CẦN TÔN VINH TIẾNG VIỆT NGAY TRONG NƯỚC VIỆT NAM

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Hôm nay, tôi dậy sớm. Tôi mang vài cuốn sách ra xem lại bản dịch tiếng Việt và các bản gốc tiếng Anh, Pháp, Nga. Tôi đọc, so sánh đối chiếu và suy ngẫm về tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Và thấy tiếng Việt của chúng ta thú vị vô cùng, hay vô cùng, đặc biệt vô cùng. Tôi ngồi lặng yên ít phút và hướng tâm biết ơn tiếng Việt. Thành tâm biết ơn, với lòng biết ơn từ tâm can của mình, từ đáy lòng mình.

Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Đặc biệt bởi Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030 và ngày 8.9 hàng năm chính thức là “Ngày Tôn vinh tiếng Việt”. Theo quyết định này, “Ngày tôn vinh tiếng Việt” ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.

Tôi ngồi ngẫm lại những câu từ rất thú vị của tiếng Việt như “Ngựa đá chứ không phải ngựa đá”, “Năm con mèo đến là năm con mèo đến chứ không phải năm con mèo đến”… 

Tôi ngồi so sánh với các thứ ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Nga,… và thấy các ngôn ngữ kia thường chỉ có một đại từ nhân xưng ở các ngôi, như I, Je, Ia ở ngôi thứ nhất, You, Tu, Tưi ở ngôi thứ hai, He/She, Il/Elle, Ôn/Ana ở ngôi thứ ba nhưng tiếng Việt của chúng ta thì có rất nhiều từ để thể hiện. Ví dụ xưng ở ngôi thứ nhất có tác từ như anh, em, con, tao, tôi, cháu, ông, bà, chú, bác, cô, gì, cậu, mợ…

Tôi ngồi nghĩ về một từ thôi: chết. Chỉ một từ chết này thôi mà tiếng Việt có biết bao nhiêu từ để miêu tả như: thân hoại mạng chung, mất, qua đời, từ trần, tạ thế, nhắm mắt xuôi tay, về cõi vĩnh hằng, yên giấc ngàn thu, về nơi suối vàng, về nơi nhàn cảnh, ngoẻo, tỏi, toi,… 

Tôi ngồi ngẫm lại các cụm từ có chữ ăn mà chẳng liên quan gì đến việc ăn, tức là cho thức ăn vào miệng. Đây nhé: ăn chơi, ăn chia, ăn nằm, làm ăn, ăn mặc, ăn nhậu, ăn tiêu, ăn bớt, ăn bẩn, ăn chặn, ăn cắp, ăn Tết. Tôi đã tìm ra hơn 60 cụm từ “ăn” mà không liên quan đến ăn theo nghĩa đen của từ này. 

Ngày nay, việc học ngoại ngữ rất quan trọng nên nhiều người có thể không để ý, không có thời gian khám phá, đi tìm cái hay, cái đặc biệt của tiếng Việt, nhưng nếu để ý một chút sẽ thấy tiếng Việt của chúng ta đẹp lắm, khác biệt lắm, thú vị vô cùng.

Tôi ngồi ngẫm lại các sự kiện lịch sử của dân tộc ta và nhớ về năm 1945, khi sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc được ban hành. Sắc lệnh quan trọng này đã đưa chữ Quốc ngữ trở thành hệ chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. May thay chúng ta chính thức dùng chữ Quốc ngữ và thật sự là may mắn khi tôi học tiếng Pháp, tiếng Anh dễ dàng hơn nhiều so với các bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… 

Tôi ngồi và nhớ lại mốc quan trọng của tiếng Việt: khoa thi Hán học cuối cùng được tổ chức vào năm 1919. Đây có lẽ là mốc quan trọng khi chữ Nôm, chữ Hán chính thức rút lui, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Thật sự tuyệt vời!

Lịch sử chữ Quốc ngữ không chỉ có 100 năm trở lại đây, mà từ 400 năm trước, khi các giáo sĩ Dòng Tên tạo ra nó từ đầu thế kỷ thứ 17. Để thực hiện công cuộc truyền đạo tại Việt Nam, các giáo sĩ phương Tây với sự cộng tác của một số Thầy người Việt đã tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự Latin để có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Rõ ràng việc nghiên cứu lịch sử chữ viết tiếng Việt của chúng ta là một đề tài quan trọng, một vấn đề lớn và cần được quan tâm hơn nữa.

Tôi cầm trên tay 2 bản của cuốn sách ”Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 – 1659” của linh mục Đỗ Quang Chính vừa mới xuất bản và hôm nay chính thức phát hành chào mừng “Ngày tôn vinh tiếng Việt”. Cuốn sách do tủ sách Ra Khơi ấn hành năm 1972 và là một tài liệu có giá trị trong ngành Ngữ học Việt Nam. Ấn phẩm có thêm một số sửa chữa của tác giả vào năm 2007. Cả bản sách phổ thông lẫn bản đặc biệt của cuốn sách làm tôi rất xúc động. Tôi ngồi đọc đi đọc lại và suy ngẫm rất nhiều. 

Phiên bản đặc biệt của cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ”

Sách gồm có bốn chương: chương 1 tổng hợp một số nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt, chương 2 sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến năm 1648, chương 3 nói về việc linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651. Cuối cùng là phân tích những tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam là Igesico Văn Tín và Bento Thiện.

Tôi đang đặc biệt nhớ đến công lao của Francisco de Pina, người châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt và Alexandre de Rhodes, người đã soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên. Tôi muốn nhìn thấy tận mắt và muốn có bản copy của 2 cuốn từ điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. 

Ngay trong lúc này, tôi thành tâm muốn có mặt tại quê hương của Francisco de Pina là Guarda, Bồ Đào Nha và quê hương của Alexandre de Rhodes là Avignon, nay ở miền nam nước Pháp. Tôi cũng muốn đến ngay Thanh Chiêm, Quảng Nam, nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ để tìm lại những dấu tích cổ xưa, để biết ơn và trân trọng.

Ngay trong sáng hôm nay, tôi rất hạnh phúc khi vào thời điểm hơn 8 giờ sáng, đúng ngày tôn vinh tiếng Việt và ngày phát hành sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659” Giáo sư Phan Văn Trường đã có mặt tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM và chụp ảnh với cuốn sách này. Giáo sư đích thân và trực tiếp ra mua sách ủng hộ và tham gia tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Hạnh phúc hơn nữa khi GS Phan Văn Trường nhắn tin với mong muốn rất nhân văn “… chúng ta tặng tất cả các đại sứ quán của các nước trên thế giới cuốn sách mà Thái Hà xuất bản. Bên cạnh cuốn sách, chúng ta có thể nói đôi dòng về nền văn hóa và nền văn học của nước Việt Nam.”

 

Giáo sư Phan Văn Trường và cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ”

Ngay lúc này, tôi đang rất thích thú với nhận xét của Alexandre de Rhodes rằng “…nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót…”. Tôi cũng cứ ngẫm suy mãi như bấy lâu nay, rằng tiếng Việt của chúng ta khi thể hiện qua âm nhạc thì luôn thật tuyệt vời. Và rõ ràng cần tôn vinh tiếng Việt nhiều hơn, mạnh hơn, cụ thể hơn ngay ở trong nước, với 100 triệu đồng bào đang nói tiếng Việt, viết tiếng Việt./.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty sách Thái Hà

Tin liên quan

TUYỂN DỤNG THƯ KÝ XUẤT BẢN

TUYỂN DỤNG THƯ KÝ XUẤT BẢN

HCNS Thái Hà Books
Th 5 03/10/2024

 HỒ SƠ CÔNG TY [Company Profile] Tên Công ty(Company Name)CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH THÁI HÀ | THAIHABOOKSVị trí Địa lý(Job Location) TP HÀ NỘIGiới thiệu(Introduction)Công ty Cổ... Đọc tiếp

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)

Minh Đức
Th 5 26/09/2024

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)HỒ SƠ CÔNG TY Tên Công ty(Company Name)CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH THÁI HÀ | THAIHABOOKSVị trí Địa lý(Job... Đọc tiếp

THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 9.2024

THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 9.2024

Marketing Hà Nội
Th 4 11/09/2024

[ThaiHaBooks] Tháng 9 về, các em nhỏ thì nô nức trở lại trường, còn người lớn lại mong chờ mùa trăng tròn trong dịp Trung thu để... Đọc tiếp

Nội dung bài viết