[PC WORLD] Thuật ngữ những con kỳ lân – Unicorn xuất hiện lần đầu trong một bài viết trên trang công nghệ TechCrunch vào năm 2013. Trong bài viết đó, tác giả Aileen Lee – một nhà đầu tư đã tìm kiếm và đưa ra danh sách những công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian ngắn. Và Aileen Lee muốn có một thuật ngữ để có thể minh họa được nhóm khởi nghiệp công nghệ mới có giá trị trên 1 tỷ USD và được thành lập sau năm 2003. Vào thời điểm bài báo được xuất bản, cô đã tìm thấy 39 con kỳ lân đã đáp ứng các tiêu chí này.
Những đặc tính của Unicorn là gì? Đầu tiên hẳn là sự quý hiếm. Hồi năm 2013, người sáng tạo ra thuật ngữ này ước tính rằng, trong 1539 công ty Internet và phần mềm mới xuất hiện thì chỉ có 1 trong số đó được xem là Unicorn. Một công ty tỷ đô không xuất hiện thường xuyên và Unicorn là câu chuyện thành công hiếm có của những người mới bắt đầu.
Một đặc tính khác của Unicorn là sự khao khát. Những con Unicorn muốn cách mạng hóa thế giới và một trong những khẩu hiệu cửa miệng của giới công nghệ thường được nhắc đến mỗi khi họ tung ra sản phẩm mới là “thay đổi thế giới”.
Ngay từ đầu, Uber không chỉ là xây dựng một ứng dụng để gọi xe – mà bản chất của nó nhắm vào nhu cầu đi xe taxi và cung cấp cho người dùng mức giá tốt hơn. Những con Unicorn đang có sứ mệnh xây dựng những điều mà thế giới chưa bao giờ thấy trước đây và họ muốn giải quyết vấn đề mới ở quy mô khổng lồ.
Mặc dù có giá trị lớn nhưng thế giới phải công nhận rằng Unicorn rất khó nắm bắt. Unicorn là một thuật ngữ đầy tính lãng mạn và mạnh mẽ của giới công nghệ, chúng ở xa tầm với của nhiều người, chúng tạo ra được những điều kỳ diệu và rất hiếm gặp.
Một số thống kê thú vị về Unicorn
Kỳ lân khởi nghiệp sống ở đâu?
Những Unicorn mới xuất hiện trong nửa đầu năm 2017 đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng ta có Fintech (Paytm – nhà cung cấp dịch vụ thương mại di động, và Robinhood – nền tảng giao dịch chứng khoán), nhà thông minh (Katerra – khởi nghiệp xây dựng và View – nhà sản xuất kính thông minh) và xe đạp (Ofo và Peloton- nhà sản xuất xe đạp thể dục và các bài tập).
Tất nhiên cũng không thể thiếu các doanh nghiệp phần mềm (CrowdStrike – bảo mật an ninh mạng, và Symphony – nền tảng nhắn tin doanh nghiệp) và Internet tiêu dùng (trang web câu hỏi và trả lời Quora và Zhihu).
Nơi sản sinh ra Unicorn ít có sự thay đổi về địa lý. Sự áp đảo của những công ty khởi nghiệp xuất hiện trong danh sách trị giá tỷ USD đều đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Tại Mỹ có 13 con kỳ lân mới, trong khi Trung Quốc đã xuất xưởng được 8 công ty tỷ USD như vậy trong năm 2017. Ấn Độ và Anh đều có một Unicorn xuất hiện. Điều này không có gì là quá mới lạ bởi trong danh sách 231 Unicorn thì có tới 121 công ty đang đặt trụ sở tại Mỹ và 66 đến từ Trung Quốc.
Decicorn – những con kỳ lân vĩ đại
Unicorn được sử dụng nhằm mô tả startup có giá trị trên 1 tỷ USD nhưng hiện nay thế giới đã có cả đàn ngựa một sừng như vậy. Trên thực tế, nhiều công ty khởi nghiệp được đánh giá cao bây giờ có giá trị hơn 10 tỷ USD. Chúng được gọi là “decicorn”.
Những decicorn hiện nay đều đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Hiện thế giới có 15 decicorn, trong đó dẫn đầu danh sách hiện nay chính là Uber – trị giá 62 tỷ USD, mặc dù có nhiều xáo trộn khi Travis Kalanick – CEO và là đồng sáng lập từ chức nhưng họ nhanh chóng tăng vốn từ Quỹ Đầu tư công cộng Ả Rập Saudi. Trong số 15 decicorn này, lâu đời nhất phải kể đến SpaceX của Elon Musk (2002) và trẻ tuổi nhất là DiDi ChungXin đến từ Trung Quốc (2012) – ứng dụng gọi xe. Sau cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc, Uber đã đầu hàng và chấp nhận để Didi Chuxing mua lại. Chính Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing hồi tháng 5/2016.
Unicorpse – Con kỳ lân chết
Unicorpse là một unicorn chết (con kỳ lân chết) – một doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được giá trị 1 tỷ USD, sau đó suy giảm và thất bại trước khi ra được công chúng. Unicorpse được ví như dịch bệnh , bong bóng công nghệ. Như đã nhắc đến ở trên, Unicorn mạnh mẽ nhưng khó nắm bắt, việc được định danh tỷ USD trước khi lên sàng là một trong những nhận định chủ quan tốn kém nhất mà thế giới từng biết đến.
Cái chết đình đám được dự đoán sớm nhất của Unicorn chính là Evernote. Đây một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, làm ra ứng dụng ghi chú trên điện thoại thông minh. Sau khi tăng trưởng mạnh trong vài năm, được các nhà đầu tư rót khoảng 270 triệu USD và được định giá ở mức 1 tỷ USD, Evernote bắt đầu lâm vào khó khăn trong năm 2015. Chỉ sau 1 năm công ty này đã được mở rộng quá mức, chi tiêu quá nhiều tiền và đã đánh mất 20% giá trị. Nhưng Evernote vẫn còn sống sót, còn đối với sự sụp đổ của Theranos – một công ty cung cấp thiết bị xét nghiệm máu đình đám ở Mỹ là một cuộc khủng hoảng kịch tính mà có thể dựng thành phim.
Theranos đã được định giá 9 tỷ USD vào năm 2014 và biến người đứng đầu của nó là Elizabeth Holmes đứng thứ nhất trong danh sách “Người giàu nhất nước Mỹ” của tạp chí Forbes. Tuy nhiên, sự thật bị phanh phui vào giữa năm 2015 khi nhiều tổ chức của Mỹ cho rằng các xét nghiệm của Theranos không chính xác và bị chính quyền cấm mở các phòng thí nghiệm tiếp theo. Ngay lập tức, Theranos quay trở về giá trị thực chỉ vào khoảng 800 tiệu USD, thay vì con số 9 tỷ USD được tung hô. Giá trị tài sản của công ty hiện nay bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và 724 triệu USD vốn góp từ nhà đầu tư cũng đã biến số cổ phần của nữ sáng lập Holmes gần như có giá trị bằng 0. Câu chuyện này đã gây chấn động giới startup thế giới. Gầy đây nhất, tỷ phú Ruport Murdoch – một trong những ông trùm truyền thông – quyết định bán số cổ phiếu trị giá 125 triệu USD của startup Theranos với cái giá không tưởng 1 USD. Từng được định giá tới 9 tỷ USD và được tung hô như một sự thay đổi thế giới vậy mà chưa đầy 1 năm sau, công ty này đã đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Những con kỳ lân như Theranos , One King’s Lane hay Evernote thường sụp đổ sau những vụ scandal hoặc có vài yếu tố bất thường vốn được xem là hiếm hoi. Nhưng cùng với sự bùng nổ của startup thì những tình huống vốn xa xỉ này ngày càng phổ biến ở Thung lũng Silicon. Zynga đã phải rao bán văn phòng của mình và Twitter buộc phải thuê đi thuê mới văn phòng khi doanh thu trong kinh doanh tiếp tục gây thất vọng. Thậm chí Uber đã mất 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016 và 4 tỷ USD sau 7 năm.
Unicorn – thần thánh hóa hay chỉ là công cụ kiếm tiền
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia và Đại học Stanford, trong danh sách Unicorn thì có tới hơn một nửa các công ty không xứng danh thần thoại này. Họ đã sử dụng khá nhiều chiêu trò để tăng giá trị của bản thân. Những công cụ được sử dụng để tạo đòn bẩy trong thương lượng giá cao với các nhà đầu tư thường đi kèm với chi phí của nhân viên và sự bổ sung ồ ạt cổ đông sớm, đôi khi làm giảm mạnh giá trị thực của cổ phiếu.