Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân cả nước ta náo nức đón xem bộ phim màu Việt Nam của đạo diễn điện ảnh Liên Xô Roman Karmen (1906 – 1978), xây dựng từ nửa thế kỷ trước, ngay trong những ngày cuối của chiến dịch lịch sử và những ngày đầu hòa bình, sau Hiệp định Genève.
Ánh sáng trong rừng thẳm, bút ký của chính Roman Karmen, xuất bản ở Moskva năm 1957, ghi lại chuyến đi đầy gian khổ nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp của đoàn làm phim của ông đến Việt Nam khi ấy. Đọc những trang sách của ông bạn sẽ nhận thấy rõ một tình cảm gắn bó thân thiết của ông đối với đất nước cũng như con người Việt Nam, nhất là các văn nghệ sĩ Việt Nam – những người gắn bó rất chặt chẽ với đoàn làm phim của ông trong thời gian đó. Chia tay với Việt Nam khi ấy, Roman Karmen viết trong phần kết cuốn sách của mình: “Bảy tháng ở Việt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu đang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân…
Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào.
Những cái bắt tay, những cái ôm hôn cuối cùng với những con người tôi yêu quý. Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói:
“Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với bạn, Việt Nam thân yêu!”
Trong sách, tác giả cũng cho biết đoàn làm phim của ông khi ấy đã dùng phim màu để quay. Bản thân Roman Karmen còn hướng dẫn nhà quay phim Việt Nam Mai Lộc quay bằng phim màu. Về cuối chuyến đi ông còn giao ba hộp phim màu cho Mai Lộc tự xử lý…
Đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy vốn là một trong những học trò cưng của Roman Karmen trong bài viết của nhà báo Hữu Giai có nói một câu: “Nếu thầy tôi còn sống, chắc chắn ông sẽ rất buồn khi biết rằng Việt Nam đã phải mua bản quyền bộ phim đó”. Tiếp theo Trần Văn Thủy còn nhắc lại câu trả lời của Roman Karmen với một nhà báo: “Nếu có điều kiện thăm lại chiến trường xưa, ông sẽ thăm lại Tây Ban Nha, mặc dù trái tim ông để ở Việt Nam…”
Mục lục:
CHƯƠNG 1: Ở Việt Nam mọi người rất mong đợi các đồng chí!
CHƯƠNG 2: Các “thủ tục” biên phòng
CHƯƠNG 3: Đồng chí Hồ Chí Minh
CHƯƠNG 4: “Cẩn thận với vắt”
CHƯƠNG 5 : Máy bay ném bom xuống các thung lũng đang ngủ say của Việt Nam
CHƯƠNG 6 : Đồng chí Khoa lo lắng, chúng tôi đã vi phạm mật lệnh
CHƯƠNG 7: Chúng ta sẽ gặp nhau bên bờ Hoàn Kiếm, Hà Nội
CHƯƠNG 8: Thiếu tá Jaken – con người nhã nhặn
CHƯƠNG 9: Những bài hát vùng châu thổ đầy nắng
CHƯƠNG 10: Thái Nguyên đã hoàn toàn đổi khác
CHƯƠNG 11 : Bộ chỉ huy Pháp cho phép các nhà điện ảnh Xô Viết vào Hà Nội
Tác giả:
Roman Karmen (16/11/1906 – 28/4/1978) là nhà quay phim và đạo diễn phim Xô Viết. Ông được coi là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cuộc đời nghệ thuật của ông rất đa dạng trong các vai trò: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. Những thước phim tư liệu mà Karmen để lại thật sự là những thiên anh hùng ca huyền thoại. Ông từng có mặt và làm phim tại những điểm nóng của thế kỷ XX như Stalingrad trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, nội chiến Tây Ban Nha, cuộc cách mạng Cuba… Ông cũng chính là người thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật màu nổi tiếng Việt Nam. Trước năm 2004, khán giả Việt Nam đã biết đến bộ phim này (bản đen trắng) với tựa đề Việt Nam trên đường thắng lợi.