[ThaiHaBooks] Những người nguyên thủy vốn cầm dao và cung đi săn bắn. Để tăng hiệu quả săn bắn, huyết áp của họ tăng lên như một cách thích nghi sinh tồn. Thế nhưng, người hiện đại hầu như không phải chạy nhiều, họ không có lý do gì cần phải tăng huyết áp cả. Vậy tại sao huyết áp vẫn cứ tăng cao? Việc tăng huyết áp có phù hợp với sự sinh tồn của người hiện đại không? Hay chúng ta bị tăng huyết áp lên chẳng để làm gì cả?
Hiện nay, hầu hết chúng ta ăn đủ ba bữa một ngày, sống trong phòng kín, di chuyển bằng xe, mặc quần áo ấm. Thế nhưng, cơ thể chúng ta vẫn sử dụng những gien tương thích với lối sinh hoạt của con người từ thời nguyên thủy. Điều nay gây ra nhiều vấn đề lớn nhỏ.
Qua cuốn sách “Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại”, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và nhận biết những cơ chế thích nghi nguyên thủy của con người. Từ đó đưa ra những thay đổi trong chế độ ăn, thói quen sinh hoạt để điều chỉnh những cơ chế này cho phù hợp với đời sống hiện đại cũng như đem lại lợi ích sức khỏe tối đa.
Nhìn vào thực tế, chúng ta không thể chăm sóc sức khỏe đúng cách không phải vì thiếu thông tin, ngược lại, có nhiều trường hợp do có quá nhiều thông tin mà gây hại cho sức khỏe. Chúng ta bị loạn trước vô vàn kiến thức về sức khỏe trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ: bên cạnh thông tin cho rằng vitamin C liều cao có công dụng ngăn ngừa ung thư và cảm cúm, thì cũng có thông tin cho rằng bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây hại cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu về sức khỏe hiện vẫn đang mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên cũng thật khó để nhanh chóng đưa ra một góc nhìn khác với những kết quả nghiên cứu trong suốt nhiều năm của các chuyên gia. Vậy rốt cuộc, chúng ta nên nghe theo ai đây?
Có nhiều cách để quan sát cơ thể con người. Bất kể là quan sát theo Đông y, Tây y, Đông Tây y kết hợp hay dựa vào những phân tích khoa học chi tiết thì cũng đều mang đến nhiều góc nhìn khác nhau. Thực tế, việc rút ra những kết quả nghiên cứu đa dạng về sức khỏe với nhiều góc nhìn khác nhau như vậy là cần thiết.
Trong cuốn sách “Cơ thể ta đã hai triệu năm – Giải mã các căn bệnh thời hiện đại”, ngoài việc đưa ra nhiều góc nhìn về sức khỏe, tác giả còn xem xét vấn đề sức khỏe từ quan điểm rằng con người thay đổi, thích nghi, sống sót như thế nào là tùy theo hoàn cảnh. Với lập trường như vậy chúng ta sẽ vượt qua được cái nhìn phiến diện và có cái nhìn thực chất hơn về sức khỏe. Quan điểm này là đúng hay sai, quan điểm kia là đúng hay sai? Chúng ta sẽ không nói như vậy nữa. Thay vào đó là góc nhìn rộng mở về sức khỏe của nhiều người. Hơn nữa, qua góc nhìn như vậy, chắc chắn bạn có thể tự mình phán đoán được những thông tin đúng đắn về sức khỏe, trang bị cho bản thân khả năng tự quyết định.
Mục lục:
Mở đầu: tại sao chúng ta bị đau? 7
PHẦN MỘT: TẠI SAO CƠ THỂ CHÚNG TA ĐỘT NHIÊN SUY NHƯỢC
- Hãy ngừng ngay việc đi săn 17
- Phương pháp thoát khỏi chứng mệt mỏi mạn tính 25
- Sống cùng vi khuẩn thì mới khỏe mạnh được 30
- Cách hấp thu thức ăn làm tăng vi khuẩn đường ruột 34
- Sạch quá thì dễ mắc bệnh 37
- Viêm da dị ứng, tiếng chuông báo động từ cơ thể 41
- Sống chung với các loại vi khuẩn 46
- Tại sao chúng ta lại chán ăn khi bị đau? 49
- Ăn ít và ngủ sớm thì sẽ không mắc bệnh ung thư 53
- Tập thể thao khiến chúng ta già đi 57
- Phơi nắng để nâng cao khả năng ghi nhớ 61
PHẦN HAI: CƠ THỂ CHÚNG TA ĐÃ SỐNG HÀI HÒA NHƯ THẾ NÀO?
- Vấn đề hiếm muộn tùy thuộc vào ý chí quyết tâm 69
- Mang thai là sự cạnh tranh sinh tồn quyết liệt giữa người mẹ và bào thai 72
- Tại sao con người phải duy trì thân nhiệt ở một mức nhất định 79
- Người có thân nhiệt thấp nhạy cảm với sự oi nóng 83
- Trẻ bị sốt cũng không cần uống thuốc hạ sốt 87
- Con người phải sốt để sống 90
- Ba biện pháp chống chọi với mùa đông giá rét 95
- Tại sao bệnh tiểu đường lại nặng hơn vào mùa đông? 98
PHẦN BA: ĂN CÁI GÌ VÀ ĂN NHƯ THẾ NÀO
- Vấn đề của ý thức hay vấn đề của thể chất 105
- Sự thèm ăn của bạn đang bị vi khuẩn điều khiển 113
- Viêm nhiễm dẫn đến béo phì 117
- Bật công tắc gien cảnh báo béo phì 122
- Vẫn tăng cân dù giảm thành phần dinh dưỡng 126
- Carbohydrate là quà tặng hay thảm hoạ đối với con người? 132
- Có phải ăn chay lúc nào cũng đúng? 136
- Những người chết vì ăn súp lơ 140
- Tại sao trẻ nhỏ lại ghét ăn rau? 144
PHẦN BỐN: THAY ĐỔI CÔNG TẮC GIEN THEO Ý MUỐN
- Cơ thể chúng ta có công tắc gien di truyền (1) 151
- Cơ thể chúng ta có công tắc gien di truyền (2) 155
- Điều gì gây ra căng thẳng? 159
- Sống sót giữa bầy đàn 163
- Ai cũng sống vì bản thân 167
- Điều chúng ta cần chính là sự táo bạo 171
- Gien lo lắng là cần thiết đối với sự sinh tồn của chúng ta 174
- Cách bật và tắt công tắc gien di truyền 177
- Tuổi thơ yên bình làm nên con người mạnh mẽ 184
- Chúng ta có thể khỏe lên chỉ bằng suy nghĩ tích cực 188
- Ngày mai thế giới có bị diệt vong thì hôm nay tôi vẫn cứ vui sướng tận hưởng cuộc sống 191
- Không có ngày mai, tôi chỉ sống cho ngày hôm nay thôi 196
- Không có phương pháp chăm sóc sức khỏe nào là tốt tuyệt đối
Trích đoạn sách:
(1) Tại những vùng càng gần với Bắc cực hoặc Nam cực, nhiệt độ càng giảm. Khi đó, cơ thể chúng ta, đặc biệt là phổi bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không tìm cách thích nghi để bảo vệ phổi trước cái lạnh giá buốt của mùa đông, những con người nơi đây không thể nào sống sót được. Họ thích nghi bằng cách sưởi ấm không khí bên ngoài trước khi không khí đó vào phổi, nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương của các tế bào phổi. Muốn vậy, họ phải kéo dài đường đi của không khí để làm ấm luồng không khí đó. Lỗ mũi của họ nhỏ và cao. Và mũi càng dài thì càng dễ làm ấm không khí. Chính vì vậy, người dân ở phía bắc châu Âu có mũi cao và dài. Ngược lại, ở khu vực Đông Nam Á, nơi thời tiết nóng nực, người dân không cần phải làm ấm không khí trước khi hít vào phổi. Vì vậy, lỗ mũi của họ to và rộng, khoang mũi cũng ngắn hơn. Nói cách khác, cơ thể mỗi người có thể tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh sống. Điều này đã được chứng minh từ lâu.
(2) Ngày nay, trẻ em bị mắc những chứng bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng. Đó là những triệu chứng của rối loạn hệ miễn dịch do môi trường sống quá sạch. Trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với vi khuẩn nên hệ miễn dịch bị yếu đi.
(3) Cách để vượt qua bệnh tật không phải là lúc nào cũng chiến đấu và đánh đuổi vi khuẩn. Đối với loài người chúng ta, cách có lợi là tìm ra điểm tiếp cận các loại vi khuẩn đó, bởi những kẻ thù cùng đường, bị chặn đường lui là những kẻ thù đáng sợ nhất.
(4) Khi chúng ta đói bụng, cơ thể thúc đẩy tiết ra chất sirtuin, ngăn ngừa lão hóa. Ngược lại, khi chúng ta cung cấp cho cơ thể quá nhiều dinh dưỡng thì sẽ thúc đẩy đồng hồ sinh học chạy nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Đặc biệt, khi hấp thu những thực phẩm giàu dinh dưỡng, gien đồng hồ sinh học của con người bị bật lên và cá thể đó sẽ bị lão hóa nhanh chóng. Thay vì đổ lỗi cho gien, những người lo lắng về lão hóa hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của bản thân để điều chỉnh gien. Hãy tìm hiểu kỹ hơn những nhân tố như môi trường, thức ăn và thói quen sinh hoạt.
(5) Tôi không rõ bạn có cần một cuộc sống chậm lại và nhẹ nhàng hơn hay không. Theo tôi, bạn cũng nên dành thời gian để nhìn lại, đừng quá mải miết chạy. Chỉ nhìn về phía trước và lao đi như vậy có phải là một nhân sinh quan đúng đắn không? Sống bận rộn, miệt mài có phải là một lối sống tốt trong xã hội hiện nay không? Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì có lẽ chúng ta cần phải lo lắng đến những vấn đề sẽ xảy ra với gien di truyền của mình. Hiếm muộn cũng nằm trong chuỗi vấn đề này.
(6) Khi thân nhiệt giảm 1 độ C, khả năng miễn dịch giảm xuống khoảng 30%. Ngược lại, khi thân nhiệt tăng 1 độ C, khả năng miễn dịch của cơ thể tăng lên năm lần. Thân nhiệt phải
tăng cao lên thì cơ thể mới sản sinh ra những kháng thể có thể chiến đấu với kẻ thù xâm nhập từ bên ngoài như các độc tính, vi-rút, vi khuẩn. Ở một mức độ nào đó, hiện tượng sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình đấu tranh với kẻ địch.
(7) Bệnh béo phì ở trẻ nhỏ là vấn đề nghiêm trọng do số lượng tế bào mỡ được quyết định trước tuổi trưởng thành. Một khi số lượng tế bào mỡ đã được sản sinh ra thì cả đời số lượng tế bào mỡ này cũng không thay đổi. Chỉ có sự thay đổi duy nhất đó là tùy thuộc vào lượng calo mà kích thước của tế bào mỡ to hay nhỏ. Nếu trẻ nhỏ bị hấp thu quá nhiều calo thì sẽ để lại những vấn đề về sức khỏe suốt đời không thể thay đổi được. Đây là lý do mà chúng ta cần phải tuyệt đối cấm trẻ nhỏ ăn thức ăn có lượng calo cao nhằm tránh kích hoạt gien làm tăng số lượng tế bào mỡ.
(8) Phạm vi lựa chọn thức ăn của trẻ nhỏ khá hẹp là bởi các loại vi khuẩn đường ruột của chúng chưa đa dạng. Trẻ nhỏ khó tiêu hóa các loại rau có nhiều chất xơ và cứ thế bài tiết ra.
Khi trong cơ thể không có nhiều vi khuẩn đường ruột, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi ăn những món lạ. Vì thế, trẻ sẽ từ chối những thức ăn khiến chúng cảm thấy khó tiêu. Hiện tượng kén ăn ở trẻ nhỏ là chuyện đương nhiên!
(9) Nếu người mẹ đang mang thai mà ăn đồ nhiều dầu mỡ và ít chất dinh dưỡng thì sẽ làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bào thai. Dù có lượng calo cao nhưng thiếu chất dinh dưỡng nên bào thai nhận thức được việc xuất hiện trên thế gian này là vô cùng khó khăn. Khi đó, công tắc gien tiết kiệm của bào thai trở nên lớn mạnh. Vì thế mà khi đưa thức ăn vào bụng, bào thai sẽ tích lũy năng lượng. Người ta cũng cho biết rằng những bé như thế khi sinh ra sẽ ăn nhiều thức ăn hết mức có thể để tích lũy năng lượng. Vì chúng nhận thức được mình vẫn đói nên sẽ tiếp tục ăn và tích lũy, thành ra khả năng chúng bị béo phì là rất cao.
(10) Đối với con người, hành động chia sẻ thức ăn có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Con người vừa chia sẻ thức ăn với nhau vừa xóa bỏ đi vũ khí của mỗi cá thể. Khác với những loài động vật khác rơi vào trạng thái chiến đấu, bằng cách chia sẻ thức ăn, con người đã truyền cho nhau thông điệp rằng giữa họ không có cuộc chiến vì thức ăn. Hành vi chia sẻ thức ăn cho nhau của con người là một hành động nhằm chấm dứt chiến tranh. Nó xóa bỏ triệt để những căng thẳng mà chúng ta đã có từ trước. Cuối cùng, nó giúp tắt đi gien chiến đấu. Vì vậy, việc chúng ta dành một bữa ăn mỗi ngày cùng gia đình là vô cùng quan trọng. Khi cả gia đình cùng dùng bữa với nhau như vậy, điều đó sẽ mang đến cho mỗi thành viên cảm giác yên bình trong tâm hồn.
(11) Nhà khoa học này đã phân tích, nghiên cứu về trạng thái của gien di truyền trước khi chúng ta rèn luyện suy nghĩ tích cực và sau khi chúng ta rèn luyện suy nghĩ tích cực. Kết quả là có mười loại gien thông thường ít hoạt động đã hoạt động tích cực hơn. Ngược lại, có năm loại gien đã bị chậm lại, hoạt động ít hơn. Điều này là minh chứng rõ ràng cho giả thuyết rằng thông qua sự luyện tập đơn giản mỗi ngày bằng suy nghĩ tích cực và luôn mỉm cười, chúng ta có thể trực tiếp điều khiển được công tắc gien di truyền.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!