[ThaiHaBooks] Những người yêu tiếng Việt bình thường và một số tài liệu khi nói đến chữ Quốc ngữ thường nhầm tưởng rằng Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thường gọi là Đắc Lộ), tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ – La in tại La Mã năm 1951 là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Thế nhưng, sự thật chưa hẳn vậy… Bởi theo các nghiên cứu sau này đã làm rõ, ta có thể khẳng định rằng chữ Quốc ngữ ra đời sau một quá trình dài từ năm 1618 đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người chứ không chỉ một người. Và đa số “tác giả” của chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha, người Ý cùng một số người Việt theo đạo Thiên Chúa góp sức.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, bộ chữ Việt ghi âm bằng chữ cái Latin dần dần hình thành trong suốt nửa đầu thế kỷ XVII, nhằm mục đích giúp người phương Tây học tiếng Việt và giúp người Việt học các ngôn ngữ phương Tây được dễ dàng, phục vụ cho sứ mệnh ban đầu là truyền bá tôn giáo tại Việt Nam.
Linh mục Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu để lại bởi chính các giáo sĩ và nghiên cứu về giai đoạn hình thành của chữ Quốc ngữ này. Sự tiếp xúc sâu rộng của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo một phương pháp sử học chặt chẽ, đã khiến tác giả vạch lại một cách cặn kẽ sự biến chuyển của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong tiền bán thế kỷ thứ XVII. Vậy nên mới nói, Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620 – 1659) là một trong những đóng góp đáng kể cho ngành Ngữ học Việt Nam, đồng thời cung hiến cho chúng ta một số dữ kiện mới mẻ về xã hội Thiên Chúa giáo ở Đại Việt trong tiền bán thế kỷ XVII.
Đến thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Để rồi bước sang thứ kỷ XXI, chữ Quốc ngữ tiếp tục trở thành công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam. Ngày nay, nhắc đến sự giàu đẹp của tiếng Việt, đa số chúng ta thường chỉ nghĩ đến sáu thanh: sắc, huyền, ngang, hỏi, ngã, nặng – chất liệu khiến “nói nghe như hát”. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, ta mới thấy tiếng Việt còn đẹp vô cùng bởi cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn; bởi các câu tục ngữ, ca dao; bởi tên địa danh, tên món ăn, đồ uống… Đó cũng là lý do tại sao quyển sách Tiếng Việt ân tình được biên soạn bởi các thành viên trang Tiếng Việt giàu đẹp vừa ra mắt đã nhận nhiều sự yêu quý từ phía độc giả.