Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan hết mình ủng hộ văn hóa đọc
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks - Hội sách Quốc tế Indonesia diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 4 đến 8 tháng 9 năm 2019. Cùng chuỗi với sự kiện quan trọng này của ngành xuất bản Indonesia đã diễn ra festival văn hóa đọc Indonesia Literaction Festival 2019. Litbeat (Literaction Festival) được tổ chức bởi Ủy ban Quốc gia Indonesia về sách (National Book Committee). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Litbeat được tổ chức và chủ đề năm nay là “What’s Next” bàn về tương lai của sách và xuất bản với sự tham gia của các chuyên gia, khách mời đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. BTC muốn học hỏi và tạo cảm hứng để thúc đẩy văn hóa đọc tại Indonesia.
Tôi thật may mắn được mời làm diễn giả của một tọa đàm có tên là “Paving the streets with books”, tạm dịch là “Lát kín các con phố bằng sách”. BTC rất chu đáo lo toàn bộ chi phí máy bay, ăn ở, đi lại, thù lao. Ngoài ra luôn có ít nhất 1 bạn trẻ người Indonesia luôn túc trực để xem tôi có cần hỗ trợ gì không. Quá chu đáo!
Bản trình bày của tôi thật đơn giản và thật tâm về những trải nghiệm của chính mình, với những gì mình đã và đang làm, đã thấy và biết rất rõ ngay tại Việt Nam. Tôi nói về các chương trình mà chúng tôi đã làm như Reading Tour, Reading Books Together, cam kết 100% sách Thái Hà xuất bản là có bản quyền và nhà sách Bản quyền đầu tiên tại Việt Nam, về các lớp đọc sách siêu tốc mà chúng tôi đã giảng dạy. Tôi nói về các dự án đang triển khai rất tốt ở Việt Nam như Không gian đọc, Sách và Hành động, Điểm đọc,… Tôi giới thiệu về Đường Sách, Phố Sách tại TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột. Tôi nói về mong muốn và kế hoạch muốn sớm có quỹ Khuyến đọc, luật Khuyến đọc, bảo tàng Sách và Văn hóa đọc tại Việt Nam. Cứ vậy tôi say sưa nói về những tâm huyết của mình.
Hội trường đông kín khán giả, cả người Indonesia lẫn khách quốc tế. Nhìn giữa hội trường tôi thấy chị Laura Prinsloo, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Indonesia ngồi chăm chú lắng nghe. Bên cạnh chị là một người mà tôi thấy là đang mặc quân phục (như một tướng lĩnh quân đội hay cảnh sát). Ông ấy cũng rất chăm chú lắng nghe (Sau này mới biết đó là đồng phục của quan chức nhà nước).
Tôi cũng bám sát ý tưởng của chủ đề “What’s Next”, rằng liệu trong tương lai có thể thiết kế một thành phố dựa trên các hoạt động đọc sách hay không. Rằng thế giới đã có 2 giải thưởng rất đặc biệt để trao cho các thành phố đẩy mạnh văn hóa đọc là Thủ đô Sách Thế giới (World Book Capital) và Thành phố Văn chương (City of Literature). Rõ ràng UNESCO và cả thế giới đang nỗ lực để việc đọc được quan tâm và đẩy mạnh. Những người tâm huyết với tương lai của văn hóa đọc đang thật sự rất cầu thị lắng nghe và học hỏi từ các nỗ lực của các thành phố, các tập thể và cá nhân trên thế giới. Rõ ràng chính phủ và ngành xuất bản Indonesia thông qua Litbeat tìm cách để các thành phố của quốc gia với 17.000 hòn đảo này tăng cường hoạt động đọc đến tận từng cộng đồng.
Ngay sau khi buổi diễn thuyết kết thúc, chị Laura Prinsloo tìm gặp tôi. Chị bảo Thị trưởng Thủ đô Jakarta muốn gặp riêng tôi tại phòng làm việc của ông lúc 16h và muốn tôi trình bày lại bài nói chuyện của tôi thêm một lần nữa. Chị hẹn đón tôi lúc 15h30 và cùng đến đó.
Đúng giờ, chúng tôi đến tòa thị chính Jakarta. Đi cùng tôi dĩ nhiên có chị Laura Prinsloo và 2 quan chức khác của ngành xuất bản Indonesia. Chúng tôi ngồi đợi, chưa kịp uống xong cốc trà Indonesia thì Thị trưởng bước vào. Tôi nhận ra ông ngay bởi ông chính là người mặc áo (mà tôi đã tưởng rằng đó là đồng phục của quân đội hay cảnh sát) và ngồi cạnh chị Laura khi nghe tôi thuyết trình.
Thị trưởng Anies Baswedan cười rất tươi và bắt tay tôi rất thân mật. Ông nói chuyện bằng tiếng Anh, với giọng nói rất ấm và rất nhẹ nhàng. Rằng ông rất ấn tượng về bài trình bày về khuyến đọc của tôi. Rằng ông đã nghe toàn bộ và nghĩ rằng có nhiều thứ để học. Ông đề nghị tôi ngay bây giờ trình bày lại một lần nữa cho tất cả các quan chức Thủ đô Jarkarta nghe.
Tôi rất bất ngờ. Bởi tôi chỉ nghĩ trong đầu rằng do ấn tượng với bài trình bày của tôi vào buổi sáng nên ông Thị trưởng Anies Baswedan muốn gặp riêng tôi để cám ơn thôi.
Tôi nhất trí và chúng tôi tiếp tục nói chuyện. Tôi thì cũng chia sẻ thật rằng thấy ông có khuôn mặt rất quen. Rằng trông ông khá giống với ông Bộ trưởng bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia mà tôi đã gặp tại hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair 2015, khi Indonesia là Khách mời Danh dự. Ông cười rất tươi và vui. Mấy quan chức đứng nói chuyện đùa rằng họ là hai anh em. Tất cả cùng cười. Còn tôi vẫn ngớ người ra.
Lát sau ông cười và nắm chặt tay tôi nói rằng, đó chính là ông. Khi đó ông là Bộ trưởng và sau này mới nhận chức Thị trưởng Jakarta. Ông nói thêm rằng trong thành phố Jakarta đã có tới 10 triệu dân và nếu tính cả vùng lân cận thì dân số đã là 30 triệu. Và ông rất quan tâm đến văn hóa đọc, đến khuyến đọc. Rằng những gì ông nghe tôi trình bày sáng nay có thể học được để ứng dụng tại Jakarta. Tôi cảm nhận rất rõ sự ủng hộ văn hóa đọc của ông.
Ông kể rằng 2 năm trước đã đến Hà Nội và rất thích Việt Nam. Ông muốn sẽ đi Việt Nam sớm nhất và được tôi dẫn đi thăm Hà Nội và TP HCM.
Tôi và Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan cùng chụp ảnh chung với lá cờ Reading Books Together ngay tại tòa thị chính Jakarta. Thật là tuyệt vời.
Thế rồi chúng tôi vào một phòng họp lớn hơn. Máy tính, máy chiếu đã chuẩn bị sẵn. Bà Sri Haryati là trợ lý về tài chính và kinh tế của Thị trưởng Anies Baswedan giới thiệu các quan chức tham gia nghe trình bày. Tôi nhớ nhất là có William Sabandar, giám đốc hệ thống giao thông MRT Jakarta và ông Arief Nasrudun phụ trách kinh tế của thành phố và một ông nữa phụ trách 5 thư viện của thủ đô Jakarta. Quan chức đông lắm, cả một phòng lớn, ngồi vòng tròn kín nên tôi không thể nhớ hết được.
Tôi lại trình bày về những gì đã và đang triển khai ở Việt Nam trong công tác khuyến đọc. Tất cả lắng nghe chăm chú. Thỉnh thoảng họ lại dừng lời tôi để hỏi.
Một điểm rất ấn tượng với tôi rằng Thị trưởng Jakarta Baswedan nói tiếng Anh rất tốt. Hơn thế nữa, cả buổi trình bày của tôi bằng tiếng Anh mà tất cả các quan chức Jakarta nghe và trao đổi ngon lành. Trong toàn buổi trao đổi không hề nghe thấy tiếng Indonesia.
Ngay sau khi kết thúc phần trình bày là phần trao đổi. Tất cả cùng bàn về khuyến đọc ở Jakarta. Tôi gợi ý mỗi ga tàu điện ngầm MRT của Jakarta nên có một không gian đọc sách miễn phí. Tôi gợi ý Jakarta nên có Phố Sách. Các lãnh đạo có vẻ băn khoăn chưa tìm ra một con phố nào ngon lành như Hà Nội và TP HCM nên tôi gợi ý có thể xây dựng Vườn Sách (Book Garden) hoặc Không gian Sách (Book Space) chứ không nhất thiết là Book Street. Tôi rất thích các thư viện mở (Open Libraries) hiện nay. Chúng tôi bàn về các hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc ở các cộng đồng dân cư, các trường học, cơ quan và các gia đình. Nhiều ý kiến cùng được đưa ra và bàn bạc.
Nói thật là tôi thấy các quan chức Jakarta rất quan tâm đến phát triển văn hóa đọc. Nghe họ chia sẻ mà tôi thấy vui vô cùng. Cách trao đổi của họ rất cởi mở, rất sáng tạo, rất thực tiễn.
Buổi tối ngày chia tay Indonesia, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan chiêu đãi tiệc. Ông gặp gỡ tất cả các khách mời, diễn giả từ khắp thế giới đã đến với Jakarta, đến với Festival Litbeat, đến với Hội sách Quốc tế Indonesia, đến với Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản ASEAN. Tiệc diễn ra ngay trong tòa thị chính. Đoàn xe chở chúng tôi có xe cảnh sát dẫn đường nên đến nơi nhanh hơn mức tưởng tượng trong giờ cao điểm buổi chiều.
Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan bước vào và bắt tay tôi. Ông nói về cảm nhận của các quan chức Jakarta sau khi nghe tôi trình bày. Ông nói về văn hóa đọc của Jakarta hiện tại và tương lai. Rồi ông lên phát biểu cám ơn tất cả khách mời dự tiệc. Ông nói nhiều về những thành tựu ngành xuất bản Jakarta và Indonesia, về văn hóa đọc của thủ đô hiện tại và tương lai. Ông nhấn mạnh rằng văn hóa đọc và tri thức ở đây không thể tách rời khỏi thế giới và rất cần các chuyên gia, diễn giả chung tay, chung tâm.
Trước khi rời tiệc chiêu đãi, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan lại tìm đến tôi. Ông đưa danh thiếp của ông cho tôi. Ông nói muốn cử đoàn lãnh đạo Jakarta đi Việt Nam sớm nhất. Ông nói rằng, không chỉ ông mà các lãnh đạo thành phố Jakarta rất quan tâm đến sách và tri thức, và đang tìm mọi cách để thúc đẩy văn hóa đọc ở đây. Chúng tôi nói nhiều chuyện về khuyến đọc. Tôi cảm nhận rất rõ sự ủng hộ văn hóa đọc của ông.
Tôi rời Jakarta về TP HCM và bay về Hà Nội. Hình ảnh của Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan, một lãnh đạo có tầm nhìn cho tri thức và tận dụng mọi cơ hội để học hỏi cứ hiện trong đầu tôi. Tôi thấy một hình ảnh đẹp khi người đứng đầu một thành phố lớn mà lại bước vào một buổi tọa đàm và ngồi bên dưới để nghe, không ai biết. Đơn giản ông muốn là một khán giả, muốn được nghe để học hỏi. Phát hiện ra cái hay, ông ra quyết định ngay. Thật tuyệt vời.
Khi ngồi gõ những dòng chữ này ôi nhớ đến những lãnh đạo Việt Nam hết mình tâm huyết với sách và tri thức, hết mình mình ủng hộ văn hóa đọc mà tôi biết rất rõ. Đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (từ thời còn là Phó bí thư Thành ủy TP HCM), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (từ thời còn là TGĐ Viettel),… Tôi nhớ đến những người anh, người chị rất tâm huyết với văn hóa đọc như anh Nguyễn Kiểm, anh Lê Thái Hỷ, anh Lê Hoàng, chị Quách Thu Nguyệt, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, anh Phạm Thế Khang, anh Nguyễn Hữu Giới,… Nhiều lắm. Tôi hạnh phúc bởi văn hóa đọc Việt Nam đang phát triển mạnh và có những con người tâm huyết và hết mình mà không thể kể hết ngay lúc này.
Và tôi giật mình nhớ về 3 từ khóa ở trang trình bày cuối của mình là passion (đam mê), emotion (cảm xúc) và motion (chuyển động về phía trước). Rõ ràng khuyến đọc, thúc đẩy văn hóa đọc (reading promotion) rất cần đam mê, cảm xúc và tinh thần thúc đẩy để tiến về phía trước.
Tôi sẽ liên lạc ngay và chuẩn bị tinh thần chào đón các lãnh đạo cũng như các bạn bè Jakarta, Indonesia đến với Việt Nam. Chúng ta cùng mở tâm ra để chào đón và học hỏi từ các chuyên gia, bạn bè từ khắp thế giới. Tất cả để khuyến đọc và cho văn hóa đọc Việt Nam phát triển và đột phá.
Jakarta – Hà Nội
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty sách Thái Hà
————————————–
>>> Xem bài trước: Thái Lan chính thức nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN nhiệm kỳ 2020 – 2021
Tin liên quan
Ts. Nguyễn Mạnh Hùng là diễn giả của Ngày hội văn hóa đọc Indonesia – Literaction Festival 2019
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks- Ngày hội văn hóa đọc Literaction Festival (Litbeat) Indonesia diễn ra trong 2 ngày 02 và 03 tháng 09 năm 2019. Diễn đàn được tổ chức... Đọc tiếp
Xu thế xuất bản tại các quốc gia ASEAN: Hợp tác One Asean liệu có khả thi?
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
– Ông Dominador D. Buhain, Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản Rex, Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Asean, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Châu... Đọc tiếp
Reading Books Together số 55: 21 nguyên tắc tự do tài chính
Thái Hà Books
Th 3 30/07/2024
ThaiHaBooks - Ai cũng muốn mình có 1 cuộc sống giàu sang, tiêu tiền không cần phải suy nghĩ. Nhưng rất ít người có thể hài lòng... Đọc tiếp