"Hả, gì cơ?" - Thần chú trước khi đưa ra mọi đánh giá

Thái Hà Books
Th 3 23/07/2024

“Hả, gì cơ” là câu hỏi đứng đầu trong danh sách những câu hỏi thiết yếu của James E. Ryan – hiệu trưởng trường giáo dục sau đại học thuộc Đại học Harvard viết trong cuốn sách Biết hỏi mới là giỏi. Vì nó là một phương thức hiệu quả trong việc đề nghị đối phương làm rõ và làm rõ là bước đầu tiên để thực sự hiểu được một điều gì đó – dù đó là một ý tưởng, một quan điểm, một niềm tin, hay một đề xuất kinh doanh. (Có lẽ không nên sử dụng câu hỏi này để đáp lại một lời cầu hôn.)

Hỏi “Hả, gì cơ?” còn là một cách hay để tránh rút ra những kết luận vội vàng hoặc đưa ra những phán đoán hấp tấp. Chúng ta thường xuyên đưa ra quyết định quá sớm, dù đó là quyết định đồng ý hay không với một người hay một ý tưởng, mà không chịu bỏ công bỏ sức ra để thực sự hiểu người đó hoặc ý tưởng đó. Chúng ta nghe hay đọc một điều gì đó, và rồi khinh thường những người mà chúng ta bất đồng ý kiến, coi họ thật ngu dốt hoặc xấu xa. Nếu chúng ta dành thêm thời gian để hiểu các ý tưởng và góc nhìn, đặc biệt là các ý tưởng và các góc nhìn mới mẻ và thách thức, có thể chúng ta sẽ bớt khinh thường hơn và thay vào đó là tò mò hơn. Ngay cả khi việc hiểu thêm về một ý tưởng hay góc nhìn không làm thay đổi quyết định của bạn thì nhiều khả năng, việc đó cũng sẽ khiến bạn tôn trọng hoặc ít nhất là đánh giá cao hơn người đưa ra ý tưởng hay góc nhìn đó.

Biết hỏi mới là giỏi

Hãy xem trong Biết hỏi mới là giỏi, tác giả James E. Ryan đã viết gì về câu thần chú cần thiết trước khi đưa ra mọi phán xét, đánh giá này!

“Nói thế thôi, làm chẳng hề dễ. Năm ngoái, tôi (tác giả) và những người khác đã nhận ra thực tế này khi may mắn được tham gia một lớp học thạc sĩ của Rakesh Khurana. Rakesh Khurana là giảng viên tại trường Kinh doanh Harvard và hiện đang là hiệu trưởng trường Cao đẳng Harvard.

Tại lớp thạc sĩ của mình, Rakesh nêu một tình huống dựa trên câu chuyện có thật, với những người liên quan là Jenny, Lee và Piet. Jenny là một trợ lý trẻ tại một công ty nhỏ làm về quan hệ công chúng và cô đang cố gắng chốt được hợp đồng với một khách hàng tiềm năng người Hà Lan tên là Piet. Jenny mời Lee, người hướng dẫn của cô và cũng là chủ công ty, đến tham dự một bữa trưa quan trọng với Piet. Lee chưa từng gặp Piet. Tại bữa trưa đó, Piet nhiều lần ca ngợi việc được hợp tác cùng Jenny và không ngừng tán thưởng cô là một người phụ nữ rất hấp dẫn. Lee lờ đi những nhận xét đó, Jenny cũng vậy, và cả hai cố giữ cuộc nói chuyện chỉ tập trung vào công việc. Piet hỏi liệu Jenny có tham gia vào dự án này không, và Lee trả lời rằng cô có tham gia, cùng với những đồng nghiệp khác trong công ty. Khi đã ăn xong, Piet ra dấu về phía Jenny và nói với Lee rằng ông rất cảm ơn về bữa trưa vì ông đã luôn muốn có dịp được ăn trưa với một “người đẹp”.

Ban đầu, cuộc thảo luận diễn ra tại lớp thạc sĩ chỉ xoay quanh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Jenny gặp phải, cũng như phương hướng giải quyết dành cho cô. Liệu cô có nên nói thẳng ra rằng những lời nhận xét của Piet là quấy rối tình dục và nhiều khả năng sẽ đánh mất khách hàng của mình không? Hay cô nên im lặng để công việc được suôn sẻ? Cuộc thảo luận cũng tập trung vào Lee. Các học viên nói rất nhiều điều về Lee, đa phần là những điều thiếu tích cực – tôi đoán là đến đoạn này thì bạn cũng đang làm như thế. Mọi người chê trách rằng đáng ra “ông ta” phải bảo vệ Jenny, cấp dưới của mình, chứ không phải để cô ấy bị rơi vào một tình huống khó xử như vậy.

Đến đây thì Rakesh lên tiếng, như thể đã quên mất chi tiết này, “À, tôi xin lỗi. Tôi quên không bảo mọi người rằng Lee là phụ nữ.” Sau đó, ông im lặng, để cho dữ kiện quan trọng đó, một dữ kiện mà chẳng ai thèm hỏi, thấm vào trí óc mọi người. Tất cả học viên, kể cả tôi, ngay lập tức sững sờ và thốt lên, “Hả, gì cơ?” Rồi chúng tôi cười trừ với nhau khi nhận ra rằng chúng tôi đã đưa ra đủ lời chê trách về hành vi của Lee dựa trên một giả định chung rằng Lee là đàn ông – bất chấp tình huống mà chúng tôi được nghe không hề đề cập một từ nào về giới tính của Lee.

Về cơ bản, đây chính là điểm mấu chốt mà Rakesh muốn nói đến. Chúng ta tự cho rằng mình có lý khi lên án Lee. Tuy nhiên, Rakesh dạy chúng ta rằng đừng bao giờ nên chắc chắn như thế. Ông chỉ ra cho chúng ta thấy, chúng ta dễ bị mắc vào những giả định sai lầm khi chỉ trích và đánh giá như thế nào. Đương nhiên, bạn vẫn có thể lên án hành vi của Lee, nhưng rõ ràng sẽ tốt hơn nếu bạn làm thế khi đã có trong tay mọi dữ kiện. Đây là điều tôi sẽ luôn ghi nhớ.

Điều này đặc biệt cần ghi nhớ trong các tình huống khó khăn, dù ở nhà hay công sở. Khi gặp phải những cuộc trò chuyện căng thẳng hay những tình huống ngập tràn cảm xúc mạnh thì thật khó để ngưng lại và xem mình đã có đủ tất cả dữ kiện cần thiết cho việc rút ra một kết luận hợp lý hay chưa. Việc phản ứng lại – thường là mãnh liệt và dựa trên các giả định thay vì các dữ kiện thực tế – dễ dàng hơn, nếu không muốn nói là dễ dàng hơn rất nhiều. Để tránh bị rút ra kết luận một cách vội vàng, hãy nhớ phải luôn tự hỏi, “Hả, gì cơ?”

Tóm lại, “Hả, gì cơ?” là một câu hỏi thiết yếu bởi nó nằm ở trung tâm của việc hiểu, mà việc hiểu lại là trung tâm của một cuộc sống viên mãn và tràn đầy, cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Thế giới sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu bạn ngày càng hiểu hơn về con người và những ý tưởng bạn bắt gặp ở trong đó. Nếu bạn trau dồi thói quen hiểu trước đánh giá sau thì bạn sẽ tránh được những cuộc xung đột vô nghĩa và tạo ra những mối liên hệ thân thiết hơn với những người xung quanh. Từ một câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà có được kết quả như vậy thì cũng không tồi nhỉ?”

Trích từ sách Biết hỏi mới là giỏi, sách do ThaiHaBooks ấn hành!

Tin liên quan

Công thức giúp bạn không trì hoãn

Công thức giúp bạn không trì hoãn

Nguyên
Th 6 26/07/2024

ThaiHaBooks - 4 giây – 2 phút – 72 giờ và 21 ngày: Công thức kì diệu giúp bạn đạt mọi mục tiêu và không bao giờ... Đọc tiếp

Trí thông minh cảm xúc là gì mà bạn nhất định phải rèn luyện sớm nhất có thể?

Trí thông minh cảm xúc là gì mà bạn nhất định phải rèn luyện sớm nhất có thể?

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

“Nhiều người có IQ 160 làm việc không bằng những người IQ không vượt quá 100, do những người trên có trí thông minh quan hệ... Đọc tiếp

10 Chiến thuật giúp bạn làm việc thông minh hơn

10 Chiến thuật giúp bạn làm việc thông minh hơn

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

1. Quy tắc 2-PhútNếu công việc chỉ tốn của bạn chưa đến 2 phút, hãy làm ngay.Có rất nhiều việc lặt vặt thường ngày bạn lười... Đọc tiếp

Nội dung bài viết