Đi dọc dòng sông Phật giáo qua những trải nghiệm của nhà Biên kịch phim Mê Kông ký sự, Trần Đức Tuấn

Thái Hà Books
Th 7 13/04/2019

ThaiHaBooksSáng nay ngày 13/4 chương trình giao lưu “Mê Kông ký sự – Những chuyện chưa kể” đã diễn ra thành công tốt đẹp cùng với sự tham gia của diễn giả Trần Đức Tuấn – biên kịch phim Mê Kông ký sự, nhà báo truyền hình, tác giả cuốn sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo”. Chương trình đã cung cấp rất nhiều thông tin thú vị về hành trình khám phá dọc dòng sông Mê Kông hùng vĩ và tráng lệ.

Bộ phim tài liệu Mê Kông ký sự, bộ phim làm mê hoặc hàng triệu người từ cách đây hơn 10 năm, gồm 92 tập, mỗi tập 20 phút, không đặt vấn đề nghiên cứu về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng nhưng rõ ràng văn hóa Phật giáo bước vào phim một cách tự nhiên bởi hiện thực phong phú, giàu bản sắc của nó, như một hiện tượng lịch sử độc đáo, lớn lao, xuyên suốt, cả về không gian, thời gian và tầm ảnh hưởng xã hội. Mê Kông sẽ không còn là nó nếu vắng bóng những ngôi chùa. Mê Kông ký sự sẽ không còn là nó nếu thiếu vắng hình ảnh những đoàn sư khất thực, thiếu vắng tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh lan tỏa khắp mặt nước mênh mông, trên khắp những xóm làng, những đồng cỏ thanh bình yên tĩnh. Nếu như những ngôi chùa, những tu viện rải rác từ chân những ngọn núi tuyết cho tới đôi bờ Mê Kông trên đất chùa tháp làm cho đoàn làm phim nhận ra rằng cuộc hành trình kỳ thú vừa qua chính là đã men theo một dòng sông Phật giáo, thì cuộc viếng thăm những ngôi chùa ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm rõ thêm một chân lý: Phật giáo là một phần hữu cơ không thể tách rời của lịch sử Việt Nam. Những ngôi đình làng thờ Thần Hoàng bổn cảnh, những ngôi miếu thờ thần linh và những người có công lớn với dân, với đất nước, và những ngôi chùa thờ Phật đã tạo nên hình ảnh rất đẹp trong thế giới tinh thần truyền thống của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Mê Kông là một dòng sông đa sắc tộc, đa tôn giáo. Đó là đặc điểm chung của các đại trường giang quốc tế. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và sau hàng loạt hành trình tiếp cận, đoàn làm phim nhận ra màu sắc Phật giáo bao trùm lên phần lớn chiều dài của dòng chảy, lên các miền dân cư đôi bờ và lên nền văn hóa tín ngưỡng của hầu hết lưu vực. Với dòng chính dài 4.880km theo hướng Bắc Nam, Mê Kông trải dài trên các miền đất Phật vô cùng đặc sắc và độc đáo từ núi cao cội nguồn cho tới tận bờ biển. Trước hết, đó là khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải và miền Bắc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Tiếp theo là khu vực Phật giáo – Đại thừa tại miền Trung tỉnh Vân Nam. Từ miền Nam Vân – Nam tới Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia là Phật giáo – Tiểu tThừa. Cuối cùng là đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, nơi có cả hai phái Tiểu Thừa và Đại thừa xen kẽ. Sự xen kẽ này cũng là đặc điểm riêng của miền đất Cửu Long, khác với miền Trung và miền Bắc hiện chỉ có Đại Thừa. Vì nằm trên con đường giao lưu văn hóa Trung – Ấn nên nước ta có dịp tiếp xúc với cả hai con đường truyền giáo của đạo Phật. Vào giữa thế kỷ II dương lịch, các giáo sĩ Phật giáo Ấn Độ đã đến xây chùa ở xứ Bắc Ninh, lập nên phái Nam Tông. Tiếp theo phái Bắc Tông được truyền vào từ Trung Quốc. Suốt thời gian trên 18 thế kỷ đó người Việt Nam đã có những đóng góp cực kỳ to lớn cho kho tàng lý luận Phật giáo, nhất là các thời Đinh, Lê, Lý, Trần.

Khi tìm hiểu các lĩnh vực văn hóa, xã hội của cư dân đôi bờ con sông dài 4.880 cây số, đoàn làm phim Mê Kông ký sự bị cuốn hút rất mạnh vào 3 yếu tố hàng đầu là chủng tộc, tôn giáo và kiến trúc, trong đó tôn giáo mà cụ thể là Phật giáo giữ vai trò liên kết như một hệ tư tưởng xuyên suốt, tạo nên giá trị tinh thần và vẻ đẹp nhân văn của dòng sông vĩ đại. Tuy nhiên, một lãnh thổ lưu vực rộng mênh mông bao trùm lên 6 nước như thế phải mang tính đa sắc tộc và đa tôn giáo. “Đa sắc tộc” thì rất rõ nhưng “đa tôn giáo” thì khá mờ bởi sắc màu tôn giáo nổi bật và thống trị suốt chiều dài dòng sông chính là Phật giáo. Ngoài đạo Phật và các tín ngưỡng dân gian, Mê Kông còn có Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Khổng giáo v.v. nhưng không một tôn giáo nào có thể so sánh được với Phật giáo về tính phổ biến, sự liên tục về địa lý và mức độ sùng tín của tín đồ. Từ những cây số đầu tiên dưới chân núi tuyết trên cao nguyên Thanh Hải băng giá đến những dòng chảy cuối cùng trên đồng bằng sông Cửu Long nơi đâu cũng thấy chùa chiền, tu sĩ và Phật tử. Chính vì thế đoàn làm phim đã gọi Mê Kông là “Dòng sông Phật giáo”. Ở đây có một sự ảnh hưởng qua lại rất rõ giữa Phật giáo và sắc tộc. Nếu như Phật giáo có vai trò thống nhất tín ngưỡng của cư dân thì chính sắc tộc đã làm cho Phật giáo trở nên đa dạng. Có thể hình dung các “phân đoạn” sau đây của dòng sông về mặt tín ngưỡng Phật giáo:

– Phật giáo Tạng truyền kéo dài suốt một dải từ thượng nguồn Thanh Hải, qua Tây Tạng tới miền Bắc Vân Nam của Trung Quốc.

– Phật giáo Đại thừa ở miền Trung Vân Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

– Phật giáo Tiểu thừa ở miền Nam Vân Nam, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Phật giáo Tiểu thừa phát triển trên một nửa chiều dài của Mê Kông thuộc lãnh thổ của cả 6 nước lại khá đa dạng.

 

Về Phật giáo Tạng truyền, còn có tên là Lạt Ma giáo. Đây là tín ngưỡng gắn liền với một dân tộc rất nổi tiếng trên thế giới: dân tộc Tạng. Địa bàn cư trú chủ yếu của họ là miền “ Nóc nhà thế giới” bao gồm kKhu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, một phần các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam vân vân v.v.. phổ biến ở độ cao từ trên 3.000 mét đến năm sáu ngàn mét so với mặt biển, quanh năm giá lạnh. Họ sống rải rác trên một diện tích đất đai rộng lớn với nhiều triệu cây số vuông gồm nhiều nhánh tộc nhưng có chung một nền văn hóa Phật giáo, một tính cách rất mạnh mẽ và lối sống rất phóng khoáng. Lạt Ma giáo là sự kết hợp giữa đạo Phật du nhập từ bên ngoài với tín ngưỡng bản địa cổ truyền gọi là đạo “Bon” của người Tạng. Bước vào lãnh địa của người Tạng và cõi Phật của Lạt Ma giáo bạn sẽ lập tức có cảm giác lạc vào một thế giới khác và một thời đại khác, vừa huyền bí mơ hồ lại vừa xác thực,. thiêng liêng. Đền đài Phật giáo Tạng truyền là một thế giới bồng bềnh trong mây tuyết, âm thanh nghi lễ tôn giáo là tiếng vọng mênh mông của quá khứ, niềm tin là sức mạnh bất khả xâm phạm thống trị khắp thảo nguyên và núi đồi. Loạt ký sự trong cuốn sách “Đi dọc dòng sông Phật giáo” có đề cập đến một số bài để người đọc tới thăm xứ sở thần bí ở tận lưng trời này và vương quốc Phật giáo Tạng truyền của họ.

Tất cả có 5 lần đoàn làm phim vượt Mê Kông từ Lào sang Thái để khảo sát dòng sông tại các địa điểm: khu vực “Tam Giác Vàng”, thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Xa Van Na Khẹt và tỉnh Chăm Pa Sắc. Đối diện với chúng là các tỉnh: Chiêng Rai, Noọng Khai, U Đơn, Na Khon Pha Nôom, Xa Con Na Khon, Mục Đa Hản và U Kon Ratchathani của Thái Lan. Tất cả các tỉnh hữu ngạn Mê Kông này nằm trong vùng Đông Bắc Thái Lan rộng lớn nơi có nhiều Việt kiều sinh sống từ lâu. Phần lớn người Việt sống ở đây là đi từ Lào sang từ thời chống Pháp. Lịch sử vùng Đông Bắc Thái khá đặc sắc trong đó nổi bật là sự chuyển nhượng lãnh thổ giữa Thái và Lào dẫn tới việc đại đa số người Lào hiện sống trên đất Thái chứ không phải đất Lào. Phần lớn vùng Đông Bắc Thái Lan (còn gọi là Isan) xưa kia thuộc lãnh thổ Lào. Sau này, với sự thỏa thuận giữa Thái Lan và các cường quốc Phương Tây, hầu hết vùng lãnh thổ bờ hữu Mê Kông rộng lớn này của Lào với phần lớn cư dân Lào tộc đã thuộc quyền cai quản của Băng Cốc. Cư dân đôi bờ nói chuyện nhau không cần phiên dịch, phong tục tập quán và kiến trúc tôn giáo có rất nhiều nét tương đồng.

Riêng đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo có cả nguồn Nam Tông của người Khơ Me (như Campuchia) và Bắc Tông từ Trung và Bắc truyền vào theo bước chân của những đoàn di dân. Đặc biệt, Phật giáo đã từng là Quốc giáo suốt hai triều đại Lý, Trần. Sở dĩ nói lên điều này là vì để thấy rằng đoàn làm phim đã ra đi từ một miền đất Phật, vậy nên các miền đất Phật khác sẽ khó có thể làm họ ngạc nhiên, nhưng không phải thế. Lý do rất đơn giản. Đó chính là thực tế phong phú ngoài sức tưởng tượng của đoàn làm phim về mức độ niềm tin của Phật tử trên khắp các triền sông, về sự đa dạng các hệ phái tín ngưỡng, về kiến trúc Phật giáo muôn màu, về tập tục nghi lễ độc đáo v.v… Tất cả đều có nét riêng, rất đặc sắc, với những đường nét văn hóa khác nhau, được kết nối bằng một điểm chung là sự chân thành và lòng sùng kính như dòng chảy tư tưởng êm đềm, lấp lánh bên dòng Mê Kông lãng đãng, mơ màng, diễm lệ…

Triều Thảo, Thaihabooker

Tin liên quan

TUYỂN DỤNG THƯ KÝ XUẤT BẢN

TUYỂN DỤNG THƯ KÝ XUẤT BẢN

HCNS Thái Hà Books
Th 5 03/10/2024

 HỒ SƠ CÔNG TY [Company Profile] Tên Công ty(Company Name)CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH THÁI HÀ | THAIHABOOKSVị trí Địa lý(Job Location) TP HÀ NỘIGiới thiệu(Introduction)Công ty Cổ... Đọc tiếp

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)

Minh Đức
Th 5 26/09/2024

TUYỂN DỤNG MARKETING TỦ SÁCH DỊCH VỤ (HÀ NỘI)HỒ SƠ CÔNG TY Tên Công ty(Company Name)CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH THÁI HÀ | THAIHABOOKSVị trí Địa lý(Job... Đọc tiếp

THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 9.2024

THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 9.2024

Marketing Hà Nội
Th 4 11/09/2024

[ThaiHaBooks] Tháng 9 về, các em nhỏ thì nô nức trở lại trường, còn người lớn lại mong chờ mùa trăng tròn trong dịp Trung thu để... Đọc tiếp

Nội dung bài viết