Homecoming – Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

 

Nếu đứa trẻ dễ tổn thương của chúng ta tổn thương, bị bỏ rơi, xấu hổ, hoặc bị ngó lơ, thì nỗi đau, nỗi buồn và sự tức giận của đứa trẻ sẽ tồn tại mãi bên trong chúng ta.

“ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BỊ TỔN THƯƠNG SẼ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN CUỘC ĐỜI BẠN?

Người nào… trong nỗi đau khổ xưa cũ nói những điều không phù hợp, làm những việc không hiệu quả, sẽ không thể đối phó với tình huống và chịu đựng được những cảm giác khủng khiếp mà không làm ảnh hưởng đến hiện tại.

– HARVEY JACKINS

Không thể tin nổi rằng tôi đã từng trẻ con đến vậy. Lúc đó tôi đã 40 tuổi rồi mà vẫn nổi cơn thịnh nộ và la hét đến nỗi tất cả mọi người, vợ tôi, các con riêng của cô ấy và con trai tôi phải thực sự kinh hãi. Sau đó tôi lên xe và bỏ đi. Để rồi tôi ngồi đó, đơn độc trong một nhà nghỉ nhỏ giữa kỳ nghỉ của chúng tôi trên đảo Padre. Tôi cảm thấy rất cô đơn và xấu hổ.

Khi cố gắng lần theo các sự kiện dẫn đến việc mình rời đi, tôi không thể tìm ra bất cứ điều gì. Tôi thực sự bối rối. Nó giống như thức dậy sau một giấc mơ tồi tệ vậy. Hơn tất cả, tôi muốn cuộc sống gia đình mình luôn đầm ấm, yêu thương và gần gũi. Nhưng đây là năm thứ ba tôi bùng nổ trong kỳ nghỉ của chúng tôi.

Trước đây tôi đã từng bỏ đi vì cảm xúc nhất thời, nhưng chưa bao giờ thực sự bỏ đi theo nghĩa đen cả. Cứ như thể tôi đã rơi vào trạng thái ý thức bị thay đổi vậy. Ôi Chúa ơi, tôi ghét chính mình! Chuyện gì xảy ra với tôi thế này?

Sự cố trên đảo Padre xảy ra vào năm 1976, một năm sau khi cha tôi qua đời. Kể từ đó, tôi đã biết được nguyên nhân các chu kỳ giận dữ hoặc bỏ đi của mình. Tôi tìm được manh mối quan trọng trong lần bỏ đi trên đảo Padre. Khi ngồi đơn độc cùng cảm giác xấu hổ trong căn phòng tồi tàn đó, tôi bắt đầu có những ký ức sống động về thời thơ ấu của mình. Tôi nhớ vào một đêm Giáng sinh khi tôi khoảng 11 tuổi, nằm trong căn phòng tối om với tấm chăn trùm kín đầu và từ chối nói chuyện với cha. Ông về nhà muộn, trong tình trạng hơi say. Tôi muốn trừng phạt ông vì đã phá hỏng lễ Giáng sinh của chúng tôi. Tôi không thể bày tỏ sự tức giận bằng lời nói vì đã được dạy rằng làm như vậy là một trong những tội lỗi chết người, đặc biệt là đối với cha mẹ. Qua nhiều năm, cơn giận ấy nhức nhối trong tâm hồn tàn lụi của tôi.

Giống như một con chó đói trong tầng hầm, nó trở nên dữ tợn và bùng phát cơn thịnh nộ. Hầu như lúc nào tôi cũng cẩn trọng đề phòng nó. Tôi là một chàng trai tốt. Tôi là người bố tốt nhất mà tôi từng thấy cho đến khi tôi không thể chịu đựng được nữa. Sau đó tôi đã biến thành Ivan Bạo chúa.

Tôi bắt đầu hiểu ra rằng những hành vi trong kỳ nghỉ này là sự quay ngược trở lại tuổi thơ tự phát. Khi tôi nổi giận và trừng phạt gia đình bằng cách bỏ đi chính là lúc tôi đang quay trở lại tuổi thơ của mình, nơi tôi đã nuốt cơn giận và thể hiện nó theo cách duy nhất của một đứa trẻ có thể làm, bỏ đi để trừng phạt.

Giờ đây, với tư cách là một người trưởng thành, khi bị đánh bại trong cuộc đấu tranh với việc bỏ đi cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi cảm thấy mình giống như cậu bé con đơn độc và đầy hổ thẹn trước đây.

Tôi cũng bắt đầu hiểu là khi sự phát triển của một đứa trẻ bị kìm hãm, khi cảm xúc bị kìm nén, đặc biệt là cảm xúc tức giận và tổn thương, người đó sẽ trở thành bản thể trưởng thành với một đứa trẻ giận dữ và tổn thương bên trong.

Thoạt đầu, nghe có vẻ phi lý khi một đứa trẻ nhỏ bé lại có thể tiếp tục sống trong cơ thể của một người lớn. Nhưng đó chính xác là những gì tôi đang nói đến. Tôi tin rằng “đứa trẻ bên trong” bị bỏ rơi, bị tổn thương trong quá khứ này là nguồn gốc chính gây ra sự khốn khổ của con người. Đứa trẻ này sẽ tiếp tục hoạt động và gây tổn hại đến cuộc sống trưởng thành của chúng ta cho đến khi chúng ta hồi sinh và bảo vệ được nó.

Vì thích các công thức ghi nhớ nên tôi sẽ miêu tả một số cách mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương có thể làm tổn hại cuộc sống của chúng ta bằng cách sử dụng từ contaminate (gây tổn hại).

Mỗi chữ cái đại diện cho một cách thức mà đứa trẻ nội tâm gây tổn hại đáng kể cho cuộc sống của người lớn. (Ở cuối chương này, bạn sẽ tìm thấy một bảng câu hỏi giúp bạn xác định xem “đứa trẻ bên trong” bạn đã bị tổn thương nặng nề như thế nào)

Co-Dependence – Chứng lệ thuộc

Chứng lệ thuộc như một bệnh với biểu hiện đặc trưng là sự đánh mất cá tính của bản thân. Người mắc chứng lệ thuộc là người không tiếp cận được với cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của chính mình.

Chứng lệ thuộc được dung dưỡng trong các hệ thống gia đình không lành mạnh. Theo thời gian, một người sống với tình trạng âu lo m-ã-n tính về hành vi không lành mạnh sẽ mất kết nối với các tín hiệu chỉ dẫn như cảm xúc, nhu cầu và mong muốn bên trong chính mình.

Offender Behaviors – Hành vi ngược đãi

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng tất cả những người mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đều tốt bụng, ít nói và có sức chịu đựng bền bỉ. Nhưng trên thực tế, “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương là nguyên nhân gây ra nhiều bạo lực và sự  tàn ác trên thế giới. Hitler thường xuyên bị đánh đập trong suốt thời thơ ấu của mình; bị coi thường và làm nhục một cách tàn nhẫn bởi người bố tàn bạo, vốn là đứa con hoang của một địa chủ Do Thái Hitler đã tái diễn lại hình thức vô cùng tàn ác đó lên hàng triệu người dân vô tội.

Narcissistic Disorders – Hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ

Trẻ luôn cần được yêu thương vô điều kiện, ít nhất là trong giai đoạn đầu đời. Nếu không có con mắt phản chiếu đầy khoan dung của bố mẹ hoặc người chăm sóc, một đứa trẻ sẽ không thể nào biết được mình là ai. Mỗi người đều là chúng ta trước khi trở thành một bản thể tôi nào đó. Chúng ta cần một khuôn mặt phản chiếu để nhìn thấy tất cả các khía cạnh của bản thân. Chúng ta cần biết mình quan trọng, được coi trọng, và mọi khía cạnh của chúng ta đều đáng yêu, được chấp nhận. Chúng ta cũng cần hiểu là có thể nương tựa vào tình yêu của những người chăm sóc mình. Đây là những nhu cầu lành mạnh. Nếu những nhu cầu đó không được thỏa mãn thì ý thức của chúng ta về một cái tôi lành mạnh sẽ bị phá vỡ.

“Đứa trẻ bên trong” thiếu thốn lòng ái kỷ sẽ làm tổn hại cuộc đời mình khi lớn lên vì thèm muốn tình yêu, sự quan tâm và lòng thương mến vô độ. Nó đòi hỏi và tự mình phá hoại các mối quan hệ trưởng thành. Dù có bao nhiêu tình yêu đang đến thì cũng không bao giờ là đủ cả. Thực ra nó không thể đáp ứng được nhu cầu của bản thân khi đã lớn vì đó là nhu cầu của một đứa trẻ.

Trust Issues – Vấn đề về niềm tin

Khi người chăm sóc không đáng tin cậy, trẻ sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng sâu sắc. Thế giới dường như là một nơi nguy hiểm, thù địch và không thể đoán trước. Vì vậy, trẻ phải luôn đề phòng và kiểm soát. Trẻ tin: “Nếu mình kiểm soát mọi thứ thì không ai có thể khiến mình mất cảnh giác và làm tổn thương mình được”.

Một loại kiểm soát điên cuồng xuất hiện: nghiện kiểm soát. Có người sợ mất kiểm soát đến nỗi anh ta đã làm việc hàng trăm giờ một tuần. Anh ta không thể ủy quyền cho bất cứ ai về bất kỳ quyền hạn nào, vì anh ta không tin tưởng họ. Anh ta đến với tôi khi bệnh viêm loét đại tràng đã trở nên trầm trọng đến mức phải nhập viện.

Acting Out/Acting in Behaviors – Hành vi tái hiện hướng ngoại/hướng nội

Hướng Ngoại

Để hiểu được “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của chúng ta tái hiện hướng ngoại những nhu cầu thời thơ ấu chưa được đáp ứng và những tổn thương chưa được giải quyết như thế nào, thì chúng ta phải hiểu rằng động lực chính trong cuộc sống của chúng ta là cảm xúc. Cảm xúc là động lực thúc đẩy chúng ta tự vệ và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình. Năng lượng này là yếu tố nền tảng. Sự tức giận thúc đẩy chúng ta tự vệ. Khi tức giận, chúng ta đứng lên và “chiến đấu điên cuồng”. Bằng sự tức giận, chúng ta bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Các ví dụ khác về hành vi hướng ngoại là:

– Tái hiện hành vi bạo lực với người khác
– Làm hoặc nói với con cái những điều mà lẽ ra chúng ta
không bao giờ nên làm hoặc nói
– Bộc phát quay trở lại tuổi thơ bằng những hành vi trẻ con như nổi cáu, hờn dỗi, v.v…
– Hành động nổi loạn vô lý
– Tiếp tục thực hiện các quy tắc lý tưởng của bố mẹ.

Hướng Nội

Tái hiện lại hành vi ngược đãi trong quá khứ lên chính bản thân mình được gọi là “hành vi tái hiện hướng nội”. Chúng ta tự trừng phạt bản thân giống như từng bị trừng phạt trong thời thơ ấu.

Năng lượng cảm xúc hướng nội có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng về thể chất bao gồm rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, nhức mỏi cổ, căng cơ nghiêm trọng, viêm khớp, hen suyễn, đau tim và ung thư. Bất chợt ngã sõng soài là một hình thức khác của hành vi tái diễn hướng nội này. Người ta tự gây ra hình phạt cho chính mình bằng các vụ tai nạn.

Magical Beliefs – Những niềm tin ảo diệu

Sự ảo diệu ở đây chính là khi tin rằng những câu nói, cử chỉ, hành động nhất định có thể thay đổi thực tế. Các bậc cha mẹ không hạnh phúc thường hay củng cố lối tư duy ảo diệu đó ở con mình. Ví dụ như khi bạn nói với trẻ rằng hành vi của chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của người khác chính là bạn đang dạy trẻ lối tư duy ảo diệu này. Một số câu phổ biến là: “Hãy xem việc con đã làm đi, mẹ con đang phiền lòng đấy”, “Con làm cho bố con tức điên lên rồi đấy, con đã hài lòng chưa?” Một hình thức củng cố tư duy ảo diệu khác là tuyên bố: “Ta biết con đang nghĩ gì đấy.

Một đứa trẻ suy nghĩ ảo diệu là điều tự nhiên. Nhưng nếu một người có tuổi thơ bị tổn thương vì nhu cầu phụ thuộc không được đáp ứng thì sẽ không thể trưởng thành thực sự. Người đó sẽ trở thành một người lớn bị tổn hại bởi tư duy ảo diệu của một đứa trẻ. Những niềm tin ảo diệu gây tổn hại khác là:

– Nếu có tiền, tôi sẽ không sao cả
– Nếu người yêu tôi bỏ tôi, tôi sẽ chết hoặc tôi sẽ không bao giờ vượt qua được
– Một tờ giấy (bằng cấp) sẽ giúp tôi trở nên thông minh
– Nếu tôi “cố gắng”, thế giới sẽ thưởng cho tôi
– “Chờ đợi” sẽ mang lại kết quả tuyệt vời

Intimacy Dysfunctions – Rối loạn khả năng gắn kết

Nhiều trẻ em khi lớn lên loay hoay giữa nỗi lo sợ bị bỏ rơi và bị lấn át. Một số bị cô lập vĩnh viễn vì e ngại bị người khác chế ngự. Một số người lại không dám rời bỏ các mối quan hệ tiêu cực vì sợ phải ở một mình. Phần lớn mọi người dao động giữa hai thái cực ấy.

“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương phá hủy sự gắn kết trong các mối quan hệ bởi đứa trẻ đó không ý thức được về con người đích thực của mình. Vết thương lớn nhất mà đứa trẻ có thể phải chịu là sự chối bỏ con người thật của mình. Khi không thể chấp nhận những cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của con mình thì tức là bố mẹ đang chối bỏ con người thật của con. Và thế là một bản thể giả tạo được hình thành.

Nondisciplined Behaviors – Các hành vi kỷ luật không đúng mức

“Đứa trẻ bên trong” vô kỷ luật thường chậm chạp, chần chừ, không biết kiềm chế sự thỏa mãn, nổi loạn, tự ý, bướng bỉnh và có hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Đứa trẻ bị kỷ luật quá mức sẽ là người cứng nhắc, dễ bị ám ảnh, dễ bị kiểm soát quá mức, quá phục tùng, luôn muốn làm hài lòng mọi người, luôn cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta, những người có “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đều ở giữa hành vi vô kỷ luật và kỷ luật quá mức.

Addictive/Compulsive Behaviors – Các hành vi rối loạn cưỡng chế/nghiện ngập

Chứng nghiện hoạt động bao gồm làm việc, mua sắm, cờ bạc, tình dục và các nghi lễ tôn giáo. Trên thực tế, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được sử dụng để thay đổi cảm xúc. Các hoạt động làm thay đổi cảm xúc thông qua việc phân tâm. Chứng nghiện nhận thức là một cách hiệu quả để trốn tránh cảm xúc. Tôi đã sống trong đầu mình rất nhiều năm. Tôi là một giáo sư đại học. Suy nghĩ có thể là một cách để né tránh cảm xúc. Tất cả các chứng nghiện đều chứa đựng sự ám ảnh.

Chính cảm xúc cũng có thể gây nghiện. Tôi là một người nghiện tức giận trong nhiều năm. Cơn thịnh nộ, giới hạn duy nhất mà tôi biết, đã che đậy nỗi đau đớn và sự xấu hổ của tôi. Khi tôi nổi giận, tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ và quyền năng, thay vì cảm giác dễ bị tổn thương và bất lực.

Cốt lõi của hầu hết các chứng nghiện, bất kể do yếu tố di truyền hay không, chính là “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương luôn ở trạng thái thèm muốn và thiếu thốn vô độ. Người ta không cần phải ở cạnh một người nghiện quá lâu để thấy được những trạng thái này ở anh ta.

Thought Distortions – Tư duy bị bóp méo

Trẻ em là những người tuyệt đối hóa. Đặc tính tư duy này ở trẻ được thể hiện thông qua tính phân cực “tất cả hoặc không có gì”. Nếu bạn không yêu tôi có nghĩa là bạn ghét tôi. Không có gì ở giữa hai thái cực đó hết. Nếu bố bỏ rơi mình thì tất cả đàn ông đều sẽ bỏ rơi mình.

Trẻ em suy nghĩ một cách vị kỷ; điều này được thể hiện ở việc cá nhân hóa mọi thứ. Nếu bố không có thời gian cho mình, thì có nghĩa là mình không ổn, mình có vấn đề gì đó. Trẻ suy diễn hầu hết mọi thứ theo cách này. Vị kỷ được xem là dấu hiệu tự nhiên của thời thơ ấu, nhưng không phải là dấu hiệu về sự ích kỷ đạo đức. Đơn giản là trẻ chưa đủ khả năng tiếp thu quan điểm của người khác mà thôi.

Bạn sẽ nghe thấy những ví dụ về tư duy vị kỷ ở khắp mọi nơi nếu bạn bắt đầu thực sự lắng nghe. Mới đây, tôi tình cờ nghe được một cặp đôi nói chuyện trên máy bay, người phụ nữ đang xem một tờ tạp chí để lập kế hoạch cho kỳ nghỉ của hãng hàng không. Cô vô tư nhận xét rằng cô đã luôn mong muốn được đến Úc nhưng người đàn ông lại trả lời một cách giận dữ: “Em mong đợi cái quái gì ở tôi thế? Tôi làm việc đến sắp chết rồi đấy!” “Đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của anh ta tin rằng cô đang chê anh không lo nổi kinh tế chỉ đơn giản vì cô muốn đi Úc.

Emptiness (Apathy, Depression) – Cảm giác trống rỗng (Chứng lãnh cảm, trầm cảm).

“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương cũng phá hủy cuộc sống trưởng thành của chúng ta bằng chứng trầm cảm mãn tính ở mức độ nhẹ, thường được trải nghiệm như một cảm giác trống rỗng. Chứng trầm cảm là kết quả của việc đứa trẻ phải từ bỏ con người thật của mình để chấp nhận một cái tôi giả tạo. Sự từ bỏ con người thật chẳng khác gì việc tạo ra một chỗ trống bên trong bản thân mình cả. Tôi đã gọi điều này là “sự trống rỗng trong tâm hồn của một con người”. Khi một người đánh mất giá trị đích thực của mình, anh ta sẽ mất kết nối với cảm xúc, nhu cầu và mong muốn thực sự của mình. Thay vào đó, những gì anh ta trải nghiệm là những cảm giác do cái tôi giả tạo ra lệnh. Ví dụ như “làm người tử tế” là một nhân tố tự thân giả tạo phổ biến, khiến cho người ta nghĩ rằng một “người phụ nữ tử tế” thì sẽ không bao giờ thể hiện sự tức giận hay thất vọng.

Mang một bản thể giả tạo chính là đang diễn kịch. Bản thể thật không bao giờ hiện diện. Một người đang hồi phục đã miêu tả điều đó như thế này: “Cứ như thể tôi đang đứng bên lề cuộc sống của mình và nhìn nó trôi qua vậy”.

Cảm giác trống rỗng là một dạng trầm cảm mãn tính vì con người ta không ngừng tiếc thương cho bản thể thật của mình. Tất cả trẻ em khi trưởng thành đều bị trầm cảm mãn tính ở mức độ thấp trên một phương diện nào đó.

  • Trích từ cuốn sách Homecoming – Hồi sinh đứa trẻ bên trong bạn
  • Tác giả: John Bradshaw

👉Thông tin về cuốn sách tại:

Nội dung bài viết