[Thaihabooks] Mục đích của quyển sách này là trình bày phương pháp thực hành thiền quán vipassana. Ðây là một kim chỉ nam thiền tập, là những lời hướng dẫn chi tiết, từng bước từng bước một cho phương pháp thiền quán (insight meditation). Trong quyển sách này chúng tôi chỉ đặc biệt nói về thiền vipassana trong truyền thống Phật giáo Nam tông. Vipassana thường được dịch từ tiếng Pali sang là Minh Sát Tuệ, hay còn gọi là thiền quán. Mục đích của loại thiền này là mang lại cho hành giả một tuệ giác, hiểu được tự tánh của mọi vật và nhìn thấy sâu sắc được sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.
Ðiểm khác biệt giữa thiền quán, vipassana, và những loại thiền khác rất là quan trọng, mà chúng ta cần phải hiểu cho thật rõ điều này. Trong đạo Phật có hai loại thiền (meditation) khác nhau. Chúng khác nhau về phương pháp thực hành, về cách hoạt động, và về những trạng thái tâm thức. Hai loại thiền ấy là thiền quán (vipassana) và thiền định (samatha).
Thiền quán, vipassana, còn được dịch là thiền Minh Sát, có nghĩa là một ý thức, một cái thấy rõ ràng và chính xác về những gì đang xảy ra. Thiền định, samatha, còn được dịch là thiền tĩnh lặng hay thiền chỉ, có nghĩa là dừng lại. Ðây là một trạng thái khi tâm ta tập trung vào một đối tượng duy nhất nào đó, dừng lại, và không đi ra ngoài đối tượng ấy. Khi làm được như vậy, một trạng thái an lạc sẽ lan tỏa khắp thân tâm hành giả. Một trạng thái tĩnh lặng rất sâu sắc mà ta phải tự chính mình kinh nghiệm mới có thể hiểu được. Và đa số thì những phương pháp thiền của chúng ta đều được dựa trên yếu tố định này. Theo phương pháp này thì hành giả tập trung tâm ý mình vào một đối tượng duy nhất nào đó, như là một lời cầu nguyện, một bài kinh, một ngọn nến, hoặc là một linh ảnh nào đó, và loại bỏ hết tất cả những tư tưởng và nhận thức khác ra khỏi tâm thức của mình. Và kết quả là hành giả sẽ cảm thấy một sự hỷ lạc rất lớn, nhưng nó chỉ có mặt cho đến khi ta xả thiền. Cảm giác ấy rất là nhiệm mầu, tốt đẹp, nhiều ý nghĩa, và lôi cuốn, nhưng nó cũng chỉ là tạm bợ mà thôi.
Thiền quán, vipassana, thì chú tâm vào yếu tố kia: tuệ giác. Hành giả thực tập thiền quán chỉ dùng yếu tố định như là một phương tiện, giúp cho chánh niệm của họ có thể lần hồi đục vỡ đi bức tường vô minh, đã hằng che ngăn ánh sáng của thực tại. Ðây là một tiến trình từ tốn và đều đặn. Nó mất nhiều năm tháng, nhưng rồi sẽ có một ngày, một nhát búa của hành giả sẽ làm bức tường vô minh ấy sụp đổ, và không gian chung quanh sẽ ngập tràn ánh sáng. Con đường chuyển hóa được hoàn tất. Ta gọi đó là giải thoát và nó sẽ rất vững bền. Giải thoát là mục tiêu của mọi trường phái trong đạo Phật. Nhưng con đường đi đến đó có rất nhiều lối rẽ khác nhau.
Trong đạo Phật có rất nhiều trường phái khác biệt nhau. Chúng được phân chia ra làm hai dòng tư tưởng lớn là Bắc tông (Mahayana) và Nam tông (Theravada). Phật giáo Bắc tông được truyền qua khắp các vùng Ðông Nam á, ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hóa của những quốc gia như là Trung hoa, Ðại hàn, Nhật bản, Tây tạng và Việt nam. Một tông phái lớn của đại thừa là Zen, được truyền bá sâu rộng ở Nhật bản, Ðại hàn và Việt nam. Và Phật giáo Nam tông thì được du truyền qua những quốc gia miền Nam á và Ðông Nam á như là Tích lan, Thái lan, Mã lai, Lào và Cam bốt. Và quyển sách này là đặc biệt nói về phương pháp hành thiền của Phật giáo Nam tông.
Những kinh điển thuộc truyền thống Nam tông đều có nói đến cả hai phương pháp hành thiền: định (samatha) và quán (vipassana). Kinh điển Pali có nói đến bốn mươi đề mục thiền khác nhau. Ðây là những đề mục dành cho cả thiền định và thiền quán giúp dẫn đến tuệ giác. Nhưng quyển sách này là một kim chỉ nam căn bản, vì vậy chúng ta sẽ giới hạn đề mục của thiền quán vào một đối tượng chủ yếu và cơ bản nhất: hơi thở. Quyển sách này sẽ giới thiệu đến các bạn một phương pháp thực tập chánh niệm qua sự chú ý đơn thuần, và một ý thức rõ ràng về tiến trình của hơi thở. Chỉ cần dùng hơi thở làm một đối tượng thiền quán, là hành giả cũng có thể quán chiếu được hết toàn thể tiến trình nhận thức trong vũ trụ riêng của chính mình. Hành giả sẽ nhìn thấy được những thay đổi đang xảy ra trong mọi kinh nghiệm vật lý, cảm thọ, và tri giác, cũng như những biến chuyển trong chính tâm thức của mình. Tất cả những đổi thay này lúc nào cũng đều đang có mặt trong mỗi kinh nghiệm của chúng ta, trong mỗi giây và mỗi phút.
Thiền (meditation) là sự sống. Nó là một sinh hoạt mà không thể nào được đem ra giảng dạy như một môn học chỉ có tính cách hàn lâm. Trái tim của thiền học phải được xuất phát từ những kinh nghiệm bản thân của chính vị thầy. Tuy vậy, chúng ta may mắn đã có được một số lượng lớn tài liệu về thiền học, được trao truyền bởi những vị có tuệ giác lớn đã từng bước đi trên mặt đất này. Số văn liệu này là một kho tàng quý giá giúp cho sự tu học của chúng ta. Ða số những điểm được nêu ra trong quyển sách này đã được lấy ra từ Tam tạng kinh (Tipitaka), đó là ba bộ kinh điển chứa đựng toàn bộ giáo lý của đức Phật. Tam tạng kinh gồm có Giới luật (Vinaya), những giới cấm dành cho các hàng tăng, ni và cư sĩ, Kinh (suttas), những bài giáo pháp của Phật, và Luận (Abhidhamma), những giáo lý về môn tâm lý học Phật giáo.
Vào thế kỷ thứ nhất, có một nhà học Phật nổi tiếng tên là Upatissa, viết quyển Giải Thoát Ðạo (Vimuttimagga), trong đó ông tóm tắt lại hết những giáo lý của đức Phật đã dạy về thiền tập. Vào thế kỷ thứ năm, có một học giả nổi danh khác là ngài Buddhaghosa, cũng đã viết thêm một bộ luận rất quan trọng về thiền tập, đó là quyển Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga), mà cho đến ngày nay vẫn được xem là một quyển sách gối đầu giường của các thiền giả.
Quyển sách này sẽ giúp bạn đặt một bước chân thật vững vàng trên ngưỡng cửa của thiền tập. Còn những bước chân kế tiếp trên con đường khai phá ra ta là ai và ý nghĩa của sự sống, là hoàn toàn tùy thuộc ở chính bạn. Và đây là một hành trình rất quan trọng. Chúc các bạn sẽ thành công.
Mục lục:
Lời giới thiệu
Tại sao ta lại cần phải thiền?
Thiền khong phải là những gì?
Thiền là gì?
Thái độ
Sự thực tập
Phương cách điều thân
Phương pháp điều tâm
Ngồi thiền
Chuẩn bị trước khi ngồi thiền
Những khó khăn trong lúc ngồi thiền
Đối trị với những xao lãng trong lúc ngồi thiền I
Đối trị với những xao lãng trong lúc ngồi thiền II
Chánh niệm (Sati)
Niệm và Định
Thiền tập trong đời sống hàng ngày
Được gì cho ta
Năng lực của tâm từ
Thông tin tác giả.
Tác giả Ven. Henepola Gunaratana, là một thiền sư nổi tiếng người Sri Lanka, thọ cụ túc giới vào năm 12 tuổi, trong một ngôi chùa nhỏ ở Sri Lanka. Ngài hoàn tất chương trình giáo dục tại đại học Vidyalankara và đại học Phật học ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ngài đã sang Ấn độ để làm việc thiện nguyện cho hội từ thiện Mahabodhi, sang Malaysia làm cố vấn tôn giáo cho hội Sasana Abhivurdhiwardhana, hội từ thiện Phật giáo, Liên đoàn thanh niên Phật tử Malaysia và dạy tại Phật pháp tại thủ đô Kuala Lumpur.
Năm 1968 Thượng tọa Gunaratana đã đến Hoa kỳ làm Tổng thư ký danh dự cho hội Phật giáo Vihara ở thủ đô Washington và giảng dạy Phật pháp tại Mỹ cùng nhiều nơi trên thế giới như Canada, Âu châu, Úc châu và New Zealand.
Hiện nay, ngài là chủ tịch hội Bhavana ở West Virginia, hướng dẫn thiền tập và những khóa tu học tại đây. Ngài đã viết rất nhiều sách dạy về thiền và Phật pháp như: Bát chánh đạo – Con đường đến hạnh phúc (tự truyện), Chánh niệm – thực tập thiền quán là cuốn sách nổi tiếng nhất của Ngài về thiền quán.
Dịch giả Nguyễn Duy Nhiên là một tác giả, dịch giả chuyên dịch các tác phẩm Phật giáo nổi tiếng. Rất nhiều tác phẩm dịch của ông đã trở thành sách gối đầu giường cho các Phật tử, thiền sinh như: Chánh niệm thực tập thiền quán (Henepola Gunaratana – tái bản rất nhiều lần); 30 ngày thiền quán (Jack Kornfield ), Kinh nghiệm thiền quán; Trái tim thiền tập, Lời kinh xưa buổi sáng nay, Đức Phật bên trong, Gửi người bạn tu học, Nơi ấy là bây giờ và ở đây, Thiền quán thực hành….
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!