Khai mạc Diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship 2019 và những hoạt động ý nghĩa ngày đầu tiên
Thái Hà Books
Th 4 27/02/2019
ThaiHaBooks - Đúng 09h30 sáng 26 tháng 02 năm 2019 tại trung tâm triển lãm Eurasia, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khai mạc Diễn đàn xuất bản 2019.
Phát biểu trong lễ khai mạc, ông Mustafa Dogru, Chủ tịch hội Báo chí, Xuất bản và Bản quyền (Turkish Press and Publishers Copyright & Licensing Society) chào đón các chuyên gia, khách mời và lãnh đạo xuất bản cả thế giới đã đến tham dự Diễn đàn. Ông cam kết làm hết mình để 3 ngày diễn đàn hiệu quả nhất. Ông cho rằng, Diễn đàn không chỉ kéo dài 3 ngày mà sẽ diễn ra 365 ngày trong cả năm bằng các kết nối, giữ liên lạc của tất cả các chuyên gia và khách mời trong và sau diễn đàn. Chi phí cho diễn đàn được tài trợ bởi chính quyền thành phố Istanbul. Quỹ dịch thuật được tài trợ bởi Bộ Văn hóa. Ông thay mặt BTC cám ơn lãnh đạo của 2 địa phương và cơ quan này cũng như cám ơn các chuyên gia và khách mời từ khắp thế giới đã đến dự.
Sau đó là 2 phát biểu của lãnh đạo Instabul và Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Cả 2 đều chào đón các chuyên gia và lãnh đạo xuất bản toàn thế giới. Tất cả khẳng định đây là cơ hội để xuất bản thế giới ngồi lại với nhau, lắng nghe, bàn luận, trao đổi về xuất bản của hiện tại và tương lai. Lãnh đạo nước chủ nhà cũng mong việc trao đổi bản quyền giữa các nước và các nhà xuất bản thật hiệu quả.
Ngay sau lễ khai lạc là phiên tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Các cuộc gặp gỡ thương mại đang tăng lên là xu thế mới của xuất bản toàn cầu” (Professinal Business Meetings Rising as a New Trend in the Publishing World). Các chuyên gia của diễn đàn này là bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Frankfurt Book Fair, TS Muhammed Agirakca, của Thổ Nhĩ Kỳ và nhà báo Ed Nawotka từ tuần tạp chí Publishers Weekly.
Các chuyên gia nói về cách làm mới của xuất bản, xu hướng mới trong 5 năm tới, các giải pháp mới, những sự hỗ trợ mới, các platform mới, xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi giật mình, có một thứ luôn là sức mạnh của chúng ta, của mỗi lãnh đạo, mỗi nhà xuất bản mà nhiều người chưa để ý. Đó là niềm tin. Dù có là thời đại 4.0 hay 5G rồi sách số,… nhưng cần nhất là niềm tin của bạn đọc nói riêng, khách hàng nói chung và loài ngoài với nhau trên tổng thể. Có niềm tin là có tất cả!
Ngay sau tọa đàm là các cuộc gặp song phương và đa phương. Mỗi vị khách được cấp 1 bàn làm việc, có biển tên, số bàn và biên bản mẫu. Thật chuyên nghiệp. Bàn của tôi là 212. Các cuộc gặp đã được hẹn trước. Liên tục và liên tục.
Trong các cuộc gặp ngày đầu tiên tôi ấn tượng nhất với nửa tiếng trao đổi với bà Gvantsa Jobava, Chủ tịch hội Xuất bản Georgia, quốc gia vừa là khách mời danh dự của Hội sách Frankfurt 2019. Bà rất yêu quý Việt Nam và sẵn sàng đến Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm làm khách mời danh dự. Bà cũng sẵn sàng thuyết trình tại Hội sách Hà Nội sắp diễn ra. Bà nói rằng đã nghe nhiều về Việt Nam, biết rằng ở đây biển đẹp và con người hiếu khách, món ăn lại ngon nữa.
Tôi cũng rất ấn tượng với 30 phút ngồi với ông Emrah Kisakurek, Chủ tịch hội Báo chí và Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã giới thiệu về các nhà văn, nhà thơ và các tác giả nổi tiếng của đất nước ông. Ông nói về lịch sử quốc gia từ thời Ottoman đến nay, về những cây cầu cổ và các di sản văn hóa, kiến trúc. Ông giới thiệu về tác giả nổi tiếng Necip Fazil đã để lại hơn 100 tác phẩm và muốn phối hợp với bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Hà Books xuất bản một số đầu sách quý tại Việt Nam.
Từ 17h đến 18 giờ là tọa đàm về sách trẻ em trên thế giới (Children Books in the World) với sự tham gia của chuyên gia Oyunchimeg Bayarsaikhan từ Mông Cổ,Valentina Letunova đến từ Nga, Melike Gunyuz, đến ừ Thổ Nhĩ Kỳ và Stephan Mijajlovic đến từ Serbia. Quá nhiều thông tin bổ ích cho các nhà xuất bản có xuất bản sách thiếu nhi như Thái Hà Books chúng tôi mà có lẽ tôi phải viết 1 bài riêng chuyên sâu.
Đến 19h30 diễn ra tiệc chiêu đãi cho tất cả khách mời. Tiệc diễn ra tại 1 nhà hàng có tuổi đời 404 năm. Trước đây là 1 trường đại học. Tiệc rất ngon và đặc biệt âm nhạc cổ truyền dân tộc được biểu diễn liên tục không ngừng. Cuối bữa tiệc là phát biểu cám ơn của lãnh đạo Istanbul và chủ tịch hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ. Rất ngắn gọn và súc tích.
Ngay sau đó là chương trình tham quan bảo tào lớn và giá trị hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ Hagia Sophia. Đây là nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ thứ 6. Sau khi xuất hiện đạo hồi thì nơi này trở thành nhà thờ hồi giáo. Và sau này thành bảo tàng. Tôi rất ít khi được xem 1 công trình nào vĩ đại thế này, kể cả các công trinh ở Italy, Iraq, Hy Lạp hay Ai Cập. Rất khâm phục kiến trúc và mỹ thuật của 15 thế kỷ trước.
Tôi về đến khách sạn đã khuya. Đồng hồ chỉ 11h30, tức đã 03h30 sáng ở Việt Nam. Nhất định phải viết ngay bài viết ngắn này để ở trong nước có những cái nhìn và thông tin sơ bộ. Viết để những ai chưa có cơ hội may mắn như tôi, nhất là lãnh đạo các công ty sách và các nhà xuất bản có thể có thêm thông tin và cùng nhau đưa ra các ý tưởng, các sáng kiến cho xuất bản Việt Nam bứt phá ngay trong 2019 này.
Ngày mai, 27 tháng 2, cũng sẽ có 2 tọa đàm lớn. Lúc 10h15 là tọa đàm “Ngành xuất bản thế giới” với sự diễn thuyết và tham gia của tôi cùng với bà Cate Blake đến từ nhà xuất bản Penguin Random House và ông Thomas Atasana đến từ Indonesia. Dẫn chương trình và điều phối sẽ là ông Emrah Kisakurek của hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc 17 giờ chiều mai, sẽ diễn ra tọa đàm tiếp theo “Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ như một ngôn ngữ dịch thuật” (Turkish as a Translation Language) với sự tham gia của chuyên gia Orhan Acikgoz từ Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Chieko Adachi đến từ Nhật Bản và Apollinaria Avrutina đến từ Nga.
Mỗi ngày trôi qua là bao kiến thức, kinh nghiệm học được từ 288 chuyên gian đến từ khắp thế giới. Không thể tuyệt vời hơn. Tiếc rằng các đồng nghiệp của tôi và các chuyên gia xuất bản Việt Nam, trong đó có lãnh đạo hội Xuất bản nước nhà không có mặt tại đây. Tiếc vô cùng.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đêm 26/02/2019
>>> Bài trước: Buổi làm việc với Hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày khai mạc Diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship 2019
Tin liên quan
Ts. Nguyễn Mạnh Hùng là diễn giả của Ngày hội văn hóa đọc Indonesia – Literaction Festival 2019
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Ngày hội văn hóa đọc Literaction Festival (Litbeat) Indonesia diễn ra trong 2 ngày 02 và 03 tháng 09 năm 2019. Diễn đàn được tổ chức... Đọc tiếp
Xu thế xuất bản tại các quốc gia ASEAN: Hợp tác One Asean liệu có khả thi?
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
– Ông Dominador D. Buhain, Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Rex, Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Asean, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Châu... Đọc tiếp
Reading Books Together số 55: 21 nguyên tắc tự do tài chính
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks - Ai cũng muốn mình có 1 cuộc sống giàu sang, tiêu tiền không cần phải suy nghĩ. Nhưng rất ít người có thể hài lòng... Đọc tiếp