Sống chất – Vô thường giúp ta sống trọn vẹn

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

ThaiHaBooks- Thoạt nhiên người ta nghĩ Shigeaki Hinohara bàn về những vấn đề rập khuôn trong bốn bức tường bệnh viện do ông là một huyền thoại của nền y học Nhật. Nhưng thật ra với “Sống chất”, Shigeaki Hinohara có dịp trò chuyền nhiều hơn, trải lòng nhiều hơn về những thứ ông cho là thành tố tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Đó là niềm hạnh phúc thanh thản, là sự học suốt đời hay là mối nhân duyên giữa cuộc đời.

CÁI CHẾT ĐÃ Ở CÙNG CHÚNG NGAY TỪ KHI SINH RA

Phần đầu tiên của cuốn sách, tác giả Shigeaki Hinohara tập trung vào những vấn đề thuộc phạm trù y học, là thế mạnh và là những điều gắn bó với ông nhất. Là một bác sĩ nhưng những điều Shigeaki Hinohara nói nhiều nhất là về cái chết. Con người ai cũng như nhau, dù điểm xuất phát có sang giàu hay may mắn, đến cuối cùng ai cũng sẽ phải chạm đến vạch đích sinh tử. Vậy nên việc sống mà luôn tâm niệm về cái chết là cần thiết vì nó sẽ khiến chúng ta không ngừng sống cho hiện tại, sống hết mình. 

Đặc biệt đối với bệnh nhân, họ cần phải chiêm nghiệm sâu sắc về ý nghĩa của cái chết, bởi khi nhận thức được chính mình đang sống cũng chính là lúc ta chuẩn bị cho cái chết của mình. Khi con người rời khỏi vòng xoay nhân sinh, những gì mà họ để lại cho người thân và bạn bè nên là những giây phút thanh thản, an bình. Nếu không chuẩn bị kỹ cho đoạn đường cuối cùng, người ta dễ dàng cảm thấy lẻ loi, hoảng sợ. Nên nhớ rằng bước qua giây phút cuối cùng, ta chẳng còn cảm nhận gì nữa rồi, nhưng những người ở lại sẽ là những người phải chịu đựng nỗi buồn và sự đau đớn. Vậy nên sẽ tuyệt vời biết bao nếu di sản mà người bệnh nên để lại cho những người thương yêu chính là sự an ủi, bình an lâu dài.

Để có thể không ngừng suy nghĩ về cái chết không phải điều dễ dàng. Vậy nên để làm giảm đi sự nặng nề, tiêu cực, Shigeaki Hinohara đã gửi gắm nhiều thông điệp, lời động viên và những câu chuyện về sự hiện diện sâu xa của cái chết như hình ảnh hạt táo-cây táo, gene di truyền,… để người đọc có thể dần dần thấu suốt triết lý này.

SỐNG LÂU HAY SỐNG CHẤT LƯỢNG?

Y học có thể miễn cưỡng kéo dài một đoạn ngắn thời gian nhưng không thể nói chất lượng sống và sự tôn nghiêm của bệnh nhân được coi trọng. Khi chứng kiến cảnh tượng cơ thể người bệnh cắm đầy dây, ống truyền và chỉ nằm lặng im trong bốn bức tường trắng vào những ngày cuối đời, Shigeaki Hinohara không khỏi xót xa. Những điều đáng ra phải là kim chỉ nam hàng đầu trong công cuộc điều trị là ý nghĩa cuộc sống lại trở thành thứ yếu, đứng sau những khiếm khuyết của hệ thống quản lý, những quy trình cứng nhắc và lợi nhuận mà những viên thuốc mang về.

Cụm từ “Chất lượng cuộc sống” (Quality of Life) vốn được đưa ra nhằm lấy lại những thứ quan trọng đã mất trong cuộc đời cũng như sự thoải mái trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Từ cụm từ này, một quan điểm cần nhìn nhận lại, từ cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, đó là “Liệu có cần nhìn lại mục đích của y học? Phải chăng y học nên chú trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cùng với, thậm chí là hơn cả việc kéo dài sự sống hay không?”

Để thực hiện được công việc khó khăn này cần có sự chung tay góp sức của toàn thể y bác sĩ, xã hội và từ chính mỗi chúng ta. Từ những khi còn trẻ, khi vẫn còn thật nhiều thời gian, hãy sống thật trọn vẹn để bất cứ lúc nào cái chết gõ cửa, chúng ta cũng có thể mỉm cười mãn nguyện vì cuộc đời mình đã đủ đầy. Ta có thể bình thản đối diện, giữ được một tinh thần minh mẫn, tỉnh táo, một cơ thể dù có héo mòn cũng nguyên vẹn bình an. 

Đã đến lúc y học nên thay đổi. Chúng ta nên thừa nhận ra nhiều người bệnh cũng muốn sống trọn vẹn như thế, họ không mong cầu việc người thân hay gia đình bất chấp níu kéo hơi thở khi họ chẳng còn nhận thức được điều chi nữa. Nếu không đưa nhân sinh quan hay giá trị quan của mỗi người vào y học thì sẽ không bao giờ có thể điều trị tốt được. Nếu chỉ đơn thuần nghĩ làm sao để sống lâu mà không sống sâu thì dù có sống đến 100 tuổi, cuộc đời cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.

VÌ SỐNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI

Ngoài những triết lý đầy giá trị nhân văn trên thì tác giả cũng mang đến nhiều bài học sâu sắc cho người đọc, một trong số đó là sự sẻ chia vô tư hay trên đường đời, có duyên gặp gỡ để ta có thể gặp gỡ duyên chẳng hạn. Khi ta được gặp ai đó và được họ giúp đỡ, đó là duyên. Vậy nên khi có dịp được giúp đỡ lại ai đó, hãy bỏ qua một bên những rào cản ngôn ngữ, sắc tộc hay tôn giáo vì cái duyên giúp đỡ sẽ luôn được lan tỏa như thế. Bạn là người Nhật, không có nghĩa là bạn chỉ giúp đỡ người Nhật, tương tự, bạn là người Việt thì cũng chẳng có lý do gì bạn lại không giúp đỡ người Sinega, hay tất cả mọi người từ khắp nơi.

Duyên là một món quà, và sẽ thật tuyệt vời nếu nó được nhân rộng trong tình thân ái. Vì thế duyên gặp gỡ chính là để gặp gỡ duyên. Là một bác sĩ, bận rộn với muôn vàn công việc và áp lực, vậy nhưng Shigeaki Hinohara vẫn luôn cố gắng thực hành tâm niệm này mỗi khi có thể. Đây cũng là một trong những điều được tác giả chia sẻ nhiều nhất mỗi khi có dịp đi đến nhiều nơi để diễn thuyết.

KẾT

Được viết vào cuối thế kỷ hai mươi, nhiều con số hay hiện trạng ở thời điểm chắp bút đã được cải thiện nhưng những trăn trở của tác giả vẫn còn nguyên sức nặng. Đó là sức nặng của một tầm nhìn rộng mở, của trái tim nhiệt thành mong mỏi được cống hiến cho hiện tại và thế hệ tương lai. Đọc “Sống chất” là một trải nghiệm thanh bình khi được mở lòng mình để hiểu rằng nhân sinh đúng thật cứ nên là “Sống gửi thác về”. của cải là phù du, vui vẻ mà sống, bình thản mà cảm nhận mới chính là mục đích tối thượng của con người.

Thanh Hoa

Tin liên quan

Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với

Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với "10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt"

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Con không thích học tiếng ViệtCon ghét Tập làm vănĐừng có bắt con viết văn miêu tảÀ hay là mở văn mẫu chép theo nha!Ai đang... Đọc tiếp

CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam-Ngũ giới rất gần với khái niệm về quyền con người. Năm nguyên tắc này là sự tôn trọng chung/phổ quát... Đọc tiếp

Như Lai “vẫn là con người cũ”

Như Lai “vẫn là con người cũ”

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Báo Giác Ngộ-Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân... Đọc tiếp

Nội dung bài viết