Hội Sách Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long là HỘI SÁCH của Thủ đô – bài 8
Thái Hà Books
CN 30/09/2018
ThaiHaBooks - Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Thế là kết thúc chặng đầu của hành trình khuyến đọc, kết nối các nước ASEAN. Sau Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN trong đó chủ đề chính là 4.0 với lễ ra mắt sách “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” với sự tham gia và dẫn dắt trực tiếp của chính tác giả, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, chúng tôi đã đưa các bạn đến với Manila với sự kiện quan trọng kết nạp 2 nước còn lại là Lào và Campuchia vào Hiệp hội Xuất bản ASEAN. Rồi hội sách quốc tế Indonesia thành công tốt đẹp kèm theo công bố Indonesia chính thức sẽ là Quốc gia Trọng tâm (Country of Focus) của hội sách London 2019. Rồi Kuala Lumpur với tin vui lớn là Thủ đô Malaysia được công nhận là Thủ đô Sách Thế giới – World Book Capital 2020. Tiếp theo là Singapore với chương trình chào mừng 60 năm thành lập Hội Xuất bản và lế trao giải Sách của năm – Book of the Year. Cuối cùng là Bangkok với họp báo và các chương trình nghị sự đầy đặn của Hội sách Thiếu nhi quốc tế lần thứ 2 sắp diễn ra.
Hội sách Hà Nội sắp khai mạc rồi. Đây là hội sách thường niên của Thủ đô và mới tổ chức được vài năm nay nhưng được sự quan tâm mạnh mẽ của bạn đọc cũng như khách quốc tế. Mỗi năm Hội sách Hà Nội có một chủ đề khác nhau và là vấn đề được quan tâm nhất trong năm. Chủ đề của Hội sách năm 2018 này là “Sách và công nghệ số”. Thật là sự tiếp nối tuyệt hảo của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vừa diễn ra rất thành công cách đây 3 tuần.
Theo ban tổ chức cho biết, sẽ có 16 sự kiện diễn ra tại sân khấu chính và trong hội trường. Chủ đề của các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi chủ yếu sẽ xoay quang công nghệ số, xu hướng số trong tương lai.
Một sự kiện quan trọng sẽ diễn ra ngay sau khi khai mạc hội sách. Vào lúc 09h30 Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo và Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Nguyễn Đức Thành sẽ trao đổi về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hai chuyên gia lớn, một chuyên nghiên cứu, một chuyên gia thực hành sẽ cho bạn đọc và người dân Thủ đô nắm rõ hơn, chuẩn bị tốt hơn, ứng dụng tốt hơn cho cuộc sách mạng quan trọng này. Cơ hội và thách thức cho mỗi doanh nghiệp, cơ quan và từng cá nhân.
Các sự kiện khác sẽ đều hút khách. Hội thì quan trọng nhất là sự kiện, là giao lưu, là gặ gỡ, là nắm bắt. Còn chợ là mua là bán. Hội sách thì dĩ nhiên phải khác với hội chợ quần áo, giày dép, thực phẩm rồi. Hội sách nhất định phải tốt dần lên, phần hội càng ngày càng nhiều hơn để tiến dần đến tầm của các nước ASEAN, châu Á và thế giới.
Nói thật là trong các hội sách diễn ra hiện nay trên cả nước tôi thích nhất là Hội sách thường niên chào mừng 10/10 của Thủ đô Hà Nội. Tôi thích một phần bởi là công dân của Thủ đô. Tôi thích bởi ở hội sách này phần hội nhiều nhất. Nhiều hội sách khác thì phần chợ nhiều hơn. Tôi thích không gian rộng và thoáng nơi này. Tôi thích cách trưng bày và bố trí khá mỹ thuật và ấn tượng của mỗi năm. Ban đêm dạo chơi ở hội sách luôn tạo cho tôi cảm giác thanh thản, dễ chịu, văn minh.
Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng đã sống ở đây từ 1979, tính đến sang năm là tròn 40 năm. Tôi yêu Hà Nội vô cùng. Đối với tôi, cụm từ Hà Nội – Thủ đô Văn hiến là ấn tượng và đáng trân quý nhất. Hà Nội phải thật sự văn minh. Hà Nội phải văn hiến. Nếu như Tổng thống Donald Trump có khẩu hiệu “Make America great again” thì tôi muốn có slogan “Làm cho Thủ đô Hà Nội văn hiến trở lại.” Mà thủ đô văn minh, văn hiến không thể thiếu sách, tri thức và văn hóa đọc.
Tôi nhớ về hội sách 2016 khi Hội sách Hà Nội đón lãnh đạo Hội xuất bản các nước ASEAN vào tham gia. Vui lắm. Đoàn Malaysia là đông nhất.Cũng năm đó diễn ra phiên họp thường niên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN tại Hà Nội. Một hội sách rất ấn tượng mà các bạn quốc tế còn cứ nhắc mãi.
Năm nay, BTC đã gửi thư mời đến các nước ASEAN, nhưng tiếc rằng quá sát Hội sách Frankfurt (diễn ra từ 10 đến 14 tháng 10) nên chỉ có Tiến sỹ Tha Tun Oo, Chủ tịch Hội xuất bản Myanmar vào dự. TS Tha Tun Oo cũng là người giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN nhiệm kỳ 2016 -2017 vừa mới kết thúc.
Theo thông tin mới nhất từ BTC, Chủ tịch Hội Xuất bản Myanmar Tha Tun Oo sẽ giao lưu với chủ đề Văn hóa đọc ASEAN – ASEAN Reading culture lúc 17h chiều. Thật là tuyệt vời.
Ngồi trên máy bay bay về Hà Nội tôi tranh thủ đọc lại tập tài liệu của Marketing Conference lần thứ 47. Trong đó có một con số làm tôi cứ nghĩ mãi và trăn trở. Theo báo cáo về chỉ số IQ của các nước ASEAN thì Singapore cao nhất với 108 điểm, thứ 2 là Việt Nam với 94 điểm, sau đó là Malaysia với 92 điểm. Nhưng ở một bảng khác, cũng của World Bank, về mức độ nghèo (poverty rate) thì nếu Singapore là 0 điểm thì Việt Nam là 8, Malaysia là 7 và Indonesia là 6,… Các báo cáo rất ca ngợi Việt Nam về chỉ số thông minh.
Tôi vẫn giật mình và cứ ngồi trên máy bay trầm ngâm. Chúng ta thông minh nhưng tại sao chưa giàu. Nguyên nhân ở đâu.
Có lẽ một trong những nguyên nhân là chúng ta lười đọc sách, chưa thực sự quyết tâm và hết mình tiếp cận tri thức của nhân loại. Nếu Malaysia sau 10 năm phấn đấu đã tăng kết quả đọc sách từ 2 cuốn/người/năm lên 12 cuốn thì Việt Nam chúng ta thế nào nhỉ.
Lỗi ở ai. Lỗi ở chính chúng ta, của tôi và của các bạn. Chúng ta chưa thật sự hết mình cho sách và tri thức. Số lượng các cá nhân và tập thể hết mình vẫn chưa là đa số.
Lỗi là chúng ta chưa chú tâm đến giáo dục. Cả giáo dục tri thức lẫn giáo dục đạo đức. Tôi chỉ mơ ước tất cả, tất cả cùng đọc chỉ 2 cuốn sách thôi. Đó là “Số ít được lựa chọn – Giáo dục định hình nên lịch sử Do Thái như thế nào” và “Cải cách giáo dục Nhật Bản”. Có lẽ chỉ cần đọc và thực hành theo 2 cuốn sách này thôi là đã quá đủ cho giáo dục và văn hóa đọc Việt Nam rồi.
Về đến nhà, tôi mở máy ra thì thấy bạn tôi nhắn tin qua và chúc mừng tôi. Bạn ấy chúc mừng vì thấy VTV1 và HTV đang chạy bar chữ và Trailer thông tin về hội sách Hà Nội sẽ diễn ra từ 3 đến 10 tháng 10. Ơ hay, sao lại chúc mừng riêng tôi. Phải chúc mừng bạn đọc và người dân Thủ đô Hà Nội, chúc mừng 93 triệu dân Việt Nam chứ.
Văn hóa đọc Thủ đô và Việt Nam đang phát triển mạnh. Chuyến vòng quanh với 8 bài viết của tôi về các nước ASEAN có văn hóa đọc phát triển hơn Việt Nam là Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan đã kết thúc. Tôi về Hà Nội và sẽ đón anh Tha Tun Oo bạn tôi từ Yangon vào và sẽ cùng anh giới thiệu về văn hóa đọc Myanmar cho các bạn nhé.
Mong hội sách Hà Nội quá. Mong lắm. Phía trước còn là hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair nữa. Để giao lưu và học hỏi. May thay, năm nay là năm thứ 4 liên tục tôi được FBF mời làm diễn giả./.
Ngày 30 tháng 9 năm 2018
Hành trình khuyến đọc Reading Promotion Hà Nội – Manila – Jakarta – Kuala Lumpur – Singapore – TP HCM – Bangkok – Hà Nội – Frankfurt – Geneve – Paris – Tokyo
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty sách Thái Hà, Ủy viên ban Hợp tác Quốc tế và Bản quyền, Hội Xuất bản Việt Nam
———————–
Bài 7 – Băng Cốc dốc sức cho hội sách thiếu nhi quốc tế Chiang Mai ICCRF International Children’s Content Right Fair 2018
Bài tiếp theo: Văn hóa đọc và ngành xuất bản Myanmar – bài 9
Hội Sách Frankfurt Book Fair tại sao lại hấp dẫn đến thế – bài 10
Tin liên quan
THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 12.2024
Marketing Hà Nội
Th 6 06/12/2024
[ThaiHaBooks] Tháng 12 dù có bận rộn hơn, nhưng cũng là thời điểm chúng ta muốn gần nhau để chia sẻ về những điều đã làm và... Đọc tiếp
[HCM] Hội sách Thái Hà và Phiên chợ Khuyến đọc số 07
Thái Hà Books
Th 3 03/12/2024
[ThaiHaBooks] Tại Đường Sách TP.HCM từ ngày 04/12 đến ngày 08/12 Thái Hà Books tổ chức Hội Sách Thái Hà kết hợp cùng Phiên Chợ Khuyến... Đọc tiếp
THAIHABOOKS - SÁCH MỚI THÁNG 11.2024
Marketing Hà Nội
Th 2 04/11/2024
[ThaiHaBooks] Chào tháng 11, tháng của sự tri ân và biết ơn đến những người lái đò thầm lặng, mà ở Thái Hà Books chúng tôi gọi... Đọc tiếp