Ra mắt sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại Việt Nam.
Thái Hà Books
Th 4 12/09/2018
ThaiHaBooks - Sáng ngày 11 tháng 09 năm 2018, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (World Economic Forum on ASEAN), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra lễ ra mắt sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”
Đến dự lễ ra mắt sách có Chủ tịch Điều hành và Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, Giáo sư Klaus Schwab, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và nhiều quan chức chính phủ Việt Nam và WEF. Điều phối buổi ra mắt sách là tiến sỹ Peter Vanham đến từ WEF.
Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh rằng trong số rất nhiều thách thức đa dạng và thú vị mà ngày nay chúng ta phải đối diện, điều cấp bách và quan trọng nhất là làm sao phải hiểu và định hình cuộc cách mạng công nghệ mới, điều chắc chắn sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của nhân loại. Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Xét về quy mô, tầm vóc và độ phức tạp, hiện tượng mà tôi coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này không giống bất kỳ điều gì mà nhân loại từng trải qua.
Đến nay chúng ta vẫn chưa hình dung được đầy đủ tốc độ và phạm vi của cuộc cách mạng mới này. Hãy nghĩ đến vô số khả năng cho phép hàng tỷ con người kết nối với nhau bằng thiết bị di động, tạo nên sức mạnh xử lý, năng lực lưu trữ và cơ hội tiếp cận tri thức chưa từng có. Hoặc đến sự hợp lưu đáng kinh ngạc của những đột phá gần đây về công nghệ, bao trùm nhiều lĩnh vực rộng lớn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, internet kết nối vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử, và còn nhiều nữa… Nhiều sáng kiến vẫn còn sơ khai, nhưng chúng đã đến bước ngoặt trong quá trình phát triển nhờ dựa vào nhau và khuếch đại lẫn nhau trong một sự giao thoa công nghệ trên cả thế giới vật chất, thế giới số, lẫn thế giới sinh học.
Chúng ta đang chứng kiến những dịch chuyển sâu sắc trong mọi ngành công nghiệp, tiêu biểu là sự nổi lên của những mô hình kinh doanh mới, sự đột phá 1 thách thức mô hình hiện tại và tái định hình các hệ thống sản xuất, tiêu dùng, vận tải và giao nhận. Trên phương diện xã hội, sự dịch chuyển mô hình đang diễn ra trong cách chúng ta làm việc và trao đổi thông tin, cũng như trong cách chúng ta biểu đạt, thu thập thông tin và giải trí. Tương tự, các chính phủ và tổ chức cũng đang được tái định hình, và các hệ thống giáo dục, y tế, vận tải, v.v. cũng vậy.
Nhiều cách thức mới trong sử dụng công nghệ để thay đổi hành vi và hệ thống sản xuất và tiêu dùng của chúng ta cũng tạo ra khả năng tiềm tàng cho việc hỗ trợ tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên, thay vì làm phát sinh chi phí ẩn dưới hình thức tác động ngoại sinh.
Những thay đổi này có tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi.
Trong khi còn hoàn toàn chưa chắc về việc phát triển và chấp nhận các công nghệ mới đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể biết những chuyển biến mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại sẽ diễn ra theo hướng nào, tính phức tạp và liên ngành của nó báo hiệu tất cả các chủ thể trong xã hội toàn cầu – các chính phủ, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, tổ chức xã hội – đều có trách nhiệm hợp tác cùng nhau để hiểu rõ hơn những xu thế đang nổi lên này.
Chia sẻ hiểu biết là điều đặc biệt quan trọng nếu chúng ta muốn định hình một tương lai chung phản ánh các mục tiêu và giá trị chung. Chúng ta phải hình thành được một cách nhìn chung mang tính toàn diện và toàn cầu về cách công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai, và về cách nó đang tái định hình môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân văn mà chúng ta đang sống.
Những thay đổi này sâu sắc đến mức, từ góc độ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một thời điểm vừa tràn đầy hứa hẹn vừa tiềm tàng hiểm họa như lúc này. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là các nhà hoạch định chính sách thường bị rơi vào tư duy lối mòn, một chiều (và không đột phá), hoặc quá chú tâm vào những vấn đề ngắn hạn nên không có thời gian suy nghĩ ở tầm chiến lược về tác động của những đột phá và sáng tạo đang định hình tương lai nhân loại.
Giáo sư Klaus Schwab khẳng định ông biết rõ một số học giả và chuyên gia đánh giá những bước phát triển nêu trên chỉ như một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên có ba lý do khiến ông quả quyết rằng một cuộc cách mạng thứ tư khác biệt đang diễn ra:
* Tốc độ: Trái ngược với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng này phát triển ngày càng nhanh chứ không đều đặn về tốc độ. Đây là hệ quả của thế giới đa chiều và liên kết sâu sắc mà chúng ta đang sống và của thực tế là công nghệ mới lại sản sinh ra những công nghệ mới hơn và có năng lực cao hơn.
* Bề rộng và chiều sâu: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hình thành dựa trên nền tảng của cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy những chuyển đổi mô hình chưa từng có trên khía cạnh kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ làm thay đổi điều chúng ta đang làm, cách làm của chúng ta, mà còn cả việc chúng ta là ai.
* Tác động mang tính hệ thống: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự chuyển đổi của toàn bộ các hệ thống giữa các (và trong mỗi) quốc gia, doanh nghiệp, ngành công nghiệp và toàn xã hội.
GS Klaus Schwab viết cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là cung cấp những kiến thức cơ bản về cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, cuộc cách mạng này mang đến những gì, nó sẽ tác động đến chúng ta ra sao, và con người có thể làm gì để tranh thủ nó vì lợi ích chung. Cuốn sách này dành cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai nhân loại và quyết tâm tranh thủ những cơ hội từ cuộc thay đổi mang tính cách mạng này để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn.
GS Klaus Schwab cho biết ông có ba mục tiêu chính là Nâng cao nhận thức về tính toàn diện và tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ và tác động đa chiều của nó; Xác lập một khuôn khổ tư duy về cuộc cách mạng công nghệ để xác định những vấn đề cốt lõi và nêu bật những giải pháp có thể; Thiết lập một nền tảng có thể thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác công – tư trong các vấn đề liên quan đến cách mạng công nghệ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cám ơn GS Klaus Schwab đã viết cuốn sách quý này với những nội dung sâu sắc và cần thiết. Ông cũng khẳng định cuốn sách đầu tiên đã được tặng cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Việt Nam rất quan tâm và quyết tâm tận dụng tốt nhất cơ hội quý giá này. Ông cũng cám ơn GS Klaus Schwab và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tổ chức chương trình nghị sự đầy ắp thông tin và bổ ích trong suốt 3 ngày từ hôm nay 11 đến hết 13 tháng 09 năm 2018.
Sau khi trả lời các câu hỏi của các phóng viên và các vị khách, GS Klaus Schwab đã ký tặng cuốn sách đầu tiên cho Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Sau họp báo ra mắt sách, GS Klaus Schwab đã tiếp riêng lãnh đạo công ty sách Thái Hà. Giáo sư cảm ơn sách đã được xuất bản tại Việt Nam và hy vọng các lãnh đạo và các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đón đầu cơ hội quý giá này. Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng,
Chủ tịch công ty sách Thái Hà hy vọng sách sẽ bán chạy như tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác và rất mong được xuất bản các tác phẩm tiếp theo của GS Klaus Schwab.
GS Klaus Schwab cũng ký tặng sách cho TS Nguyễn Mạnh Hùng vào cả 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt.
Nguyễn Thị Minh Hiền
Tin liên quan
[TP.HCM] TỔNG KẾT SỰ KIỆN RA MẮT SÁCH SỐNG SÂU VÀ TALKSHOW CHUYÊN ĐỀ SỐNG SÂU
Thái Hà Books
Th 4 11/09/2024
[ThaiHaBooks] Vào 8h30 chủ nhật ngày 8/9/2024 tại TP.HCM, sự kiện ra mắt sách "Sống sâu" và talkshow chuyên đề "Sống sâu" đã diễn ra với... Đọc tiếp
17h30, ngày 09/10: Chương trình ra mắt tác phẩm “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế” tại Huế
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks - Mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung, thật ra, chưa bao giờ là lĩnh vực nằm ngoài “vòng tay” của văn hóa, “nơi” đã sản... Đọc tiếp
Vinh danh: Tập thể xuất sắc và cá nhân xuất sắc nhất chi nhánh năm 2023
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
Thaihabooks- Ngày 27/01/2024, Với những đóng góp to lớn, nỗ lực không ngừng nghỉ cho công ty và phát triển văn hóa đọc của những thành viên... Đọc tiếp