61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất, không có Việt Nam

Thái Hà Books
Th 3 10/01/2017

   Hôm qua, đọc bản tin thống kê 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất thế giới không hề có tên Việt Nam tự dưng nhớ đến chuyện VN lọt vào danh sách 5 nước hạnh phúc nhất thế giới.

Tác giả đứng trước một tiệm sách ra đời từ năm 1775, nằm ngay giữa trái tim của Milan, Ý – Ảnh: Tác giả cung cấp

Chưa có câu trả lời chính xác có bao nhiêu người Việt đọc sách, số lượng người Việt đọc sách bao nhiêu bản một năm? Nhưng những số liệu chung về thực trạng đọc sách thật đáng lo ngại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công bố tháng 4-2013, mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách.

Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người. Số lượng bản in, nhất là những đầu sách công cụ có giá trị tư tưởng, hàm lượng tri thức cao, chỉ dừng lại ở mức độ tối thiểu vài ba trăm bản cho dân số 80 triệu.

Điều này trùng hợp với các số liệu về thói quen, sở thích đọc và kỹ năng đọc, mà chúng tôi nghiên cứu cách đây không lâu tại Viện KHXH vùng Nam bộ.

Thôi thì cứ cho rằng kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với trào lưu văn hóa nghe nhìn đã và đang lấn át và làm mai một văn hóa đọc, nhưng nếu so với một quốc gia châu Á khác – Nhật Bản, dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, bình quân một người Nhật đọc 20 bản sách mỗi năm, thì thật khó giải thích.

Sự khác biệt về thu nhập đương nhiên dẫn đến sự khác biệt rõ ràng về chất lượng sống giữa quốc gia giàu và quốc gia nghèo? Liệu điều này có thật logic khi nhìn đơn thuần dưới góc độ văn hóa không? Chúng ta tự huyễn hoặc bản thân hay thói quen tự định kiến của người Việt. Nhìn đâu cũng thấy người Việt xấu xí!

61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất, không có Việt Nam
Tủ sách gia đình của một người Ý bình thường nhưng có đến 24.000 đầu sách

Nửa tháng trước, ăn cơm tối ở nhà chị Huỳnh Ngọc Nga – một người Ý gốc Việt. Căn hộ chung cư của gia đình chị chưa tới 100m2, tràn ngập sách. Khoảng 23.000 cuốn đủ loại khác nhau, kể cả cuốn sách cổ có từ thế kỷ 18. Nhiều hơn số lượng sách của một thư viện trung bình ở VN.

Ông xã của chị, một người Ý trăm phần trăm, khiêm tốn nói nhà người Ý nào cũng có rất nhiều sách. Họ xem sách như của để dành. Rất bình thường. Anh ấy khoác tay nói “không có gì để quan tâm”.

Qua nhà một người bạn cũ khác, chị Hà Kim Chi. Căn hộ chung cư ấy là một thế giới sách khác với vô vàn sách triết học, âm nhạc, hội họa. Không còn không gian cho bàn ghế, tủ gường. Tất cả tủ kệ chỉ dành cho sách. Đó chính là gia tài quý báu của người bạn đời bản xứ đã gom góp vài chục năm nay.

Ngủ đêm tại nhà anh Nguyễn Chữ, nguyên tổng thư ký Hội người Việt tại Torino, cũng vậy. Căn phòng ngủ bỗng chật chội trong một thế giới sách văn hóa Việt, nhiều cuốn trong đó là những tài liệu vô cùng quý hiếm về mối tương quan giữa văn hóa Việt và văn hóa Ý.

Anh Chữ cho biết thói quen đọc sách anh học một phần từ người Ý. Người Ý là một trong những dân tộc tiêu thụ nhiều sách nhất thế giới. Không chỉ giới trí thức, người bình dân, cả những người không liên quan gì đến sách cũng mua rất nhiều sách.

Đi lang thang trong vô số đền đài cung điện của châu Âu, thấy cách người ta đối đãi với sách thật đáng nể. Nơi đẹp nhất vẫn dành không gian cho sách.

Các trung tâm thương mại sang chảnh ở Paris, Milan, Berlin và ngót 20 thành phố ở 10 quốc gia mà mình đi qua hơn tháng nay, vị trí vàng, vị trí trái tim của thành phố luôn ưu tiên dành cho các nhà sách.

Trên các chuyến xe điện ngầm, xe buýt vẫn còn nhiều người cầm sách đọc chăm chú bên cạnh một số khác đang bấm lách tách không ngừng trên chiếc điện thoại thông minh.

Chúng ta luôn kêu gọi vì sự phát triển của một nền văn hóa đọc, nhưng… những con số thống kê lạnh lẽo làm những người yêu sách nhói đau.

Chợt nhớ những đại gia xứ mình với chiếc giường ngủ chục tỉ, những chiếc xe siêu sang hàng vài chục tỉ và vô số con số tỉ tỉ khác. Họ cũng đâu có lỗi gì. Song, ngẫm buồn cho những cuốn sách hay, in chỉ vài trăm bản nhưng cứ nằm đếm bụi thời gian trên các kệ sách già nua, lạnh giá.

Chợt nhớ anh T., một nhà văn chưa phải hội viên bất kỳ hội nhà văn nào. Những cuốn sách của anh thật lòng mà nhận xét, nghiêm túc, công phu, có nhiều khám phá mới, nhưng cứ chờ xếp hàng bên cánh cửa nhà xuất bản từ năm này đến năm nọ.

Năm trước anh tự bỏ tiền ra in 1.000 cuốn. Tám trăm cuốn ký gửi ở một công ty phát hành lớn ở Sài Gòn. Hai trăm cuốn dành cho bạn bè.

Một năm sau người đại diện công ty ấy gọi điện thoại buộc anh mang “ngôi đền thiêng” của anh về. Đúng 800 cuốn còn nguyên đai nguyên kiện. Mà sách anh viết đâu có dở gì cho cam!

LÊ TÂM – Tuổi trẻ

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo

Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo

Thái Hà Books
Th 4 09/10/2024

[ThaiHaBooks] Patrick Faniel là giám đốc điều hành của Management Centre Europe (MCE), tác giả cuốn sách Làm lãnh đạo: Ba động lực tạo ra hiệu... Đọc tiếp

Giới thiệu sách Từ những đam mê

Giới thiệu sách Từ những đam mê

Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024

Có được một việc làm ổn định là điều ai cũng mong muốn, nhưng để gắn bó và phát triển nghề nghiệp thì cần phải có... Đọc tiếp

Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội

Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội

Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024

Đối mặt với những thách thức khó khăn của thời đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội...đòi hỏi các công ty ngày... Đọc tiếp

Nội dung bài viết