Chuyển đổi số nhìn từ hội sách Frankfurt Book Fair tới thị trường sách tại Việt Nam

Thái Hà Books
Th 6 26/07/2024

Với khẩu hiệu “Re: Connect” (tạm dịch: Tái kết nối), Frankfurt Book Fair 2021 – Hội sách lớn nhất thế giới lần thứ 73 đang diễn ra tại Đức bằng hai hình thức trực tuyến và trực tiếp làm chúng tôi thật sự bất ngờ. Các đơn vị xuất bản trên khắp thế giới nếu không thể tham gia trực tiếp tại Hội sách thì vẫn dễ dàng trưng bày giới thiệu sách tại các gian hàng trực tuyến và tham gia các hoạt động, các sự kiện kết nối online hiệu quả và sinh động. Hội sách năm nay được đánh giá là năng động và đảm bảo sự kết nối nhờ áp dụng tối đa yếu tố công nghệ số trong khâu tổ chức.

Thái Hà Books không là ngoại lệ. Từ năm 2015 đến nay chúng tôi cũng như nhiều đơn vị xuất bản khác trên thế giới, tham gia gian hàng. Trong cả tuần nay, chúng tôi vô cùng bận bịu, tấp nập tiếp đón khách, tham gia các sự kiện. Bạn biết không, dù trực tiếp hay online thì chúng tôi vẫn đắm chìm trong hội sách lớn nhất hành tinh này.

Theo những gì chúng tôi quan sát thì nhiều hoạt động, nhiều chủ đề, nhiều bài phỏng vấn của FBF đều tập trung tới hai hình thức xuất bản rất hấp dẫn là sách nói – Audiobook và Podcast. Hai hình thức này không chỉ là một xu hướng mà giờ đây đã trở thành thành phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp xuất bản. Kinh tế số thật sự thấm đẫm ngành công nghiệp đặc biệt này trong thời đại của đại dịch.

AUDIOBOOKS

Vào năm 2021, cuộc chiến giành lấy đôi tai của người tiêu dùng đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Hình như chưa bao giờ có thời điểm tốt hơn để bắt đầu xuất bản sách dưới dạng âm thanh. Đây là một sự thật. Đây là những gì đang được nói đến, chia sẻ, bàn luận tại sân chơi lớn nhất hành tinh này.

Các báo cáo, tham luận đã chỉ ra rằng đại dịch Covid đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành kinh doanh audiobook vào năm 2020. Cứ thế kinh tế số trong xuất bản mà đặc biệt là kinh doanh sách thông qua audiobook chính thức là chủ đề và đang tạo ra xu thế lớn trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Nhiều hội thảo đang diễn ra đã chỉ rõ rằng trước đại dịch, thị trường sách nói toàn cầu đã có một năm tăng trưởng cao ở mức hai con số. Các chuyên gia, các diễn giả  kỳ vọng sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2021 và năm 2022 tới. Một minh chứng là trên nhiều thị trường quốc tế nơi Bookwire hoạt động (bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Mỹ Latinh, Anh, Pháp và Mỹ), bạn đọc thế hệ mới mới đang tiếp tục khám phá và say mê với những phiên bản sách nói đơn thuần. Họ cũng được kích thích bởi sự bùng nổ sáng tạo trong podcast. Nhưng đây sẽ không còn chỉ là một hiện tượng xuất bản ở các nước phát triển mà sẽ trở nên toàn cầu với hàng trăm triệu khán giả tiềm năng đã có thói quen nghe audiobook và podcast hàng ngày.

Theo dự đoán của các chuyên gia, người nghe audiobook và podcast có nhu cầu cao với các sản phẩm kỹ thuật số và sau khi trải nghiệm thì họ thích chúng hơn các phương tiện truyền thống bao gồm sách in. Ngành công nghiệp xuất bản đang thực sự bắt đầu hiểu rất rõ rằng mối đe dọa tồn tại lớn hơn không phải là sự chuyển dịch từ báo in sang kỹ thuật số mà là đánh mất hoàn toàn người tiêu dùng trước các hình thức giải trí khác. Không có cái gọi là đối tượng đọc hoặc nghe kỹ thuật số duy nhất nữa. Vì vậy các nhà xuất bản đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết để tiếp cận các nhóm mục tiêu khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch công ty sách Thái Hà nhấn mạnh việc chuyển đổi số tại đơn vị mình được tiến hành trên cả 3 lĩnh vực là xuất bản số, phát hành số và quản trị số từ 2020 đến nay. Ông cũng chia sẻ về 7 cuốn sách mà chính ông là tác giả đã được audio book thực hiện rất tốt và mang đến kết quả bất ngờ cho chính ông. Ông khẳng định trong thời gian tới sẽ có những cuốn sách mà công ty sách Thái Hà sẽ cho ra phiên bản số trước khi ra sách giấy.

Cơ hội cho tương lai là gì?

Trong thời kỳ đại dịch và hoạt động kinh doanh của các đơn vị xuất bản áp dụng chuyển đổi số đã thực sự tiếp tục phát triển và tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản audiobook. Điều này vô cùng thú vị.

Bà Valérie Lévy-Soussan – người sáng lập Audiolib, một nhà xuất bản sách nói của Pháp cho biết thị trường sách nói hấp dẫn vì nó kết hợp hai hình thức sáng tạo nghệ thuật là nội dung và hiệu suất đọc, vốn rất cổ xưa. Sách nói cũng gắn liền với cách sử dụng công nghệ và giao tiếp, luôn thay đổi, một cách làm sáng tạo để thu hút độc giả mới, tạo thói quen đọc mới. Bà cho biết Pháp vẫn là một thị trường đang phát triển về xuất bản sách nói, ngay cả khi trẻ em đã quen với việc nghe sách truyện, việc sử dụng audiobook chỉ đang phát triển cho nhóm đối tượng 15 – 35 tuổi. Phân khúc này đang phát triển và nhiều người đã khám phá ra lợi ích của sách nói chỉ sau 2 – 3 năm và điều này trở nên phổ biến hơn trong thời gian lockdown vì Covid.

Rõ ràng chúng ta phải tiếp tục phát triển thị trường này bằng cách cung cấp ngày càng nhiều nội dung hơn theo đúng xu hướng xuất bản để thu hút một bộ phận trẻ thay vì chỉ chú tâm đến sách và bạn đọc truyền thống. Chúng ta phải quản lý sản xuất để tìm ra sự cân bằng tốt giữa chất lượng và chi phí, bởi vì những cuốn sách nói đầu tiên bạn đọc được nghe có thể thay đổi hoàn toàn thói quen của họ. Thực tế không thể chối cãi là chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong quyền mua lại và đẩy nhanh thời gian sách nói đưa ra thị trường.

PODCAST

“Podcast không chỉ cho phép chúng ta thoát khỏi thế giới mà chúng ta thấy chính mình – chúng cho phép chúng ta tìm ra cách để sống và vượt qua nó” – đây là tuyên bố mà khi tôi nghe thấy đã giật mình và thích thú.

Thực tế đã chứng minh tại các nước phát triển, số lượng người tiêu dùng podcast đã tăng đột biến trong những năm qua.

Nội dung podcast, khán giả và doanh thu đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong suốt năm 2020. Sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021 khi nhiều podcast được phát triển hơn và khi nhiều người khám phá và tiếp tục nghe podcast. Lần đầu tiên, theo báo cáo của PWC, podcasting trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô la.

Nếu năm 2020 đã dạy cho chúng ta rất nhiều điều thú vị, chẳng hạn như những cuốn sách hay, thì podcast không chỉ cho phép chúng ta thoát khỏi thế giới mà chúng ta thấy mình đang ở. Podcast thực sự cho chúng ta tìm ra cách để sống mới và vượt qua nó. Giữa sự không chắc chắn và sự tàn phá, podcast đã giúp thông báo, nâng cao tinh thần, truyền cảm hứng và giải trí cho độc giả nhanh nhất, trong từng phút từng giây, mỗi ngày.

Các chuyên gia có mặt tại Frankfurt Book Fair đã phân tích rằng podcast cuối cùng cho phép chúng ta kết nối với nhau theo cách gần như đồng cảm. Rằng có một yếu tố đặc biệt liên quan giữa con người với podcast. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đã chuyển sang podcast trong 2020 vừa qua, trong đó có Thái Hà Books và một số đơn vị xuất bản tại Việt Nam.

Đối với ngành công nghiệp xuất bản, sự tăng trưởng phi thường này đã thể hiện thông qua cả số lượng người nghe podcast và khả năng tồn tại thương mại. Những gì đã xảy ra là minh chứng rằng audiobook không chỉ có thể được coi là phương tiện đi sau hoặc là một phần phụ trợ của ngành công nghiệp xuất bản hoặc chiến dịch tiếp thị và PR mà đã là chiến lược cho cách tương tác với người nghe, giúp người đọc mở rộng thêm thông tin về thời điểm và lý do sách được xuất bản. Đây được coi như là ‘khúc nhạc dạo đầu’ ấn tượng mà người nghe thực sự bị thu hút.

Trong khi say sưa giới thiệu các cuốn sách của Thái Hà Books và tham dự các sự kiện tại FBF, chúng tôi giật mình về thị trường audiobook và podcast của Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ quá trình chuyển đổi số của chúng ta vẫn còn tương đối chậm và còn nhiều bất cập. Độc giả đã quá quen thuộc với khái niệm sách giấy, sách in. Cùng với sự phát triển của công nghệ, độc giả đã được tiếp cận với ebook – sách điện tử và mấy năm gần đây là sách nói – audio book. Sách nói hay audio book là dạng sách âm thanh – nội dung sách được truyền tải thông qua giọng đọc của con người đang được quan tâm tại đất nước chúng ta và chúng tôi tin rằng, cùng với xu thế toàn cầu, đây sẽ là tương lai sáng lạn.

Quan sát từ hội sách Frankfurt, chúng tôi thấy, với xu thế người dùng Việt Nam ngày càng bận rộn, trong khi đó nhu cầu học tập và giải trí ngày càng tăng cao. Ngoài ra, học tập qua âm thanh (sách nói và podcast) là một trong những thứ người dùng quan tâm vì sự tiện dụng của nó. Nhu cầu sách nói của người Việt bắt đầu tăng trưởng đáng kể từ đầu năm 2019. Các đơn vị tham gia khai thác với số lượng lớn và tốc độ nhanh nhưng chưa được quan tâm và đầu tư bài bản. Một phần là do người dùng tự mua sách về đọc, ghi âm, rồi phát tán lên mạng để kinh doanh hoặc chia sẻ miễn phí. Thực chất, ngoài chất lượng âm thanh và nội dung kém, đây còn là hành vi vi phạm bản quyền, khiến các đơn vị xuất bản, nhà phát hành sách ở Việt Nam chưa mặn mà nhiều với thị trường này.

Thị trường audiobook ở Việt Nam hiện nay vừa có giá trị thị trường nhỏ, lại vừa bị ảnh hưởng và cạnh tranh bởi nhiều yếu tố. Thử tìm kiếm với cụm từ “sách nói” thì có đến hơn 12 triệu kết quả và phần lớn lại đến từ các website vi phạm bản quyền hoặc kênh youtube đọc sách không có bản quyền. Chúng ta có thể điểm tên các đơn vị trên diễn đàn sách nói phổ biến ở Việt Nam trước đây như Hẻm Audio, Fonos, Waka, Gác sách, Thư viện sách nói Hướng Dương, Sách nói Việt, Sách mp3, Trạm radio, Radio truyện, Radiotoday, Sáchnói.me, các tài khoản Youtube, Facebook, instagram cá nhân… Nội dung thể loại của sách nói khá đa dạng, phong phú (sách văn học nghệ thuật, triết học, lịch sử, tôn giáo, đạo đức, kĩ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy nuôi con…) Không những thế, một số đơn vị còn thể hiện rõ phân khúc thính giả khi tác phẩm được đọc chủ yếu là tiểu loại ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử, huyễn tưởng… hướng đến người nghe trẻ tuổi. Hoặc phân khúc phân loại sách bán chạy hay sách đại chúng.

Nổi bật giữa những đơn vị này có hai tên tuổi đã có dấu ấn nhất định là Fonos và Voiz. Đây là hai đơn vị tiên phong trong hoạt động phát hành sách nói vì một môi trường sách nói lành mạnh và tôn trọng bản quyền. Fonos là một ứng dụng sách nói có bản quyền của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Ứng dụng này được khởi xướng từ những người xem sách là nguồn cảm hứng và cũng là lời giải cho mọi nhu cầu hiểu biết.

Trên thực tế, ứng dụng sách nói tại Việt Nam cũng đang phát triển với nhiều thương hiệu nhưng cách thức vận hành thì không giống nhau và mang lại những trải nghiệm cũng như thái độ của người nghe sách nói khác nhau. Ứng dụng di động của Fonos có nhiều lựa chọn với nội dung âm thanh độc quyền, bao gồm cả sách nói tiếng Việt có bản quyền từ những tác giả có sách bán chạy trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Ngoài ra, Fonos còn có những nội dung âm thanh về hướng dẫn thiền, truyện ngủ, sách tóm tắt, nhạc thư giãn… dành cho hội viên của mình.

Với Fonos, người đọc có thể nghe những nội dung âm thanh chất lượng cao mang tính giáo dục, giải trí và truyền cảm hứng mọi lúc mọi nơi: trên xe bus, trên tàu, trên xe hơi, xe máy, khi tập thể dục, trong khi dọn dẹp hoặc nấu ăn tại nhà, hoặc thậm chí ngay khi đang nằm trên giường. Những nội dung sách mà người đọc đang nghe dở, có thể tiếp tục ở lần đọc tiếp theo mà không bị mất thời gian tua lại.

Điều đặc biệt là với ứng dụng Fonos, những chương đầu tiên của mỗi cuốn sách nói luôn miễn phí. Điều này gia tăng trải nghiệm của người nghe trước khi quyết định mua sách. So với nhiều loại sách âm thanh khác đang có trên thị trường, đội ngũ phát triển sản phẩm Fonos đặc biệt chú trọng tới các vấn đề bản quyền trong nội dung ứng dụng của mình. Fonos cũng tập trung phát triển các chính sách khuyến đọc, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi thành viên và đọc sách cùng chuyên gia cũng được thực hiện nhằm giúp bạn đọc có những trải nghiệm nghe sách tốt hơn.

Voiz FM là ứng dụng sách nói do WeWe, một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ thiết lập. Ứng dụng ra mắt thị trường từ tháng 9 năm 2019, hiện đã có mặt ở App Store và Google Play. Một trong những tôn chỉ của WeWe khi thực hiện ứng dụng sách nói Voiz FM đó là tập trung 100% bản quyền.

Hiện tại Voiz FM có hơn 1.000 nội dung âm thanh, với trên 20.000 người dùng, mỗi ngày lượt nghe chiếm 20% – 30% trong tổng số thành viên.

Rõ ràng thị trường audiobook và pobcast của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước cùng khu vực và thế giới. Tuy nhiên đây là sẽ là một thị trường tiềm năng và hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. Chính vì vậy việc các đơn vị cần thực thiện song song với mở rộng thị trường chính là việc hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để tận dụng cơ hội chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn nữa, bên cạnh đó cần hoàn thiện những qui định về pháp lý để đảm bảo sự chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả trong quá trình phát triển.

Chúng tôi vẫn đang bận rộn và tích cực quảng bá những cuốn sách mà thông qua đó là văn hoá, nghệ thuật, đời sống, kinh tế,… của Việt Nam ra với thế giới. Chúng tôi đang cố gắng ứng dụng tốt nhất, thể hiện tốt nhất chuyển đổi số, kinh tế số tại thời điểm này và tạo đà phóng cho 2022 và các năm tiếp theo.

22.10.2021

Vũ Thuỷ – Giám đốc Bản quyền công ty sách Thái Hà

(Bài viết có sử dụng hình ảnh và thông tin từ Frankfurt Book Fair)

Xem các bài trước

Canada khách mời đặc biệt của Hội sách Frankfurt 2021

20/10 – 24/10: Thái Hà Books tham gia Hội sách online Frankfrurt Book Fair 2021

Tin liên quan

Chương trình ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế” đã diễn ra thành công

Chương trình ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế” đã diễn ra thành công

Long
Th 3 30/07/2024

ThaiHaBooks- Vào lúc 17h30, ngày 09/10 đã diễn ra chương trình ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành... Đọc tiếp

Thái Hà Books hơn cả hạnh phúc đón tuổi 16

Thái Hà Books hơn cả hạnh phúc đón tuổi 16

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

ThaiHaBooks- Thái Hà Books được thành lập từ ngày 22/06/2007. Sau hơn 16 năm xây móng và phát triển, Thái Hà Books luôn nỗ lực để mang... Đọc tiếp

HẠNH PHÚC CỦA TÔI

HẠNH PHÚC CỦA TÔI

Thái Hà Books
Th 2 29/07/2024

HẠNH PHÚC CỦA TÔINhạc: Vũ Sang | Lời thơ: TS Nguyễn Mạnh HùngCa sĩ: NSUT Đức HoàiCó người hỏi tôi hạnh phúc là gì?Là vàng nhiều,... Đọc tiếp

Nội dung bài viết