[ThaiHaBooks] “La mắng trẻ” là chuyện phổ biến ở hầu hết các gia đình. La mắng cũng không hẳn là xấu. Ngược lại, làm gì có đứa trẻ nào có thể trưởng thành mà không hề bị cha mẹ la mắng. Tuy nhiên, nói là la mắng, nhưng khi phân tích từ các góc độ như “la mắng vì việc gì?”, “việc la mắng có giải quyết được vấn đề gì không?”, thì sẽ thấy có nhiều kiểu la mắng khác nhau. Ngoài ra, cũng có những gia đình mà ngày nào cha mẹ cũng la mắng con lặp đi lặp lại cùng một chuyện. Những gia đình như vậy không ít.
Qua kinh nghiệm 30 năm trong ngành giáo dục, tác giả Katsunori Ishida đã tư vấn trực tiếp cho hơn 3.500 học sinh và làm việc với hơn 50.000 trẻ em và cha mẹ các em; tác giả đã nhận ra rằng có rất nhiều gia đình đang trong tình trạng “la mắng con thường xuyên”. Nhưng lại không có nhiều cha mẹ có thể trả lời được một cách hệ thống cho câu hỏi “phải xử lý tình huống này như thế nào?”. Ngay những lúc đối đầu với trẻ, chẳng phải chúng ta thường xử lý với những cảm xúc bộc phát sao? Cha mẹ cũng là con người, cũng có cảm xúc. Cha mẹ cũng chẳng phải là thánh nhân , cũng không thể nào xử lý hoàn hảo được.
Đó là điều hết sức bình thường. Nhưng, chúng ta hãy thử suy nghĩ xem.
Tại sao chúng ta lại la mắng trẻ?
Chúng ta mong đợi trẻ sẽ như thế nào sau khi chúng ta la mắng trẻ?
Nếu sau khi la mắng trẻ mà đạt được kết quả như mong đợi thì có thể việc la mắng đó đã phát huy tác dụng. Còn nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại việc la mắng mà không thấy gì thay đổi ở trẻ, thậm chí có khi tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn, thì việc la mắng đó có khả năng đã đi sai hướng.
Thế nhưng thật khó để chúng ta có thể giữ bình tĩnh trước khi mắng trẻ. Bởi vì dù gì đi nữa, ngay tại thời diểm đó cảm xúc của ta đang trong trạng thái cao trào nhất.
Vì vậy, sau khi rời khỏi những bận rộn hằng ngày và cha mẹ đọc cuốn sách này, bạn hãy coi đây là “chuyện người ta” để cùng suy nghĩ khách quan về việc la mắng trẻ. Bạn nhớ nhé, chuyện của người khác, không phải chuyện của mình.
Khi đã có cách nhìn bình tĩnh hơn rồi, bạn sẽ hiểu ra nhiều vấn đề. Để sau đó, khi vận dụng nó vào trường hợp của mình, bạn sẽ phát hiện ra những gợi ý quan trọng để biết cụ thể mình nên giải quyết như thế nào.
Mục lục:
Lời mở đầu
Nguyên tắc 1: Không có ai hoàn toàn cùng quan điểm với mình
Nguyên tắc 2: Nếu ép buộc thì trẻ sẽ không làm. Nếu có làm cũng chỉ là hình thức
Nguyên tắc 3: Mỗi người đều có ít nhất ba điểm mạnh
Nguyên tắc 4: Cha mẹ đã dừng phát triển trong khi trẻ vẫn đang phát triển không ngừng
Nguyên tắc 5: Trước hết, hãy “khuyên bảo”. Trong trường hợp cần thiết mới “la mắng”, “tức giận”
Lời cuối
Thông tin tác giả:
Katsunori Ishida: Là Giám đốc đại diện Phòng Nghiên cứu thiết kế chương trình giáo dục.
Ông sinh năm 1968. Năm 20 tuổi, ông thành lập công ty và mở trung tâm luyện thi, đến nay đã đào tạo trực tiếp cho hơn 3.500 học viên, và hơn 50.000 học viên bao gồm cả đào tạo gián tiếp.
Ông đã tổ chức rất nhiều chương trình như Mama Café, các buổi diễn văn, viết sách… với mong muốn “Giảm thiểu tình trạng trẻ em chán ghét việc học”.
Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như: Lập sổ tay cho trẻ không chịu học, Sổ tay đầu tiên cho trẻ, Tạo mối quan hệ sâu sắc – Sổ tay cha mẹ con cái, Trẻ tích cực có thể làm tốt mọi thứ, 5 thói quen giúp trẻ trưởng thành…
Trích đoạn sách:
[Nguyên tắc 1] Không có ai hoàn toàn cùng quan điểm với mình
Trước hết, cha mẹ cần hiểu một điều rằng, dẫu cha mẹ và con cái có khuôn mặt giống nhau đi nữa thì tính cách, quan điểm cũng không thể hoàn toàn giống nhau. Có nghĩa là, có rất nhiều gia đình, cha mẹ dùng quan điểm của mình để áp đặt vào con cái rong cư xử hằng ngày, nhưng thực chất con cái cũng có quan điểm riêng.
Chính sự không thống nhất này đã làm mối quan hệ tinh thần giữa cha mẹ và con cái trở nên xấu đi, gây ra rất nhiều cuộc xung đột.
Vì thế, không còn giải pháp nào khác ngoài việc ghi nhận những điểm tốt của con. Chứ việc nói với con rằng, chúng ta muốn con hiểu và thay đổi thì cũng không có tác dụng.
[Nguyên tắc 2] Nếu ép buộc thì trẻ sẽ không làm. Nếu có làm cũng chỉ là hình thức
Đối với những việc bị ép buộc thì con người luôn có xu hướng phản kháng. Đây là lẽ tự nhiên. Người ta nói “bằng mặt không bằng lòng”, con người khi bị đưa vào thế phải thực hiện điều gì đó thì dẫu bề ngoài họ ra vẻ có làm theo đi chăng nữa, nhưng sâu thẳm trong lòng chưa chắc họ đã muốn làm.
Ngay cả khi làm theo thì cũng chỉ là “làm theo người khác” chứ họ không còn tự chủ nữa. Tất nhiên trong các vấn đề mang tính luân lý đạo đức hay thói quen sinh hoạt, thì việc chỉ bảo. “Hãy làm thế này, thế kia!” có thể cần thiết ở mức độ nào đó. Nhưng trong vấn đề học hành, căn bản là nên tạo ra một môi trường kích thích sự ham thích học hỏi. Để làm được điều này, cha mẹ hãy thể hiện cho con thấy mình đang vui vẻ tận hưởng cuộc sống hằng ngày.
Bất cứ sự việc nào cũng đều có hai cách nhìn: tích cực và tiêu cực. Cách nhìn tích cực là tự dặn lòng “việc nào cũng cứ làm một cách vui vẻ”. Cứ như vậy, con cái sẽ được sống trong bầu không khí tích cực và dần trở nên vui thú với các hoạt động. Việc học hay những việc khác cũng sẽ được cải thiện theo. Bạn hãy nhớ rằng, con có thể không làm theo lời cha mẹ, nhưng sẽ bắt chước theo những việc cha mẹ làm.
[Nguyên tắc 3] Mỗi người luôn có ít nhất ba điểm mạnh
Trẻ con được sinh ra với ít nhất ba điểm mạnh.
Trong những điểm mạnh đó sẽ có điểm giúp ích cho công việc và cuộc sống của con sau này. Ở bậc tiểu học, có thể bạn chưa nhìn thấy được điểm mạnh này ở con, nhưng chắc chắn là con có.
Nếu bạn tìm ra hạt giống đó, tưới nước và tắm cho nó trong ánh nắng mặt trời thì hạt giống sẽ nảy mầm. Nước chính là những đồ ăn ngon, tốt cho sức khỏe, còn nắng chính là “nụ cười của cha mẹ”
Nhân tiện đây, bạn có biết ba thứ mà trẻ con cảm thấy thiếu vắng là gì không? Đó là “thiên nhiên”, “hình ảnh lao động của cha mẹ” và “nụ cười trong gia đình”.
Thế đấy, cha mẹ rất vĩ đại đối với trẻ. Bởi vì chỉ cần một nụ cười của cha mẹ thôi là con có thể an tâm và hy vọng. Do vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, trong trường hợp này thì cha mẹ – tức là cô Okada cần phải thay đổi. Làm cha mẹ vất vả vậy đấy. Có nhiều cha mẹ vừa phải nấu ăn, nuôi dạy con, vừa đi làm ngoài xã hội nữa. Phải làm tốt chừng đó vai trò, vậy mà con cái cứ phản kháng, không nghe lời thì bực bội cũng là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, để thay đổi hiện trạng, không còn cách nào khác là cha mẹ phải tự thay đổi suy nghĩ của bản thân. Hãy chuyển hướng sang suy nghĩ:
Bỏ qua chuyện trước đây, để từ giờ mỗi ngày đều vui vẻ, thú vị. Dù vậy, cũng có lúc ta cảm thấy cô độc vì mọi việc không được suôn sẻ. Khi đó, bạn nên tham gia những buổi hội thảo các bà mẹ để được kích hoạt năng lượng tích cực và trở nên vui vẻ.
Trên đây là bài viết của tôi. Bạn thấy thế nào?
Mặc dù bài viết của tôi đã được trình bày ngắn gọn và dễ hiểu, nhưng vẫn còn nhiều phần khó có thể giải thích đầy đủ hết được.
Do đó, tôi đã viết thành sách với nhiều ví dụ và phương pháp áp dụng khác nhau. Nếu trong bài viết trên, tôi đã viết “3 nguyên tắc” theo thứ tự ưu tiên giảm dần, thì trong cuốn sách này, tôi sẽ bổ sung thêm 2 nguyên tắc nữa và tạo thành bộ “5 nguyên tắc” để truyền đạt hết những điều mà tôi muốn nói. 2 nguyên tắc đó là:
[Nguyên tắc 4] Cha mẹ đã dừng phát triển trong khi trẻ vẫn đang phát triển không ngừng
[Nguyên tắc 5] Trước hết, hãy “khuyên bảo”. Trong trường hợp cần thiết mới “la mắng”, “tức giận”
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!