Sách cổ - Kho báu của nhân loại

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

Heritageonline.vn - Tình yêu dành cho sách là một trong những tình yêu cổ xưa nhất của nhân loại. Từ xa xưa, sách đã được coi là người thầy, là chìa khóa vạn năng khai sáng trí tuệ, tâm hồn, đồng thời là người bạn tâm giao chia sẻ mọi buồn vui của con người.

Đối với những ai chơi sách, đó không chỉ đơn thuần là niềm đam mê mà còn là cách để họ tri ân, gìn giữ kho báu tri thức của nhân loại. Ở Việt Nam, chơi sách cổ là thú chơi nhân văn, tao nhã có từ khá lâu, đặc biệt là ở những trung tâm lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thú chơi này là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của giới trí thức, được truyền thụ từ đời này qua đời khác.

 

Những cuốn sách quý

Thông thường mỗi người chơi sách có một sở thích riêng, người thì thích văn học cổ điển Pháp, người thích văn học Nga, người thích văn học Trung Quốc, người lại chuyên sưu tầm các sách nghiên cứu… Thế nên chơi sách cổ cũng rất đa dạng và mỗi người lại có một phong cách riêng, chẳng hạn như ông Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh hiện là người duy nhất ở Việt Nam sở hữu tới 52 bản Kiều Nôm cổ khác nhau; hay ông Phạm Văn Bổng ở Hàng Buồm – Hà Nội là trùm sưu tầm bản thảo của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Tào Mạt, Hoàng Trung Thông, Phùng Quán, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật… Hoặc như nhà báo Yên Ba ở Báo Quân đội Nhân dân hiện cũng được biết đến là chủ nhân của bộ sưu tập các bản Tam quốc cổ bằng đủ thứ tiếng… Đối với họ, sách chính là đứa con tinh thần, mỗi cuốn sách như có linh hồn và số phận, nên cả người và sách phải rất cơ duyên thì mới có chuyện quý vật tìm được quý nhân, những cuốn sách quý sẽ tìm được đến với những ai có tấm lòng với sách.

Chơi sách cổ không chỉ mất công sưu tầm, bảo quản mà đòi hỏi người chơi cần phải có sự hiểu biết sâu rộng và cả niềm đam mê. Trong giới chơi sách cổ ở Hà Nội hiện nay, không ai là không biết đến ông Phan Trác Cảnh ở số 5 – Bát Đàn, chủ nhân của kho sách cổ đồ sộ. Cả căn nhà ba tầng rộng rãi của ông cơ man nào là sách. Sách chất kín cả phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ và cả cầu thang, hành lang. Vốn là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 1983, ông Cảnh nghỉ hưu và suốt từ đó đến nay đã dành hết tâm huyết của mình cho sách. Những ngày đầu đến với thú chơi này, ông phải nhịn ăn sáng, bỏ cả thuốc lá để dành tiền, thậm chí có tháng đạp mòn cả đôi lốp xe đạp cũng chỉ để lùng kiếm sách. Chính nhờ sự nhẫn nại, kỳ công của ông mà hàng vạn cuốn sách quý đã không bị hủy hoại hoặc biến thành đồ đồng nát.

 

Ông Phan Trác Cảnh bên những cuốn sách cổ

Gần 30 năm sưu tầm tìm kiếm, ông Cảnh hiện đang là chủ nhân của bộ sưu tầm sách khổng lồ lên tới hàng chục tấn. Kho tàng sách của ông có rất nhiều cuốn sách quý, trong đó có cuốn Souvernirs de Hue (Kỷ niệm về Huế) của Parchichel in bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1867; gần 300 cuốn sách viết về Hà Nội, trong đó cuốn Hà Nội chỉ nam của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923; các quyển Hán văn tân giáo khoa thư xuất bản năm 1928 và Ngũ thiên tự năm 1929; bộ tài liệu gồm 46 cuốn về dân tộc Chàm, những cuốn sách quý viết về người Mường, Thái, Mông, Tày… Theo ông Cảnh, sách quý là sách có giá trị về nội dung, in lần thứ nhất, xuất bản với số lượng hạn chế, nếu có lưu bút của tác giả hay những người nổi tiếng thì càng có giá trị.

 

Cuốn Souvernirs de Hue (Kỷ niệm về Huế) của Parchichel in bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1867

 

Từ nhiều năm nay, mỗi ngày ông Cảnh dành hàng chục tiếng đồng hồ cho việc sưu tập và bảo quản sách. Ông bảo sách cũng có những mối đe dọa như con người đó là lửa, sự ẩm ướt, thú vật, thời gian và ngay chính cả nội dung của nó. Thế nên người chơi phải thường xuyên chăm chút, bảo quản, nếu không bao công lao có thể đổ hết ra sông ra bể chỉ vì những sơ xuất nhỏ. Nhiều người không hiểu cứ thắc mắc sao ông phải khổ thế với đống sách nặng mùi giấy cũ. Căn nhà ba tầng khang trang của ông ngay nơi phố cổ giữa thời buổi tấc đất tấc vàng chỉ cho thuê thôi cũng có hàng trăm triệu mỗi tháng, cần gì phải lao tâm khổ tứ lúc tuổi già. Mặc ai nói gì thì nói, ông Cảnh vẫn ngày đêm say mê với cái thú của mình và thường hóm hỉnh đùa vui: “Trong nhà mình toàn người nổi tiếng, nào là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Sếch-pia, Vích-to-huy-gô, Alex-xăng-đuy-ma, Lép-xtôn-tôi, La Quán Trung…”.

Có lẽ những người chơi sách cổ là thế, chỉ có họ mới có được tình yêu và niềm đam mê đích thực dành cho sách. Đối với họ sách cổ chính là những viên ngọc quý lưu lạc giũa dòng đời còn những vô cảm, bon chen. Những viên ngọc quý đó sẽ chỉ tìm đến được với những ai đang ngày đêm lặng lẽ làm đẹp cho đời bằng cả tấm lòng cao cả.

 

Quang Minh

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo

Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo

Thái Hà Books
Th 4 09/10/2024

[ThaiHaBooks] Patrick Faniel là giám đốc điều hành của Management Centre Europe (MCE), tác giả cuốn sách Làm lãnh đạo: Ba động lực tạo ra hiệu... Đọc tiếp

Giới thiệu sách Từ những đam mê

Giới thiệu sách Từ những đam mê

Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024

Có được một việc làm ổn định là điều ai cũng mong muốn, nhưng để gắn bó và phát triển nghề nghiệp thì cần phải có... Đọc tiếp

Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội

Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội

Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024

Đối mặt với những thách thức khó khăn của thời đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội...đòi hỏi các công ty ngày... Đọc tiếp

Nội dung bài viết