Sống Lagom, hạnh phúc như người Thụy Điển
Thái Hà Books
Th 2 01/07/2019
LAGOM, triết lý sống vừa đủ của người Thụy Điển, được biết đến như một lối sống chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, luôn “biết đủ“ để dành thời gian tận hưởng từng phút giây. Để vượt qua guồng quay của cuộc sống hiện đại ồn ào, vội vã, con người đang tìm đến những lối sống, suy nghĩ nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn. Đó là lý do mà dạo gần đây phong cách sống Lagom đã bước ra khỏi ranh giới Thuỵ Điển và ngày một phổ biến ở nhiều xã hội trên thế giới.
1. Thiết kế một không gian sống đơn giản, ngắn nắp
Người Thuỵ Điển tin rằng một không gian sống thoáng đãng, với số lượng đồ đạc và vật dụng cần thiết cho các nhu cầu hàng ngày là đủ rồi. Mắt nhìn thế nào thì đầu nghĩ thế ấy. Sống trong một ngôi nhà ít đồ đạc, nhiều khoảng trống sẽ có thêm không gian để đi lại, thêm khí để thở, và đầu óc giảm sự xao nhãng, được thoải mái, nhẹ nhàng và tăng sự tập trung.
Việc bài trí ít đồ đạc cũng giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền từ việc mua những món đồ trang trí không cần thiết. Sống Lagom cũng có nghĩa là giảm việc mua sắm là để tìm niềm vui, chỉ lựa chọn những món đồ chất lượng cao, lâu hỏng, tránh phải chi tiền mua mới nhiều hoặc mua những thứ chỉ dùng một lần rồi bỏ.
Với một chiếc tủ quần áo có ít sự lựa chọn, bạn sẽ có thêm thời gian cho việc suy nghĩ, quan tâm hơn đến những điều quan trọng hơn trong cuộc sống.
2. Cân bằng công việc, xây dựng các mối quan hệ nhiều ý nghĩa
Lagom chú trọng vào sự phát triển của các mối quan hệ để tạo ra một môi trường sống hợp tác và thân mật. Từ Lagom đã sinh ra văn hóa cà phê Fika, hiểu sát nghĩa thì Fika là “giờ giải lao bên tách cà phê và những chiếc bánh”. Giữa những giờ học, giờ làm, người Thuỵ Điển thường tụ tập nhau lại để cùng uống tách cà phê, ăn một miếng bánh quế vòng và tán gẫu chuyện này chuyện kia.
Mỗi ngày, hầu như người Thụy Điển nào cũng dành một khoảng thời gian nhỏ cho Fika. Trong các môi trường công sở, Fika thường diễn ra vào giữa buổi chiều. Khi ấy, nhân viên sẽ rời khỏi bàn làm việc để hội nhau lại tại góc ăn uống của công ty, cùng thưởng thức cà phê và bánh ngọt. Những câu chuyện được kể trong mùi cà phê ấm, những khó khăn, vướng mắc trong công việc được chia sẻ và cùng nhau giải quyết. Những ý tưởng được nảy sinh, góp ý và thăng hoa. Đồng nghiệp dần trở thành bạn bè, chia sẻ cho nhau các vấn đề riêng tư, thân mật hơn, vượt ra khỏi phạm vi của bàn giấy và văn phòng. Mỗi người sau mươi mười lăm phút Fika đều thấy tinh thần mình trở nên khoáng đạt và có nhiều năng lượng làm việc hơn.
Nhiều người lý giải rằng nền kinh tế Thụy Điển “lên hương” trong nhiều thập niên gần đây và sở hữu nhiều công ty sáng tạo như H&M, Ikea, Spotify… một phần cũng nhờ Fika. Dễ hiểu thôi: Khi nhân viên có nhiều ý tưởng đóng góp và kết nối tốt với nhau thì chắc chắn năng suất lao động của công ty sẽ được nhân lên rất cao. Bởi vậy, gần như mọi công sở ở Thụy Điển đều khuyến khích nhân viên mình “Fika” bằng cách dành hẳn một góc ấm áp xinh xắn trong văn phòng cho hoạt động cà phê trò chuyện này. Nhiều công ty khác trên thế giới cũng học tập nét văn hóa Fika của Thụy Điển vào chiến thuật tăng hiệu quả công việc cho nhân viên mình. Nghỉ ngơi vài phút để thăng bằng đầu óc chính là cách dừng một chút để tiến thêm nhiều bước.
3. Hành động có trách nhiệm với sức khoẻ của môi trường, thiên nhiên
Sống Lagom là không chỉ nghĩ cho những lợi ích và sự thuận tiện của bản thân, mà còn quan tâm đến cuộc sống của cỏ cây, động vật, tạo ra một môi trường trong sạch, cân bằng. Ở trong một môi trường tốt thì con người mới vui vẻ, phát triển tích cực được.
Người Thuỵ Điển đa phần chỉ mua sắm vật dụng chất lượng cao để giảm rác thải, bởi sau rất nhiều năm mới phải mua đồ mới một lần. Họ cũng thường nấu nướng, khuyến khích ăn ở nhà để vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giảm rác từ các vỏ bao bì của thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn. Họ cũng tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, hoặc đi bộ cho những quãng đường ngắn để giảm khí thải từ xăng dầu.
4. Dành thời gian riêng cho bản thân mình.
Theo một nghiên cứu về sự hạnh phúc, thì tiền bạc có thể khiến con người hạnh phúc, nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Nếu chúng ta thiếu thốn thì việc có thêm tiền sẽ khiến mình vui. Nhưng nếu chúng ta đã có đủ tiền cho các nhu cầu sống thì tiền chẳng thể khiến mình hạnh phúc hơn.
Do vậy, đến một ngưỡng nào đó, một người muốn hạnh phúc thì cần phải dành thời gian xây dựng mối quan hệ với cái tôi của chính mình, yêu quý bản thân. Đó vài phút buổi sáng ngồi uống cà phê một mình để lên lịch trình sống ngày sắp tới như thế nào. Đó là tập thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đó là chủ động tìm học thêm một kỹ năng mới mà mình luôn thích như vẽ tranh, chụp ảnh, chơi đàn. Khi bản thân mình được bình an và phát triển, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, dễ hài lòng hơn.
Theo prudential.com.vn
Tin liên quan
Chia sẻ của tác giả Patrick Faniel về cuốn sách Làm lãnh đạo
Thái Hà Books
Th 4 09/10/2024
[ThaiHaBooks] Patrick Faniel là giám đốc điều hành của Management Centre Europe (MCE), tác giả cuốn sách Làm lãnh đạo: Ba động lực tạo ra hiệu... Đọc tiếp
Giới thiệu sách Từ những đam mê
Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024
Có được một việc làm ổn định là điều ai cũng mong muốn, nhưng để gắn bó và phát triển nghề nghiệp thì cần phải có... Đọc tiếp
Happy Organizations - Tạo ra tổ chức hạnh phúc, nuôi dưỡng nhân viên và tác động tích cực đến xã hội
Thái Hà Books
Th 6 23/08/2024
Đối mặt với những thách thức khó khăn của thời đại như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội...đòi hỏi các công ty ngày... Đọc tiếp