Chào mừng bạn đã đến với Thái Hà Books!

Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật – Sống chậm lại, kết nối với thiên nhiên để hạnh phúc lâu dài

08/06/2021 Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật – Sống chậm lại, kết nối với thiên nhiên để hạnh phúc lâu dài

[ThaiHaBooks] Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá – tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực.

Bằng cách nào thiên nhiên lại khiến chúng ta rung cảm đến vậy? Là một nhà khoa học, Quing Li đã nghiên cứu khía cạnh của cảm giác này nhiều năm trời. Ông muốn tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ chịu khi ở giữa thiên nhiên. Sức mạnh bí ẩn nào của cây làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc? Tại sao chỉ cần đi bộ trong rừng là chúng ta đã cảm thấy bớt căng thẳng và được tiếp thêm năng lượng. Cuốn sách là công trình nghiên cứu của bác sĩ Quing Li về y học rừng để tìm hiểu toàn diện những phương pháp đi bộ trong rừng giúp cải thiện sức khỏe của con người.

Bác sĩ Quing Li là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về liệu pháp tắm rừng. Bác sĩ Li là phó chủ tịch kiêm Chánh văn phòng của Hiệp hội Quốc tế về Y học Tự nhiên và Y học Rừng, Chủ tịch Hiệp hội Y học Rừng Nhật Bản. Ông cũng là thành viên Ban giám đốc của Hiệp hội Liệu pháp Rừng tại Nhật Bản.

Con người vốn được lập trình để kết nối với thế giới tự nhiên

Ở Nhật Bản, có một liệu pháp tên là tắm rừng, Shinrin-yoku. Shinrin có nghĩa là “rừng”, còn yoku có nghĩa là “tắm”. Shinrin – yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài. Chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. 

Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1982 bởi Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản với mong muốn cổ vũ cho lối sống lành mạnh cùng việc phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên của đất nước. 

Năm 1986, Cục Lâm nghiệp cùng với Hội Văn minh Xanh đã tiến hành quản lý 100 khu rừng ở Nhật Bản, phổ cập rộng rãi khái niệm tắm rừng, đồng thời chú trọng đến công tác bảo tồn tại các khu vực này.

Nếu như ở trong nhà, chúng ta thường chỉ sử dụng hai giác quan là thị giác và thính giác thì ngoài trời là nơi ta có thể dùng tất cả các giác quan, có thể hít ngửi mùi hoa, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận cái se lạnh mơn trớn trên da. 

Năm 1984, nhà sinh học người Mỹ E.O.Wilson đã làm nổi bật khái niệm Biophilia – con người có nhu cầu bẩm sinh kết nối với thiên nhiên. Ông tin rằng chúng ta yêu thiên nhiên bởi đã học được cách trân quý những gì giúp bản thân sinh tồn. Chúng ta cảm thấy dễ chịu giữa thiên nhiên bởi đó là nơi chúng ta sinh sống phần lớn quãng đời trên Trái Đất. 

Bác sĩ Quing Li cũng cho rằng chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên. Nhịp điệu của chúng ta là nhịp điệu của thiên nhiên và Shinrin-yoku giống như một cây cầu, “mở ra các giác quan, liệu pháp này nối liền chúng ta với thiên nhiên”

Càng nhiều cây xanh, càng hạnh phúc

Cây xanh giúp chúng ta suy nghĩ thông suốt hơn, sáng tạo hơn, làm cho chúng ta trở nên thân thiện và hòa nhã. 

Thậm chí đáng kinh ngạc hơn là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ không chỉ khiến chúng ta thấy dễ chịu mà còn thực sự cải thiện sức khỏe của chúng ta. Hoạt động đi bộ trong một khu rừng xinh đẹp mang lại công dụng trực tiếp đến sức khỏe mà không phương thuốc nào có được.

Tắm rừng có thể cải thiện giấc ngủ và tâm trạng của bạn, giúp bạn giảm đáng kể những hành vi tiêu cực và trở nên thân thiện hơn. Tắm rừng làm giảm nhịp tim và huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và quá trình chuyển hóa, thúc đẩy hệ miễn dịch tốt hơn. 

Cuốn sách cũng cung cấp thêm thông tin rất thú vị về mối liên hệ giữa tắm rừng và điều trị chứng lo âu, trầm cảm cùng những vấn đề sức khỏe đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. “Trong đất có chứa một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium vaccae, chúng ta hít vào khi ở trong rừng. Vi khuẩn này hoạt động giống như thuốc chống trầm cảm và có thể hiệu quả hơn so với một số thuốc kê toa trong giải tỏa tâm trạng”. 

Ngoài ra trong cây còn có những hợp chất được gọi là phytonicides có thể giúp làm giảm mức độ hormone căng thẳng ở cả nam và nữ.

Về việc thực hành liệu pháp tắm rừng, bác sĩ Quing Li cho rằng có nhiều cách để bạn thực hiện, không nhất thiết cứ phải lang thang một mình trên sườn núi mới cảm nhận được sự tráng lệ của thiên nhiên, mà khi chúng ta tập trung xem một phim tài liệu như Planet Earth (Hành tinh Trái đất) hay ngắm nhìn hình chụp cây cối, sử dụng tinh dầu, mang thiên nhiên vào nơi làm việc, đi chân đất,… Tất cả đều sẽ giúp bạn kết nối và chú tâm với thế giới tự nhiên. 

Bao lâu rồi bạn chưa dành thời gian đắm mình trong thiên nhiên vào cuối tuần? Bạn có muốn tận hưởng những lợi ích mà thiên nhiên mang lại? Muốn vậy, việc đầu tiên là cần hiểu về thiên nhiên, về cách thiên nhiên chữa lành cho con người thông qua tìm hiểu liệu pháp “tắm rừng” của người Nhật. Tắm rừng hiện đang là thói quen phổ biến tại Nhật Bản, là một nét đẹp tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản.

Cuốn sách “Shinrin yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” không chỉ giới thiệu khái niệm tắm rừng, lý giải lợi ích của nó dưới góc độ khoa học mà còn được trình bày đẹp đẽ với những bức ảnh nghệ thuật về rừng, giúp bạn khi lật mỗi trang sách cũng sẽ được đắm mình vào thế giới thiên nhiên, được kết nối và được chữa lành tâm hồn. Hi vọng rằng sau khi gấp cuốn sách, bạn có thể tắt bớt các thiết bị điện tử, tách mình ra khỏi những căng thẳng, hòa mình vào tự nhiên để bước tới một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh.

Ngọc Diễm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan
7 ngày khởi nghiệp: “Hãy tiến hành nhanh và phá vỡ mọi thứ”

7 ngày khởi nghiệp: “Hãy tiến hành nhanh và phá vỡ mọi thứ”

15/08/2019

Khởi nghiệp ở đây không chỉ tự mình kinh doanh, mà là tự mình làm chủ dự án và công việc mà ta đang theo đuổi.Thật thú vị vì lúc...

Ám ảnh ăn sạch: Nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống từ nỗi ám ảnh ăn sạch

Ám ảnh ăn sạch: Nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống từ nỗi ám ảnh ăn sạch

10/07/2021

[ThaiHaBooks] Nỗi ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh hay ăn sạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con...

Sự suy thoái của Phương Tây – Cú chuyển mình của châu Á

Sự suy thoái của Phương Tây – Cú chuyển mình của châu Á

15/01/2019

Sự phát triển và suy thoái của phương Tây Nửa cuối những năm 1800, theo Maddison (1995), châu Á chiếm hơn 60 phần trăm tổng sản phẩm xã hội (GDP)...

Vì Sao Đất Nước Ta Còn Nghèo

Vì Sao Đất Nước Ta Còn Nghèo

04/01/2018

Vì sao đất nước ta còn nghèo?Vì sao Việt Nam chưa bằng được các nước khác kể cả các nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lí trong khu...