Bản chất của trạng thái thăng hoa – Power vs Force

Thái Hà Books
Th 5 25/07/2024

 Hiệu ứng thực sự của thuốc phiện chỉ đơn thuần là vượt qua trường năng lượng thấp hơn, do đó cho phép người sử dụng thuốc phiện chỉ trải nghiệm những trường năng lượng cao hơn.

Chứng nghiện thuốc phiện và nghiện rượu là mối quan tâm lớn của xã hội, nó là nguồn cơn của nhiều vấn đề như tội phạm, nghèo đói và phúc lợi xã hội. Nghiện ngập đã chứng tỏ là một vấn đề xã hội và vấn đề lâm sàng khó tháo gỡ. Cho đến nay, hiểu biết về nó vẫn đang ở mức miêu tả sơ đẳng nhất. Khi dùng từ “nghiện”, ý chúng tôi là nghiện lâm sàng trong cái nghĩa cổ điển của việc phụ thuộc dai dẳng vào rượu hoặc chất kích thích bất chấp những hệ quả nghiêm trọng, một tình trạng bất lực, không thể dừng sử dụng chất gây nghiện đó nếu không có sự giúp đỡ, vì bản thân ý chí đã bị vô hiệu hóa mất rồi. Nhưng bản chất cốt lõi của chứng nghiện ngập là gì và thực chất người bị nghiện ấy đang nghiện gì?

Người ta vẫn tin rằng cái mà con người nghiện chính là chất gây nghiện, vì khả năng của chất ấy trong việc tạo ra một trạng thái “thăng hoa”. Nhưng nếu nhìn lại thật kỹ bản chất của chứng nghiện thông qua phương pháp luận đã được miêu tả, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một công thức khác của tiến trình này. Rượu hay thuốc phiện bản chất không hề có khả năng tạo ra cảm giác “thăng hoa”; điểm hiệu chỉnh của chúng chỉ ở mức 100 (bằng điểm của các loại rau quả). Cái gọi là “thăng hoa” mà người dùng rượu hay chất gây phiện cảm thấy ấy, thực ra có thể được hiệu chỉnh ở mức điểm từ 350 đến 600. (Xem bài phân tích về các cấp độ ý thức ở đây) Hiệu ứng thực sự của thuốc phiện chỉ đơn thuần là vượt qua trường năng lượng thấp hơn, do đó cho phép người sử dụng thuốc phiện chỉ trải nghiệm những trường năng lượng cao hơn. Như thể đó là một tấm màng lọc tất cả những tông thấp hơn trong một dàn nhạc để người ta chỉ còn nghe thấy những nốt cao. Việc kìm giữ nốt thấp này không tạo ra nốt cao; nó chỉ phô bày sự hiện diện của những nốt ấy mà thôi.

Trong các cấp độ ý thức, tần số cao hơn đặc biệt có sức mạnh và rất ít người thường xuyên trải nghiệm những tần số ấy ở dạng trạng thái thuần khiết vì chúng bị che lấp bởi những trường năng lượng thấp hơn như lo âu, sợ hãi, tức giận, phẫn nộ v.v.. Một người bình thường rất hiếm khi được trải nghiệm tình yêu không sợ hãi, hoặc niềm vui đơn thuần, chứ chưa nói đến trạng thái thăng hoa. Nhưng những trạng thái thăng hoa ấy rất mạnh, đến nỗi một khi đã được nếm qua nó, người ta sẽ không bao giờ quên được, và do đó họ sẽ tìm kiếm nó.

Hiệu ứng thực sự của thuốc phiện chỉ đơn thuần là vượt qua trường năng lượng thấp hơn, do đó cho phép người sử dụng thuốc phiện chỉ trải nghiệm những trường năng lượng cao hơn.

Chính trải nghiệm về những trạng thái thăng hoa này là cái mà người ta nghiện. (Xem Hawkins, Consciousness and Addiction (Ý thức và chứng nghiện), video và đoạn băng ghi âm trên Veritas Publishing.) Trong bộ phim kinh điển Lost horizon (Chân trời đánh mất), bạn có thể tìm thấy một minh họa rất hay. Shangri-La (ẩn dụ của bộ phim cho tình yêu vô điều kiện và vẻ đẹp) đạt điểm 600. Khi đã trải nghiệm nó, nó sẽ tái lập người trải nghiệm để anh ta không bao giờ có thể thỏa lòng được với ý thức bình thường nữa. Nhân vật chính trong bộ phim đã phát hiện ra điều này khi anh ta không thể tìm lại được hạnh phúc trong thế giới bình thường sau khi trở về từ Shangri-La. Thế rồi anh ta đã từ bỏ mọi thứ để tìm kiếm và để trở lại với trạng thái ý thức đó, anh ta đã dành nhiều năm trời trong một cuộc chiến đấu, suýt bỏ mạng vì nó, để lấy lại cảm giác đó và tìm lại được Shangri-La lần nữa.

Quá trình tái lập này cũng xảy ra với những người đã đạt đến những trạng thái ý thức cao nhờ những phương tiện khác như trải nghiệm Samadhi (trạng thái định) thông qua thiền, hoặc trạng thái cận tử. Thường thì trong con mắt người đời, những cá nhân như thế đã thay đổi mãi mãi. Việc họ rời bỏ tất cả những gì mà thế giới vật chất bày ra và trở thành người theo đuổi chân lý không phải là chuyện hiếm; nhiều người đã có siêu trải nghiệm đó nhờ thuốc gây ảo giác LSD vào thập niên 1960 cũng làm điều tương tự. Người ta cũng có thể đạt được những trạng thái thăng hoa như thế thông qua những trải nghiệm tình yêu hoặc tôn giáo, âm nhạc cổ điển hoặc nghệ thuật, hoặc thông qua thực hành các nguyên tắc tâm linh.

Trạng thái thăng hoa mà con người tìm kiếm, bằng bất cứ phương tiện nào, thực ra chính là trường trải nghiệm ý thức của chính họ (Bản thể). Nếu thiếu sự tinh tế trong tâm linh và không có một bối cảnh để hiểu trải nghiệm ấy, thì họ tin rằng nó được tạo ra nhờ cái gì đó “ngoài kia” (như một guru, âm nhạc, thuốc phiện, người tình, v.v.). Tất cả những gì thực sự đang diễn ra chính là, trong một số bối cảnh đặc biệt, họ đã trải nghiệm một thực tại bên trong của chính họ. Phần lớn mọi người tách rời khỏi trạng thái ý thức thuần khiết của chính mình, những trạng thái mà họ không nhận ra ngay lúc đó vì họ đã đồng nhất bản thân với những trạng thái cái tôi thấp hơn. Cách nhìn nhận bản thân tiêu cực đã che lấp mất vẻ rực rỡ hân hoan vốn là bản chất thực sự của họ, do đó họ không thể nhận ra nó. Trạng thái vui sướng, an bình, mãn nguyện này thực tế chính là cốt lõi tinh túy bên trong của chính họ, từ lâu điều này đã là giáo lý cơ sở của mọi bậc thầy tâm linh vĩ đại (ví dụ, “nước Chúa ở trong bạn.”)

Một trạng thái “thăng hoa” là bất cứ trạng thái ý thức nào vượt lên cấp độ nhận thức thông thường của một cá nhân. Do đó, với một người sống trong Sợ hãi, chuyển lên Can đảm đã là “thăng hoa”. Với những người sống trong Thờ ơ vô vọng, Tức giận đã là “thăng hoa” (ví dụ, những người nổi loạn trong các trại tập trung của thế giới thứ ba). Nỗi sợ ít ra còn tốt hơn là Tuyệt vọng, và Kiêu hãnh còn tốt hơn nhiều Sợ hãi. Chấp nhận thì dễ chịu hơn Can đảm; và Tình yêu khiến bất kỳ trạng thái thấp hơn nào đều trở nên thiếu sức hút. Trong khi Niềm vui vượt qua tất cả những cảm xúc thấp hơn của con người, thì Cực lạc là cảm giác rất hiếm có. Trải nghiệm tột cùng trong mọi trải nghiệm chính là trạng thái Bình an tuyệt đối ở cấp độ 600, tinh tế đến mức không lời nào có thể miêu tả được.

Những trạng thái này càng ở cấp độ cao thì năng lực tái lập toàn bộ cuộc đời của chủ thể càng lớn. Chẳng phải chuyện hiếm có khi chỉ một khoảnh khắc ở một trạng thái rất cao có thể thay đổi hoàn toàn đường đời của một con người, cũng như mục tiêu và giá trị của anh ta. Người ta có thể nói rằng cá nhân đó không còn như xưa nữa, anh ta đã tái sinh thành một con người mới khi bước ra từ trải nghiệm đó. Thông qua quá trình chiến thắng vất vả trên con người tâm linh hết mình, đây chính là cơ chế tiến hóa tâm linh.

Trải nghiệm trạng thái thăng hoa bất tuyệt, thứ chỉ thành tựu được qua cả một đời hết mình rèn luyện nội tâm, có thể được nếm trải chốc lát bằng những phương tiện nhân tạo. Nhưng sự cân bằng của tự nhiên đã định rằng đạt được trạng thái đó bằng phương tiện nhân tạo mà không phải qua rèn luyện sẽ tạo ra một “món nợ”, và sự mất cân bằng tiêu cực sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực. Cái giá của niềm vui vay mượn ấy là cảm giác tuyệt vọng trong cơn nghiện, và cuối cùng, cả người nghiện lẫn xã hội đều phải trả giá.

Xã hội của chúng ta là một xã hội lý tưởng hóa sự khổ ải (làm việc vất vả, chủ nghĩa khổ hạnh, hi sinh bản thân, kìm chế) và có xu hướng chỉ trích niềm vui trong hầu hết những hình thức đơn giản của nó, thậm chí còn thường tuyên bố chúng là phi pháp. (Các chính trị gia, dù thế tục hay có khuynh hướng tôn giáo, đều hiểu rất rõ chuyện này. Một mánh lới của các chính trị gia địa phương nhằm gây sự chú ý của báo chí, công chúng là công khai tuyên bố những ý định ngăn cấm các thú vui giải trí trong các nhà tù, từ chối cho tù nhân hút thuốc lá, xem tivi hay tạp chí.)1 Trong xã hội của chúng ta, những lời hứa và sự cám dỗ không được hiện thực hóa được coi là chuyện bình thường, nhưng sự thỏa mãn thì bị chối bỏ. Ví dụ, những cám dỗ tình dục được đưa vào quảng cáo để bán vô vàn sản phẩm, nhưng niềm khoái cảm thực sự của mại dâm thì bị cấm đoán như một thứ vô đạo đức.

Trong lịch sử, tất cả những tầng lớp cai trị đều đạt được địa vị và tài sản nhờ kiểm soát xã hội thông qua một hình thức nguyên tắc đạo đức nào đó. Tầng lớp dưới càng làm việc nỗ lực và niềm khoái cảm của họ càng nghèo nàn thì tầng lớp cai trị càng trở nên giàu có, dù đó có là chế độ thần quyền, quý tộc, chính trị đầu sỏ hay chế độ chính trị dựa trên nền kinh tế doanh nghiệp. Quyền lực như thế được xây dựng dựa trên niềm khoái lạc bị xà xẻo của tầng lớp công nhân, lao động. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, khoái lạc chính là năng lượng thăng hoa. Nhiều thế kỷ qua, năng lượng của đám đông đã bị bóc lột để tạo ra cho những tầng lớp trên rất nhiều khoái lạc mà tầng lớp dưới bị chối từ.

Sự thật là, niềm khoái lạc của năng lượng cuộc sống chính là nguồn vốn tuyệt vời nhất của con người; tước đi điều này sẽ tạo ra một sự phân cách rất lớn giữa những “người có” và vô vàn “người không có”. Những điều khiến tầng lớp lao động ghen tị với cuộc sống của tầng lớp trên chính là khoái lạc của họ, từ khoái lạc của quyền lực hiện diện dưới nhiều dạng thức khác nhau, tới những kỷ niệm chương tuyệt đẹp của lạc thú. Nhận ra khoái lạc của mình bị tước đoạt trong khi kẻ khác được hưởng thụ đã khơi lên nỗi phẫn nộ cách mạng hoặc lý tưởng hóa thành sự ức chế trong những luật lệ ngăn cấm niềm khoái lạc của đồng loại.

Khuôn mẫu đạo đức do đó có chức năng như một sự cố ý lạm dụng năng lượng cuộc sống của số đông, thông qua một sự bóp méo có chủ đích đối với các giá trị. Ảo ảnh được trưng ra là cuộc đời con người càng khốn khổ, thì họ sẽ càng được tưởng thưởng. Mối quan hệ bị bóp méo giữa khoái lạc và khổ đau đã sinh ra một môi trường xã hội bảo thủ về đạo đức, mà trong đó nỗi đau gắn liền với sự sung sướng. Trong một môi trường như thế, sự hoán đổi cực độ giữa trạng thái khổ đau với trạng thái phấn khích đặc trưng của chứng nghiện ngập ít nhất cũng có thể tạm thời được biện hộ trong một trò chơi phản xã hội cay nghiệt của việc giành được hay đánh mất cảm giác thăng hoa bị cấm đoán đó.

Cũng từ nhân sinh quan như thế nổi lên một phương pháp đương thời của xã hội, phương pháp “giải quyết vấn đề” bằng cách tham gia vào nửa bên kia của trò chơi: phủ nhận các chất gây nghiện. Khi làm thế, chúng ta đã tạo ra một thị trường siêu lợi nhuận và dễ tiếp cận đến nỗi sinh ra cả một ngành tội phạm, hủy hoại cuộc sống trên nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ việc bắt giữ một kẻ buôn thuốc phiện đầu sỏ không có tác dụng gì với toàn thể vấn đề thuốc phiện; thậm chí ngay trước khi bị tống vào tù, hắn đã bị một kẻ khác thế chỗ. Ví dụ, khi trùm thuốc phiện Nam Mỹ Pablo Escobar chết, ngay tức khắc có ba tên đầu sỏ mới lên thay, thế là con rắn nhiều đầu nay đã mọc thêm ba cái đầu mới thay cho cái đầu cũ.

Vấn đề chất gây nghiện của xã hội cần một phương pháp giải quyết có điểm hiệu chỉnh ở mức 350, và chương trình phòng chống chất gây nghiện hiện nay của chúng ta chỉ đang ở mức 150. Do đó, nó không hiệu quả và tiền bạc bỏ ra chỉ là lãng phí.

(Trích từ cuốn sách Power Vs Force – Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần Và Sức Khỏe Con Người của tác giả David R.Hawkins).

Tâm Lý Học Tội Phạm tổng hợp

Tin liên quan

Tổng hợp sách về content marketing – cho nội dung của bạn thật đỉnh

Tổng hợp sách về content marketing – cho nội dung của bạn thật đỉnh

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Marketing nội dung không chỉ đơn thuần là một cụm từ hợp thời đang được cả xã hội quan tâm. Nó là một phương pháp hiệu... Đọc tiếp

7 ngày khởi nghiệp: “Hãy tiến hành nhanh và phá vỡ mọi thứ”

7 ngày khởi nghiệp: “Hãy tiến hành nhanh và phá vỡ mọi thứ”

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

Khởi nghiệp ở đây không chỉ tự mình kinh doanh, mà là tự mình làm chủ dự án và công việc mà ta đang theo đuổi.Thật... Đọc tiếp

Trẻ có đang bị chi phối bởi thiết bị thông minh?

Trẻ có đang bị chi phối bởi thiết bị thông minh?

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Khi Sophia 7 tuổi, cô bé đã không thể hoàn thành bài tập về nhà bởi vì cô bé không biết làm cách nào để đọc... Đọc tiếp

Nội dung bài viết