Quy trình làm khác - Vượt qua rào cản của não bộ
Thái Hà Books
Th 5 15/05/2025
Từ “nghĩ khác” đến “làm khác” là một quá trình phức tạp, đòi hỏi không chỉ sự thay đổi về tư duy mà còn về hành động. Sự thay đổi này thường gặp nhiều thách thức bởi vì não bộ con người có xu hướng giữ lại những thói quen và hành vi quen thuộc để duy trì sự ổn định và tiết kiệm năng lượng. Để chuyển từ tư duy mới đến hành động mới, bạn cần có một quy trình rõ ràng và các chiến lược để vượt qua những cản trở tự nhiên của não bộ.
Dưới đây là một quy trình chi tiết và cách có thể giúp bạn vượt qua các cản trở để thực hiện hành động mới.
Bước 1: Nhận thức và chấp nhận sự cần thiết phải nghĩ khác
Nhận diện vấn đề hoặc cơ hội: Đầu tiên, bạn cần nhận thức được rằng cách nghĩ hiện tại của bạn không còn phù hợp và hiệu quả để giải quyết vấn đề hoặc tận dụng cơ hội, hay thậm chí chỉ cần tìm phương án khác để có kết quả khác hơn những gì mà bạn thường nhận được.
Để làm được điều này, bạn cần khám phá những cách nghĩ khác như đã nêu ở bài viết trước, từ các nguồn thông tin mới, góc nhìn khác biệt, hoặc thậm chí học hỏi từ người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Bạn cần lưu ý rằng não bộ của bạn tự động duy trì các thói quen cũ hay cách suy nghĩ cũ vì nó tiêu hao năng lượng ít hơn. Tư duy mới đòi hỏi một nỗ lực có chủ đích để thay đổi các mô hình tư duy đã quen thuộc với bạn.
Một cách thực tiễn là áp dụng kỹ thuật “đặt câu hỏi tự phản ánh để đi tìm cái đúng trong cái sai hoặc cái sai trong cái đúng” để khám phá những góc nhìn mới. Dành một khoảng thời gian cố định để thảo luận hoặc học hỏi từ những người có tư duy khác biệt hay suy ngẫm từ cuốn sách này.
Bước 2: Đưa ra quyết định hành động dựa trên tư duy mới
Phân tích và đánh giá tư duy mới: Một khi đã tiếp thu suy nghĩ mới, bạn cần xem xét và phân tích liệu nó có thực sự phù hợp và có thể áp dụng được không. Để làm điều này, bạn cần tìm hiểu thêm thông tin và đánh giá từ các nguồn khác nhau xem trong quá khứ đã có ai suy nghĩ như vậy chưa và kết quả như thế nào... Quyết định hành động cần dựa trên tư duy mới và sự tự tin rằng thay đổi là cần thiết và có thể cải thiện được vấn đề.
Lưu ý, não bộ sẽ phản ứng để tạo ra nỗi sợ thất bại và không chắc chắn. Nó làm cho bạn cảm thấy lo lắng về việc thay đổi hoặc thuyết phục bạn không nên thực thi hay có hành động khác đi. Khi suy nghĩ mới còn chưa được thử nghiệm, não bộ thường kháng cự, vì nó không chắc chắn về kết quả của hành động mới.
Một trong những phương pháp vượt qua nỗi sợ hãi là chia nhỏ hành động thành các bước dễ quản lý và đánh giá, đồng thời có một lộ trình triển khai rõ ràng. Điều này giúp não bộ cảm thấy dễ dàng hơn khi bắt đầu và không bị quá tải bởi những thay đổi lớn ngay lập tức. Hành trình vạn dặm, bước khó nhất là bước đầu tiên là vì thế.
Bước 3: Từ quyết định đến hành động
Đây là bước quan trọng nhất – thực hiện những hành động cụ thể dựa trên quyết định đã đưa ra từ tư duy mới. Khi bắt đầu thực hiện, bạn cần theo dõi các kết quả và đánh giá ở từng bước hành động và điều chỉnh nếu cần thiết cho các bước tiếp theo.
Lộ trình triển khai cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch hành động cụ thể với thời hạn để thực hiện. Theo dõi sự tiến bộ của bạn bằng cách sử dụng nhật ký hoặc các ứng dụng quản lý thời gian.
Một cách giúp não bộ giảm các rào cản để làm khác là tạo thói quen nghĩ khác và làm khác. Biến hành động mới thành thói quen bằng cách thực hiện nó thường xuyên. Não bộ sẽ dần dần chấp nhận chuyện bạn hay có những suy nghĩ lạ và hành động “điên rồ”, và nó dần thích nghi với thói quen “điên rồ” ấy.
Bước 4: Chu kỳ triển khai
Sau khi thực hiện một thời gian, cần có quá trình đánh giá và điều chỉnh. Nếu hành động không mang lại kết quả như mong đợi, cần điều chỉnh lại kế hoạch hành động hoặc thậm chí xem xét lại tư duy mới. Đây chính là quy trình Học - Xóa học - Học lại. Khi thay đổi đã được chứng minh là hiệu quả, bạn cần củng cố hành động này và biến nó thành một phần tự nhiên trong cuộc sống hoặc công việc.
Để củng cố hành vi mới, bạn có thể tự thưởng cho mình khi đạt được tiến bộ cho từng bước nhỏ. Điều này sẽ giúp não bộ liên kết hành động mới với cảm giác thỏa mãn. Một cách khác là bạn hãy tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân về quá trình thay đổi để nhận được sự động viên cần thiết. Điều này tạo ra môi trường hỗ trợ và khuyến khích tiếp tục hành động theo tư duy mới. Hay nói cách khác là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa (lâu dài) thì đi với nhau.
Tóm lại
Để chuyển từ việc nghĩ khác đến làm khác, bạn cần hiểu rằng não bộ có xu hướng duy trì thói quen cũ và kháng cự sự thay đổi. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các chiến lược như chia nhỏ hành động, xây dựng thói quen mới, củng cố động lực, và nhận hỗ trợ từ bên ngoài, bạn có thể vượt qua những cản trở tự nhiên của não bộ. Quy trình từ nghĩ khác đến làm khác không chỉ đòi hỏi sự kiên trì mà còn cần sự linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết. Sau đây, tôi sẽ nói rõ hơn từng bước một của quy trình này cũng như đưa phần lý thuyết ở Phần 2 – Nghĩ khác vào thực hành với quy trình nêu trên.
Trích từ: Nghĩ khác - Làm khác: Bí quyết thay đổi tư duy - Tác giả GS. Trương Nguyện Thành
>>> Xem thêm bài viết "Nghĩ khác cách ta đang nghĩ 4 phương pháp rèn luyện tâm thế cởi mở"
>>> Tìm hiểu thêm cuốn sách TẠI ĐÂY
Quỳnh Dương.
Tin liên quan

Quản trị kinh doanh lấy cái tâm làm gốc
Thái Hà Books
Th 6 23/05/2025
[ThaiHaBooks] Giữa một thế giới kinh doanh ngày càng cạnh tranh, liệu có thể xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững chỉ bằng... cái tâm?... Đọc tiếp

Quản trị kinh doanh lấy cái tâm làm gốc
Thái Hà Books
Th 6 23/05/2025
[ThaiHaBooks] Giữa một thế giới kinh doanh ngày càng cạnh tranh, liệu có thể xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững chỉ bằng... cái tâm?... Đọc tiếp

Nghĩ khác cách ta đang nghĩ với 4 phương pháp rèn luyện tâm thế cởi mở
Thái Hà Books
Th 5 15/05/2025
[ThaiHaBooks] “Không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, cũng không có thiện hay ác, không có tốt và không có xấu. Đúng hôm nay,... Đọc tiếp