Ở Việt Nam, sách Nobel thua xa “Xin lỗi em chỉ là…”
Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024
Vietnamnet.vn - Câu chuyện của giải Nobel văn chương 2010, của sách bestsellers 70 tuần trên New York Times, của tác giả Stephen Hawking đang thất bại thê thảm trước “Xin lỗi em chỉ là…”, “Sợi xích”, hay 1001 thể loại blog yêu đương ở VN… là một câu chuyện 100% có thật mà ai cũng có thể kiểm chứng; với tỉ lệ phát hành, tiêu thụ chênh lệch tới hàng trăm lần.
Những đầu sách có hàm lượng tri thức lớn, có tư tưởng tiến bộ quý giá, không có nghĩa là sẽ được người Việt đón nhận hồ hởi, thậm chí còn bị ghẻ lạnh
Lựa chọn của đa số độc giả nghiêng về phía bên tay phải, với tỉ lệ cao gấp hàng trăm lần.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với đại diện của 3 đơn vị xuất bản khá tiêu biểu khu vực miền Bắc: PGĐ Nhã Nam – Vũ Hoàng Giang – sách văn học, GĐ Alpha Books – Nguyễn Cảnh Bình – sách kinh doanh, và GĐ Thaihabooks – Nguyễn Mạnh Hùng – sách đạo Phật, kinh doanh và giáo dục vị thành niên.
Thị trường đang tràn ngập dòng “sến Tàu”
– Mảng sách nào đang chiếm thị phần lớn nhất trong lựa chọn của người mua sách hiện nay?
Nguyễn Mạnh Hùng: Theo thống kê của VN, mảng sách văn học đang bán chạy nhất, nhưng chúng tôi lại xuất bản ít nhất. Ở mảng này tôi chỉ đọc những bộ lớn, kinh điển như Chiến tranh hòa bình, sông Đông êm đềm, Cuốn theo chiều gió, Chuông nguyện hồn ai….
Bây giờ các bạn trẻ VN đang thích đọc sách blog, sách văn học mạng. Những cuốn có liên quan đến tình dục, sex, giường chiếu, những cái nhí nhảnh, những cuốn giật gân, có tên sốc chẳng hạn – tôi không tiện nêu tên… được tiêu thụ mạnh. Nhiều NXB ra loại sách này, đánh đúng vào tâm lý tò mò nên bán rất chạy, dễ có lợi nhuận
GĐ. Nguyễn Mạnh Hùng – Thaihabooks
Vũ Hoàng Giang: Thị trường giờ tràn ngập dòng “sến Tàu”. Chúng tôi làm sách văn học, riêng các đầu sách tạm gọi là hàn lâm, cao cấp một chút như các đầu đoạt giải Nobel, giải Goncourt rất khó bán. Khi xuất bản “Trò chuyện trong quán La Catedral” – Nobel 2010 của Mario Vargas Llosa…. chúng tôi biết chắc sẽ lỗ, nhưng biết đó là những cuốn có giá trị về mặt văn chương nên vẫn làm. Còn dòng giải trí lãng mạn thì vẫn bán khá tốt.
Nguyễn Cảnh Bình: Đúng vậy, sách văn học hiện vẫn là mảng sách chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hiện nay. Nhu cầu đọc sách giải trí của độc giả vẫn cao hơn nhu cầu đọc sách để nâng cao tri thức, hoàn thiện bản thân mình.
– Nhóm độc giả nào đang mua dạng sách này nhiều nhất?
Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đây tôi tưởng người lớn mua sách nhiều nhất nhưng không phải. Tuổi mới lớn mua sách nhiều nhất.
Những em tò mò mua sách càng nhiều. Cuốn sách có câu chuyện cực kì xúc động, cực kì lãng mạn, miêu tả cảnh 2 người yêu nhau mùi mẫn, khóc sướt mướt, cảnh giường chiếu…. chắc chắn sẽ bán được.
– Các anh nghĩ gì về những cuốn sách “hot” theo kiểu này?
Nguyễn Mạnh Hùng: Có nhiều cuốn sách có vấn đề mặt chất lượng,nội dung,cả về tính giáo dục nữa.Tuy nhiên không thể có chế tài hạn chế loại sách này, vì nó không kích dục, không vi phạm thuần phong mĩ tục, không vi phạm luật xuất bản.Nó chỉ đánh vào cái tò mò với thứ riêng tư. Tôi cho rằng “Bạn là cái bạn nhìn, bạn đọc, bạn nghe“. Ngày nào cũng xem phim sex thì đi hiếp dâm. Ngày nào cũng xem cảnh giết người thì đi giết người lúc nào không biết. Ngay báo chí cũng thế, những tin “hot” nhất toàn tin “cướp, giết, hiếp”. Nhiều NXB bây giờ cũng làm sách như vậy, bán rất chạy. Nhưng như thế là phản giáo dục.
Chúng ta cần những con người có trách nhiệm để chọn sách giúp bạn đọc. Tôi không hiểu người ta xuất bản cuốn “Sợi xích” để làm gì. Xuất bản xong người ta đua nhau mua, càng cấm lại càng mua tợn. Nếu cứ đọc “Sợi xích” hàng ngày, chắc chắn tỉ lệ hiếp dâm sẽ rất cao, tỉ lệ sinh hoạt tình dục ở tuổi vị thành niên cũng rất cao, vì người ta dễ học theo.
Nguyễn Cảnh Bình: Do nhu cầu của thị trường, nên loại sách này chắc chắn vẫn sẽ nở rộ trong thời gian tới, do có cầu ắt sẽ có cung. Chúng ta cũng không thể kêu gọi lương tâm của các công ty đơn vị làm sách, vì mỗi đơn vị có những định hướng xuất bản, kinh doanh khác nhau. Tôi cho rằng điều chúng ta có thể làm để hạn chế sự ảnh hưởng của loại sách này với độc giả, nhất là các độc giả trẻ là tăng cường các hoạt động bằng cách này hay cách khác, giúp họ nhận ra được giá trị của những cuốn sách tốt so với loại sách này, để có những điều chỉnh tốt cho bản thân.
Muốn làm giầu, đừng làm sách”
– Lợi nhuận có vai trò như thế nào, đối với những người mà tôi tạm gọi là “cố gắng theo đuổi xuất bản chân chính”?
Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi khuyên những ai muốn làm giàu nhanh chóng, muốn kiếm tiền một cách ăn xổi thì đừng làm sách. Sách là văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tư tưởng … ; nếu làm bậy bạ là giết chết một thế hệ. Ngành XB là một ngành đặc biệt, cần những con người có trách nhiệm và một tư duy mới.
Nguyễn Cảnh Bình: Khi bước chân vào ngành sách, tôi không quan tâm và không hiểu gì về lợi nhuận. Làm một thời gian, tôi công nhận lợi nhuận của ngành kinh doanh sách là thấp. Nhưng nhìn từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đó là tại mình làm chưa giỏi.
Mọi người thường nói tại thị trường, tại người đọc ít – chỉ tập trung ở thành phố, tại vì cạnh tranh sách lậu … nhưng tại sao không nhìn thấy rằng đó là tại mình chưa giỏi? Mình chưa ra được sách đúng với nhu cầu, thị hiếu của độc giả. Nếu giỏi thì lúc nào cũng làm được Trăng Non, Chạng Vạng, Harry Potter, NK Đặng Thùy Trâm …vv. Lợi nhuận chẳng hề thấp nếu chúng ta làm việc tích cực hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn; quyết định của chúng ta chính xác hơn.
Sách quý ngắc ngoải ở Việt Nam
– Các anh có những đầu sách lý tưởng của mình, những đầu sách mà các anh khát khao được xuất bản chúng tại VN?
Nguyễn Cảnh Bình: Có, chúng tôi có những đầu sách như thế.
Vũ Hoàng Giang: Điều quan trọng là bạn đọc ở VN tiếp nhận như thế nào. Ví dụ, không phải những cuốn bestseller ở nước ngoài cứ mang về VN xuất bản là bán chạy.
– Có trường hợp các anh đánh giá cuốn này là tốt nhưng rồi lại bán không tốt không? Các anh có thất vọng?
Vũ Hoàng Giang – PGĐ Nhã Nam
Nguyễn Cảnh Bình: Có, nhưng không nhiều. Thường những quyển sách tôi cho rằng tốt – ở góc độ cá nhân mình thấy nó hay, có ý nghĩa – thì tôi đã biết trước là ít người đọc. Ngược lại, những quyển đại chúng thích đọc thì tôi lại không thích đọc. Tôi cho rằng điều đó cũng đúng với thực tế nên không thất vọng.
Nhưng đôi khi trong đánh giá có sự lệch nhau một chút, mình kì vọng nó bán được 5.000 bản, nhưng chỉ bán được 3.000 chẳng hạn.
Vũ Hoàng Giang: Với sách của Nhã Nam, có khá nhiều cuốn chúng tôi cũng đặt kỳ vọng nhưng con số phát hành thì không như mong muốn. Ví dụ như “Chìa khóa vũ trụ của George” và “Kẻ giấu mặt ngoài hành tinh” – 2 cuốn truyện phiêu lưu khoa học giành cho trẻ em của nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking viết cùng con gái về đề tài vũ trụ. Về nội dung có rất nhiều thông tin bổ ích, lý thú và hấp dẫn. Về hình thức sách đẹp, được đầu tư in ấn trên những tiêu chuẩn cao. Hay như cuốn “Vũ trụ” của Carl Sagan, bestseller 70 tuần trên danh mục sách bán chạy của tờ New York Times, đã bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới… Nhưng những đầu sách nói trên từ khi xuất bản thì số sách được tiêu thụ không như chúng tôi kỳ vọng. Và đây cũng chỉ là một số ví dụ trong sách của Nhã Nam.
– Những cuốn đó tiền mua bản quyền và dịch thuật có đắt hơn không?
Vũ Hoàng Giang: Có cao hơn và không phải ai cũng dịch được những tác phẩm như vậy. Hiện nay có rất ít dịch giả có thể sống được bằng tiền dịch sách. Hầu hết họ đều có nghề tay trái. Dịch một cuốn sách khó xong có khi phải nghỉ cả năm trời…
Như vậy là những dòng sách cao cấp, giàu tri thức một chút, dù là tiểu thuyết hay phi tiểu thuyết, đều khó bán?
Vũ Hoàng Giang: Tôi không dám khẳng định tất cả. Nhưng bạn có thể đứng nửa tiếng ở khu phố sách Nguyễn Xí, Đinh Lễ (Hà Nội), sẽ thấy ngay người ta mua sách gì nhiều nhất.
– Đúng là ở khu vực bán sách chính, bày trước mặt người bán hàng chủ yếu là sách giải trí. Tại sao nhận thấy điều này mà các anh vẫn làm dòng “khó bán”?
Vũ Hoàng Giang: Đơn giản là vì giá trị của chúng. Chúng tôi cũng có những dòng sách thị trường để công ty có thể tồn tại. Nhưng tồn tại là để đưa ra những đầu sách có giá trị. Thương hiệu Nhã Nam có được là từ những dòng sách “khó bán” kia, chứ không phải từ dòng sách thị trường. Có những nhà đầu tư có thể kinh doanh bất cứ mặt hàng gì, miễn là có lợi nhuận. Nhưng làm sách thì không hẳn như vậy.
Nguyễn Cảnh Bình: Lý do vẫn quyết định làm sách khó bán của Alpha Books cũng giống như Nhã Nam vậy. Ngay từ những ngày thành lập công ty, chúng tôi đã xác định sứ mệnh của mình là cầu nối truyền tải trí thức tiên tiến của thế giới cho người Việt. Tri thức của con người luôn phát triển không ngừng. Mảng kinh doanh cũng vậy. Nếu không xuất bản những cuốn sách chưa đựng tri thức mới, thì làm sao người Việt có thể
GĐ. Nguyễn Cảnh Bình – Alpha Books
– Bản thân các anh đang tìm cách thích ứng thị trường, hay đi theo cách mình muốn?
Vũ Hoàng Giang: Đã kinh doanh thì phải thích ứng với thị trường. Làm xuất bản, không phải lúc nào chúng tôi cũng được làm những gì mình thích, những gì mình nghĩ là hay. Để làm được những công việc thực sự có ý nghĩa, thì phải sống đã.
Nguyễn Cảnh Bình: Tôi nghĩ là tôi đang thích ứng với thị trường. Thị trường không bao giờ đứng yên, những quyển sách ngày hôm nay hay, chưa chắc ngày mai đã hay. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi. Cách đơn giản nhất là nhập vào thị trường, nhưng có cách thứ 2 – đón đầu thị trường. Cả 2 sẽ gặp nhau ở một điểm nào đó. Bởi nếu không gặp được thị trường, doanh nghiệp sẽ phá sản. Tôi cũng hy vọng việc xuất bản những cuốn sách khó bán của Alpha Books như đã nói ở trên có thể là cách thứ 2, vì xã hội, môi trường kinh doanh của chúng ta cũng đang phát triển đó thôi.
“Mong thị trường phân bổ đồng tiền lành mạnh”
– Cái mà anh mong muốn ở thị trường là gì, bên cạnh nỗ lực bản thân?
Nguyễn Cảnh Bình: Đối với bên ngoài, tôi kì vọng một thị trường lành mạnh hơn, một môi trường sống lành mạnh hơn, một xã hội lành mạnh hơn. Mọi người sẽ có cơ hội và điều kiện trong việc tiếp cận nguồn tri thức.
Lẽ ra ngành kinh doanh sách, hoặc ngành giáo dục sẽ thịnh vượng hơn nếu như 1 tỉ đồng Việt Nam được chia một cách tương đối đều cho một nhóm 10 người chẳng hạn. Nhưng hiện nay đến 900 triệu lại rơi vào túi một người – người này cũng không đọc sách, không mua sách, không quan tâm giáo dục. Ông ta mua ô tô, bất động sản, gì đó khác cơ ….
– Ý anh là một môi trường trong sạch hơn thì sự phân bổ tiêu dùng sẽ khác?
Nguyễn Cảnh Bình: Đúng rồi. Chính xác là như vậy! Cũng giống như việc học tập của các em học sinh bây giờ, sẽ khác đi, sẽ tốt hơn nếu như xã hội đòi hỏi những bằng cấp có giá trị thực sự, một tầng lớp tri thức có trình độ.
Ngành sách muốn phát triển được thì nền dân trí phải cao lên, thu nhập phải được chia đều cho mọi người. Bây giờ tôi khuyên các em là phải đọc sách về quản trị kinh doanh, nhưng lại được trả lời “Em thấy nhiều người có đọc sách đâu mà họ vẫn giàu“, như thế thì…
– Như vậy thì điều gì sẽ quyết định việc chi tiêu cho sách chứ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Có một câu chuyện thế này. Trước đây tôi thường đi dạy về kĩ năng, kiến thức, nhưng rồi tôi phát hiện ra điều đó vô nghĩa. Bạn có thể biết kiến thức về trồng rau; nhưng chưa chắc đã trồng rau ngon… Tôi bắt đầu đi dạy về cách thức – cách làm thật. Ai làm được thật thì hướng dẫn người khác làm, hay hơn kiến thức chay phải không? Nhưng 5 năm trở lại đây, tôi phát hiện ra mình dạy cách thức cũng không trúng nốt.
Quan trọng hơn nữa chính là nhận thức. Bạn phải nhận thức ăn sáng là quan trọng thì mới ăn sáng. Chứ biết nấu ăn ngon cũng chưa chắc đã ăn sáng, học xong để đấy thôi. Như vậy, phải nhận thức sách là quan trọng thì mới đọc sách. Và chọn đọc sách gì.
Nguyễn Cảnh Bình: Tôi cho rằng khủng hoảng kinh tế có khi lại là cơ hội khiến người ta phải quay về những giá trị cốt lõi. Sách và tri thức là những thứ có giá trị lõi cao nhất.
Cảm ơn các anh!
Tin liên quan
Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo
Thái Hà Books
Th 4 09/10/2024
[ThaiHaBooks] Patrick Faniel là giám đốc điều hành của Management Centre Europe (MCE), tác giả cuốn sách Làm lãnh đạo: Ba động lực tạo ra hiệu... Đọc tiếp
Giới thiệu sách Từ những đam mê
Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024
Có được một việc làm ổn định là điều ai cũng mong muốn, nhưng để gắn bó và phát triển nghề nghiệp thì cần phải có... Đọc tiếp
Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội
Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024
Đối mặt với những thách thức khó khăn của thời đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội...đòi hỏi các công ty ngày... Đọc tiếp