Viết lên hy vọng & Người gieo hy vọng – Những câu chuyện giáo dục động lòng người
Thái Hà Books
Th 4 08/11/2017
“Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, bạn đã từng hoài nghi về độ xác tín của câu nói ấy? Hoặc có vài người nhếch mép tự mỉa mai? Vì những vất vả và gian nan mà một nhà giáo phải trải qua, vì rằng thời nay đã không còn quá nhiều người tôn cái nghề này lên hàng cao quý, vì rằng nền giáo dục còn lắm nỗi nhiêu khê, rồi bầu nhiệt huyết dần nguội lạnh, đẩy bạn vào những tháng ngày lặp đi lặp lại như cuốn sách giáo khoa dùng cho nhiều lớp học trò.
Thế nhưng trên mảnh đất giáo dục khô cằn ấy, vẫn có người âm thầm gieo xuống những hạt mầm, và những hạt mầm yếu ớt ấy tuy chăm bón khó khăn, nhưng lại đâm qua lớp đất dày sỏi đá, vươn lên mạnh mẽ hơn bất kì loại hạt giống nào khác. Nếu bạn cần tìm lại niềm tin đã mất, Erin Gruwell và Những Nhà văn Tự do sẽ chỉ lối cho.
Đó chính xác là những gì hai cuốn sách NGƯỜI GIEO HY VỌNG & VIẾT LÊN HY VỌNG của cô giáo Gruwell và những học trò của cô ấy sẽ làm cho bạn – đạp đổ bức tường ngăn cách giữa thầy và trò, phơi bày những sự thật trần trụi, tàn nhẫn đằng sau mỗi em học sinh bị cho là “có vấn đề”, sau đó tìm lại cho bạn chân lý của một nhà giáo, đó chính là: “Không bỏ rơi dù là em học sinh yếu kém nhất và luôn phải là người trao cho chúng hy vọng.”
Cô Gruwell là người đã phải tiếp nhận một lớp học toàn học sinh “có vấn đề” của trường Wilson tại phòng học 203. Lũ học trò cùng nhau dự đoán xem cô sẽ trụ lại trong bao lâu nữa. 1 ngày, 1 tuần, hay cùng lắm là 1 tháng. Thế nhưng chúng không ngờ, cô đã đến, và sẽ trụ lại hết quãng đời còn lại của chúng. Vì cô đã phát hiện ra một bí mật vô cùng đắt giá (thứ bí mật mà chúng ta ai cũng biết, nhưng không bao giờ coi trọng), là đằng sau mỗi học sinh “có vấn đề” luôn tồn tại một nguyên nhân tạo ra “vấn đề” ở chúng. Và như một trong những nhà giáo vĩ đại nhất mọi thế kỷ, cô Gruwell đã tiếp nhận toàn bộ những “câu chuyện vết thương” của chúng.
Bắt đầu từ cuốn nhật ký truyền tay, chúng dần mở lòng theo từng trang giấy, tự tay viết lên những câu chuyện bi hài của bản thân. Rằng chúng bị lạm dụng, chúng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có vài đứa từng có thai ở cái độ tuổi phải ăn phải học, có vài bạn học của chúng đã vĩnh viễn ra đi… Tất cả đều có một điểm chung: đã quá quen bị nhà trường và xã hội coi như một thứ thừa thải, chúng không thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống, và mỗi ngày đối với chúng đều là màn đêm. Lần đầu đặt bút lên trang giấy chúng rất khiên cưỡng, vụng về, thế nhưng sau đó những điều chúng muốn kể lại tuôn trào ra khỏi đầu bút, trải dài bất tận và không có điểm dừng. Cũng kể từ đó, chúng có một nơi khác để giải phóng trái tim sẹo sứt, có một người tình nguyện nghe hết câu chuyện của chúng và trao cho chúng điều chúng cần nhất – hy vọng. Càng về sau, màn đêm đen kịt trong từng câu chữ đã nhạt dần rồi trở nên xán lạn. Nhờ những mầm hi vọng cô Gruwell kiên trì gieo vào chúng, chúng tìm ra được chính mình, tìm ra được lý do tồn tại của bản thân, và tự vác lên vai trách nhiệm của những người gieo hy vọng thế hệ tiếp theo. Đó chính là những gì “Viết lên hy vọng” sẽ kể.
Nếu “Viết lên hy vọng” là những trang nhật ký của học trò cô Gruwell, thì “Người gieo hy vọng” là những câu chuyện do những nhà giáo được họ truyền cảm hứng kể lại. Họ sẽ kể về những em học sinh của mình, về những điều họ nhận thấy ở chúng, về rắc rối chúng gặp phải, và về cách họ đến gần và trao cho các em những cái ôm ấm áp. Họ đã tháo bỏ lớp vỏ bọc hoàn mỹ của một nhà giáo, phơi bày cho học sinh của mình thấy những vết thương đồng vị với chúng, và gieo vào chúng những mầm hy vọng nhỏ bé nhưng đâm rễ rất sâu. Tuy nhiên, không phải câu chuyện nào cũng có hồi kết tốt đẹp, có những lần thất bại không thay đổi được thực tế chua cay, có người không ngăn được cô bé bị cô lập tìm đến cái chết, hay xuôi tay chịu thua để cậu bé học trò bỏ học theo mẹ đi bôn ba tìm cách sinh tồn. Các câu chuyện cứ để lửng, như cách cuộc đời các em và cuộc đời người thầy tiếp diễn. Nhưng hơn hết, lý tưởng giáo dục họ theo đuổi, những mầm hy vọng họ lặng lẽ gieo qua những cái ôm, những giọt nước mắt chắc chắn sẽ đâm hoa nở chồi. Cả chính họ, người gieo hy vọng lại được các em học sinh gieo lại niềm tin, tiếp tục bước đi phủ xanh những tâm hồn héo úa.
“Viết lên hy vọng” – Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ, và “Người gieo hy vọng” – Tác phẩm giáo dục vì con người, bộ đôi này là lời tri ân thiện mỹ nhất dành cho một nhà giáo.
Nếu bạn là nhà giáo, có ai đó tặng bạn bộ sách này, hãy phấn khởi lên, vì mầm hi vọng bạn gieo đã gieo tới tim họ rồi.
Nếu bạn chọn cho người thầy bạn yêu mến một món quà, đừng hoa hay quà bánh, vì chẳng phải nói cho họ biết, bạn biết ơn họ đến nhường nào quan trọng hơn sao?
20/11, Thaihabooks trân trọng tri ân tất cả nhà giáo vĩ đại của Việt Nam!
Tin liên quan
Xử lý nỗi sợ văn miêu tả cho bé cấp 1 với "10 ngày ngắm thế giới của Mắt Nhắm Tịt"
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Con không thích học tiếng ViệtCon ghét Tập làm vănĐừng có bắt con viết văn miêu tảÀ hay là mở văn mẫu chép theo nha!Ai đang... Đọc tiếp
CÁC GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ NGŨ GIỚI CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam-Ngũ giới rất gần với khái niệm về quyền con người. Năm nguyên tắc này là sự tôn trọng chung/phổ quát... Đọc tiếp
Như Lai “vẫn là con người cũ”
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Báo Giác Ngộ-Trong đoàn rước chào đón Thế Tôn lần đầu trở về thăm lại Kapilavatu (Ca-tỳ-la-vệ) đầy đủ cả hoàng tộc, triều thần và dân... Đọc tiếp