[ThaiHaBooks] Cuối năm, lật xấp bản thảo của các thi hữu gửi đến từ đầu năm, còn sót một thi phẩm chưa đọc. Chậm một bình trà khuya, trong không gian tĩnh lặng, tự thưởng mình bằng những vần lục bát của một thi nhân áo nâu chưa bao giờ gặp mặt.
Đọc một hơi 79 đoản khúc, mỗi đoản khúc bốn câu, tưởng chừng mình như hạt bụi bay theo gió cuốn. Nói cách khác, thi phẩm trên tay bạn là cuộc hành trình của một hạt bụi, đi qua chiều dài gập ghềnh của tâm cảnh và thời gian, đi qua cái mênh mông bát ngát của cõi thiền.
Hạt bụi, có khi hóa thân thành cánh chim, cánh nhạn, chiếc lá, hay khói sương, đã lịch nghiệm những cảnh giới ấy theo đường bay của gió. Gió xuân, gió hạ, gió thu, gió đông. Gió được, gió mất, gió vinh, gió nhục, gió khen, gió chế, gió vui, gió buồn... Nhưng đậm nét nhất, có thể nói là gió tình và gió thiền. Nếu được-mất, vinh-nhục, khen-chê, vui – buồn là những cặp vừa tương khắc vừa tương sinh, thì tình và thiền ở đây cũng là một cặp song hành.
Nói thế không có nghĩa trong tình tất có thiền, hay trong thiền tất có tình. Chỉ là nói theo thể cách thiền-tình đề huề của Hàn Long An qua thi phẩm này. Tình yêu thị hóa tâm thiền. Tâm thiền tịnh hóa tình yêu. Hai ngọn gió này, lúc quyện lấy và nâng đỡ nhau, lúc lại lấn lướt loại trừ nhau, trên cuộc đăng trình về chốn miên viễn.
Khởi đầu cho cuộc đăng trình là chuyển động của gió:
Tàn thu buốt lạnh gió lay
Lên non còn nhớ mộng ngày ta xưa
Cánh chim phiêu bạt bao mùa
Chợt nghe vọng tiếng gió lùa sang song
(Cát bụi đường bay)
Và gió khởi đi từ buổi tàn thu, dấy lên cả một trời ảm đạm, làm nền cho một phiến tình lãng đãng khói sương.
Xưa em cột mái tóc thề
Sương khuya đọng ướt đề huề gió đưa
Sáng nay quét lá sân chùa
Chuyện ngày xưa đã theo mùa thu đi
(đoản khúc 3)
Mượn ý giai thoại phướn và gió của Lục Tổ Huệ Năng, ở đây có thể nói theo ngôn ngữ nhà thiền rằng, trong cơn gió bụi ấy, chẳng phải gió hay bụi chuyển động, mà chính là tâm động. Tầm ấy động chuyển từ một khoảnh khắc của tình, và hành giả đang trong nỗ lực chuyển hóa tình yêu nhỏ bé thành năng lượng vô hạn của từ bị tâm. Cuộc chuyển hóa này được vẽ lại bằng những câu lục bát óng ánh sắc màu và âm thanh diễm lệ, trữ tình...
Trong Cát bụi đường bay Giọng thơ của Hàn Long An đã mấp mé chạm tới đỉnh cao của thể lục-bát với lối ngắt câu, phân chữ thật điêu luyện, tài tình. Thả hồn vào tâm điểm của thi phẩm ta mới cảm nhận được sự mạnh mẽ thu hút người đọc “cuốn theo chiều gió.”
…
Một chút nắng hồng trên vai, cũng chẳng nặng nề chi. Nắng hồng ấy, có thể là tình, có thể là huyễn sắc, đã được gió mang đến, phả nhẹ trên vai, sẽ tan biến bất cứ lúc nào, dù có gió hay không có gió. Bởi vì, tâm đã an.
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!