“Liệu xuất bản Việt Nam có thành ngành công nghiệp?” – Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Bộ Thông tin và Truyền thông

Thái Hà Books
Th 4 24/07/2024

 

ThaiHaBooks- Sáng 28/12/2019, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Tiến sĩ đã trình bày những chuyển biến chính của giai đoạn xuất bản 4.0, khái quát ngành xuất bản của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra những đề xuất để phát triển ngành xuất bản Việt Nam thành ngành công nghiệp. Dưới đây là toàn văn bài tham luận.

Hoạt động xuất bản không chỉ có nhiệm vụ bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa tinh thần nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; vừa khẳng định, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mà còn là hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam trong những năm gần đây.

Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, Việt Nam đã có một nền tảng khá quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Chúng ta nhận thấy chuyển biến chính của xuất bản trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là:

Thứ nhất, chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm chỉ còn là bản thân sản phẩm, mà là các quy trình định hướng khách hàng. Các NXB chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả. Ngược lại, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin sẽ lấn sân, trở thành “bà đỡ” cho mỗi ấn phẩm.

Sẽ có 3 mô hình hoạt động xuất bản song hành tồn tại: Mô hình truyền thống, tập trung vào in ấn, tác phẩm in (dành cho thương hiệu lớn); mô hình giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ bigdata (dữ liệu lớn) và mạng lưới phân phối); mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai – mô hình 4.0).

Cùng với sự chuyển dịch mô hình xuất bản hiện có, còn là sự xuất hiện của một quy trình xuất bản hoàn toàn mới – xuất bản trực tiếp của các cá nhân. Với định dạng điện tử, thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng bigdata, tác giả đưa “đứa con tinh thần” của mình đến thẳng người đọc mà không qua thao tác biên tập, giới thiệu, quảng bá của NXB, điều này vô cùng thuận lợi, giảm chi phí nếu tác giả và tác phẩm đã định hình đối tượng bạn đọc cho riêng mình. Điều này đã thấy ở các khu vực xuất bản phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ hai, xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống

Hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập tồn tại, một dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS…. ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các NXB lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng internet. Đi đầu vẫn là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Yahoo, Facebook,… kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony,… tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua Appstore, Google play,… nhằm gia tăng giá trị ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin.

Thứ ba, phương thức sản xuất mới gắn với yêu cầu mới về nguồn nhân lực

Những thói quen mới của độc giả như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và vrbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các NXB phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu, những robot sẽ thay thế/hỗ trợ bộ phận chế bản hay nhân công làm kỹ thuật in ấn, giúp NXB tinh giản bộ máy; đồng thời còn giúp NXB kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát được tình trạng “đạo văn” và tiếp cận được sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ…

Thị trường xuất bản toàn cầu 2018-2022

  • Xuất bản toàn cầu sẽ dự kiến đạt mốc doanh thu khoảng 356 tỷ USD vào năm 2022
  • Xu hướng ngày càng phổ biến phương thức POD, tức chỉ in sách sau khi nhận được đơn đặt hàng
  • Bối cảnh xuất bản và hành vi đọc của độc giả đã yêu cầu cần xuất bản nội dung nhanh chóng hơn và trong thời gian quay vòng ít hơn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể về thời gian và tiền bạc
  • Số lượng tác giả độc lập và tự xuất bản đang tăng lên đáng kể (các tác giả tự do quyết định khi nào ra mắt sách và cách thức xuất bản; tác phẩm gốc sẽ không bị sửa đổi bởi các biên tập viên. Các tác giả không cần công ty, chỉ cần đăng ký ISBN với tư cách cá nhân là có thể tự xuất bản…)

Có 10 cách phổ biến trên thế giới để xuất bản một cuốn sách

1: Thông qua đại diện bản quyền hoặc nhà xuất bản

2: Thông qua nhà xuất bản

3: Thông qua một dự án đặt hàng

4: Tự xuất bản qua Amazon

5: Xuất bản qua một nhà xuất bản chuyên làm sách điện tử

6: Xuất bản qua APub, chi nhánh của Amazon

7: Xuất bản thông qua một công ty in/thiết kế

8: Tự xuất bản rồi sau đó phát hành qua kênh truyền thống

9: Gây quỹ tài trợ cho việc xuất bản

10: Xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội

Xuất bản tại Mỹ và Anh

  • Theo thống kê về xuất bản của worldatlats, trong năm 2015, doanh số thị trường xuất bản Mỹ đạt 27,8 tỷ USD, gần bằng tổng doanh số của 9 thị trường xuất bản trong Top 10 thế giới. Tổng số sách tiêu thụ đạt gần 2 tỷ bản. Tuy có xu hướng giảm đều trong giai đoạn 5 năm 2014-2018, năm 2018, ngành xuất bản Mỹ vẫn đạt doanh số 25,82 tỷ USD, tổng số sách tiêu thụ đạt gần 2,71 tỷ bản. Trong đó, doanh thu từ sách thương mại đạt 16,19 tỷ USD, tăng 1.5% so với năm 2017. Kể từ năm 2014 đến nay, doanh thu từ sách thương mại tại Mỹ đã tăng khoảng 760 triệu USD. Năm 2018 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp doanh số bán sách qua các kênh bán lẻ trực tuyến cao hơn so với các kênh bán lẻ truyền thống, đạt lần lượt là 8,03 tỷ USD và 6,9 tỷ USD.
  • Năm 2018 Audiobook của Mỹ vẫn tăng trưởng cao nhất, 940 triệu USD với 44.685 tựa sách nói được xuất bản, tăng trưởng doanh thu 28,7% so với năm 2017 và tăng trưởng doanh thu 181,8% trong 5 năm qua (2014 – 2018). Khảo sát của Hiệp hội Xuất bản Âm thanh Mỹ cho thấy năm 2018 thì 44% người Mỹ trưởng thành nghe ít nhất 01 cuốn sách nói/năm
  • Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của việc tự xuất bản tại Mỹ tăng 300%
  • Audiobooks cũng tăng trưởng mạnh trong báo cáo của Hội xuất bản Anh, doanh thu từ Audiobook tăng 49% trong năm 2018 đạt 69 triệu bảng. Doanh số sách điện tử tiếp tục tăng (tăng 3%) so với mức giảm doanh số đến từ sách giấy (5%)

Xuất bản tại Nhật Bản

  • Ngành xuất bản Nhật Bản luôn khẳng định vị thế hàng đầu tại Châu Á. Là một thị trường lâu đời, phát triển tập trung có định hướng, Nhật Bản đưa ảnh hưởng của manga, comic ra toàn thế giới.
  • Có khoảng 3.361 NXB tại Nhật. Nhà bán buôn: có chưa đến 40 nhà, vai trò của họ là phân phối thương mại ấn phẩ Họ cũng cung cấp và phân tích thông tin hỗ trợ các hiệu sách trong việc trưng bày kinh doanh sách (Paju Book City tại Hàn Quốc)
  • Hiệu sách: Có khoảng hơn 13.500hiệu sách
  • Quỹ Nhật Bản hỗ trợ dịch thuật hoặc xuất bản các tác phẩm về các chủ đề: nhân văn, khoa học xã hội và nghệ thuật, xuất bản sách giới thiệu văn hóa Nhật Bản bằng tiếng nước ngoài
  • Năm 2018, ngành đã xuất bản được 71.661 đầu sách mới, 2.821 đầu tạp chí lần lượt tăng 1.9% và 2.6%, tổng số sách và tạp chí đang được lưu thông trên thị trường lần lượt là 942.000.000 cuốn và 1.835.000.000 cuốn. Số lượng sách bán được là 572.000.000 cuốn, tương đương doanh thu là 7 tỷ USD, tăng 2,3% và lợi nhuận đạt được tăng 36,3% so với cùng kì năm 2017. Số lượng tạp chí bán được là 1.060.000.000 cuốn, tương đương doanh số là 5,9 tỷ USD, tăng 9,4% và lợi nhuận đạt được tăng 43,7% so với cùng kì năm 2017.
  • Những năm gần đây thị trường xuất bản Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng với cuộc cách mạng số và thói quen đọc sách của người dân dần thay đổi, sách in và sách điện tử (e-book) có nhiều khác biệt. Năm 2014 được xem là năm ‘huy hoàng’ của sách in đạt doanh số cao nhất là 16 tỷ USD còn sách điện tử khá khiêm tốn là 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên sách in giảm từ 2015 tới nay và năm 2018 giảm thấp nhất còn 12,9 tỷ USD, trong khi đó sách điện tử lại tăng mạnh là 2,4 tỷ.

Xuất bản tại khu vực Đông Nam Á

  1. Indonesia
  • Có trên 3.000 NXB.
  • Năm 2014 tổng số đầu sách mới được xuất bản là 44.327 đầu sách, gần gấp đôi số đầu sách mới được xuất bản năm 2012. Sau khi trở thành GOH 2015, 1.500 đầu sách Indonesia đã được bán bản quyền ra các ngôn ngữ khác, các tác giả trở thành tác giả quốc tế. Nhiệm vụ mới của Ủy ban sách quốc gia là phải bán được nhiều bản quyền ra thế giới
  • Chính phủ có Quỹ cho việc dịch sách Indonesia ra các ngôn ngữ khác và có những khoản ngân quỹ tài trợ cho việc đưa các tác giả ra nước ngoài diễn thuyết.
  1. Malaysia
  • Có 33 triệu dân, doanh thu ngành là 240 triệu USD. Theo tiêu chuẩn của Unesco, GDP của ngành xuất bản phải chiếm 0,1% cả nước (30.000 đầu sách được xuất bản) nhưng thực tế tại Malaysia chỉ đạt con số 18.000
  • Có 400 NXB
  • Tỷ lệ đọc: Năm 2010 là 8 cuốn/người/năm; năm 2014 là 15 cuốn/người/năm
  • Năm 2020, Kuala Lumpur sẽ tổ chức 2.000 sự kiện từ 21.4, phục vụ chiến lược là Thủ đô sách Thế giới. Phát triển thư viện điện tử (sân bay, trường học, thư viện, điểm công cộng)

Năm 2003 thị trường xuất bản của Khối Asean chỉ đứng vị trí thứ 10 trên thế giới nhưng đã nỗ lực vươn lên vị trí thứ 7 năm 2013, và dự kiến vị trí thứ 5 năm 2020, sau thị trường xuất bản Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Xuất bản tại Việt Nam

Theo tổng kết cuối 2018 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng xuất bản phẩm được làm ra, lưu chiểu tăng vượt trội so với năm 2017: 31.766 cuốn với 390.161.446 bản, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản. Nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017 với tổng doanh thu đạt 2.506,39 tỷ đồng (giảm 13,5% so với năm 2017), nộp ngân sách 187,15 tỷ đồng (tăng 71% so với năm 2017). Lợi nhuận sau thuế của các NXB đạt khoảng 212,34 tỷ đồng (tăng 11,5% so với năm 2017).

Nhìn vào thực tế phát triển kinh tế nói chung và thực tế của ngành xuất bản nói riêng, tôi nhận thấy nhiều hạn chế như quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm. Chất lượng của sách xuất bản và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu công tác tư tưởng. Hoạt động xuất bản còn tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc quản lý nhà nước đối với xuất bản còn nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên bên cạnh những hạn chế và thách thức thì nhiều cơ hội mới cho việc đưa xuất bản thành ngành công nghiệp của Việt Nam chưa bao giờ sẵn sàng như vậy khi chúng ta đang nhận được những ảnh hưởng tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0.

Như vậy việc xây dựng ngành xuất bản thành ngành công nghiệp hoàn toàn có cơ sở và chúng ta phải làm gì để biến mong muốn thành hiện thực. Để nắm chắc cơ hội, chủ động cho con đường phát triển của ngành xuất bản, chúng ta cần làm gì? Tôi xin có một số kiến nghị sau, để phục vụ cho việc kiến tạo Hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam:

  1. Tạo ra các sân chơi cùng với các đơn vị xuất bản quốc tế: Bằng việc tổ chức các hội sách quốc tế một cách chuyên nghiệp chúng ta đã và đang thu hút sự quan tâm của xuất bản thế giới. Tại đó chúng ta có cơ hội để giới thiệu các tác phẩm và tác giả Việt Nam tới các bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó việc hiện diện tại các hội sách quốc tế như Frankfurt, Beijing, London… đã tạo ra những chú ý tích cực tới xuất bản Việt Nam. Một số các đơn vị tham gia hoạt động này rất tích cực và có chiều sâu như ThaiHaBooks, NXB Trẻ, Nhã Nam, NXB Kim Đồng…
  2. Lập và hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc tại các nhà trường và địa phương trên cả nước: Như hoạt động đọc sách mỗi 10 phút mỗi ngày tại các lớp học, cấp học. Thành lập các tủ sách di động tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, bến chờ xe bus. Lập quỹ khuyến đọc và dịch thuật…
  3. Khuyến khích việc xuất bản sách hay sách có giá trị: Hiện tại thị trường sách tương đối mở rộng, việc mua bán bản quyền dễ dàng nên việc kiểm duyệt sách có phần đơn giản, do vậy các cuốn sách nội dung chưa có nhiều giá trị sống tích cực vẫn được xuất bản. Sách có nội dung khó nhằn, sách có giá trị lại bị xem là sách ‘để trưng bày’, do vậy để khuyến khích các tác giả Việt Nam dụng công tìm tòi và sáng tạo thì chúng ta nên có những ưu đãi về giá, về các hoạt động truyền thông quảng bá để cuốn sách được tới tay các bạn độc giả cả nước.
  4. Chính phủ xây dựng Quỹ để hỗ trợ dịch thuật tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác và hoạt động khuyến đọc trên cả nước
  5. Xuất bản sách giấy: Cơ quan quản lý tham khảo mô hình quản lý xuất bản của các nước để giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc cấp phép phát hành, tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị làm xuất bản trực tiếp
  6. Xuất bản sách điện tử: Cơ quan quản lý phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử (ebook, audiobooks, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng…
  7. Trao quyền nhiều hơn cho đơn vị xuất bản liên kết xuất bản: Thừa nhận vai trò và trách nhiệm của đơn vị liên kết xuất bản; Các đơn vị liên kết được phép đệ trình đơn trực tiếp lên cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các hành vi vi phạm trong việc phát hành sách giả, sách lậu
  8. Giá sách: có khung trần đối với việc giảm giá những ấn phẩm sách mới: Chế độ giá sách cố định đã tồn tại hơn 150 năm. Hầu hết các quốc gia có ngành công nghiệp sách phát triển (vd: Đức, Pháp) đã đưa ra luật hoặc thỏa thuận để ấn định giá bán sách. Sách là đối tượng của văn hóa, xứng đáng được đối xử đặc biệt với các mặt hàng khác,tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà bán lẻ, cho phép các nhà bán sách nhỏ tồn tại bất chấp sự tồn tại của hệ thống cửa hàng lớn
  9. Khối Xuất bản In và Phát hành (Hội xuất bản và Phát hành, Hội In, các Nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản): Hội xuất bản đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong Hội
  10. Kênh truyền thông báo chí, truyền hình: Tiếp cận đa chiều tới độc giả, có nhiều phóng sự bài viết liên quan đến việc khuyến đọc.
  11. Xuất bản sách xong, nộp lưu chiểu là được quyền phát hành ngay, không cần đợi 10 ngày làm việc.
  12. Các cơ quan quản lý ngành xuất bản nên thực hiện vai trò BÀ ĐỠ cho các tác phẩm, các cuốn sách nhiều hơn thay vì chú tâm cho thanh tra, kiểm tra, xử phạt.

5 kiến nghị quan trọng để xuất bản Việt Nam sớm trở thành ngành công nghiệp:

1, Thành lập Ủy ban Quốc gia về Sách và Văn hóa đọc: Hầu như các nước đều có ủy ban này. Việt Nam lại càng cần hơn. Bởi hiện nay xuất bản và in thuộc bộ TTTT, bản quyền và thư viện thuộc bộ VHTTDL, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông thuộc bộ Giáo dục. Cần có Ủy ban quốc gia để phối kết hợp các cơ quan, ban ngành.

2, Cần có LUẬT KHUYẾN ĐỌC. Muốn thành ngành công nghiệp, muốn doanh thu cao, nhất định phải khuyến đọc, người dân cần đọc nhiều hơn, tiến đến mức đọc như các nước ASEAN và tiến dần đến với thế giới. Việc đọc rất quan trọng và cần luật hóa.

3, Cần có quỹ khuyến đọc. Muốn khuyến đọc tốt phải có kinh phí. Ngân sách nhà nước sẽ không đủ để thúc đẩy khuyến đọc. Cần huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ các tập đoàn lớn có tâm với xuất bản.

4, Cần có quỹ dịch thuật. Sách quý cần được dịch cả từ các tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và chúng ta cũng cần lựa chọn những đầu sách tốt, tiêu biểu để dịch ra các ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp, Đức, Nga,…

5, Cần thí điểm cho phép thành lập 2-3 nhà xuất bản tư nhân hoặc cổ phần hóa 2-3 nhà xuất bản đang có sẵn.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà

Tin liên quan

Hội sách Frankfurt 2024: Ngành xuất bản kiên cường trước nhiều thử thách

Hội sách Frankfurt 2024: Ngành xuất bản kiên cường trước nhiều thử thách

Thái Hà Books
CN 20/10/2024

[ThaiHaBooks] Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair lần thứ 76 đã có hơn 4.300 đơn vị xuất bản đến trưng bày và giới... Đọc tiếp

Hội sách lớn nhất thế giới - Frankfurt Book Fair 2024 chính thức khởi động

Hội sách lớn nhất thế giới - Frankfurt Book Fair 2024 chính thức khởi động

Thái Hà Books
Th 5 17/10/2024

[ThaiHaBooks] Hội sách Frankfurt (Frankfurt Book Fair) 2024 đã chính thức diễn ra vào ngày 16/10/2024 tại Frankfurt, Đức. Đây là sự kiện ngành xuất bản... Đọc tiếp

TỌA ĐÀM ONLINE “TIẾNG VIỆT ÂN TÌNH” NGÀY 08/09

TỌA ĐÀM ONLINE “TIẾNG VIỆT ÂN TÌNH” NGÀY 08/09

Minh Đức
Th 6 06/09/2024

"Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếngCao quý thâm trầm rực rỡ vui tươiTiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim ngườiNhư tiếng sáo như... Đọc tiếp

Nội dung bài viết