10 quy tắc vứt bỏ đồ đạc để có lối sống tối giản
Thái Hà Books
Th 3 23/07/2024
Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.
Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn.
Người theo đuổi chủ nghĩa tối giản sẽ nhận được thêm nhiều thời gia, tận hưởng cuộc sống hiện tại, không còn so sánh hay sợ cái nhìn của người khác….
Với những thay đổi tích cực từ lối sống này, Thaihabooks đã ấn hành hai cuốn sách “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” – năm 2016 và mới đây nhất là cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật”, bộ sách chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều cảm hứng để trải nghiệm lối sống mới.
Thông tin hai cuốn sách tại đây:
http://thaihabooks.com/san-pham/nghe-thuat-bai-tri-cua-nguoi-nhat/
http://thaihabooks.com/san-pham/loi-song-toi-gian/
Tiếp theo chính là 10 quy tắc trích từ 55 quy tắc vứt bỏ đồ đạc trong cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật”.
Quy tắc 1: Trước hết hãy “vứt bỏ” suy nghĩ: “Không bỏ được”
Trên đời này chẳng có ai là có tính “không thể vứt đồ đi được”, đó chỉ là những suy nghĩ trong đầu chúng ta mà thôi. Trong tâm lý học có một thuật ngữ là “Tập nhiễm bất lực”. Nó có nghĩa là thực tế, bạn có khả năng cải thiện tình hình, nhưng sau khi trải qua vài lần thất bại “không vứt đi được”, bạn không còn muốn thay đổi tình trạng này nữa.
Nếu ý thức được tại sao bạn không thể vứt đi được thì dần dần, bạn sẽ làm được và quyết định vứt bỏ không còn phụ thuộc vào tính cách của bạn. Thực tế là không tồn tại loại người không thể vứt bỏ đồ đạc, cũng như không tồn tại kiểu tính cách như vậy.
Bạn không vứt đi được không có nghĩa bạn là người xấu xa, chỉ đơn giản là bạn chưa luyện được “kỹ năng vứt bỏ” mà thôi. Hay nói cách khác, bạn chỉ tạo cho mình “thói quen không vứt bỏ” mà chưa trang bị thói quen vứt bỏ vậy.
Bản thân tôi từ một người chỉ biết sống trong một căn phòng bừa bộn nay đã chuyển sang sống theo lối tối giản. Sự thay đổi đấy không phải là tính cách của tôi, mà tôi đã tập cho mình thói quen và kỹ thuật để có thể vứt bỏ đồ đạc.
Quy tắc 2: Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”
Lúc vứt bớt đồ đạc, thường thì trong lòng bạn chỉ cảm thấy thật mất mát khi phải bỏ đi một thứ gì đó.
Nhưng hãy nói lời chào thân ái với suy nghĩ ấy đi.
Vì những thứ bạn có được còn nhiều hơn tưởng tượng của bạn đấy. Đó là thời gian, là không gian, là việc dọn dẹp dễ dàng, là sự tự do hay là năng lượng cho bản thân…
Những lợi ích này tôi sẽ giới thiệu kĩ hơn với bạn trong chương bốn, nhưng thực sự những gì bạn có được sau khi vứt bớt đồ đạc là không thể đong đếm được.
Bởi vậy, khi vứt thứ gì đó đi, đừng nghĩ đến chúng nữa mà hãy nghĩ đến những lợi ích chúng mang lại cho bạn.
Tôi có thể quyết tâm vứt bớt đồ đạc đi cũng là nhờ nhận ra những lợi ích như vậy.
Ngược lại, nếu bạn không nhìn thấy mặt tốt trong việc này thì rất khó để có thể hình thành thói quen giảm bớt đồ đạc.
Và thực sự thì những lợi ích mà bạn không nhìn ra ấy còn lớn hơn rất nhiều so với những đồ dùng bạn vứt đi.
Vậy nên, khi vứt bớt đồ, bạn hãy nghĩ đến mặt tốt mà mình có được nhé.
Quy tắc 3: Không có chuyện không vứt được, chỉ đơn giản là không thích mà thôi
Nhà triết học Spinoza đã nói: “Khi người ta nói không làm được tức là người ta không muốn làm”. Khi bạn nghĩ muốn cắt giảm đồ đạc trong nhà, thì đồng thời trong đầu bạn cũng có suy nghĩ không muốn vứt chúng đi. Vì thế nên việc xác định rõ lý do thực sự khiến mình không muốn làm rất quan trọng.
Nếu bạn nói đó chỉ là những cảm giác của bạn thì cũng thật khó mà tin được. Hay bạn có thể đưa ra vài lý do rất hay như: những món đồ này chứa đầy kỉ niệm hay đây là món quà tôi nhận được từ một người rất quan trọng… Nhưng đằng sau những lý do mỹ miều ấy, thực ra chỉ là bạn ngại việc vứt đồ tốn công sức hay quá phiền toái mà thôi.
Con người luôn có xu hướng thích duy trì trạng thái và thích hưởng lạc.
Nếu phải chọn giữa việc phải hoạt động khi vứt đồ và việc được an nhàn khi để đồ dùng ở nguyên vị trí thì chắc hẳn ai cũng muốn chọn vế sau rồi.
Thế nhưng, nếu bạn chỉ muốn được an nhàn khi “để đồ dùng ở nguyên vị trí” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ bị chôn vùi trong đống đồ đạc khổng lồ.
Thế nên, bạn hãy nghĩ đến cảm giác đấy mỗi khi muốn vứt đồ đi nhé.
Quy tắc 4: Bộ nhớ, năng lượng và thời gian của chúng ta đều là những thứ có giới hạn
Tôi đã gom hết các tài khoản ngân hàng của mình và bỏ bớt mấy cái thẻ không cần thiết. Xét về trọng lượng thì thẻ rút tiền hay thẻ tín dụng cũng chỉ là mấy tấm thẻ mỏng mà thôi. Nhưng nếu có quá nhiều thẻ thì chúng sẽ chiếm một lượng lớn bộ nhớ của bạn. Bạn sẽ phải nhớ hiện trong các thẻ mình có bao nhiêu, ngày rút tiền là ngày nào, rồi còn phải đề phòng trộm cắp, hay lúc mất ví thì nguyên việc báo mất thẻ cũng đã tốn thời gian rồi.
Trong bộ nhớ của con người, ổ cứng được lập trình cách đây năm nghìn năm và đến giờ vẫn không được cải tiến, chẳng có chỗ để nhét được những thứ vô bổ như vậy.
Tậm chí tôi còn muốn xóa cả những dữ liệu, những ứng dụng dư thừa để đẩy nhanh tốc độ hành động của mình.
Có như vậy tôi mới có không gian trống để suy ngẫm xem đâu mới là điều quan trọng với mình.
Nếu không, dù có đặt những việc đấy trước mặt tôi đi chăng nữa, thì với những chương trình chạy chậm thế này tôi cũng không thể hoàn thành được.
Quy tắc 5: Hãy vứt bỏ ngay bây giờ. Vứt bỏ chính là khởi đầu cho mọi thứ
Khi nào có thời gian, tôi sẽ vứt bớt đồ đi. Sau khi suy tính kỹ càng, tôi sẽ vứt đồ vào một lúc nào đó. Xin thưa với bạn là khi bạn còn chìm trong đống đồ đạc của mình thì cái “lúc nào đó” chính là vĩnh viễn.
Không phải là khi bình tĩnh suy nghĩ lại thì bạn mới vứt được cái gì đó đi, ngược lại, sau khi vứt đồ đi, bạn có thể tĩnh tâm suy nghĩ về nhiều thứ.
Cũng không phải là vì có thời gian mà bạn mới vứt được đồ, mà sau khi vứt đồ đi, bạn mới có thời gian cho mình. Vậy nên, hãy vứt đồ ngay từ bây giờ.
Vứt đồ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bạn. Vứt đồ là một kỹ thuật, nhưng không phải sau khi thành thục kỹ thuật ấy bạn mới vứt được đồ.
Cũng không phải nhờ đọc cuốn sách này mà bạn có thể bỏ đi món gì được. Chỉ có vừa vứt đồ, vừa rèn luyện kỹ thuật bản thân mới là con đường tốt nhất cho bạn. Ngay bây giờ bạn có thể gấp cuốn sách này lại và lấy túi rác ra thực hành được rồi đấy.
Nếu bạn không vứt đồ ngay bây giờ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết vứt cái gì được. Chờ đến khi bạn suy tính kỹ càng, chờ đến khi bạn có thời gian thì vĩnh viễn bạn cũng không thể dọn được đồ trong nhà. Vứt đồ, chính là bắt đầu cho mọi thứ.
Quy tắc 6: Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu
Từ lúc tôi bắt đầu dọn bớt đồ đến bây giờ, đồ đạc trong nhà tôi hiện có đã được giảm xuống còn khoảng 5%. Tức là nếu tôi có 1000 món đồ thì tôi đã vứt đi 950 món rồi. Thực sự là trong 950 món đó chẳng có món nào tôi hối tiếc sau khi đã vứt đi cả. Thậm chí còn có những món mà tôi chẳng thể nào nhớ ra nó nữa. Trong lòng tôi cảm thấy: “Vứt được chúng đi thật là tốt”. Thực sự, không có một món nào khiến tôi phải ôm chăn mà tiếc nuối.
Thực ra, cảm giác phiền toái khi phải vứt thứ gì đó đi chính là sự lo lắng của bạn, sau khi vứt đi, nếu cần dùng đến thì phải làm thế nào, hay thực sự là sau khi vứt đi thì sẽ thoải mái hơn chứ…
Tôi rất hiểu nỗi lo lắng ấy của bạn. Bất cứ ai cũng sẽ lo lắng những điều như vậy. Nếu bạn đang lo lắng, hãy nghe câu nói này: Sau khi vứt đi, chẳng có món đồ nào khiến tôi phải hối hận. Đối với những món đồ mà bạn vứt đi, hãy nói với chúng rằng: Vứt được chúng mày đi thật là tốt.
Quy tắc 7: Vứt những thứ đã không dùng trong một năm
Tiêu chí của chúng ta bây giờ là vứt những thứ không dùng đến. Đây chính là quy tắc vàng để có thể cắt giảm đồ đạc. Bạn cũng hãy vứt những món đồ mà bạn không định dùng đến. Còn những món đồ như: chăn bông dùng cho mùa đông năm nay, áo khoác bạn mặc mỗi năm hay đồ bơi bạn dùng cho mùa hè tới thì không thể bỏ được.
Với những đồ mà cả năm bạn không dùng đến thì sau này bạn cũng chẳng dùng đến nó. Năm nay bạn không dùng, thì năm sau không có nó cũng chẳng có chuyện gì. Những món đồ đấy bạn không nên giữ lại làm gì, tốt nhất là vứt đi thì hơn. Tuy nhiên, những đồ dùng phòng cho trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai… thì lại khác đấy nhé.
Bụi bặm là thứ đáng ghét, dù ta có lau chùi bao nhiêu lần thì nó vẫn sẽ bám lại. Nhưng đồng thời, nó cũng là dấu hiệu cho thấy ta nên vứt bỏ cái gì. Những món đồ bám bụi chắc chắn là những món đồ không được sử dụng. Những gì năm nay chúng ta không dùng thì đến năm sau, năm sau nữa chúng ta cũng không cần đến. Bạn hãy dừng ngay việc tiêu tiền bạc, sức lực và thời gian để bảo quản chúng.
Quy tắc 8: Hãy vứt ý tưởng “một lúc nào đó” nhưng chẳng bao giờ đến
Khi đi mua đồ điện, tôi mang về thêm một đống phụ kiện. Khi sắm máy hút bụi, tôi cũng mua luôn những trang bị đi kèm mà chưa một lần sử dụng. Có những con vít mà tôi chẳng hiểu mình mua nó làm gì. Hay trong nhà tôi còn rất nhiều dây cáp tôi tích sẵn phòng khi cần đến, nhưng tôi cũng không biết phải lắp nó vào đâu.
Giờ đây, tôi mới nhận ra là những món đồ cần thiết cho một lúc nào đó như vậy sẽ chẳng bao giờ dùng đến. Thậm chí tôi còn quên luôn mình có nó trong nhà, thế nên khi cần đến tôi cũng không dùng chúng. Cả giấy bảo hành phòng khi đồ dùng hư hỏng tôi cũng vứt luôn vì chẳng bao giờ mở ra cả.
Tôi hay tích trong nhà đầy những hộp kẹo rỗng, những chiếc túi xinh đẹp phòng khi “một lúc nào đó” sẽ dùng. Rồi còn cả quyển sách tiếng Anh mà tôi định học lúc rảnh hay bộ đồ chơi tôi đang chơi dở. Nhưng thực tế thì thời điểm “một lúc nào đó” ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Tế nên bạn hãy vứt hết chúng đi, chỉ cần giữ những món đồ cần thiết cho hiện tại mà thôi.
Quy tắc 9: Hãy vứt một thời lưu luyến
Điều quan trọng khi vứt bớt đồ đạc đó là nó có quan trọng với mình “ngay lúc này” hay không. Cũng giống như việc dù bạn có chuẩn bị sẵn đồ dùng cho một lúc nào đó trong tương lai thì cuối cũng cũng sẽ thành lãng phí, nếu bạn cứ giữ mãi những đồ vật trong quá khứ, thì những món đồ này sẽ tăng lên mãi không thôi.
Những quyển sách giáo khoa thời học sinh, nhữngcuốn sách giúp ta trưởng thành hơn khi còn tấm bé, những bộ đồ tủ trước đây, những sở thích một thời hay những món quà kỉ niệm của người yêu… Nếu cứ mãi chìm trong quá khứ, thì bạn chẳng bao giờ nhận ra được “hiện tại” của bản thân. Chỉ quan tâm đến quá khứ, bạn cũng đã tạo ra cho mình thái độ khinh thường chính bản thân ở hiện tại.
Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, chỉ nên giữ những thứ cần thiết cho “hiện tại” mà thôi.
Quy tắc 10: Nếu bạn bắt đầu từ con số không? Nếu bạn bị mất trộm? Nếu bạn chuyển nhà?
Có một bộ phim tài liệu khá thú vị là 360 ngày cho cuộc sống giản đơn. Có một ngày, nhân vật chính cất hết đồ dùng dụng cụ của mình vào trong kho và tự đặt ra quy tắc: mỗi ngày chỉ được lấy ra một thứ.
Ngày đầu tiên, trên người cậu ta hoàn toàn không có gì cả, thế nên cậu ta chỉ lấy giấy báo để che bộ phận quan trọng và lao nhanh trên đường hướng đến chỗ nhà kho. Và ngày đầu tiên đó cậu ta chỉ lấy ra một chiếc áo khoác rồi nằm ngủ trên nền nhà cứng.
Đây chính là cuộc thí nghiệm nhằm tìm ra món đồ quan trọng với bản thân mình. Dù bạn không thể làm như nhân vật chính trong phim, nhưng bạn cũng có thể làm một thí nghiệm tương tự trong trí tưởng tượng của mình.
Bạn hãy coi mình không có bất cứ thứ gì và mỗi ngày bạn chỉ có thể lấy một thứ duy nhất.
Vậy những món đồ này sẽ xếp thứ mấy trong trình tự chọn đồ của bạn?
Nếu bạn bị trộm đồ, bạn có muốn mua lại với giá như cũ không?
Tuần sau bạn chuyển nhà, bạn có mang nó đi cùng không?
Có lẽ phần lớn những món đồ bạn lấy đều chẳng có lý do nào đặc biệt mà chỉ lấy đi trong vô thức mà thôi. Đặt câu hỏi cho chính những món đồ của bạn là một điều hết sức quan trọng. Hỏi đồ đạc trong nhà cũng chính là bạn đang tự hỏi mình về vị trí của chúng trong cuộc sống của bạn.
Tin liên quan
Công thức giúp bạn không trì hoãn
Nguyên
Th 6 26/07/2024
ThaiHaBooks - 4 giây – 2 phút – 72 giờ và 21 ngày: Công thức kì diệu giúp bạn đạt mọi mục tiêu và không bao giờ... Đọc tiếp
Trí thông minh cảm xúc là gì mà bạn nhất định phải rèn luyện sớm nhất có thể?
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
“Nhiều người có IQ 160 làm việc không bằng những người IQ không vượt quá 100, do những người trên có trí thông minh quan hệ... Đọc tiếp
10 Chiến thuật giúp bạn làm việc thông minh hơn
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
1. Quy tắc 2-PhútNếu công việc chỉ tốn của bạn chưa đến 2 phút, hãy làm ngay.Có rất nhiều việc lặt vặt thường ngày bạn lười... Đọc tiếp