Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thái Hà Books
Th 7 27/07/2024

ThaiHaBooksTrong chặng đường hoằng pháp bền bỉ suốt 65 năm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã góp phần quan trọng vào công trình làm mới đạo Bụt cho thế kỷ 21; chuyển hóa đạo Bụt tín mộ, hay đạo Bụt có tính học thuật thành một đạo Bụt của tuệ giác, của thực nghiệm, rất sinh động và luôn tự mình làm mới.

Sự có mặt của Thầy, tuy thầm lặng, nhưng đã làm cho cả triệu đệ tử của Thầy từ khắp năm châu hướng về cội nguồn và duy trì sự kết nối sâu sắc, không gián đoạn với gốc rễ tâm linh của mình ở Việt Nam. Bằng chính cuộc đời mình, Thầy đã dạy chúng ta có thể ôm ấp được cả những nghịch cảnh lớn lao nhất bằng lòng can đảm và tâm từ bi và sự có mặt đích thực chính là món quà quý nhất mà ta có thể hiến tặng cho những người mà ta yêu thương.

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành

Năm 1966 là năm mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải rời quê hương để đi vận động hòa bình, bởi vì chiến tranh Việt Nam vào lúc đó đã đến giai đoạn khốc liệt. Khốc liệt đến nỗi ban đêm mình không ngủ được vì sự chết chóc diễn ra hằng ngày, hằng đêm. Ngay tại xung quanh thành phố Sài Gòn, sự chết chóc cũng diễn ra từng ngày, từng đêm. Vì vậy, thầy nói với các vị cộng sự xuất gia và tại gia: hãy lo lắng mọi công việc ở quê nhà để thầy có thể xuất ngoại đi vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Thầy lên đường vào ngày 11 tháng 5 năm 1966. Năm đó có Nhuần hai tháng Ba. Sau khi bà bác sĩ Hiệu, chị Uyên và chị Phượng, chị Phượng là sư cô Chân Không bây giờ, vận động xin được cho thầy giấy xuất ngoại. Thầy liền bay về Huế để từ biệt Sư Ông: Bạch Sư Ông! Con phải đi xuất ngoại, ít nhất là ba tháng. Con sẽ cố gắng vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thầy không biết lần đó là lần cuối cùng được gặp Sư Ông Thanh Quý. Nhưng hình như có linh tính báo cho Sư Ông biết trước nên Sư Ông nói: “Con hãy ở lại thêm một ngày nữa để thầy làm lễ truyền đăng cho con trước khi con đi”. Khuya hôm sau, một lễ truyền đăng được tổ chức trong chánh điện. Sư Ông đã ban cho thầy bài kệ truyền đăng:

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành 

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành.

Sau này, Thầy có đổi vài chữ trong bản dịch này thành:

Đi gặp mùa Xuân, bước kiện hành

Đi trong vô niệm với vô tranh

Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.

Bài kệ này sẽ làm kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của Thầy. Ngày xuất gia và được thọ giới sa di, thầy được trao pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp mùa xuân. Thầy không thích cái pháp tự này mấy, vì thầy cho rằng pháp tự này giống tên con gái. Hồi đó, thầy chưa biết rằng Phùng Xuân là một từ để đối lại với từ Khô Mộc. Khô Mộc tức là cây khô. Giọt nước cam lồ của bồ tát Quan Thế Âm một khi rưới lên cây khô, cây khô đó biến thành một mùa xuân mới.

Làng Hồng – Làng Mai

Làng Hồng là tên Thầy đã đặt cho ngôi làng tâm linh mà Thầy và thầy Châu Toàn có dự tính thành lập trong tương lai để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên của trường TNPSXH như Phương Bối ngày xưa. Làng Hồng ra đời với xóm Thượng tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn xuống xóm Hạ, bao quanh bởi những ruộng nho xanh mướt.

Ước mơ Làng Hồng đã trở thành hiện thực. Thầy và các học trò đã không tạo dựng được ước mơ ngay trên chính quê hương Việt Nam mà đã xây dựng một Làng Hồng trên nước Pháp. Một cộng đồng thường trú được thành lập gồm gia đình anh Lê Nguyên Thiều và một số thanh niên người Việt vừa đến từ trại tị nạn như các anh Ân, Dũng, Đôn và Nhàn… Tất cả đều từng là thuyền nhân. Việc đầu tiên Thầy và dân Làng làm là trồng ở xóm Thượng bốn cây tùng lọng (pinus pinea), nhiều cây tùng đại tây (cedrus atlantica), tùng bút trường sinh (cupressus sempervirens), tùng đen Áo quốc (pin noir d’Autriche), hai cây tùng thiên thọ (cedrus deodara) và một số các loại tùng khác. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng này, Thầy hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng và xem đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng.

Một trong những mục đích của Làng là làm sao để trẻ em Việt Nam ở phương Tây được hấp thụ tất cả những gì cao đẹp của cả hai nền văn hóa: cái đẹp của văn hóa Việt Nam và cái đẹp của văn hóa nơi các em cư trú. Thầy dạy rằng cách thức bảo vệ văn hóa dân tộc hay nhất là tập trở lại cách đi, cách đứng, cách uống trà, cách chào hỏi, v.v. để chúng ta khôi phục lại con người tốt đẹp của chúng ta.

Thầy đã phát triển và hướng dẫn các phương pháp thực tập chánh niệm cụ thể, giản dị, như hơi thở chánh niệm, thiền hành, rửa bát, chải răng, nấu ăn, làm việc, dừng lại và thở khi nghe chuông, mỉm cười… Có thể nói, Thầy là một trong những thiền sư đầu tiên trong thời hiện đại gỡ bỏ sự huyền bí đã được phủ màu lâu năm trong thế giới của Thiền. Từ đó, con đường thiền tập quay về với tự thân, tiếp xúc với giây phút hiện tại bằng chánh niệm trở nên gần gũi và giúp hành giả chuyển hóa được rất nhiều bế tắc và đạt được những tuệ giác sâu sắc.

Thầy là người tiên phong trong phương pháp thực tập ngồi thiền kết hợp những câu hướng dẫn và các từ khóa với hơi thở, giúp cho thiền sinh chế tác hỷ lạc, đem lại sự trị liệu và phát sinh tuệ giác. Thầy còn hướng dẫn một pháp môn mới là thiền buông thư, dựa trên việc sử dụng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu và làm lắng dịu toàn thân từ đầu đến chân. Thầy khai triển pháp môn Thiền lạy (Sám pháp địa xúc), sự thực tập quán chiếu trong tư thế phủ phục để buông bỏ cái ngã, nhằm tiếp xúc với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh trong chính con người mình và chạm tới tuệ giác vô ngã. 

Sáu mươi lăm năm hoằng pháp

Trong một nghiên cứu hàn lâm gần đây của John Powers với tựa đề The Buddhist World, Thầy được chọn là một trong 10 nhà lãnh đạo tâm linh có tầm ảnh hưởng lớn lao, nổi bật nhất trong lịch sử đạo Bụt, dựa trên tầm ảnh hưởng của Thầy đối với nền Phật giáo đương đại trên toàn cầu. Các pháp môn thực tập chánh niệm cùng với mô hình khóa tu của Thầy – được phát triển dựa trên chính kinh nghiệm trực tiếp và tuệ giác của Thầy – đã được hàng trăm ngàn người từ khắp các châu lục, từ mọi tầng lớp trong xã hội học hỏi và thực tập. Chỉ riêng nước Mỹ, sách của Thầy đã được bán trên 3 triệu quyển và 10 triệu quyển trên toàn thế giới.

Có thể nói sức mạnh, sự đa dạng và sức sống của tăng thân quốc tế mà Thầy đã dày công tạo dựng chính là di sản vĩ đại nhất mà Thầy để lại cho cuộc đời. Hạnh nguyện và niềm hy vọng của Thầy vẫn đang được tiếp nối bởi tăng thân mà Thầy luôn tin cậy – một tăng thân quốc tế đang không ngừng lớn mạnh gồm mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, mọi tầng lớp trong xã hội. 

Tăng thân ấy vẫn đang tiếp tục công trình làm mới đạo Bụt, đem đạo Bụt đi vào cuộc đời trong mọi hoàn cảnh mà Thầy đã trao truyền. Sự kế thừa và phát triển những pháp môn mới ngày càng thích ứng với thời đại của chúng ta. Trong những khóa tu, ngoài việc cho pháp thoại, Thầy luôn có mặt trong các thời khóa cùng đại chúng như ngồi thiền, đi thiền, truyền giới,… Sự có mặt qua thân giáo của Thầy chính là sự trao truyền trực tiếp những pháp môn căn bản đến học trò của Thầy. Trong những năm cuối, thấy các thiền sinh quyến luyến khi khóa tu sắp chấm dứt, thậm chí có nhiều người còn khóc khi sắp xa Thầy, Thầy thường an ủi mọi người rằng mỗi khi thở một hơi thở hay bước đi có ý thức là người ấy đang có Thầy bên cạnh. Bằng sự thực tập, mỗi người sẽ nuôi dưỡng và nhìn thấy sự hiện hữu của Thầy trong mình.

Trong sáu năm hoằng pháp, Thầy đã sống qua các thời kỳ hỗn loạn, suy vong của chế độ thuộc địa, chiến tranh, rồi toàn cầu hóa. Dù trong thời kỳ nào, Thầy cũng luôn cống hiến một hướng đi của Phật giáo phù hợp với thời đại. Thầy mang những tuệ giác trong kho tàng của đạo Bụt truyền thống kết hợp với những yếu tố tâm lý học, khoa học, sinh thái học, đạo đức học và giáo dục của phương Tây để giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân gây sợ hãi, bạo động, đàn áp, bất công và tàn hoại môi trường; đồng thời chỉ ra một hướng đi cho gia đình nhân loại để có thể tiếp xúc với bình an, hòa giải và hạnh phúc đích thực.

Vầng trăng ấy chưa bao giờ ngừng chiếu sáng. Chúng ta có thể cùng nhau mỉm cười chào Thầy và chắp tay tiếp nhận những gia tài tâm linh mà Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã truyền trao:

“Ta vẫn còn đến đi thong dong

Có không, còn mất, chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng.”

(Đến đi thong dong, thơ Thầy)

Hy vọng tựa sách Đi gặp mùa xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh bạn sẽ cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc với chính thân thể và tâm hồn Thầy. Và từ đó ta có cơ hội để nhìn lại và hiểu hơn về quá trình học hỏi, tu tập và hành đạo của Thầy. Chúc bạn thực tập chánh niệm trong sự bình an và tĩnh lặng, từ đó hưởng trọn vẹn sự mầu nhiệm của cuộc sống.

Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Nghĩa Phạm

Tin liên quan

[Ấn bản đặc biệt] Đi gặp mùa xuân – Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

[Ấn bản đặc biệt] Đi gặp mùa xuân – Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Kể từ lần phát hành đầu tiên vào năm 2022, Đi gặp mùa xuân là một tài liệu rất quý, không chỉ cho mặt tìm hiểu... Đọc tiếp

“Trái tim của Bụt” mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ngày Doanh nhân Việt Nam

“Trái tim của Bụt” mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ngày Doanh nhân Việt Nam

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Ngày Doanh Nhân Việt Nam, Thái Hà Books chính thức phát hành cuốn sách quý, rất... Đọc tiếp

Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ ngày 10/10/2023 – 11/10/2023, ThaiHaBooks dành tặng bạn đọc 30% khi mua bộ sách của Thiền... Đọc tiếp

Nội dung bài viết