Đường Sách TP.HCM, các hội sách tại các trường học và vài suy ngẫm –
Thái Hà Books
Th 6 28/09/2018
ThaiHaBooks - Tôi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất và muốn đến ngay Đường Sách TP. Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Văn Bình để ngồi chơi, để ngắm mọi người xem sách, đọc sách, mua sách. Một thú vui kỳ lạ của tôi là ngắm người yêu sách. Tôi cũng muốn có mặt ở đây đơn giản chỉ để thư giãn. Bởi giữa trung tâm thành phố cả chục triệu dân mà tìm ra một không gian văn hóa bình an và đầy tri thức thế này thì quả là rất hiếm.
Và tôi ngồi chơi ở đây, đi dạo trên Đường Sách với tâm thanh thản và biết ơn. Tôi không gặp 3 nhân vật có công lớn nhất để cho ra đời không gian văn hóa tri thức tuyệt vời này là anh Lê Thái Hỷ, anh Lê Hoàng và chị Quách Thu Nguyệt nhưng vẫn cảm nhận rất rõ họ đang ở đây. Tôi thấy tâm và linh hồn của họ trong từng gian sách, trong từng gốc cây và từng ghế ngồi, từng hiện vật.
Bảng điện tử giới thiệu về Đường Sách và các sự kiện mới được trang bị. Một không gian mới toanh với hình ảnh mái nhà cây với dòng chữ ấn tượng Đường Sách TP HCM đang thu hút nhiều bạn Hàn Quốc rồi Nhật Bản chụp ảnh. Khu vực sách cũ được quy hoạch gọn đẹp và có nhiều bạn đọc đang tìm sách.
Tôi ngắm xe buýt và bến xe buýt với nhiều sách. Thấy một số bạn đang ngồi đây đọc sách. Hạnh phúc làm sao. Tôi muốn cám ơn sở Giao thông Vận tại TP HCM đã thật sự có tâm, đầu tư cho sách và tri thức. Tôi yêu xe buýt này lắm, yêu từ ngày đầu khi xuất hiện.
Đường Sách Tp. Hồ Chí Minh là Đường Sách đầu tiên ở Việt Nam. Tôi nhớ đến anh Hứa Ngọc Thuận lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Nhờ anh Thuận quyết tâm và quyết liệt nên mới giúp anh Hỷ, anh Hoàng và chị Nguyệt cùng những anh em tâm huyết khác cho sinh ra một em bé đẹp trai, thông minh, dễ thương mang tên Đường Sách này. Và một nhân vật nữa, một con người đặc biệt nữa đã ủng hộ hết mình cho Đường Sách mà ít ai biết đến, đó là anh Võ Văn Thưởng, lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy. Nếu không có anh Thưởng, có lẽ đường đến thành công của Đường Sách sẽ còn dài dài. Đúng là vai trò của các cá nhân cụ thể, vai trò của cơ chế chính sách quá quan trọng.
Tôi ngồi nhớ về cảnh xếp hàng trước các gian trưng bày sách trong những ngày khai trương. Như mơ. Mơ mà thật. Thật mà như mơ.
Ngồi thư giãn trên Đường Sách và tôi nhớ về con số 1,7 tỷ đô la mà riêng các thành viên Hội Xuất bản Singapore đóng góp vào nền kinh tế quốc gia hơn 5 triệu dân này mỗi năm. Còn con số của Việt Nam chúng ta của 6 tháng đầu năm 2018 là nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với hơn gần 175 triệu bản trong đó sách giấy chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 đầu sách và 165 triệu bản, sách điện tử là 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản. Còn doanh thu ngành xuất bản Việt Nam, với dân số 93 triệu dân, năm 2017, đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Đường Sách TP HCM rất tuyệt vời. Nhưng chúng ta đã làm gì và phải làm gì nữa để văn hóa đọc Việt Nam đến gần hơn các quốc gia ASEAN.
Tôi nghĩ, chỉ có KHUYẾN ĐỌC mà thôi. Khuyến đọc là chìa khóa cốt lõi.
Chúng ta đã bắt đầu với Tết Sách từ hơn chục năm trước. Chúng ta đã phát động lì xì sách, tặng giỏ quà sách, mừng tuổi sách chục năm nay. Chúng ta đã có Ngày Sách Việt Nam. Thật tuyệt vời.
Chúng ta đã thấy xuất hiện những Trần Thiện Tùng với Không gian đọc khắp cả nước, Cao Đức Thái với chương trình Sách và hành động, Nguyễn Quang Thạch với Sách hóa nông thôn, rồi thầy giáo Huỳnh Văn Thế, thầy giáo Mai Đình Nhường,…nhiều lắm.
Rồi ngay lúc này, đúng lúc tôi đang gõ những dòng chữ này, có bạn Cao Thị Sao Mai liên lạc với tôi. Còn rất trẻ nhưng em đang học những người đi trước có kinh nghiệm để mở ra Điểm Đọc Việt Nam, có nét giống với Không gian đọc, Sách và hành động hay Sách hóa nông thôn. Tôi đang rất vui mừng. Khuyến đọc đang rất tốt.
Tôi đang rất vui khi nhận được tin rằng đang diễn ra chương trình “Sách đồng hành cùng học sinh, sinh viên 2018” thực hiện tại các trường Đại học trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như Đại học Sư phạm, Đại học Tôn Đức Thắng, ĐH công nghiệp TP HCM. Xem lịch diễn ra mà tôi vui quá. Trường Đại học Văn Hiến từ ngày 27-31/08, Đại học Sư phạm TP HCM từ ngày 17 – 21/09, Đại học Tôn Đức Thắng tháng 10, Đại học Công nghiệp Tp.HCM tháng 11,… Có thế chứ. Phải thế chứ! Học sinh sinh viên phải đi đầu trong các chương trình khuyến đọc chứ.
Tôi ngồi trầm ngâm trăn trở suy nghĩ và cho rằng phải khẩn cấp có luật Khuyến đọc. Nhiều năm nay chúng tôi đã liên lạc, trao đổi, tâm sự, sẻ chia với nhiều cấp lãnh đạo, các cơ quan và doanh nghiệp. May thay, tối hôm qua, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông đã gọi điện cho tôi rất ủng hộ sáng kiến này. Anh giao cho tôi tìm hiểu kỹ. Anh đặt ra cho tôi một loạt câu hỏi. Tôi mừng muốn khóc. Thế này thì khát khao phát triển văn hóa đọc hơn chục năm nay, mong muốn khuyến đọc ở Việt Nam nhiều năm nay có cơ hội thành hiện thực thật rồi. Tôi tin rằng sẽ có luật Khuyến đọc và sẽ được quốc hội thông qua.
Tôi cũng nghĩ cần sớm có 2 quỹ là quỹ khuyến đọc và quỹ dịch thuật. Mà cần nhất là quỹ khuyến đọc. Tôi muốn kêu gọi thành lập ngay hôm nay và tôi sẵn sàng góp vào 10 ngàn đô la đầu tiên như một chút tâm gieo duyên cho khởi đầu.
Tôi cũng mới đọc được các tài liệu rằng ở Hoa Kỳ, sau khi chết, các Tổng thống phần lớn đều có những mộ phần khiêm tốn và bé nhỏ. Nhưng hiện nay có 13 ông Tổng thống Mỹ đã có mỗi vị một công trình to lớn và rộng rãi cho hậu thế. Đó là thư viện tổng thống.
Có một điều rất hay là sau khi xây dựng xong, các tổ chức tư nhân đứng ra làm thư viện sẽ chuyển giao toàn bộ thư viện cho NARA là cơ quan lưu trữ hồ sơ quốc gia Mỹ vận hành và bảo trì. Thật thú vị là người dân quý ông Tổng thống nào thì cùng ông quyên góp tiền làm thư viện cho ông. Xong rồi thì sung công, thành tài sản chung cho toàn xã hội. Hay thật!
Các thông tin cũng cho biết, các thư viện này không chỉ là nơi tham quan, học hỏi cho người dân, mà còn là địa điểm du lịch nổi tiếng trong vùng. Một ví dụ là thư viện Tổng thống Bill Clinton tại thành phố Little Rock, tiểu bang Ankansas đã tạo nên một làn sóng đầu tư phát triển khu vực xung quanh, với hàng loạt cửa hàng, nhà hàng, chợ, các dự án đầu tư mới trị giá hàng tỉ đô la phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan thư viện.
Thư viện của các Tổng thống Hoa Kỳ là những ví dụ rất xác thực cho thấy sau khi rời tột đỉnh quyền lực, các Tổng thống để lại cho đời những công trình văn hóa và tri thức lớn, để hậu thế học hỏi, nghiên cứu, trưởng thành, và đem lại nguồn lợi lạc cho dân về du lịch, về kinh tế. Vì thế tên tuổi của họ sẽ được nhớ tới mãi mãi. Thế đấy. Đáng học tập quá!
Tổng thống Hoa Kỳ thì làm như vậy. Còn mình, chỉ là một công dân nhỏ bé, vô danh tiểu tốt, thì liệu có làm được gì không. Chẳng nhẽ không làm được một phòng đọc vài chục mét vuông cho mai sau à. Chẳng lẽ không làm được gì đáng kể cho khuyến đọc ư.
Tôi giật mình. Có lẽ nên làm một bảo tàng sách và văn hóa đọc. Ngay từ năm 2019 tới./.
Chiều 26 tháng 9 năm 2018
Hành trình khuyến đọc Reading Promotion Hà Nội – Manila – Jakarta – Kuala Lumpur – Singapore – TP HCM – Bangkok – Hà Nội – Frankfurt – Geneve – Paris – Tokyo
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty sách Thái Hà, Ủy viên ban Hợp tác Quốc tế và Bản quyền, Hội Xuất bản Việt Nam
Bài tiếp theo: Băng Cốc dốc sức cho hội sách thiếu nhi quốc tế Chiang Mai ICCRF International Children’s Content Right Fair 2018 – bài 7
Tin liên quan
Ts. Nguyễn Mạnh Hùng là diễn giả của Ngày hội văn hóa đọc Indonesia – Literaction Festival 2019
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Ngày hội văn hóa đọc Literaction Festival (Litbeat) Indonesia diễn ra trong 2 ngày 02 và 03 tháng 09 năm 2019. Diễn đàn được tổ chức... Đọc tiếp
Xu thế xuất bản tại các quốc gia ASEAN: Hợp tác One Asean liệu có khả thi?
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
– Ông Dominador D. Buhain, Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Rex, Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Asean, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Châu... Đọc tiếp
Reading Books Together số 55: 21 nguyên tắc tự do tài chính
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks - Ai cũng muốn mình có 1 cuộc sống giàu sang, tiêu tiền không cần phải suy nghĩ. Nhưng rất ít người có thể hài lòng... Đọc tiếp