phải là nhu cầu vì sự sinh tồn. Đó là nhu cầu “thỏa mãn” được khơi dậy từ ký ức thưởng thức một món ăn ngon lành hay cảm giác vui vẻ khi ăn một món ăn đã khắc cốt ghi tâm trong não bộ. Từ đó, chứng nghiện đồ ăn sẽ ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến béo phì. Béo phì khiến vấn đề kháng leptin và kháng insulin trở nên nghiêm trọng hơn và kết quả là sức khỏe chúng ta bị tổn hại.

Những việc cần nghĩ tới khi đứng trước đồ ăn

Trong công trình nghiên cứu khoa học của mình, chuyên gia sinh học thần kinh, GS. Michael D. Gershon (Đại học Columbia, Mỹ) đã xác minh chúng ta có Bộ não thứ hai: hệ thống thần kinh ruột. Do đó, khi chúng ta suy nghĩ gì, bụng chúng ta cũng sẽ hoạt động theo đó. Trong cuốn sách này, bác sĩ Yong-Woo Park cũng cho rằng nguyên nhân cốt lõi của việc mắc chứng nghiện đồ ăn là do chúng ta đánh mất khả năng điều tiết hoạt động ăn uống của bản thân. Khi chúng ta cảm thấy đói bụng, chúng ta phải ăn một lượng vừa phải và dừng lại đúng lúc nhưng vì không nhận thức được lúc nào nên dừng lại nên mới dẫn tới việc ăn uống quá độ. 

Tác giả cũng chỉ ra một đặc điểm rất đáng lưu ý của người bị mắc chứng nghiện đồ ăn là họ dễ cảm thấy cô đơn, trống trải, cảm giác u uất so với những người bình thường. Họ ăn rất nhiều đồ ăn nhằm lấp đầy những cảm xúc đó nhưng những cảm xúc như thế này dù có ăn bao nhiêu cũng không thể nào xoa dịu. Đôi khi chúng ta căng thẳng, chúng ta cứ ăn mà không biết rằng việc này có lợi hay hại, chúng ta chỉ đơn giản là cần lấp đầy những nỗi buồn, lo âu trong tâm trí mình thông qua việc ăn uống. 

Hãy đọc sách, đi xem phim, xem biểu diễn ca nhạc, bước ra thế giới bên ngoài và đắm chìm vào không khí của cuộc sống, cảm nhận sự vui vẻ, hạnh phúc sẽ giúp cảm xúc của chúng ta được ổn định. 

Hãy yêu quý bản thân, hãy chấp nhận và tôn trọng bản thân với những gì mình vốn có. Hãy tha thứ cho bản thân nếu đã quá sa đà vào việc ăn uống đến mất kiểm soát và dẫn tới bị nghiện đồ ăn, đồng thời cũng nên thành thực chấp nhận tất cả những động cơ, những hoàn cảnh, sự cô đơn,… đã khiến chúng ta ăn uống quá độ. 

Đã nhiều lần chúng ta giật mình ngạc nhiên trước thân hình “phì nhiêu” của mình, bởi oái oăm thay, quan niệm về cái đẹp của con người dường như chưa bao giờ dành sự trân trọng cho một thân hình tròn trịa. Hãy thư giãn với suy nghĩ, bởi nếu chúng ta nghĩ rằng người khác đang khen mình, chúng ta sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi. Nếu chúng ta nghĩ rằng người khác đang ném cho mình những ánh mắt chê bai, cuộc sống sẽ trở nên rất nặng nề và khi việc này tiếp diễn, căng thẳng sẽ tích tụ ngày một nhiều, dẫn đến những hệ lụy không tốt cho chính bạn.  

Ngọc Diễm

Tin liên quan

Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với

Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với "10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt"

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Con không thích học tiếng ViệtCon ghét Tập làm vănĐừng có bắt con viết văn miêu tảÀ hay là mở văn mẫu chép theo nha!Ai đang... Đọc tiếp

CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam-Ngũ giới rất gần với khái niệm về quyền con người. Năm nguyên tắc này là sự tôn trọng chung/phổ quát... Đọc tiếp

Như Lai “vẫn là con người cũ”

Như Lai “vẫn là con người cũ”

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Báo Giác Ngộ-Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân... Đọc tiếp

Nội dung bài viết